Menu Close

March For Our Lives – Texas

“March For Our Lives”  là cuộc tuần hành hàng triệu người khắp nước Mỹ đã đồng loạt xuống đường hôm 24 tháng 3  (tháng mang tên March, còn có nghĩa là tuần hành), để kêu gọi các nhà lập pháp phải đề xuất các biện pháp hữu hiệu hơn nhằm giảm thiểu bạo lực súng đạn, nhất là ở học đường. Sự việc được khởi xướng bởi một số học sinh từ trường trung học Marjory Stoneman Douglas tại thành phố Parkland, Florida, nơi đã xảy ra một vụ xả súng vào ngày lễ Valentine’s Day làm cho 17 người thiệt mạng, đa số còn trong tuổi vị thành niên.

March-for-our-lives7
Austin (photo: Waylon Cunningham)

Tại thủ đô Washington DC, phụ huynh và học sinh trường Douglas đã được mời lên (chở từ Florida bằng chuyên cơ của ông Robert Kraft, chủ đội banh NFL New England Patriots) để dẫn đầu cuộc tuần hành ước lượng có đến 800,000 người tham dự-cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hoa Thịnh Ðốn.

Riêng ở tiểu bang Texas, một số thành phố cũng đã tổ chức những cuộc tuần hành tương tự. Ngoài Houston và Dallas là hai thành phố đông dân nhất, các thành phố nhỏ hơn như San Antonio, Fort Worth và thủ phủ Austin cũng có biểu tình. Thậm chí thành phố McKinney nhỏ xíu (so với những nơi kia) cũng có gần cả ngàn người hiện diện.

March-for-our-lives6
Houston (photo: Pu Ying Huan)

Khi tôi đến bãi đậu xe của Collin County Courthouse tại McKinney thì đám đông đã đứng đầy trước thềm của toà án. Rất nhiều người mang theo những tấm bảng tự chế. Học sinh khá đông. Nhiều gia đình dẫn theo con cái, có bé chỉ mới vài ba tuổi, nhưng đa số ở lứa tuổi đã khá lớn và biết chuyện gì đang xảy ra. Vài em còn được cha mẹ cho cầm bảng hô hào hay cho mặc những chiếc áo giấy tự chế với các thông điệp chống bạo lực súng đạn nơi học đường.

March-for-our-lives5
San Antonio (photo: Camille Phillips)

Ngoài người da trắng chiếm đa số, tôi thấy có khá đông người da màu như Mỹ đen, Mễ, và đặc biệt rất nhiều gia đình Ấn Ðộ. Nhưng gần như không thấy người Á Ðông nào ngoài một vài em học sinh đầu đen đơn lẻ. Phải đến gần cuối cuộc tuần hành tôi mới gặp một cô bé Á Ðông khoảng 13 tuổi cầm tấm bảng nhỏ hăng hái tiến vào, theo sau là bà mẹ dắt một chú chó cưng đi tà tà có vẻ như chỉ đi coi cho biết. Có lẽ tôi là người Việt duy nhất tại đấy hôm đó. Hy vọng ở các vùng như Houston hay Austin nhiều gia đình Việt đã dẫn con mình xuống đường nhiều hơn để chúng có cơ hội tham dự vào các sinh hoạt dân chủ nơi mình sinh sống.

March-for-our-lives3
Dallas (nguồn: KERA)
March-for-our-lives4
Fort Worth (photo: Max Faulkner)

Thật ra nói vậy cũng hơi ngược đời, bởi vì thế hệ sinh viên học sinh Mỹ gốc Việt lớn lên trong thời đại internet và mạng xã hội ngày nay có lẽ biết rõ và quan tâm đến các vụ bắn giết này hơn cả cha mẹ mình. Thử hỏi, bao nhiêu phần trăm phụ huynh Việt ở Houston hay Dallas biết dùng Instagram hay Twitter để chia sẻ thông tin? Thử hỏi, bao nhiêu người Việt biết là trong vụ xả súng tại trường tiểu học Cleveland Elementary ở Stockton, California, năm 1989 đã giết chết năm học sinh Á Châu, trong đó có một bé gái Việt mới 6 tuổi?

March-for-our-lives1
Những cây thước và đồ quậy sơn mua tại Home Depot được dùng để gắn các tấm bảng biểu tình đã bị Cảnh Sát Austin tịch thu vì cho rằng chúng có thể biến thành… vũ khí! (nguồn: Twitter Susan Schorn)

Theo dõi trên Facebook, nơi quy tụ khá nhiều người Việt lớp lớn ở hải ngoại, ta thấy số lượng post về các cuộc biểu tình hôm tuần rồi vẫn rất thưa thớt và ít ỏi. Thành thử phải nói lại là hy vọng trong những tháng năm sắp tới, giới trẻ Mỹ gốc Việt sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến chống bạo lực súng ống, đồng thời khuyến khích cha mẹ mình tham gia vào sinh hoạt dân chủ nơi sở tại nhiều hơn nữa. Trong một bài phỏng vấn trên VOA Tiếng Việt, nữ nhạc sĩ Ariel Bùi hiện đang sinh sống và làm việc tại Nashville, Tennessee, đã trả lời phóng viên Trung Nguyễn như sau:

March-for-our-lives8
Một người đàn ông đeo súng phản đối cuộc biểu tình của phụ huynh và học sinh tại Austin (photo: John Bullington)

“Tôi thật sự cảm thấy hãnh diện và phấn khích khi thấy giới trẻ đặt vấn đề bạo lực súng đạn như một bài toán xã hội mà thế hệ mình phải tự giải quyết… Học sinh bị bất lợi hơn nhiều nhóm thiểu số khác ở chỗ họ chưa đủ tuổi để đi bầu, thành ra họ chỉ có thể sử dụng quyền tự do tụ tập và phát biểu được bảo vệ bởi Hiến Pháp qua Tu Chính Án thứ Nhất. Nhưng tôi hy vọng rồi đây những sự kiện như vầy sẽ thúc đẩy họ tiếp tục làm cho xã hội tốt đẹp hơn sau khi họ trưởng thành – có thể là trên chính trường, hay đơn giản hơn nữa là đấu tranh cho niềm tin cá nhân, để giúp lớp người lớn đi trước họ tưởng tượng ra được một tương lai có thể và nên như thế nào.”

Công bình mà nói, vấn đề nào cũng có hai mặt. Và không nơi đâu hai mặt phải trái của một vấn đề thể hiện rõ nét hơn là tại các cuộc xuống đường tuần rồi. Một bên thì tận dụng Tu Chính Án thứ Nhất (First Amendment) để lên tiếng chống bạo lực súng đạn. Một bên thì nhân danh Tu Chính Án thứ Nhì (Second Amendment) để biện minh cho quyền sử dụng súng ống bất cứ nơi đâu, kể cả ngay chỗ thiên hạ đang biểu tình phản đối. Nhưng nếu xét về lượng thì số người phản-biểu-tình tuần rồi rất ít, phải nói là không đáng kể, và các thông điệp ủng hộ súng ống của họ cũng không lấy gì làm đặc sắc hay sáng tạo cho lắm. Nhưng phải có cả hai như vậy mới dân chủ; phải như vậy mới tiến hoá được; phải như vậy mới gọi là xã hội văn minh.

BB