Menu Close

The Orient Express

Tuần vừa rồi Hàng Không Mẫu Hạm USS Carl Vinson đến biển Tiên Sa. Ban nhạc ‘The Orient Express’ của Đệ Thất Hạm Đội đã lên bờ trình diễn hai đêm cho công chúng, và một lần tại Hội Nạn Nhân Agent Orange ở Đà Nẵng. Âm nhạc luôn là một phần quan trọng trong quân đội Mỹ, thường được sử dụng như vũ khí ngoại giao. Những chiến sĩ kiêm nhạc sĩ của họ là kết tinh của một truyền thống tuyên vận lâu đời.

orient-express2
Dân Đà Nẵng tràn ngập công viên Biển Đông trong đêm diễn thứ nhì của The Orient Express – nguồn: TLS Mỹ

Thuở xa xưa, trước khi Hoa Kỳ lập quốc, thủy thủ Mỹ đã biết dùng trống nhỏ và sáo (fife) để chơi nhạc-không phải chỉ để giải khuây lúc nhàn rỗi mà chủ yếu để giúp công việc trên tàu đỡ nhàm chán cũng như để ra hiệu lệnh trong lúc giao chiến. Dần dà số “nhạc sĩ bất đắc dĩ” này trở thành dân chơi nhạc chuyên nghiệp. Họ lập ban nhạc riêng, không những để chơi trên tàu mà còn chơi cả trên đất liền. Khi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời thì Hải Quân Mỹ đã có sẵn những ban nhạc đủ khả năng biểu diễn trong các dịp lớn như lễ nhiệm chức Tổng Thống, lễ khánh thành chiến thuyền, tang lễ của tướng lãnh v.v…

orient-express3
Ca sĩ Emily Kershaw đến với khán giả bên bờ sông Hàn – nguồn: TLS Mỹ

Năm 1845, Trường Võ Bị Hải Quân (Naval Academy) được thành lập. Vài năm sau, 1852, Nhạc Ðoàn Hải Quân (Naval Academy Band) ra đời, đánh dấu khởi điểm chính thức nền Quân Nhạc Hoa Kỳ. Khi Nội Chiến bùng nổ vào năm 1860 thì các ban quân nhạc đã phát triển khá mạnh, bao gồm ba binh chủng Bộ Binh, Kỵ Binh và Hải Quân. Nhưng phải đợi đến năm 1925 một nhạc đoàn đại diện cho cả nước mới được thành lập mang tên ‘US Navy Band’, chuyên phụ trách các buổi lễ lớn cấp quốc gia. Ngày nay hai nhạc đoàn US Navy Band và Naval Academy Band được liệt vào hàng Premier Band, đóng đô tại Virginia gần Washington DC.

Ngoài hai nhạc đoàn thượng thặng kia ra, mỗi hạm đội (Fleet) của Hải Quân Mỹ cũng có nhạc đoàn riêng của họ, phân bố theo khu vực hoạt động. Những nhạc đoàn này được gọi là Fleet Bands và được chia làm hai nhánh: quốc nội và quốc ngoại. Nhánh quốc nội được đặt rải rác tại các căn cứ hải quân trên khắp nước Mỹ như San Diego, Seattle, New Orleans v.v. Nhánh quốc ngoại được phân ra hai nhóm chính: Âu Châu và Thái Bình Dương.

orient-express
Giao lưu văn hóa ẩm thực: các đầu bếp trên tàu Carl Vinson học nấu Mì Quảng. Đứng giữa là bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh Sự Sài Gòn – nguồn: TLS Mỹ

Trong số các nhạc đoàn lớn tại quốc ngoại có một đoàn mang tên Pacific Fleet Band, thuộc Hạm Ðội Thái Bình Dương, đặt căn cứ tại Hawaii. Ban nhạc nổi tiếng nhất trong nhạc đoàn này là Unit-22, làm việc trên chiến hạm United States Ship ‘USS Arizona’ đóng đô tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) năm 1941. Vài tuần trước khi bị Nhật tấn công, Unit-22 và một số ban nhạc khác vẫn còn đang ở trên chiếc USS Arizona tập dợt cho cuộc tranh tài “Battle of Music”. Unit-22 đã lọt vào vòng chung kết và đang chờ đến ngày 13/12 để thi đấu trận chót. Ai ngờ sáng ngày 7/12 chiếc USS Arizona bị đánh chìm, toàn bộ ban nhạc Unit-22 đã anh dũng hy sinh tại ổ súng số 1 trong lúc tải đạn cho đồng đội. Vài tuần sau đó, tất cả các ban nhạc trong cuộc thi đều đồng ý trao giải nhất cho Unit-22, và đổi tên chiếc cúp thành “Arizona Trophy” để tưởng niệm họ.

orient-express1
Ban Orient Express giúp vui cho các em nạn nhân Agent Orange tại Đà Nẵng – nguồn: TLS Mỹ

Ðệ Thất Hạm Ðội của Hải Quân Hoa Kỳ, đại bản doanh đặt tại Yokosuko (Nhật) và bao gồm vùng biển Ðông của Việt Nam, cũng có một nhạc đoàn riêng mang tên 7th Fleet Band. Nhạc đoàn này gồm nhiều ban nhạc lớn nhỏ khác nhau, phụ trách những buổi sinh họat văn nghệ đủ kiểu, đủ cỡ – như Brass Quintet (5 cây kèn đồng), Woodwind Trio (3 cây kèn gỗ), Pacific Ambassadors Showband (dàn nhạc lớn 20 người), Orient Express (rock/pop) v.v…

orient-express6
Đại nhạc sĩ John Coltrane khi mới nhập ngũ, 1945. nguồn: US Navy

Sang thế kỷ 20, xét thấy nhu cầu quân nhạc ngày càng cao, năm 1935 Nhạc Viện Hải Quân (Naval School of Music) được thành lập để đào tạo nhạc sĩ phục vụ cho quân đội. Ðây là trường nhạc chính quy, dạy nhạc lý từ căn bản cho đến bậc Cao Học. Sau khi ra trường, nhạc sinh được thuyên chuyển đến các đơn vị khắp nơi. Nổi tiếng nhất trong đám là đại nhạc sĩ Jazz thượng thừa John Coltrane, thổi saxophone, từng đóng quân ở Pearl Harbor. Ngày nay các ban nhạc ra từ lò Nhạc Viện Hải Quân có thể chơi nhiều thể loại khác nhau—từ jazz blues rock cho đến nhạc quân hành. Nhiều người sau này trở thành nhạc trưởng hay giáo sư giảng dạy. Ða số nhạc sĩ đều biết chơi hơn một nhạc khí.

Thành ra lúc xem Orient Express trình diễn ta không nên ngạc nhiên khi thấy tay đánh keyboard còn biết đánh guitar và hát. Hoặc là tay thổi trumpet cũng biết rap. Ðặc biệt cô ca sĩ Emily Kershaw không những hát tiếng Anh mà còn hát được cả tiếng Việt. Trong bài “Hello, Vietnam” của Phạm Quỳnh Anh, Kershaw đã hát bằng hai thứ tiếng làm thiên hạ phục sát đất. Và khi cô hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” của Trịnh Công Sơn hoàn toàn bằng tiếng Việt thì dân ta thích quá, vỗ tay ầm ĩ.

orient-express4
Hình bìa dĩa nhạc nổi tiếng “Blue Train” của John Coltrane

Phải công nhận khi các ban nhạc Hải Quân Hoa Kỳ đi lưu diễn ở nước ngoài họ luôn tìm cách kết hợp với văn hoá của nước người. Các buổi diễn nhạc như vầy không chỉ để giúp vui cho dân bản xứ mà còn là cơ hội cho chính phủ Mỹ gởi gắm những thông điệp ngoại giao hay chính trị mà họ muốn. Có những bản nhạc thoạt nghe tưởng không có ý tuyên truyền, nhưng nếu xét chúng trong bối cảnh địa chính trị đương thời rất có thể họ đã lồng trong đó những thông điệp ngầm. Chẳng hạn như bài “Come Together” của The Beatles mà The Orient Express đã hát đến hai lần ở Ðà Nẵng, có những câu khá thẳng thừng:

“I know you. You know me. One thing I can tell you is you’ve got to be free. Come together right now, over me!”

Tạm dịch: Tôi biết anh. Anh biết tôi. Ðiều tôi muốn truyền đạt là anh phải có tự do. Hãy đến với nhau, liền bây giờ, cùng với tôi!

Hoặc bài “Ex’s and Oh’s” của Elle King với những lời dụ dỗ như:

“One two three, they’re gonna run back to me. ‘Cause I’m the best baby they never got to keep.”

Tạm dịch: Một hai ba, rồi chúng cũng chạy trở về với ta, vì ta là người yêu mà chúng chưa nắm giữ được.

Dĩ nhiên ta không thể khẳng định đây là những thông điệp cố ý chứ không phải những câu hát trùng hợp ngẫu nhiên. Thế nhưng, dựa vào các bản nhạc tiếng Việt được lựa chọn cũng như công sức ban nhạc phải bỏ ra để luyện tập trước khi “đổ bộ” lên Việt Nam, ta có thể phỏng đoán rằng danh sách và nội dung các bản nhạc trong chương trình đã được ban tổ chức duyệt xét kỹ lưỡng nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Nghĩ cho cùng, chuyến viếng thăm lịch sử của USS Carl Vinson rõ ràng là một nước cờ trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ trên biển Ðông. Nếu The Orient Express thật sự được giao phó nhiệm vụ phải chơi những bản nhạc được nhiều người Việt yêu thích, lời lẽ có khuynh hướng chiêu dụ lòng dân, thì cũng dễ hiểu thôi.

orient-express5
Nhạc sĩ thổi kèn Trumpet trong ban Orient Express – nguồn: TLS Mỹ

Ngược lại, về phía Việt Nam ta thấy có một sự tương phản rõ rệt. Trước hết, chương trình văn nghệ đêm thứ nhì với màn “giới thiệu lãnh đạo” dài dòng đã làm cho cái không khí vui nhộn tự nhiên của đêm đầu vơi đi rất nhiều. Rồi đến các cô ca sĩ mặc áo đầm xòe múa may trên sân khấu ở công viên Biển Ðông, dưới ánh đèn lập loè xanh đỏ trông… “sến” hết sức, khác xa phong cách gần gũi bụi đời của ban nhạc Mỹ bên bờ sông Hàn hai đêm trước. Ðã vậy phe ta còn mở màn bằng bài “Time To Say Goodbye” (Ðã đến lúc chia tay), như thể muốn nhắn nhủ với Hoa Kỳ “Thôi, anh đi về đi” (kẻo thằng bạn vàng hàng xóm của em nó phiền?!)

Trong số khán giả đêm thứ nhì ta biết có các nhân vật cao cấp đến từ Tòa Lãnh Sự Mỹ vì chính họ đã livestream chương trình cho ta xem. Không hiểu họ đã nghĩ sao về những “thông điệp ngầm” đến từ phía Việt Nam. Nhưng một điều rất rõ là người dân Ðà Nẵng nói riêng, và những người Việt theo dõi livestream trên Facebook nói chung, hầu hết đều hân hoan khi thấy chiến hạm Mỹ cập cảng Việt Nam, và ai ai cũng thích thú với màn diễn xuất của The Orient Express.

Bàn cờ địa chính trị ở biển Ðông ngày càng phức tạp. Ðường lưỡi bò của Tàu ngày càng lấn sâu vào lãnh hải Việt Nam. Là người Việt ai cũng lo lắng trước hiểm họa Bắc thuộc lần thứ ba. Chẳng trách bà con ta đã vô cùng “hồ hởi phấn khởi” khi nghe một chị người Mỹ cất tiếng (lơ lớ) kêu gọi:

Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam 

Chị hát thật lòng hay không thì ta chẳng thể nào biết, nhưng trước mắt mọi người hãy tập vỗ tay sao cho đúng nhịp cái đã. Chuyện gì khác từ từ tính!

-IANBUI