Những trang báo cuối năm Ðinh Dậu 2017 bắt qua những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, nói nhiều đến biến cố Tết Mậu Thân (1968) ở quê nhà. Những người Việt muôn phương đang sống đời hải ngoại mà lòng canh cánh quê xa khi chia tay năm cũ, đón năm mới về…
Trong tâm thức xa xôi, tôi nhớ lắm dáng mẹ tôi ngồi gọt mấy củ thủy tiên năm Tết Mậu Thân. Món quà tết mà khi ấy còn nhỏ quá nên tôi cũng không rõ xuất xứ, chỉ nhớ mẹ tôi ngồi gọt mấy củ thủy tiên với sự trân quý và cẩn thận của mẹ. Ðôi lời giải thích của mẹ với tuổi thơ tôi như những cánh chuồn chuồn lượn lờ ngoài khung cửa nắng tràn… Mẹ nói, “Gọt sao cho hoa nở vào đêm giao thừa rạng sáng mồng một con ạ!”
Thế thì, tôi suy ra, phải tiên đoán cho từng củ già non ra sao để gọt dầy dao hay mỏng tay cho hoa nở đều… Những loáng thoáng còn nhớ có lẽ do khi chạy giặc về thì chậu hoa thủy tiên đã khô héo trên bàn lớn ở phòng khách. Nóc nhà thủng mấy lỗ lớn nhỏ do mảnh bom hay đạn pháo kích, vườn tược xác xơ, con chó Mực hoang mang đón chủ trở về như hờn như giận để nó đói trơ xương sườn; con gà trống oai phong lẫm liệt cất tiếng gáy trưa như Út Trà Ôn hát vọng cổ say…
Cái Tết Mậu Thân năm 1968 còn lại trong tôi những ký ức nhạt nhoà của một chú bé đã năm mươi năm thời gian trôi qua là ký ức về sự điêu tàn của chiến tranh qua hình ảnh chậu hoa thủy tiên khô héo, con chó Mực ốm tong, con gà trống gáy nhừa nhựa như cái băng hát nhão nhẹt bên nhà hàng xóm trưa trưa hay vọng sang nhà tôi khúc hát, “Trời ơi trời quá cao nên trời đâu thấu hiểu. Ở dưới trần gian có thằng say còn biết đắng cay nên vội tìm đến đây để bày tỏ đôi lời…”
Nhưng thủy tiên và mẹ ấm mãi trong lòng khi hồi tưởng lại, nhất là mùa xuân đang về, lòng hoài hương đang ắp lẫm tim gan… Mẹ dạy cho con nhận thức về cái đẹp, hiểu biết về một loài hoa sao mà dễ thương theo chuyện kể của mẹ. Dù chỉ là những thêu dệt theo trí tưởng người mẹ, hay truyền thuyết mà mẹ đã được bà ngoại kể cho nghe khi mẹ còn thơ. Ôi chao, loài hoa thanh cao, sang cả đến trong mơ, làm nên giấc ngủ trưa mới ngon và ngoan làm sao cho chú bé không trốn đi chơi nắng để lại bị đòn. Ðể nửa thế kỷ sau, con thắp nén hương đầu năm dâng lên mẹ hiền, ngồi ngắm linh vị của mẹ, nhớ lại nhiều kỷ niệm đòn roi lẫn thân thương… nhớ hoa thủy tiên theo làn khói hương thương kính mẹ…
Mẹ biết không?
Thuỷ tiên đẹp não nùng. Ðẹp từ rễ, củ, đến lá và hoa đều là tuyệt phẩm của thiên nhiên. Rễ thủy tiên trắng tinh khôi, lá thủy tiên thon dài xanh mướt, cánh hoa mảnh mai, trắng ngần, tinh khiết, nhụy hoa vàng ngát hương… Chắc mẹ người Hà Nội nên yêu hoa thủy tiên khiêm nhường mà tuyệt sắc, như con được sanh ra trong Nam nên yêu mai chiếu thủy cứ úp mặt xuống nước như bóng thuyền quyên chờ người quân tử. Hoa thủy tiên chờ ai, vì sao không ngẩng mặt nhìn đời với nét kiêu sa của loài hoa trưởng giả? Mai chiếu thủy quê mùa nơi miền sông nước phương Nam, nhưng mãi là hình ảnh quê nhà thanh hương, đằm thắm trong tâm tư con…
Xuân này con kính dâng lên mẹ hiền theo làn hương khói tỏa một truyền thuyết về hoa thủy tiên trong thần thoại Hy Lạp. Chắc mẹ không vừa lòng với quan niệm của mẹ là cái gì tuyệt sắc cũng phải tiến cung, dâng lên vua, theo tư tưởng thần dân và thiên tử. Chắc mẹ sẽ không tin hoa thủy tiên là hiện thân của một mỹ nam tử chứ không phải nàng tiên giáng trần để tiến cung vua… Nhưng điều mẹ nơi chín suối hay trên thiên đàng sẽ tin lòng con thơ vẫn tưởng nhớ đến mẹ nhiều trong không khí linh thiêng của ngày đầu năm. Cho dù con đang ở rất xa quê nhà thì khoảng cách địa lý giữa nơi chôn nhau cắt rốn và muôn phương, sự đối lập tư tưởng của nhân loại phân hoá đều là chuyện con người hoang tưởng mà ra…
Bên Hy Lạp xưa kể về hoa thủy tiên như thế này mẹ ạ!
Chàng Narcissus là con trai của thần sông Cephissus và nữ thần Liriope. Chàng có vẻ đẹp kỳ bí của đàn ông mà các vị thần của Hy Lạp không ai có thể sánh với chàng được. Narcissus đẹp đến nỗi, nữ thần Liriope mẹ chàng lo sợ vẻ đẹp ấy sẽ làm hại con trai mình, nên nữ thần đã sai người cất giấu đi tất cả gương soi trong nhà. Vì thế Narcissus đã có cuộc sống yên bình bởi chàng không hề hay biết gì về khuôn mặt tuyệt hảo của mình.
Vẻ đẹp của Narcissus đã khiến nữ thần Echo thầm thương trộm nhớ. Nhưng mãi mãi Echo chỉ có thể yêu Narcissus với một mối tình câm. Bởi chàng luôn tỏ ra lạnh lùng lãnh đạm, chàng sẽ không bao giờ đáp lại tấm tình của nàng Echo.
Cho đến một ngày kia, Narcissus đi dạo trong rừng. Khi đến bên hồ nước trong veo, chàng soi mình xuống nước mới biết vẻ đẹp của gương mặt chàng hoàn hảo đến nỗi Narcissus không thể yêu ai khác hơn hình ảnh của chính mình phản chiếu qua mặt hồ. Nhưng Narcissus chạm tay vào gương mặt mình thì chỉ cảm nhận được làn nước giá lạnh, khuôn mặt khả ái của chàng đã tan ra thành những gợn sóng… Narcissus buồn bã đến tuyệt vọng vì người hoàn mỹ ấy cũng đang chạy trốn chàng? Ðến khi các sóng nước lặng đi, khuôn mặt tuyệt đẹp của chàng lại xuất hiện, Narcissus lại say sưa ngắm nhìn mình. Nhưng cái bóng chỉ là hư ảnh, hễ đụng vào là tan biến, nó hiển hiện ngay trước mắt mà vẫn luôn nằm ngoài tầm tay…
Ngày qua ngày, đêm qua đêm, Narcissus không hề rời đi một bước. Chàng vẫn quỳ bên hồ, đắm đuối nhìn ngắm và thì thầm bày tỏ với vị thần trong hồ là người mà chàng đã yêu say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng tình yêu ấy sẽ mãi mãi không được đáp lại vì nữ thần hồ không có suy nghĩ như Narcissus…
Mùa qua mùa, Narcissus không chịu rời đi một bước. Cho đến khi gục xuống, Narcissus vẫn không ngừng thì thầm gọi tên mình: “Narcissus… Narcissus…” Cuối cùng, bên bờ hồ chỉ còn lại một thân xác khô kiệt, cùng với âm thanh vọng từ đá núi “Narcissus… Narcissus…”. Ðó chính là tiếng của nữ thần Echo (Tiếng Vọng) đang khắc khoải gọi tên chàng Narcissus.
Bên hồ, nơi chàng gục xuống mọc lên một đoá hoa trắng trong như tuyết với nhụy vàng và hương thơm ngạt ngào. Bông hoa này luôn cúi xuống để ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của chính mình. Bởi vậy những nàng tiên trong rừng đã gọi đó là hoa Thủy Tiên (Narcissus).
Người phương Tây nhắc đến câu chuyện chàng Narcissus như một sự tích về loài hoa tuyệt hảo, mỹ lệ, nhưng chỉ biết yêu thương bản thân. Vẻ đẹp ấy dẫu hoàn hảo đến đâu, tuyệt vời đến mấy, thì cuối cùng vẫn chỉ như hoa trong gương, như trăng dưới nước.
Nhân sinh thủy nguyệt kính hoa không ít. Nên càng dệt nhiều mộng đẹp, mơ tưởng hão huyền bao nhiêu thì khi tỉnh thức mới ngỡ ngàng mộng nhân. Nếu tất cả cái đẹp của thế gian chỉ phù du như ảo ảnh. Vậy ích kỷ cá nhân, yêu thương, quan tâm đến mỗi bản thân thôi! Những cuộc đời ấy khó tránh khỏi bi kịch tự tạo.
Thế nên, nhà văn Ireland là Oscar Wilde đã viết thêm phần kết cho câu chuyện chàng Narcissus, “Cái đẹp chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cho người, chứ không phải chỉ làm cho ta rạng ngời…”
Phần kết trong câu chuyện của Oscar Wilde, được thuật lại qua lời văn của Paulo Coelho trong tác phẩm “Nhà giả kim” như sau: Narziss xinh trai vẫn ngày ngày soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mình. Chàng say mê chính mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà, ngã xuống hồ và chết đuối. Thế là từ nơi đó mọc lên một bông hoa đẹp, mang tên chàng. Sau khi chàng chết, những nàng tiên trong rừng hiện ra, thấy hồ nước ngọt kia giờ đã biến thành một đầm lầy mặn vì nước mắt.
Các nàng tiên hỏi,“Vì sao em khóc?”
“Vì em thương tiếc chàng Narziss”, hồ nước đáp.
“Phải rồi. Các chị chẳng ngạc nhiên tí nào. Và tuy tất cả chúng ta đều theo đuổi chàng nhưng chỉ mình em được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của chàng.”
“Chàng xinh trai đến thế ư?” hồ nước ngơ ngác hỏi. “Còn ai biết điều này rõ hơn em chứ? Ngày nào chàng chẳng cúi người soi gương trên mặt hồ…”
Hồ nước im lặng với suy tư, “Ðúng là em khóc chàng Narziss, nhưng em chưa bao giờ để ý rằng chàng đẹp trai đến thế. Em khóc chàng vì mỗi lần chàng soi người trên mặt hồ thì em mới thấy được nhan sắc của chính em hiện rõ trong đôi mắt chàng”…
Ðầu xuân đọc thần thoại Hy Lạp về hoa thủy tiên. Bỗng nhớ nhà, nhớ mẹ đã quá vãng từ lâu. Nhưng râm ran trong ký ức, lan tỏa ra dòng đời nhiều quan niệm sống không giống nhau để gọi là cuộc đời không không sắc sắc, không yêu mình thì trời tru đất diệt nhưng yêu quá bản thân đến ích kỷ thì kết cục cũng không có hậu. Vì cái đẹp chỉ có ý nghĩa khi nó giúp người, chứ không phải chỉ làm cho ta rạng ngời…
Có lẽ đời sống không cần thiết đến sự hoàn hảo, tuyệt đối quá sẽ là bức tường ngăn cách với cộng sinh. Chỉ cần sống thực với sự không trọn vẹn thì mới có cơ hội sẻ chia với cuộc đời nhân bất thập toàn…
P