Menu Close

Từ những hồi ức một thời

Chiều Chủ Nhật, nói chuyện với Thanh Trúc về âm nhạc Trầm Tử Thiêng, hai anh em được dịp nhắc lại ca từ Bước Chân Việt Nam

Ngày nào Việt Nam tang tóc, đời ta chim xa bầy

Nặng nề xoải đôi cánh bay, thiên đường càng xa vời quá.

Là thời thuyền ghe chết đuối, biển sóng gió tơi bời

Nhận chìm đời không tiếng than, ước mơ cuốn theo nghiệt oan

Suốt hai mươi năm qua, ta vẫn nhớ trước sau đời ta

Suốt hai mươi năm qua, ta vẫn nhớ trước sau đời ta

Ðúng là, nhiều chục năm qua, chúng ta vẫn nhớ những kỷ niệm của một thời. Không nhớ sao được – máu thịt của ta. Từ những mảng hồi ức đó chúng ta bắt đầu xây dựng lại. Ðã hơn một lần Nguyễn viết trên những trang tản mạn của mình… Thế rồi với hai bàn tay và khối óc, chúng ta tìm được công ăn việc làm, tạo nên nhà cửa xe cộ, tương lai con cái, dựng lên phố xá, những khu thương mại, những cơ sở giáo dục, đền chùa, giáo đường…

tu-nhung-hoi-uc-mot-thoi
Tuổi nào cũng bị lôi cuốn bởi những hình ảnh, vật phẩm trưng bày tại cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu chuyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ðể giữ lại những hồi ức của một thời và để nhắc nhở những người trẻ hôm nay đừng quên công  khó, mồ hôi nước mắt và cả xương máu của cha anh đã dựng lên đời sống này – một cuộc triển lãm đã được tổ chức. Nhà báo Ðằng Giao của tờ Người Việt đã ghi lại hình ảnh và tâm tình của cuộc triển lãm.

Ðằng Giao viết:

“Ngay ngày khai mạc hôm Thứ Bảy, 24 Tháng Hai vừa qua cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu Chuyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo) đã thu hút rất đông người đến thưởng lãm tại bảo tàng viện Richard Nixon Presidential Library & Museum, Yorba Linda. Ðây là cuộc triển lãm do Viện Bảo Tàng Nixon Library Museum cùng với Giáo Sư Linda Trinh Võ thuộc trường đại học UC Irvine, Giám đốc Dự Án “Câu Chuyện Việt: Lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt” và cô Trâm Lê, cố vấn ngoại vụ về nghệ thuật và văn hóa của thành phố Santa Ana, đồng tổ chức”.

Và nhà báo Ðằng Giao đã ghi lại nội dung của cuộc triển lãm. Với những món đồ cũ kỹ, từ những tấm hình trắng đen cong oằn, ghi lại hình ảnh của những người Mỹ gốc Việt từ khi còn ở Việt Nam, đến lúc ở trại tị nạn, đan xen cùng những tác phẩm nghệ thuật khác để tất cả cùng kể lại câu chuyện bỏ nước ra đi bằng hành trình vượt biển, nỗ lực làm lại từ đầu tại Mỹ và sự thành công của những người di tản Việt Nam.

Xin hãy tưởng tượng: Khách đến xem triển lãm gồm đủ mọi sắc dân, mọi lứa tuổi tấp nập chen chân để săm soi từng hiện vật, từng bức tranh tại phòng trưng bày. Có người ngạc nhiên, thích thú, có người trầm buồn hồi tưởng nỗi kinh hoàng đã trải qua trong quãng thời gian đen tối nhất đời mình. Ðiều ngộ nghĩnh, đáng yêu, đáng khích lệ là những thanh thiếu niên lại là người giải thích cho ông bà, cha mẹ hiểu ý nghĩa của sự kiện qua những vật phẩm trưng bày, bởi vì… các em đọc được tiếng Anh. Nói khác đi, các bậc lão thành được nghe con cháu giải thích về những kinh nghiệm mà chính mình đã trải qua.

Em Jason Nguyễn, 16 tuổi, ở Anaheim, bẽn lẽn nói: “Xưa nay, em cứ nghĩ là cha mẹ em ở Việt Nam, lên máy bay rồi qua đây thôi. Không ngờ họ đã nhiều lần suýt chết mới được là công dân Mỹ. Em thấy mình rất may mắn có ngày hôm nay.” Có em như em Tina Lê 17 tuổi, ở San Diego, cho biết không muốn học tiếng Việt nhưng rồi em hiểu cha mẹ em muốn em hãnh diện về nguồn gốc mình, nên em đã chiều lòng cha mẹ.

Nhiều người ở mọi thế hệ đều cảm thấy xúc động khi chứng kiến cuộc hành trình tìm sự sống này. Như bà Lương Thị Bích Huyền, cư dân San Juan Capistrano, rưng rưng cảm xúc: “Tôi như sống lại thời gian bỏ nhà cửa, bỏ quê hương, liều mạng vượt biển để sang đến trại tị nạn ở Thái Lan rồi phải chầu chực chờ phát chẩn để có miếng ăn. Nghĩ lại, tôi còn rợn người.” Bà cười: “Dân mình tài thật. Ðã vượt qua tất cả.”  Cô Susan Thái, sống ở Los Angeles, nói: “Con gái tôi gọi điện thoại gọi tôi đến đây. Nó nói, ‘Má phải tới liền. Ba cũng đang trên đường rồi. Má coi, rồi má sẽ khóc.’” Bà chùi nước mắt: “Con tôi đoán không sai.” Anh Benjamin đại học Fullerton, gật gù: “Bây giờ tôi mới phần nào cảm nhận được sự can đảm phi thường của người Việt Nam. Họ mất tất cả, từ tài sản đến ngôn ngữ, văn hóa. Nhưng họ làm lại tất cả.” Và anh nhận xét: “Thảo nào họ muốn con cháu phải học giỏi, như vừa có chức phận trong xã hội, và vừa để khẳng định sự hiện hữu của mình trong một đất nước xa lạ.”

Dịp này mọi người đều lên tiếng phát biểu, từ ban tổ chức đến quan khách. Tất cả cùng đóng góp bằng kỷ niệm hoặc đắng cay, chua xót, hoặc ngộ nghĩnh, dễ thương trong những buổi đầu bỡ ngỡ trên đất Mỹ còn quá xa lạ của mình, nhưng tất cả cùng hòa quyện thành một tiếng nói chung, tiếng nói kiêu hùng bất khuất đầy sức sống và quật khởi của dòng giống Lạc Hồng.

tu-nhung-hoi-uc-mot-thoi1
Cả nhà cùng chăm chú nhìn ngắm những hình ảnh, vật phẩm trưng bày tại cuộc triển lãm Viet Stories: Recollections & Regenerations (Câu chuyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Phòng trưng bày, càng lúc, người xem càng đông. Cứ nhìn những gương mặt vừa rạng rỡ, vừa thoáng buồn cũng thấy được sự thành công của cuộc triển lãm. Ðể kết thúc, tác phẩm nghệ thuật cuối cùng được chọn treo nơi cửa ra là hình ảnh một cây đại thụ thân bị chẻ làm tư mà vẫn đứng thẳng với cành lá xum xuê vươn lên. Ðó là bức tranh sơn dầu vẽ cây cổ tùng của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng.

“Loại tùng này có tên Mỹ là Bristlecone pine, có khả năng sinh tồn trên vùng núi cao, nơi có đất đai khô cằn nhất, trong khí hậu khắc nghiệt nhất mà sống trên 4,000 năm là thường,” họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết. Ông thêm: “Ban tổ chức muốn đây là hình ảnh quan khách nhìn thấy trước khi ra về. Sau những bằng chứng về những cam go, thử thách mà người Việt tị nạn phải trải qua, hình ảnh một cây tùng hơn 4,000 năm mà còn trổ cành, trổ lá, trổ hoa như một niềm tin vững chắc vào ngày mai tươi sáng của dân tộc Việt.”

Theo nhà báo Ðằng Giao, buổi triển lãm trưng bày hàng trăm hiện vật quý hiếm được thu lượm và đóng góp từ nhiều nơi trên thế giới và những tác phẩm nghệ thuật của nhiều họa sĩ ở Cali.

Cảm ơn. Cảm ơn những vị đã tổ chức cuộc triển lãm Recollections & Regenerations (Câu Chuyện Việt: Hồi Tưởng & Tái Tạo). Cảm ơn nhà báo Ðằng Giao của Người Việt. Cảm ơn họa sĩ Ann Phong với biển sóng gào trong tranh và Nguyễn Việt Hùng với cây cổ tùng thân xẻ làm tư đứng giữa trời. Cảm ơn ngày nào Việt Nam tang tóc. Cảm ơn. Nước mắt tuôn rơi.

TN