Menu Close

Olympic cho người khuyết tật

Mặc dù Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bình Xương đã trôi qua nhưng các màn thi đấu chưa hết. Giải Paralympics đã nối tiếp với gần 800 thể tháo gia khác. Tuy không được nhiều người theo dõi hoặc chú ý như Olympics, nhưng Paralympics mới đích thực là biểu tượng của sự phấn đấu của con người qua thể thao.

olympic-cho-nguoi-khuyet-tat-2018e
Lễ Khai Mạc Paralympics tại vận động trường PyeongChang

Một vòng lịch sử: Năm 1948, một vị bác sĩ người Do Thái gốc Ðức tên Ludwig Guttman đứng ra tổ chức một cuộc tranh tài thể thao tại London cho các chiến binh Anh quốc bị thương cột xương sống sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Giải này được tổ chức song song với giải Thế Vận Hội năm đó cũng tại London, và được gọi là International Wheelchair Games (Giải Thể Thao Xe Lăn Quốc Tế) mặc dù chỉ có một nước tham dự. Bốn năm sau giải này được lặp lại lần thứ nhì, cũng tại địa điểm cũ nhưng với sự tham dự của hai nước nữa là Do Thái và Hòa Lan, và cũng gồm các thương phế binh.

Ðến năm 1960, giải Xe Lăn Quốc Tế chính thức ra đời tại Rome. Không là cựu chiến binh cũng được phép tham dự, tuy nhiên giải vẫn giới hạn cho những người ngồi xe lăn. Ðến năm 1976 thì giải được mở rộng cho những người khuyết tật khác như khiếm thị, cụt tay và nhiều thứ bệnh bẩm sinh khác.

olympic-cho-nguoi-khuyet-tat-2018d
Một lực sĩ cụt hai chân ski đường trường

Lúc đầu chữ “paralympic” là một thuật ngữ mới gồm hai chữ “paraplegic” (người liệt chân) và Olympic gộp lại, nhưng khi những người khuyết tật khác cũng bắt đầu tham gia thì “Paralympics” được định nghĩa lại là giải thể thao “đi đôi với” Olympics, bởi vì tiền tố “para-” trong tiếng Hy Lạp còn có nghĩa là “bên cạnh” hoặc “song song”.

Bắt đầu từ 1960 trở đi, Paralympics được làm trong cùng năm với Olympics mặc dù do hai cơ quan khác nhau tổ chức và không nhất thiết xảy ra cùng một chỗ. Phải đến năm 1988 tại Seoul (Nam Hàn) giải Paralympics Mùa Hè mới được tổ chức ngay sau khi giải Olympics Mùa Hè 1988 kết thúc, tạo tiền lệ cho tất cả các giải Paralympics từ đó về sau.

Về phần Paralympics Mùa Ðông, giải 1976 được tổ chức cùng một năm với giải Olympics Mùa Hè. Nhưng sau mùa 1992 thì từ 1994 trở về sau Paralympics Mùa Ðông bắt đầu được tổ chức trùng năm với giải Olympics Mùa Ðông, và đó là cách thức tổ chức các giải Thế Vận Hội từ đó đến nay.

olympic-cho-nguoi-khuyet-tat-2018c
Một nữ lực sĩ cụt tay, cụt chân trượt tuyết môn Alpine Ski

Năm nay là lần đầu tiên Nam Hàn tổ chức giải Paralympics Mùa Ðông, và cũng là lần đầu tiên Bắc Hàn gởi lực sĩ đến tham dự giải thể thao này. Nhưng khác với buổi lễ khai mạc Olympics cách đây vài tuần, lần này hai đội Nam và Bắc Hàn không cùng nhau tiến vào vận động trường dưới một lá cờ Ðại Hàn thống nhất.

Thế Vận Hội Paralympics là cơ hội cho người khuyết tật đạt những giấc mơ mà bình thường họ không thể nào với tới. Từ những bước đầu với chỉ một vài bộ môn cho người ngồi xe lăn, giờ đây Paralympics đã trở thành một giải thể thao lớn với khá nhiều môn chơi. So với Olympics Mùa Ðông thì Paralympics Mùa Ðông ít môn chơi hơn, chỉ có sáu món chính là: Alpine Ski, Cross country Ski, Biathlon, Sledge Hockey, Snowboarding và Wheelchair Curling.

Ðể giúp thật nhiều người có thể tham gia, Uỷ Ban Paralympics đã xếp loại các khuyết tật thành ba nhóm chính: thương tật ở phần dưới thân mình (lower limb, như cụt một hoặc hai chân); thương tật ở phần trên thân mình (như cụt một tay); khiếm thị. Mức độ tật nguyền của các lực sĩ được khảo sát và đánh giá, từ đó mỗi lực sĩ sẽ được ấn định một thừa số (factor) dùng để điều chỉnh số điểm kết quả, giúp cho cuộc thi đua công bằng hơn giữa người bị tật nặng và tật nhẹ.

olympic-cho-nguoi-khuyet-tat-2018b
Anna Schaffelhuber của Đức trên chiếc ghế monoski

Thật ra, với đa số các lực sĩ khuyết tật việc thắng thua ở các giải thể thao này không quan trọng bằng việc họ đã chiến thắng được chính bản thân mình để có mặt tại đây. Lý do nhiều người thích coi Paralympics là vì đằng sau những thành tích là nhiều câu chuyện về nghị lực và ý chí đáng để người bình thường phải suy ngẫm.

Lấy thí dụ cô Anna Schaffelhuber của Ðức. Sanh ra với một dị bệnh ở cột xương sống khiến cho đôi chân không thể phát triển, Anna phải ngồi xe lăn từ bé và khi lên năm bắt đầu tập trượt tuyết trên ghế ngồi với một chiếc ski độc nhất (monoski). Lên đến 14 cô được học bổng để vào đội tuyển quốc gia. Năm 2014 tại Sochi cô đã đạt thành tích đoạt sạch năm chiếc huy chương Vàng trong năm môn Alpine Ski Ngồi. Tại PyeongChang 2018 cô đã lấy được thêm hai chiếc huy chương Vàng và một huy chương Bạc. Trong khi đó cô Momoka Muraoka của Nhật cũng lập thành tích thắng 5 huy chương (1 Vàng, 2 Bạc, 2 Ðồng) trong 5 bộ môn Alpine Ski tại Bình Xương.

Nổi tiếng nhất của Mỹ có lẽ là cô Oksana Masters, sanh tại Ukraine gần nhà máy hạt nhân Chernobyl, nơi đã xảy ra tai nạn hạt nhân vào thập niên 1970. Do cha mẹ bị nhiễm phóng xạ, Oksana sinh ra với nhiều dị tật như bàn tay có màng như chân vịt, hai chân cao thấp không đều, bàn chân có sáu ngón, xương ống quyển bị hỏng, v.v… Bị cha mẹ bỏ rơi, năm lên 7 Oksana được một phụ nữ Mỹ tên Gay Masters nhận làm con nuôi. Sau khi qua Mỹ, Oksana phải cưa luôn đôi chân vì đi đứng quá khó khăn. Bác sĩ đã phải dùng phẫu thuật sửa một ngón tay của cô để dùng làm ngón cái. Nhưng không vì vậy mà Oksana nản lòng. Cô bắt đầu chơi môn đua thuyền. Tại giải Paralympics 2012 ở London cô đã thắng huy chương Ðồng. Sau đó Oksana chuyển qua tập Ski, và thắng liền hai chiếc huy chương Bạc và Ðồng tại Sochi năm 2014. Lần này tại PyeongChang, sau khi đoạt hai chiếc Bạc môn Biathlon và một chiếc Ðồng môn Cross Country, Oksana cuối cùng đã lấy được hai chiếc huy chương Vàng môn Ski Nước Rút (1.5km và 5km) và được đồng đội bầu chọn làm người đại diện quốc gia cầm cờ Mỹ vào vận động trường trong buổi lễ bế mạc.

olympic-cho-nguoi-khuyet-tat-2018a
Oksana Masters của Mỹ đoạt huy chương Vàng môn Nước Rút

Nước Mỹ không phải là một cường quốc trong Thế Vận Hội Mùa Ðông, thế nhưng trong giải Paralympics thì Mỹ lại hay đứng đầu bảng. Ngoài số người tật nguyền bẩm sinh, đoàn lực sĩ Mỹ năm nay có đến 17 người là thương phế binh. Chẳng hạn như đội Sled Hockey của Mỹ có đến 7 người là cựu chiến binh, đa số bị cụt chân vì mìn tại chiến trường Iraq hoặc Afghanistan.

Trước khi đến Bình Xương, đội Sled Hockey của Mỹ đang giữ chức vô địch hai kỳ Paralympics liên tiếp (2010-2014). Sau khi thắng các đội ở vòng ngoài khá nhẹ nhàng với tỉ số 38-1, Mỹ đã gặp kỳ phùng địch thủ Canada (42-0) trong trận chung kết. Canada gác trước 1-0 và coi như đã nắm chắc huy chương Vàng khi chỉ còn 1 phút là hết trận. Mỹ chơi bỏ trống khung thành, thay thế thủ môn bằng thêm một tay tiền đạo, dồn hết sức lực để tấn công và… xém chết tươi khi Canada đem quân xuống và sút vào khung thành. May sao quả puck trúng cột và dội ngược trở ra. Chộp lấy cơ hội, cầu thủ Declan Farmer đã phản công và gỡ huề 1-1 khi chỉ còn 37 giây. Hội trường như muốn vỡ tung! Trong giờ phụ trội (Overtime) Farmer một lần nữa phá lưới thủ môn Canada ở phút thứ 4 để đưa đội tuyển Mỹ vào sử sách với 3 huy chương Vàng liên tiếp (và 4 chiếc tổng cộng) – một kỷ lục không biết khi nào mới có ai phá nổi.

olympic-cho-nguoi-khuyet-tat-2018
Cầu thủ Brody Roybal (giữa) của Mỹ sút một trái vào khung thành thủ môn 61 tuổi Fukushima (trái) của Nhật.

Nhân dịp Stephen Hawking – nhà vật lý học tật nguyền với bộ óc siêu việt, vừa mới qua đời, xin chép lại đây lời động viên của ông tại lễ khai mạc Paralympics Mùa Hè ở London năm 2012 và đã được chủ tịch Paralympics phát biểu trong lễ bế mạc PyeongChang 2018:

“Giải Thể Thao Paralympics còn giúp chúng ta thay đổi cách nhìn của mình về cuộc sống. Chúng ta không ai giống ai, và chẳng hề có một mẫu người tiêu chuẩn nào cả. Thế nhưng tất cả đều có chung một cái gọi là tinh thần con người, hay nhân tính. Quan trọng hơn hết là chúng ta có khả năng sáng tạo – bằng nhiều hình thức, từ hoạt động bắp thịt cho đến lý thuyết vật lý học. Cho dù đời bạn có bị khó khăn cách mấy đi nữa bạn vẫn có thể tìm được một cái gì đó mình làm giỏi, thậm chí thành công.”

BB