Nguyễn & Bạn Hữu
Thầy Từ Mẫn hoạt động trong ngành xuất bản và nổi tiếng ở Miền Nam trước 1975. Riêng với người giữ mục này, thầy Từ Mẫn hồi ở Sài Gòn cũng như Võ Thắng Tiết sau này ở Cali, là chỗ quen thân. Về thầy Từ Mẫn, Năm Ròm đã viết như sau trên trang facebook của mình:
“Nhà Lá Bối do nguyên Ðại đức Từ Mẫn, tên thật là Võ Thắng Tiết trông nom. Sau ông hoàn tục. Ông là người có lòng, để việc phụng sự văn học nghệ thuật lên trên tiền bạc. Từ Mẫn đã giúp các nhà văn có nơi xuất bản những đầu sách có giá trị và người đọc có cơ hội đọc những cuốn sách trang nhã, chăm sóc từng chút trong việc trình bày ấn loát và cả đến nội dung sách. Tất cả sách của Nhất Hạnh đều từ đây mà ra. Nếu không có Lá Bối, những Chiến tranh và Hoà Bình, Chiến Quốc Sách, Sử Ký Tư Mã Thiên, Kiếp người của Sommerset Maugham, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay và Lối thoát cuối cùng của V. Georghiu sẽ nằm ở đâu? Nếu không có Lá Bối, nhiều sách chắc gì đã có cơ hội ra mắt bạn đọc. Nhất là bộ Chiến tranh và Hoà Bình của Léon Tolstoy. Sách in tốn vài ba triệu thời bấy giờ, bao giờ lấy lại vốn. Sau này, ở Hải ngoại, ông tiếp tục làm công tác văn học với nhà xuất bản Văn Nghệ.”
Về công việc xuất bản các bộ sách giá trị của Lá Bối, nhà thơ Du Tử Lê thuật lại trên Người Việt Online:
“Tiểu thuyết nổi tiếng thế giới “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Lev Tolstoy, thầy Từ Mẫn kể, đại ý: Khi hay tin Lá Bối sẽ in “Chiến Tranh và Hòa Bình,” bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Trần Phong Giao, đã nói với ông Từ Mẫn rằng: “Ngay cả khi có tiền tôi cũng sẽ không in ‘Chiến Tranh và Hòa Bình’…”
“Thầy Từ Mẫn nói, nhà văn Trần Phong Giao đâu biết, khi tiếp nhận nhà Lá Bối từ tay thầy Thanh Tuệ thì đó là lúc tình hình tài chánh của Lá Bối đang rơi vào vòng xoáy khó khăn nhất. Nhưng vì: “Chính tôi cũng muốn được đọc bộ tiểu thuyết này bằng tiếng Việt, nên tôi đã phải nhờ tới sự tiếp tay, vay mượn (không có lời) của một số học trò thầy Nhất Hạnh, những người đã ra trường và thành đạt…,” thầy Từ Mẫn tâm sự.

“Trả lời câu hỏi duyên-khởi của việc dịch giả Nguyễn Hiến Lê nhận dịch bộ tiểu thuyết và sự nhận lời in của nhà Lá Bối, người kế tục sự nghiệp xuất bản sách của nhà Lá Bối cho biết: Ông tình cờ đọc được một bài viết của dịch giả Nguyễn Hiến Lê trên một tờ nguyệt san xuất bản ở Sài Gòn mà bây giờ ông không nhớ tên, kể rằng, vị dịch giả từng ngỏ ý với hai nhà xuất bản lớn nhất miền Nam thời đó là nhà sách Khai Trí và nhà xuất bản Sống Mới về việc ông sẽ dịch bộ “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Tolstoy nếu họ nhận in… Tiếc thay cả Khai Trí lẫn Sống Mới đều im lặng.
“Thầy Từ Mẫn nhấn mạnh, ông nghĩ nhà Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương dù muốn cũng không thể nhận in vì số bản thảo ông ấy đã mua, ối đọng trong kho quá nhiều, không biết tới năm nào mới có thể in cho hết. Nhưng nhà Sống Mới thì ông không hiểu lý do. Chỉ biết, chính vì hai nhà xuất bản lớn kể trên từ chối, mà ông có cơ hội nhận in bộ truyện dịch giá trị này.
Nhà thơ Du Tử Lê cho biết thêm: …Ông “Lá Bối” không hề quen biết dịch giả Nguyễn Hiến Lê trước đó. Và, ông cũng không muốn nhờ ai giới thiệu. Nên, một buổi sáng, ông tự tìm tới nhà riêng của dịch giả, ở đường Kỳ Ðồng. Người bạn đời của dịch giả ra mở cửa hỏi ông là ai? Cần gặp ông Lê cho việc gì? Ông “Lá Bối” nói, mang ít sách tặng ông Lê và nói chuyện về việc dịch bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình.” Bà mời ông trở lại vào buổi sáng hôm sau.
Ðúng hẹn, ông trở lại. Lần này, ông được dịch giả Nguyễn Hiến Lê tiếp đón trong tinh thần tương kính giữa nhà xuất bản và dịch giả…”
Thế rồi sau một năm thầy Từ Mẫn nhận được bản dịch bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê.
Nhà thơ Du Tử Lê cho biết tiếp: “Có trong tay toàn bộ bản dịch “Chiến Tranh và Hòa Bình,” với ông “Lá Bối” đã là một hạnh phúc. Ông còn cảm thấy hạnh phúc hơn nữa, khi biết dịch giả tuy dịch theo bản Pháp Ngữ, nhưng có những đoạn cần kiểm chứng thì ông ấy dùng bản Anh Ngữ, để so sánh. Ðiều này cho thấy dịch giả rất trân trọng với tác phẩm vĩ đại “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Lev Tolstoy.
Phần thưởng lớn, bất ngờ mà ông “Lá Bối” nhận được là chỉ một thời gian sau, “Chiến Tranh và Hòa Bình” đã được tái bản…”
Sư kiện này khích lệ nhà Lá Bối tự tin, hăng hái với những tác phẩm lớn hoặc khó “nuốt” như bộ “Sử Ký Tư Mã Thiên” mà Lá Bối chọn để xuất bản sau đó.
“Dịch giả của bộ “Sử Ký Tư Mã Thiên” vẫn là học giả Nguyễn Hiến Lê. Dịch giả biết rằng, trước ông, nhà văn Nhượng Tống thời tiền chiến đã làm công việc chuyển ngữ. Nhưng khác hơn dịch giả Nhượng Tống, dịch giả Nguyễn Hiến Lê sẽ dịch những chương, đoạn trong bộ “Sử Ký” mà ông Nhượng Tống loại bỏ và, ngược lại, ông cũng sẽ lược bỏ một vài chương, đoạn mà nhà văn Nhượng Tống đã chọn dịch. Nói cách khác, tổng quát thì phần lớn nội dung tác phẩm được hai dịch giả chọn để chuyển ngữ, giống nhau, chỉ có một đôi chỗ khác nhau mà thôi, ông “Lá Bối” nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi trong suốt thời gian điều hành nhà Lá Bối, với khoảng trên, dưới 150 đầu sách đủ loại, đa phần kén người đọc, có cuốn sách nào khi in ra bị lỗ không? Thì ông Từ Mẫn cho biết, hầu như cuốn nào cũng có lời. Kể cả những cuốn bán không hết. Và, dù là loại sách gì thì số lượng mỗi cuốn ngay lần in thứ nhất, ở Lá Bối, căn bản vẫn là năm ngàn (5,000) ấn bản.
Du Tử Lê cũng cho biết, “nhà thơ Thành Tôn đã nhận đại diện cho nhà Lá Bối nhiều năm ở miền Trung. Ðó là nơi có số lượng tiêu thụ sách cao nhất tính chung cả miền Nam, như thành phố Ðà Nẵng, Quảng Nam.
Nhà thơ Thành Tôn nói, ông cộng tác với tạp chí “Giữ Thơm Quê Mẹ” của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, từ những số đầu tiên của tờ báo này. Nên khi nhận được đề nghị của thầy Thanh Tuệ, nhờ tiếp tay với Lá Bối, ông đã nhận lời…”
Việc xuất bản những bộ sách vừa kể đem lại lợi nhuận, nhưng thầy Từ Mẫn cho biết ông dùng số tiền đó để xuất bản những cuốn sách của các tác giả, dịch giả khác. Và thầy Từ Mẫn, tức Võ Thắng Tiết qua phỏng vấn của nhà thơ Du Tử Lê đã ngỏ lời cảm ơn các độc giả thời đó. Và nhà thơ Du Tử Lê kết luận:
“Trước tấm lòng quên mình, ăn ở, sống chết với sách, có người đã không ngần ngại nói rằng: “Nếu có người một đời bị quỷ… ám thì, cũng có người một đời bị sách… ám. Trong số những người này, có thầy Từ Mẫn…”
N&BH – Tổng hợp