“Concert for George” là đêm nhạc tại đại hí viện Royal Albert Hall ở London vào ngày giỗ đầu của cựu thành viên Beatles George Harrison, 29/11/2002. Đây là một chương trình âm nhạc quy mô, quy tụ nhiều bạn bè nghệ sĩ của George và đã được thu âm, thu hình và làm thành phim.

Năm nay, nhân dịp sinh nhật thứ 75 của George, gia đình Harrison đã cho phát hành lần đầu tiên trên dĩa nhựa hạng nặng 180mg toàn bộ buổi nhạc này, đồng thời cho lưu diễn trình chiếu phim “Concert for George” tại một số rạp hát chọn lọc trên nước Mỹ. Trong vùng Dallas-Fort Worth, phim đã được chiếu tại rạp Angelika ở Plano đêm 27/2, hai ngày sau sinh nhật của George Harrison.
Các nhân vật chủ chốt của chương trình này là những người thân của George như vợ ông—Olivia Harrison, và con trai Dhani Harrison. Người điều khiển phần âm nhạc không ai khác hơn người bạn thâm niên của Harrison thuở sinh thời và cũng là tay guitar đại tài Eric Clapton. Ðảm nhiệm phần sản xuất ngoài Olivia Harrison ra còn có Jeff Lynne, nhạc sĩ nòng cốt của ban Electric Light Orchestra (ELO) và từng chơi nhạc chung với George trong ban nhạc Traveling Wilburys vào cuối thập niên 1980.

Thành phần nhạc sĩ đóng góp trong chương trình, ngoài những tên tuổi nói trên còn có một số bạn bè và đồng nghiệp của George như Billy Preston—tay đàn Organ từng hợp tác với Beatles trong dĩa “Let It Be”. Như Tom Petty (mới mất năm ngoái)—cựu thành viên của Traveling Wilburys. Như tay đánh bass Klaus Voorman người Ðức, bạn với ban Beatles thuở thiếu thời trước khi họ thành danh, sau này chơi bass trong các dĩa solo của cựu-Beatles như “Imagine” (Lennon), “All Things Must Pass” (Harrison), “Ringo” (Starr). Và dĩ nhiên chương trình không thể thiếu sự góp mặt của Ringo Starr và Paul McCartney, hai thành viên còn lại của The Beatles.
Ðặc biệt còn có mặt đại nhạc sĩ Ravi Shankar (mà George coi như cha đỡ đầu) và cô con gái Anoushka Shankar cùng dàn nhạc Ấn Ðộ mấy chục người. Những ai quen thuộc với tiểu sử George Harrison đều biết anh là một người am tường triết lý Ấn Ðộ Giáo cũng như biết đánh đàn Sitar khá thuần thục. Khi còn chơi trong ban Beatles anh đã có một số sáng tác sử dụng đàn này và các loại trống của người Ấn như Tabla. Từ góc nhìn của người phương Tây, có thể đó chỉ là những sở thích ngẫu nhiên của một nhà nhạc sĩ phóng khoáng, thích tìm tòi học hỏi. Nhưng biết đâu trong một kiếp trước nào đó George từng là người Ấn Ðộ, thậm chí là một nhạc sư?

Nhân nhắc đến thuyết luân hồi, ngoài phần âm nhạc, chương trình còn có hai màn hài hước do ban Monty Python diễn xuất (với sự góp mặt của diễn viên Tom Hanks của Mỹ). Lý do là thuở sinh thời George rất khoái coi Monty Python. Thậm chí anh từng nói rằng rất có thể linh hồn của ban Beatles đã được đầu thai vào ban hài kịch Monty Python vì khi Beatles rã đám cũng là lúc Monty Python ra đời!
Tuy “Concert for George” quy tụ toàn những tên tuổi lớn nhưng ta cảm thấy nó có một không khí thật ấm cúng, như một cuộc họp mặt của một đại gia đình. Nó có vẻ trang nghiêm của một đám giỗ, đồng thời cũng đầy dẫy tiếng cười của những người bạn thiết, và trên hết là sự nể trọng lẫn nhau giữa các nhạc sĩ vì ai cũng có chỗ đứng riêng của mình, không có màn cà nanh hay tự ái hão.
Vui vẻ nhất trong số ấy có lẽ là Ringo Starr, tay trống của The Beatles. Lúc nào cũng thấy anh tươi cười và hoà đồng với mọi người. Khi thì bá vai quàng cổ Billy Preston trên sân khấu, lúc thì đùa giỡn với Eric Clapton trong hậu trường. Ðúng là phong cách của một người lạc quan yêu đời. Nhìn cách Ringo đánh trống cũng vậy, rất thoải mái tự nhiên không có gì là cố gắng hay gò bó. Và có lẽ nhờ vậy mà mọi người xung quanh anh cũng thoải mái lây, mặc dù ai cũng hiểu đây là một đêm nhạc nghiêm chỉnh trước hàng mấy ngàn khán giả trong một nhà hát thuộc loại cổ xưa nhất nước.

Mở đầu chương trình là phần nhạc Ấn Ðộ do Anoushka Shankar điều khiển, có thể xem như một buổi lễ cầu siêu cho George. Ðối với những người không quen nghe loại nhạc này, có thể phần này không hấp dẫn lắm. Nhưng nếu để ý kỹ ta sẽ nghe ra nhiều âm thanh và tiết tấu phức tạp đan xen và chồng chéo vào nhau rất vi diệu. Ngay sau đó ban nhạc liền chơi tiếp bài “The Inner Light”, một bản nhạc của The Beatles năm 1968 mang đậm âm hưởng Ấn Ðộ, do Jeff Lynne trình bày với sự hỗ trợ của Anoushka trên đàn Sitar và bộ gõ hùng hậu của dàn nhạc Ấn nghe còn phê hơn cả bản nhạc gốc. Kế đến là bài “Arpan” (Dâng Tặng), sáng tác của Ravi Shankar làm riêng cho George, hoà hợp Ðông Tây với dàn nhạc Ấn Ðộ và London Orchestra cộng với tiếng hát của các ca sĩ Ấn Ðộ và Anh Quốc và tiếng đàn guitar solo của Eric Clapton khúc cuối rất độc đáo.
Sau phần mở đầu hết sức trang nghiêm ấy, khán giả liền được đãi một chầu cười nghiêng ngửa với màn hài kịch của Monty Python như để báo hiệu một sự chuyển tiếp, dọn đường cho phần hai với các nhạc phẩm bất hủ của George Harrison. Bắt đầu là Jeff Lynne với bài “I Want To Tell You”, một trong những sáng tác đầu tay của Harrison trong dĩa “Revolver” (Beatles 1966)—hình bìa của dĩa do Klaus Voorman vẽ cũng là một kiệt tác. Tiếp theo là Eric Clapton trong bản “If I Needed Someone” từ dĩa “Rubber Soul” (Beatles, 1965); Gary Brooker với bài “Old Brown Shoe” (Beatles, 1969).
Chương trình gồm hơn 20 nhạc phẩm của George qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời sáng tác sung mãn của anh. Trong số những bài nhạc thời hậu-Beatles có các bản như “My Sweet Lord” do Billy Preston trình bày; “Beware of Darkness” với tiếng hát và tiếng đàn của Eric Clapton; “That’s the Way It Goes” với Joe Brown, một nhạc sĩ tiếng tăm thời 1950 mà có lần ban Beatles lúc chưa nổi tiếng đã chơi mở màn cho ông! Nhưng sôi nổi nhất có lẽ là bài “Horse To The Water” do Sam Brown, con gái của Joe Brown trình diễn vô cùng sống động.

Xen kẽ giữa các bài nhạc, đạo diễn cho ta xem những cảnh quay ở hậu trường, các buổi diễn tập, các cuộc phỏng vấn một số nhạc sĩ v.v… Quang cảnh trong khán trường cũng được quay từ nhiều góc cạnh khác nhiều, làm người xem có cảm tưởng mình cũng đang được ngồi trong hàng ghế khán giả. Thêm vào đó là cận cảnh các nhạc sĩ trên sân khấu cho ta cảm giác đang đứng trên sân khấu với họ, nhất là với âm thanh nổi 5.1. Chỉ tiếc là dàn loa của rạp Angelika không “nổi” cho lắm nên nghe vẫn chưa đã lỗ nhĩ. Cũng có thể là vì rạp hát không dám mở hết ga, sợ khán giả than phiền chăng? Cần nói thêm là khán giả đi xem đa số đã lớn tuổi, tuy nhiên cũng có một số ở lứa tuổi 30-40 và vài trẻ em được cha mẹ dẫn theo.
Nói gì thì nói, phải công nhận phần hay nhất của chương trình là khúc cuối khi Ringo Starr và Paul McCartney xuất hiện. Bài “Photograph” của Ringo (viết chung với George) đã được khán giả đón tiếp vô cùng nồng nhiệt. Khi Paul McCartney lên hát bài “Something” với cây đàn ukulele 4 dây, thiên hạ vỗ tay rần trời. Paul còn hát bài “For You Blue” (Beatles, 1970) nghe phê quá cỡ thợ mộc, cứ tưởng như đang được nghe dĩa “Let It Be”. Ðã vậy McCartney còn quất luôn bản ruột của George là bài “All Things Must Pass” cực kỳ nhuyễn. Trong tất cả các giọng hát đêm ấy, Paul là người thể hiện được chất giọng của George gần giống nhất—nghĩ cũng lạ.

Phần cuối của chương trình chúng ta được thưởng thức bài “While My Guitar Gently Weeps” với ngón đàn điêu luyện của Eric Clapton, người đã đàn solo bài này thay cho Harrison trong dĩa “White Album” của Beatles (1969). Kế đến là bài “My Sweet Lord” với sự góp mặt của Dhani Harrison, con trai của George giống cha như khuôn đúc. Những tưởng đến đây là chấm dứt chương trình, nhưng phần encore còn cho ta thêm một kiệt tác nữa của George là bài “Wah Wah”, và kết thúc với bài “I’ll See You In My Dream” do Joe Brown trình bày.
Từ trên trần nhà hàng ngàn cánh hoa giấy được thả xuống trong tiếng vỗ tay vang dội cùng sự tiếc nuối—không những cho một ngôi sao đã rời bỏ trần gian quá sớm mà vì còn quá nhiều bài nhạc hay ta chưa được thưởng thức—chẳng hạn như bản “What Is Life”. Nhưng nói cho ngay, nếu ban nhạc muốn chơi trọn những tuyệt tác của George Harrison thì chắc phải mất… vài tháng!
PA