Nhớ về Sài Gòn không chỉ là nhớ những phố xá sang trọng, những cửa hàng lộng lẫy, những con đường với hàng cây dầu tỏa bóng hay hàng me xanh mướt. Nhớ Sài Gòn còn là nhớ những con hẻm yên tĩnh hay chật hẹp ồn ào nằm giữa lòng phố lớn. Nhiều người đã sinh ra và lớn lên từ lòng con hẻm đó. Nhiều cuộc tình đã nở ra từ những con hẻm đó. Có những đám cưới ở những con hẻm sâu hun hút. Cũng có những đám ma, kể cả đám ma lính ngày xưa, cử hành trong một con hẻm quanh co náo nhiệt.
Vâng. Sài Gòn có hàng trăm con đường mặt tiền sôi động suốt ngày đêm và cũng có hàng ngàn ngõ hẻm, đan nhau như mạng nhện, cài nhau như chân rết… tạo thành những không gian sống tương đối tĩnh lặng của hàng triệu cư dân. Còn nhớ lần đầu tiên Nguyễn đến Sài Gòn, trọ học, ở trong một ngôi nhà trong hẻm được nhớ lại như sau:
Ðêm nay
anh lại nghe tiếng sấm
từ xa dội về
chuyến xe lửa. chở anh tới ga sài gòn. cách đây ngoài năm mươi năm. đã rời bến chưa. mà sao anh còn nghe còi hụ
và căn nhà ở con hẻm xóm nguyễn ngọc sương. phú nhuận. nơi anh trọ học đầu tiên. còn không
còn không. chiếc xe phở. với đốm lửa khuya đầu ngõ
hình như
nhiều thập kỷ. đã trôi qua
Ðúng vậy. Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy. Và mình đã sống ở nhiều con hẻm Sài Gòn. Con hẻm ngay sau lưng đường Hai Bà Trưng trước nhà thờ Tân Ðịnh, nơi gặp Kim và tiếng chuông nhà thờ mỗi chiều. Con hẻm ở sau đường Foucault Nguyễn Phi Khanh gần cà phê Thái Chi, với Trần Ðông Phong, con hẻm sau lưng đường Trương Minh Ký gần nhà thờ Ba Chuông với vợ chồng Thế Viên. Và con hẻm lát gạch ở đường Phát Diệm cũng với vợ chồng Thế Viên nơi Dung từng tới thăm. Rồi hai con hẻm ở đường Vườn Chuối và đường Hòa Hưng của cha mẹ Dung, nơi từng sum vầy hạnh phúc, nay tản lạc về đâu… Ôi, nhiều quá, nhớ không con hẻm ở đường Tự Ðức chỗ cà phê Hồ Hoàng Ðài ngày nọ, nơi thường xuyên gặp Ðinh Cường, Hồ Thành Ðức, Trịnh Cung… Trần Lê Nguyễn dung nhan phờ phạc, râu tóc bờm xờm, mỗi sáng đạp xe tới bán báo dạo. Còn Cung Tích Biền thì đi xe Honda chở vợ ghé vào lo công chuyện làm ăn, rồi đi…. Ðặc biệt, trong một bài thơ viết cho người bạn văn vừa gặp lại ở quán cà phê Ly Thơ nơi thành phố của bà Margaret Mitchell, mình có gợi lại ngõ 47C Duy Tân: chợt nhớ / buổi sáng ở sài gòn / ngồi với mùa hè. và tiếng đàn gỗ. xưa / con hẻm sâu đầy nắng / người nhạc sĩ ấy đã ra đi / mùi hoa sứ. đâu đây. còn mãi đau. thơ tôi

Cái ngõ nắng ấy lại hiện ra khi tình cờ gặp trên lưới một bài viết ký tên Hồng Minh với tấm hình chụp những người ngồi uống cà phê dựa lưng vào bức tường rêu cũ. Ôi, nhìn vào tấm ảnh mình chợt nhớ lại quãng đời rách rưới lang thang ở Sài Gòn những năm đầu 80. Ngày ấy, năm 1982, kẻ này vừa đi tù Cộng Sản về. Không việc làm, trong túi chỉ có những tờ bạc lẻ, buổi sáng đạp xe qua những đường phố quen, tìm bạn và tìm chỗ uống cà phê. Nghe nói em rể của Sơn mở một cái quán trên con hẻm 47C Duy Tân. Thế là anh em sáng sáng tụ về đây. Buổi đầu tiên kẻ này đến uống cà phê ở quán, gặp cả Sơn, Tịnh, Hà và mẹ Sơn. Gặp lại nhau, Sơn tỏ ý mừng. Một lát sau, bạn lấy xe PC đi đâu đó một vòng, trở về mang cho mấy điếu Lucky. Trời ơi, đây là thứ cỏ thơm ưa thích từ những ngày còn ở Ðà Lạt. Không ngờ bạn còn nhớ đến và tìm mua cho. Ngồi uống cà phê, thỉnh thoảng mẹ Sơn cầm lấy tay, bảo con cứ đến làm việc cho Tịnh, anh em sướng khổ có nhau. Và Tịnh, buổi sáng mai hôm ấy, cầm nguyên một xấp tiền 500 đồng trao vào tay mình và nói: “Em mong anh bớt khổ đi, để rồi từ từ làm lại.” Thú thật, lúc ấy nước mắt chỉ muốn trào ra. Tịnh còn nhớ không, Tịnh? Năm trăm lúc ấy là to lắm. Ðạp xe đi dạy chui tuần hai buổi mướt mồ hôi cũng chỉ được 80 đồng là cùng. Vậy mà… Vừa rồi, gặp lại Tịnh ở cà phê Nguyễn Ngọ, Houston, nhắc lại chuyện mà lòng rưng rưng.
Quán cà phê của em rể Sơn ở 47C Duy Tân không sống lâu. Sau này, những ngày tất bật đi dạy chui, thỉnh thoảng có lúc rỗi, lại ghé tới một quán cũng ở con hẻm gần đó, xích về phía Hồ Con Rùa một chút. Ở đây, cũng ngồi dựa lưng vào tường, nhìn lên ngọn sao đầy nắng và những đám mây bay qua, bay qua… Mình biết, phía đằng kia là nhà Sơn, nhưng giờ đây nhiều khuôn mặt mới của thời đại xuất hiện ở đó, lòng bỗng thấy ngại ngùng. Viết tới đây, nghĩ tới Chiêu Anh Nguyễn, sáng sáng em ngồi ở quán nào vậy mà có ánh nắng trên mặt bàn gỗ, bóng giàn hoa giấy và những điếu mild seven. Còn con hẻm với mùi dạ lý hương xui người ta tự tử nữa. Ở đâu, ở đâu vậy hả Chiêu Anh?
Những con hẻm Sài Gòn mình đã ở hoặc ghé qua vài lần nhưng nhớ mãi. Làm sao trở về thăm lại đây. Thôi thì đành bằng lòng với ca từ bài Xóm Ðêm của Phạm Ðình Chương: Ðường về canh thâu / Ðêm khuya ngõ sâu như không màu / Qua phên vênh có bao mái đầu / Hắt hiu vàng ánh điện câu… Hay những nét miêu tả của nhà sử học Nguyễn Thị Hậu ghi lại dưới đây:
“Hẻm ở các quận trung tâm thành phố là khu vực đô thị đã hình thành hàng trăm năm. Ðó là những hẻm tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ, tương đối thẳng, thường là hẻm cụt. Dân cư đa phần là công chức, nhà cửa xây dựng khá ổn định, kiến trúc hài hòa. Những ngôi biệt thự nhỏ, vài căn nhà phố, một hai ngôi nhà cao tầng nhưng tất cả đều mang vẻ trầm lặng sau những bức tường cũ loang lổ vôi và những cánh cổng sắt tróc sơn mỗi lần đóng mở kêu kin kít. Nhiều hẻm yên tĩnh đến mức hầu như không có ai đến đó dán các tờ quảng cáo, các số điện thoại dạy kèm học thêm khoan cắt bê tông… Trong hẻm rợp mát giàn bông giấy, bông hoàng anh… Ði xe chầm chậm trong hẻm bạn sẽ thấy lòng chợt bình yên lạ lùng.
Hẻm ở các khu vực khác dân cư đông đúc đến từ nhiều tỉnh thành, có gia đình đã vài đời ở Sài Gòn nhưng cũng có người chỉ ở nhà thuê. Trong hẻm nhà cửa lô xô ra vào, nhà trệt nhà lầu chen nhau. Gác gỗ mái hiên mạnh nhà nào nhà nấy chìa ra che mát hẻm nhỏ. Giống như đường làng quanh co, hẻm cũng có nhiều ngõ ngách rộng hẹp bất ngờ, có khi chỉ đủ cho một xe máy đi cũng có khi phình rộng tạo thành một khoảng sân cho lũ trẻ chơi đùa. Có hẻm vẫn còn có ngôi chùa nhỏ, ngày rằm mùng một tiếng mõ nhẹ nhàng mùi nhang thơm vẫn len vào từng ngôi nhà. Mỗi sáng đầu hẻm có xe bán hủ tiếu, bánh mì, cà phê quán cóc vài chiếc ghế nhựa…”
Thôi, Nguyễn xin khép những con hẻm của Sài Gòn lại ở đây. Hoàng hôn đã xuống trong cuộc đời và lòng người. Lòng chợt buồn như nắng cuối ngày…
TN