Menu Close

Những luật di trú sẽ không thay đổi trong năm 2018

Số phận của chương trình DACA đang dính liền với các tòa án. Tòa Bạch Ốc muốn Tối Cao Pháp Viện cho phép chấm dứt chương trình DACA ngày 5-3-2018, nhưng Pháp Viện nói rằng vấn đề này phải qua Tòa Thượng Thẩm Rộng Quyền Thứ 9 tại tiểu bang California trước. Vẫn có thêm hai vụ kiện khác tại hai tiểu bang New York và Virginia chống lại việc chấm dứt chương trình DACA, và cần thêm thời gian trước khi vấn đề được giải quyết vào mùa hè năm 2019.

Chương trình DACA nhằm giúp đỡ những thanh thiếu nhiên được đưa đến Hoa Kỳ bất hợp pháp từ lúc thơ ấu, có thể tạm thời miễn bị trục xuất và được hợp pháp làm việc nếu hội đủ điều kiện.

Vì thế, hạn kỳ giải quyết chương trình DACA vào ngày 5 tháng Ba vừa qua không còn quan trọng nữa. Các đương đơn đang thụ hưởng chương trình DACA đương nhiên có thể tiếp tục gia hạn quy chế DACA của họ.

Vì không còn hạn kỳ, Quốc hội đã không còn nói về vấn đề di trú nữa.  Ðiều này có nghĩa là Tòa Bạch Ốc không còn bàn bạc về sự chấp thuận chương trình DACA mà ông Trump muốn đánh đổi với việc xây bức tường biên giới tốn hơn 22 tỷ Mỹ kim, và cũng không còn bàn về việc chấm dứt chương trình Chiếu Khán (Visa) Xổ Số và giảm số lượng chiếu khán di dân. Sau tất cả những tranh luận qua lại, tình trạng hiện nay vẫn không có gì thay đổi.

Sự bế tắc lâu dài của chương trình DACA

Hiện nay, tình trạng của chương trình DACA rất mơ hồ, và sẽ không có gì rõ ràng trong nhiều tháng nữa. Quốc hội sẽ có cơ hội quan tâm đến những đề nghị mới về di trú. Nhưng điều khó khăn là làm sao để cho hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có thể đồng thuận. Sự bế tắc này có thể kéo dài vô tận.

Việc Tối Cao Pháp Viện từ chối chấm dứt chương trình DACA có thể bảo đảm rằng tình trạng hợp pháp của chương trình DACA sẽ không được quyết định cho đến ít nhất vào mùa hè năm 2019. Như vậy, chương trình DACA sẽ vẫn còn hoạt động và vẫn còn là vấn đề chính trị trong suốt mùa bầu cử quốc hội cuối năm 2018. Những thay đổi về các chương trình bảo lãnh đoàn tụ gia đình và chiếu khán xổ số sẽ đợi việc cải tổ di trú rộng hơn và sẽ không xảy ra trong năm 2018.

Di dân bị giam giữ không được hưởng quyền xin tại ngoại hầu tra

Nếu quý vị bị cơ quan Thi Hành Luật Di Trú và Thuế Quan (Immigration and Custom Enforcement – ICE) bắt giam và chờ trục xuất, quý vị không có quyền yêu cầu được đóng tiền tại ngoại hầu tra và không được rời khỏi nơi giam giữ của ICE. Ðó là phán quyết ngày 26 tháng Hai năm 2018 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Ðiều này áp dụng cho các thường trú nhân bị cơ quan ICE bắt giam và đang đợi bị trục xuất vì đã phạm tội, dù tội này đã xảy ra từ nhiều năm trước và dù đương sự đã thọ án tù vì tội này. Cần nhận thức rằng vi phạm một tội nào đó và thời gian trong tù là trọng điểm đưa đến việc trục xuất, bất kể họ đã sống bao lâu tại Hoa Kỳ và bất kể họ bao nhiêu tuổi khi nhập cảnh Hoa Kỳ.

Một người Việt ở Palm Beach đang bị giam giữ và đợi bị trục xuất về Việt Nam

Một người Việt tại thành phố Palm Beach (Florida)đang chờ đợi bị trục xuất vì tội đồng lõa buôn bán chất kích thích phi pháp và cần sa, dù đã hoàn tất thời gian tù tội năm 2011.

Cơ quan ICE đã bắt giam anh Thang T. Cao, 38 tuổi, vào tháng 8 năm 2017. Anh Cao đã đến Hoa Kỳ năm 19 tuổi và là thường trú nhân từ năm 1999.

Anh đã xin chính phủ liên bang cho phép ở lại Hoa Kỳ với vợ và con trai mới 10 tháng tuổi. Anh chưa từng trở về Việt Nam kể từ khi gia đình anh vượt thoát khỏi nước này khi anh mới 10 tuổi. Gia đình anh đã phải sống 9 năm tại trại tỵ nạn Galang ở Nam Dương.

Anh đã xin tòa di trú xem xét sự tổn thương trầm trọng sẽ gây ra cho anh và gia đình. Anh nói rằng: “Tôi sẽ không thể trở lại Hoa Kỳ nữa. Cuộc đời tôi coi như đã chấm dứt”.

Vợ anh nói: “Chúng tôi không có cơ hội sống còn nếu phải bắt đầu lại cuộc sống ở Việt Nam vì cả chồng tôi và tôi đã rời khỏi nước lúc còn quá nhỏ. Chúng tôi không hề biết gì về cách điều hành của nhà nước cộng sản và không hề quen với môi trường chung quanh dưới chế độ cộng sản Việt Nam”.

Những câu chuyện như của anh Cao đang không còn là chuyện cá thể nữa. Hàng trăm người Việt Nam và Cam Bốt, sau khi sống ở Hoa Kỳ nhiều năm, hiện đang ở trong trại giam của ICE và đợi bị trục xuất.

Ðiều này xảy ra bắt nguồn từ thỏa ước Hoa Kỳ – Việt Nam năm 2008, sau khi nhà nước Việt Nam đồng ý nhận những người  Việt Nam bị Hoa Kỳ trục xuất. Nhà nước Việt Nam đồng ý nhận những người bị trục xuất đã đến Hoa Kỳ sau ngày 12 tháng Bảy năm 1995. Nhiều người đến Hoa Kỳ lúc còn nhỏ, một số người khác sinh đẻ tại trại tỵ nạn và họ bị trục xuất về một đất nước mà họ không còn liên hệ nào hết.

Nhà nước Việt Nam chỉ đồng ý nhận những người bị trục xuất đã đến Hoa Kỳ SAU tháng Bảy năm 1995. Người dân hiện đang thưa chính phủ Hoa Kỳ vì đã bắt đầu bắt giam những người đến Hoa Kỳ TRƯỚC năm 1995 để áp lực nhà nước Việt Nam chấp nhận thêm người bị trục xuất. Ðiều này có thể do cơ quan ICE muốn gia tăng số người bị trục xuất càng nhiều càng tốt, với hy vọng họ có thể thuyết phục phía nhà nước Việt Nam nhận thêm người.

Khoảng 1 triệu 300 ngàn di dân Việt Nam đang sống ở Hoa Kỳ, nhưng chưa có con số chính xác về số người phạm tội đến trước và sau tháng Bảy năm 1995.

Trong quá khứ, chính phủ Hoa Kỳ thường trả tự do cho những di dân phạm tội nếu họ đến Hoa Kỳ trước năm 1995. Một quyết định của Tối Cao Pháp Viện ngăn cấm chính phủ giam giữ người di dân sau một thời gian giam giữ hợp lý nếu không thể trục xuất họ. Nhưng nay đã thay đổi.

Năm ngoái, cơ quan ICE bắt đầu bắt giam những di dân Việt Nam đã sống ở Hoa Kỳ nhiều năm và đến Hoa Kỳ trước tháng Bảy năm 1995 và không là đối tượng bị trục xuất theo thỏa ước đã được ký năm 2008.


LỊCH CẤP CHIẾU KHÁN VÀ CHUYỂN DIỆN CƯ TRÚ THÁNG 4-2018

 

  1. IR-1, IR-2, IR-5:Vợ, con vị thành niên, cha mẹ của công dân Hoa Kỳ, luôn luôn hiệu lực
  2. Diện F-1: Con độc thân, trên 20 tuổi, của công dân Mỹ: Ngày 08/04/2011 (Tăng 2 tuần)

(F-1  Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/01/2012)

  1. Diện F2A: Vợ hoặc chồng và các con nhỏ của thường trú nhân: 01/05/2016 (Tăng 5 tuần)

(F2A Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 22/09/2017)

  1. Diện F2B: Con độc thân, trên 20 tuổi, của thường trú nhân: Ngày 08/04/2011 (Tăng 5 tuần)

(F2B Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/09/2011)

  1. Diện F-3: Con đã lập gia đình của công dân Mỹ. Ngày 08/01/2006 (Tăng 4 tuần)

(F3 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/09/2006)

  1. Diện F-4: Anh chị em của công dân Mỹ: Ngày 15/09/2004 (Tăng 4 tuần)

(F4 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 08/03/2005)

  1. Tu Sĩ-SR: Luôn luôn hiệu lực

LMH


Hỏi Ðáp Di Trú

Hỏi: Những người bảo lãnh có nên đợi để xem nếu có những thay đổi về luật di trú trong năm 2019 không, hay họ nên làm đơn bảo lãnh ngay bây giờ?

Ðáp: Chúng tôi luôn khuyên những người bảo lãnh nên bắt đầu nộp đơn càng sớm càng tốt vì không ai có thể tiên đoán những thay đổi nào sẽ xảy ra trong tương lai.

Hỏi: Công dân Hoa Kỳ có tránh khỏi lệnh bị trục xuất không?

Ðáp: Nói chung, câu trả lời là “Không”. Nếu quý vị hoàn toàn khai thành thật trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ và nếu quý vị có chứng chỉ công dân thì không có lý do nào để trục xuất quý vị, dù có phạm tội sau khi nhập tịch.

Hỏi: Ðiều gì sẽ xảy ra với những đề nghị di trú của ông Trump?

Ðáp: Ðây là vấn đề mà Quốc hội sẽ bàn thảo trong năm tới. Chúng ta có thể an toàn khi nói rằng năm nay sẽ chẳng có chuyện xây dựng bức tường biên giới; Chiếu Khán Xổ Số vẫn tiếp tục và những luật về di trú gia đình sẽ vẫn tiếp tục như trước đây.