Menu Close

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung?

Trong khi người ta còn đang bàn cãi lợi và hại của việc quyết định đánh thuế lên các sản phẩm thép và nhôm nhập cảng thì cuối tuần qua, một bản tin rò rỉ từ bên trong Toà Bạch Ốc cho biết chính quyền Donald Trump đang chuẩn bị để đưa ra một quyết định về thương mại quan trọng khác, lần này nhắm thẳng vào Trung Quốc.

chien-tranh-thuong-mai-my-trung
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung – nguồn Yecai Global

Quyết định này nếu đúng như những gì người ta nghe được có thể bao gồm hạn chế đầu tư, giới hạn việc cấp visa nhập cảnh cho sinh viên và những nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc, và yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xét xử về những thủ đoạn bất chính của Trung Quốc trong lãnh vực thương mại.

Từ lâu chính phủ Mỹ đã nhiều lần than phiền về những mưu đồ bất chính trong chính sách thương mại của Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, văn phòng đại diện thương mại của chính phủ Mỹ đã chính thức mở một cuộc điều tra về những cáo buộc trên, trong đó có âm mưu thu thập các kỹ thuật mới của Mỹ bằng cách bắt buộc các công ty Mỹ làm ăn với họ phải chấp nhận điều kiện chia sẻ những kiến thức về kỹ thuật với các công ty của Trung Quốc, đồng thời còn phải liên doanh với các công ty Trung Quốc để giúp họ gia nhập dễ dàng vào một số thị trường mới trên thế giới.

chien-tranh-thuong-mai-my-trung3
Thâm thủng mậu dịch Mỹ-Trung – nguồn JOC.com

Không như biện pháp đánh thuế thép và nhôm nhập cảng cho thấy có nhiều khác biệt về quan điểm trong nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống và trong đảng Cộng hoà, thì biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ mạnh từ nhiều giới chức cao cấp có cùng quan điểm cho rằng Trung Quốc gian lận trong lãnh vực thương mại toàn cầu.

E ngại về những việc làm bất chính của Trung Quốc đã manh nha từ thời kỳ cuối của chính quyền Obama và kể từ đó đến nay mức độ e ngại ngày càng gia tăng. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã công bố một phúc trình cho biết Trung Quốc ngày càng gia tăng đầu tư vào các công ty kỹ thuật ở Silicon Valley (California) và việc này sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với những kỹ thuật quân sự của Mỹ trong tương lai, và đồng thời gia tăng phần sở hữu các công ty có hợp đồng cung cấp thiết bị quân sự cho chính phủ Mỹ – và như vậy có nghĩa là đe doạ đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Tháng 2 vừa rồi khi một phái đoàn kinh tế Trung Quốc đến Washington, chính quyền Trump đã lên tiếng đòi Trung Quốc phải cắt giảm $100 tỉ trong số $375.2 tỉ thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ. Và trong khi biện pháp đánh thuế trên sản phẩm thép và nhôm sẽ ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, biện pháp này chính yếu là nhằm chống lại việc Trung Quốc cố tình sản xuất thặng dư kim loại để lũng đoạn thị trường, trong đó có một số kim loại đã được đi qua ngả của những quốc gia khác, như Việt Nam và Nam Hàn, trước khi nhập vào Mỹ.

chien-tranh-thuong-mai-my-trung2
Trump-Tập gặp nhau lần đầu tại Mar-A-Lago nguồn Getty Images

Phản ứng hiện nay của Trung Quốc là thận trọng và cầm chừng. Các giới chức Trung Quốc nói rằng hai quốc gia nên tìm giải pháp có lợi cho cả đôi bên (win-win outcome), là câu sính nói của họ. Ðối với Trung Quốc, việc đánh thuế lên thép và nhôm chỉ là chuyện nhỏ vì số thép và nhôm xuất cảng sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 0.03% tổng sản lượng nội địa (GDP) của họ.

Ðiều mà phía Trung Quốc lo ngại là việc ông Trump đòi họ phải cắt giảm $100 tỉ thâm thủng mậu dịch là việc rất khó thực hiện, và việc Trump muốn trừng phạt Trung Quốc vì lý do cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các bí mật kỹ thuật và thương mại của một số công ty Mỹ. Ðược biết chính quyền Donald Trump có thể đánh thuế lên đến $60 tỉ trên các sản phẩm nhập cảng từ Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm về kỹ thuật và viễn thông.

Cho đến gần đây, các giới chức Trung Quốc tưởng rằng họ đã đánh giá đúng mức về con người của Trump. Trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc vào Tháng 10 năm ngoái, Trump đã được Trung Quốc khoản đãi một yến tiệc thật “hoành tráng” và dự một buổi lễ ký kết thoả thuận thương mại hai bên trị giá $250 tỉ. Thoảng đôi khi Trump vẫn nhắc về bữa tiệc đó đầy thích thú, nhưng sự nhiệt tình trong thoả thuận thương mại thì đã tan biến rất nhanh là vì nhiều điều khoản trong đó thật sự ra là lặp lại của những cam kết đã có từ trước. Thuế nhập cảng đánh trên thép và nhôm có thể không ảnh hưởng đến Trung Quốc, nhưng là tín hiệu cho thấy những cố vấn có quan điểm diều hâu về Trung Quốc đang thắng thế trong nội các của Trump. Do đó, đằng sau tấm mặt nạ làm ra vẻ bình thản, các giới chức Trung Quốc đang lo tìm những phương cách trả miếng.

chien-tranh-thuong-mai-my-trung1
Những kiện hàng nhập cảng từ Trung Quốc tại cảng Los Angeles – nguồn Reuters

Trên phương diện chính trị, việc Trump đòi hỏi cắt giảm thâm thủng mậu dịch là điều mà Trung Quốc có thể có cách giải quyết ổn thoả cho cả đôi bên. Theo ý kiến của kinh tế gia Eswar Prasat của Ðại học Cornell, đã có tiếp cận với các giới chức thương mại Trung Quốc gần đây, cho rằng phía Trung Quốc nên cho ông Trump một chiến thắng, và chiến thắng này phải là những con số thật lớn để Trump còn mang đi khoe với các cử tri của ông. Một phương cách khác mà phía Trung Quốc có thể thực hiện là mua thêm dầu lửa và khí đốt từ Mỹ, và thậm chí là đặt cọc những món tiền lớn trên những món hàng dự trù sẽ mua trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu như Mỹ vẫn quyết định trừng phạt thì Trung Quốc có thể sẽ có phản ứng mạnh. Một cố vấn của chính quyền Bắc Kinh cho biết cho dù bất kể là hậu quả kinh tế ra sao, Tập Cận Bình có thể sẽ phải chứng tỏ cho phía Mỹ thấy ông ta không phải là người dễ bị bắt chẹt. Theo David Dollar, cựu đại diện của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, biện pháp chống lại trừng phạt của Mỹ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. Trung Quốc có thể sẽ mua đậu nành từ Brazil thay vì từ Mỹ. Họ sẽ mua máy bay của hãng Airbus thay vì của Boeing. Họ sẽ cố tình câu giờ, gây khó dễ với các công ty Mỹ sắp và đang  làm ăn ở Trung Quốc. Ðiều mà nhiều người lo ngại là nếu như cả hai phía đều nghĩ rằng một khi chiến tranh thương mại nổ ra thì phía họ sẽ được lợi hơn, thì hậu quả sẽ như thế nào. Phía Mỹ có thể đang tính toán rằng Trung Quốc có thặng dư mậu dịch lớn hơn, và như vậy sẽ bị thua thiệt nhiều hơn. Về phần Trung Quốc thì có thể nghĩ rằng người dân Mỹ sẽ chống đối khi phải mua với giá cao hơn trên những sản phẩm gia dụng lặt vặt. Giả sử, “chiến tranh thương mại” thực sự nổ ra, những quốc gia như Việt Nam, Malaysia,

Indonesia, Thái Lan, Miến Ðiện, Pakistan v.v.. sẽ sẵn sàng thế chỗ. Việc ảnh hưởng giá cả sẽ không quá nhiều, nếu chính phủ Mỹ đã lường trước điều này.

VH