Menu Close

Chưa hẹn hoa đào

Vào thế kỷ mười bảy, thi hào Basho đã tạo cho bài thơ Haiku hơn mười âm tiết một vẻ đẹp đơn sơ nhưng đầy kỳ diệu:

“Năm dặm mỗi ngày

Ta đi tìm em đấy

Anh đào yêu dấu ơi!” (Basho)

Trên đường tới Yoshino để ngắm hoa anh đào, thi hào Basho đã soạn bài haiku trên. Ở Yoshino, ông mê mải ngắm hoa anh đào lúc tinh mơ, lúc hoàng hôn hay vào nửa đêm. Nhưng chìm ngập trong hoa, Basho không còn viết gì về hoa anh đào được nữa.

chua-hen-hoa-dao5
Gần 3,000 gốc hoa anh đào khoe sắc nơi Ngôi đền Kotohira-gu, thuộc tỉnh Kagawa – Nguồn Đại kỷ nguyên

Nhưng Basho đã để lại những bài Haiku viết về mùa xuân càng kỳ diệu hơn

“Mưa mùa xuân

Xuyên qua từng chiếc lá

Nuôi dòng suối xuân trong” (Basho)

Những bài thơ nhỏ bé, cô đúc như “ngón tay chỉ mặt trăng”, đưa chúng ta vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để tiếp cận với thực tại. Mỗi người chúng ta, tùy theo trải nghiệm sống của riêng mình, có thể kinh ngạc hay đồng cảm với nỗi niềm của tác giả.

chua-hen-hoa-dao
Hội người mẫu vận y phục kimono Nhật Bản – Ảnh Lê Thu Thùy

Một chiều tôi ngồi một mình nơi góc phố cổ, nhớ về một bài hát xưa, hình dung dáng xưa tôi của quá vãng trong màu áo trắng tinh khôi. Còn đâu đó một thiên thần, để đêm đêm hiện về giữa từng giấc mơ. Thiếu nữ ấy vẫn sống trong hiện tại của tôi, mặc dù giờ đây, thực tại phũ phàng và chua xót. Thời gian đang tàn phá nét thanh tân yêu kiều.

“.…Mùa xuân sang có hoa anh đào

Màu hoa đây dáng xưa còn đâu…”

Tôi biết anh khi đã đi gần trọn 40 mùa hoa anh đào nở. Cám ơn anh đã ưu ái một cành hoa còn thoảng chút hương phai, hoa rơi khỏi cành để gió cuốn đi. Tôi liên tưởng đến anh và những điều anh nói về hoa anh đào.Từ lúc hoa nở cho đến lúc hoa rụng chỉ kéo dài trong một tuần ngắn ngủi, người Nhật cho rằng đời người là mỏng manh, vô thường như loài hoa này. Hoa nở rồi sớm tàn phai cũng mang một vẻ đẹp đặc biệt, hoa chỉ tàn khi nó đẹp nhất, cái đẹp thuần khiết và cao cả. Ðiều này gắn liền với niềm bi cảm về cái đẹp của dân tộc Nhật, tức trong cái đẹp đã hàm chứa nỗi buồn sâu xa. Cả trong nỗi tuyệt vọng ta cũng tìm thấy cái đẹp của nó.

chua-hen-hoa-dao4
Cây anh đào ở Sapa Nguồn Báo Dân Trí

Nhưng nơi anh sống không phải là nước Nhật mà là Thụy Sĩ. Tôi từng muốn anh gửi cho tôi những hình ảnh của anh bên cội hoa anh đào xứ Thụy Sĩ xa xôi. Tôi mang nỗi quan hoài của một cô gái đi tìm hoa anh đào trên đất Thụy Sĩ, tôi chỉ gặp những bức tượng sư tử đá bi thương và buồn thảm.

Anh kể tôi nghe về những năm tháng trước 30 tháng 4 năm 1975. Hồi đó anh chưa đến trường. Ba anh mất khi anh mới chào đời. Nơi anh sống thời thơ ấu là vùng đất Ðà Lạt mù sương. Ngày xưa, bên mồ ba anh người ta trồng những cây hoa anh đào, và trong sân nhà anh hoa anh đào nở đẹp não nùng.

Tháng tư năm 1975, anh theo mẹ xuống tàu di tản, anh mới tròn 6 tuổi. Anh vẫn còn nhớ mùa xuân năm đó hoa anh đào nở rực rỡ con đường nhỏ và góc sân nhà anh. Không biết ai đã đem giống hoa anh đào về trồng trên đất Ðà Lạt mà xứ sở sương mù trở thành vùng đất hoa anh đào của Việt Nam?

Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng: Hoa anh đào được sinh ra từ thanh bảo kiếm của một Samurai dũng mãnh tại núi Phú Sĩ, sau khi chàng dùng thanh kiếm này kết liễu đời mình ngay tại mộ của người yêu mình. Và cũng vì lẽ đó mà người ta cho rằng không có nơi nào có sắc hoa anh đào đẹp hơn ở núi Phú Sĩ.

Tôi không sớm nhận ra cái chết trong một điều tuyệt vọng như những chuyện được kể trong truyền thuyết xa xưa của xứ sở phù tang, rằng chàng samurai có thanh kiếm sắc. Chàng khao khát thanh kiếm của mình ướp trong máu người thì mới trở nên báu kiếm vô địch thiên hạ. Buổi thái bình không ai gây nợ máu với ai, thanh kiếm của chàng sẽ đến ngày hoen rỉ. Chàng trai ủ ê ngày đêm ôm thanh kiếm mà mơ màng chiến tích. Người con gái yêu chàng đã cầm thanh kiếm đâm xuyên qua người để nó được uống no máu nàng hóa thành báu kiếm. Nhưng nàng chết chàng cũng chết theo. Chàng đến bên mộ nàng trên núi Phú Sĩ dùng thanh kiếm kết liễu đời mình. Thanh kiếm báu được chôn theo chàng hóa thành cây hoa anh đào. Loài hoa biểu tượng của tình yêu và thái bình.

chua-hen-hoa-dao3
Dãy hoa anh đào khoe sắc dọc theo kênh Okazaki ở Kyoto Nguồn Báo Thanh Niên

Nhà thơ nổi tiếng Nhật Bản Saigyo là kẻ cuồng hoa, được gọi là “nhà thơ của hoa anh đào”, mong muốn được chết dưới cội hoa anh đào vào đêm trăng rằm mùa xuân và kỳ lạ là điều ước của thi nhân đã trở thành hiện thực.

Tôi chưa từng hò hẹn anh dưới hoa anh đào, một loài hoa biểu thị cho linh hồn Nhật Bản, nơi người Nhật gửi gắm bao nhiêu tư tưởng triết học và mỹ học của mình vào những cánh hoa bé nhỏ mong manh. Anh trong tôi mãi là một cậu bé 6 tuổi theo mẹ dọc đường hoa Ðà Lạt, một ngày cuối tháng tư năm 1975, hai mẹ con xuống tàu di tản, ngày ấy hoa anh đào bung nở. Những cánh hoa tung bay trong gió, những cánh hoa phủ đầy mặt đất trên những lối đi, những cánh hoa trôi lững lờ trên sông. Ðẹp và buồn.

Chiều Chủ Nhật trước tôi lên núi Bà Nà tìm một cành hoa anh đào nở sớm bởi năm nay rét đậm, khắp các mặt báo tràn ngập hình ảnh hoa anh đào. Nhiều nơi trên đất Việt Nam: Ðà Lạt, Sa Pa, Ðiện Biên, Hà Nội… anh đào bung tỏa hết sắc đẹp. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của tôi, suốt 2 ngày Chủ Nhật của tuần trước và tuần này, hết lên núi Bạch Mã rồi Bà Nà, anh đào vẫn chưa chịu nở cho tôi được một lần buồn bên cánh hoa tượng trưng vĩnh cửu cho vẻ đẹp ngắn ngủi phù du kiếp người.

Tôi đang nghĩ về anh, đây chưa hẳn là ái tình, nhưng sâu xa hơn tình yêu, nó mang niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, ẩn chứa bên trong một thứ sức mạnh kỳ lạ – sức mạnh không ập thẳng vào mà chìm đắm trong tâm hồn người ta. Nó như sức nóng của suối khoáng hay lửa đốt trong lòng của rượu sake của người Nhật, mang đến cả nỗi đau buồn và niềm khuây khỏa, ngang bằng nhau. Khi người Nhật đau buồn vì thảm họa, những cánh hoa anh đào mong manh duyên dáng lại là biểu tượng của samurai, là hình ảnh cô đọng nhất về lòng dũng cảm Nhật Bản.

chua-hen-hoa-dao2
Hình chụp ở Hội An

Các võ sĩ Nhật cũng được ví như hoa bởi họ không bám chặt lấy cuộc sống, họ xuất hiện như hào quang hư ảo, chết ở đỉnh của sự huy hoàng, rực rỡ.

Trong thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Tất cả đều vô thường và phù du, ngắn ngủi. Bởi vậy người Nhật yêu hoa anh đào vì sự rụng rơi đúng lúc đẹp nhất của hoa như một biểu tượng mỹ học về cái chết. Trong các bài chiến ca, ta cũng nghe ra hình ảnh hoa anh đào tượng trưng cho những người chiến sĩ “tôi cùng các bạn, là hoa anh đào cùng mùa, nếu hoa đã nở thì chắc phải có ngày rụng rơi, hãy ý thức được điều đó, hãy rơi cho đẹp đẽ, vì quốc gia” (“Hoa anh đào cùng mùa”, Saijou Yaso sáng tác)

Khi đến với nhau để ngắm hoa anh đào, người ta không chỉ say đắm với vẻ đẹp của hoa, mà còn trân trọng những khoảnh khắc của cuộc đời mong manh và quý báu.  Chúng ta cần phải tranh thủ từng giây từng phút có được để sống.

Trở lại với những vần thơ Haiku:

“Gió xuân

Con đường đê dài

Quê nhà thăm thẳm” (Buson)

hay

“Nhìn về quê hương

Xa xăm quá đỗi

 Ðóa  hoa anh  đào rơi” (Buson)

Sự rơi của hoa và ước vọng của con người có tương quan gì với nhau? Hay đấy chỉ là một lẽ đời.

Ðêm xuân

Những con sóng yên lặng

Vỗ tràn nơi gối chăn”

chua-hen-hoa-dao1
Ngôi đền Hoa anh đào mới dựng ở Hội An

Chiều nay tôi một mình tôi thở nơi công viên Hoa anh đào ở Hội An. Nơi đây người Nhật đã tài trợ cho Thành phố Hội An tiền bạc để xây dựng công viên Việt Nhật và ngôi đền hoa anh đào. Mọi thứ nơi này đều tươi mới. Bất ngờ với tôi, những ngày cuối năm, Hội Hoa Anh Ðào đã đưa về 12 cây hoa anh đào đang bung nở. Xuân đến đã làm vô số nụ hoa anh đào nở rộ, những cánh hoa thi nhau nhảy múa theo một điệu nhạc vô thanh được cất lên từ những làn gió nhẹ. Trong cái lạnh giá và bầu trời như tấm phông màu xanh vĩ đại. Cánh hoa anh đào như những cánh hoa tuyết, có nhiều lúc, hoa rơi như mưa, làm thành thảm hoa, suối hoa, hắt sáng mặt đất. Dù nở lúc thái bình, hoa cũng mang đến nét buồn phảng phất giữa không khí hội hè, bởi nó rụng đúng độ nhan sắc tuyệt mỹ.

LTT