Menu Close

Không chỉ là một “tàu sân bay”

Lời Tòa Soạn: Hàng Không Mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đã rời cảng Đà Nẵng ngày 9 tháng 3 và những người lính Hải quân Mỹ đã để lại một ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong lòng dân chúng Đà Nẵng cũng như của cả nước. Bài viết dưới đây sẽ nói về những khả năng vượt trội của Hàng không mẫu hạm lớp Ford để hiểu thêm về sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ so với các đối thủ của mình trên thế giới.

khong-chi-la-mot-tau-san-bay3
Hàng không mẫu hạm thế hệ mới USS Gerald Ford (AFP)

Cho đến giờ, không hải quân quốc gia nào mà không thèm muốn Hàng không mẫu hạm. Việc sở hữu Hàng không mẫu hạm không có nghĩa nó cho thấy năng lực đóng tàu. Vì Hàng không mẫu hạm không phải là một con tàu. Nó là một hệ thống tác chiến khổng lồ và phức tạp. Nó là sức mạnh hội tụ của gần như toàn bộ lực lượng hải quân một quốc gia.

Ðể xây dựng một hải quân mạnh không đơn giản chỉ mua hoặc đóng Hàng không mẫu hạm. Chi phí để vận hành một Hàng không mẫu hạm Mỹ đã ngốn ít nhất 1 triệu USD/ngày! Thậm chí Nga còn chịu không nổi. Hiện Nga chỉ có một Hàng không mẫu hạm, chiếc “Ðô đốc Kuznetsov”, được hạ thủy thử nghiệm năm 1989, gia nhập vào Hạm đội biển Bắc năm 1991, mãi đến năm 1995 mới hoạt động chính thức. Và dù là một trong những quốc gia có nền công nghiệp vũ khí có tên tuổi nhưng Nga vẫn chưa đóng nổi Hàng không mẫu hạm nào khác cho ra hồn. Không như 11 chiếc Hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ chạy bằng hạt nhân, chiếc “Ðô đốc Kuznetsov” vẫn chạy bằng turbin hơi nước với hệ thống bồn đun áp suất mà tờ Defense Industry Daily miêu tả một cách lịch sự là “hơi bị khiếm khuyết”. Chuyện “chết máy” giữa chừng xảy ra như cơm bữa. Mỗi lần “Ðô đốc Kuznetsov” đi “hành quân”, phải có vài chiếc tàu kéo đi theo yểm trợ!

khong-chi-la-mot-tau-san-bay1
Hoạt động của thủy thủ đoàn USS Carl Vinson trong chuyến ghé Đà Nẵng đầu tháng 3-2018 (AFP, Reuters)

Với Trung Quốc, họ cũng mơ một hạm đội mà Hàng không mẫu hạm là trung tâm của năng lực hải chiến. Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, từ Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai đến tư lệnh hải quân Tiêu Kính Quang, đều nhiều lần bày tỏ thèm khát sở hữu Hàng không mẫu hạm. Ngoài chiếc Hàng không mẫu hạm mua ve chai được đặt tên Liêu Ninh bắt đầu “ra khơi” năm 2012, Trung Quốc vừa đóng được một Hàng không mẫu hạm, Type 001A, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay (2018). Cần nhắc lại, Hãng đóng tàu Ðại Liên, thuộc Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC), đã mất 8 năm để tân trang xác chiếc Varyag mua của Ukraine để biến nó thành “Hàng không mẫu hạm” Liêu Ninh – so với thời gian trung bình 5 năm để Mỹ đóng một Hàng không mẫu hạm mới tinh và siêu hiện đại.

Phải mất hàng chục năm Mỹ mới xây dựng được hạm đội mẫu hạm hùng mạnh như hiện nay. Theo Naval War College Review, cựu sĩ quan hải quân Mỹ Robert Rubel từng ghi nhận rằng, từ năm 1949 (khi máy bay bắt đầu được khai triển  mạnh cho hải quân Mỹ) đến năm 1988 (khi thống kê sự trục trặc của hải quân và thủy quân lục chiến bắt đầu giảm xuống cấp độ tương đương không quân), tổn thất đối với hải quân Mỹ là 12,000 máy bay và 8,500 nhân mạng! Chỉ riêng năm 1954, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã mất 776 máy bay và 535 người; và tổn thất do lỗi liên quan kỹ thuật cất hạ cánh xuống mẫu hạm được thống kê cho thấy nó cao hơn các tổn thất trong hải quân nói chung.

Hàng không mẫu hạm Mỹ nói chung luôn hoạt động chứ không phải là một biểu tượng “chết”. Thử điểm đôi chút về “đời binh nghiệp” của chiếc USS Carl Vinson để thấy rõ hơn. USS Carl Vinson (CVN-70) – thuộc lớp Nimitz, đặt theo tên dân biểu Carl Vinson – là một trong những Hàng không mẫu hạm có bề dày chiến tích đáng kể. Từ khi hạ thủy năm 1980 và bắt đầu chuyến hải hành đầu tiên năm 1983, USS Carl Vinson đã tham gia nhiều chiến dịch quân sự. Cũng từ chính boong con tàu này, thi thể trùm khủng bố Osama Bin Laden đã được ném xuống biển…

khong-chi-la-mot-tau-san-bay
(AFP, Reuters)

Ngày 11-9-2001, khi đang vòng qua Ấn Ðộ, USS Carl Vinson vội vã đổi hướng và trực chỉ biển Arab. Vài tuần sau, nó tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 7-10-2001, USS Carl Vinson bắt đầu cuộc tấn công đầu tiên trong chiến dịch Enduring Freedom. Trong 72 ngày, USS Carl Vinson, cùng Phi đội 11, đã thực hiện hơn 4,000 đợt bay oanh kích kẻ thù. Ðầu năm 2003, USS Carl Vinson tiếp tục lên đường, cho chiến dịch Iraqi Freedom. Mãi đến tháng 9-2003, USS Carl Vinson mới được về “nghỉ phép”. Ðầu năm 2005, USS Carl Vinson rời Bremerton (Washington) cùng phi đội CVW-9 thực hiện cuộc “hành quân” 7 tháng trong đó có vài tháng tạt vào Vịnh Ba Tư để tiếp tục hỗ trợ hai chiến dịch Iraqi Freedom và Enduring Freedom.

5 năm sau, chỉ vài giờ sau vụ động đất Haiti, USS Carl Vinson lại lên đường thực hiện công tác nhân đạo. Chính trên boong con tàu này, thông tín viên CNN đặc trách y học Sanjay Gupta (vốn là bác sĩ phẫu thuật thần kinh), cùng bác sĩ phẫu thuật Henri Ford và hai bác sĩ hải quân, đã lấy ra mảnh bê tông từ đầu một em bé 12 tuổi bị nạn từ trận động đất. Ðầu tháng 5-2011, trên boong USS Carl Vinson, thi thể Osama Bin Laden được ném xuống biển. Vài ngày sau, nó vào Vịnh Manila, trong chuyến viếng thăm hữu nghị Philippines và sau đó hạ neo ở Hong Kong để được tiếp tế rồi “giong buồm” về San Diego.

Có thể nói USS Carl Vinson gần như quanh năm lênh đênh ngoài khơi. Tháng 11-2011, nó rời căn cứ hải quân ở San Diego để lên đường cho chuyến hải trình đến Tây Thái Bình Dương. Vài tháng sau, tháng 1-2012, nó bắt đầu chuyến tuần tra biển Arab. Ðến tháng 5-2012, nó mới được về nhà (San Diego) để được đại tu định kỳ. Tháng 8-2014, USS Carl Vinson được điều đến khu vực đặc trách của Hạm đội 5 và Hạm đội 7 rồi sau đó đến biển Arab để hỗ trợ Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush trong chiến dịch tấn công lực lượng khủng bố ISIS. Trước khi về căn cứ San Diego ngày 4-6-2015, USS Carl Vinson cùng phi đội CVW-17 đã thực hiện 12,300 đợt bay và thả 230 tấn bom xuống ISIS. Tháng 2-2017, USS Carl Vinson bắt đầu “các chiến dịch tuần dương định kỳ” tại biển Ðông, nhằm biểu thị quyền tự do hàng hải của quân đội Mỹ. Ngày 5-3-2018, USS Carl Vinson đến Ðà Nẵng. Ngay sau khi rời Việt Nam, USS Carl Vinson lại đến Tây Thái Bình Dương, tham gia cuộc tập trận song phương với Hải quân Nhật…

khong-chi-la-mot-tau-san-bay2
Hoạt động của thủy thủ đoàn USS Carl Vinson trong chuyến ghé Đà Nẵng đầu tháng 3-2018 (AFP, Reuters)

Vài chi tiết hoạt động của USS Carl Vinson cho thấy việc sở hữu Hàng không mẫu hạm là một chuyện. Ðể nó vận hành và luôn nổi bật vai trò của một mẫu hạm trong một hải quân quốc gia là một chuyện khác. Nhân tiện, xin nói thêm, việc dịch từ “aircraft carrier” là “tàu sân bay” (như báo chí trong nước) là không chính xác. Phải dịch là “Hàng không mẫu hạm” mới nêu rõ được vai trò “tàu mẹ” của nó trong nhóm tác chiến hải quân (aircraft carrier strike group). Hải quân thế giới có rất nhiều khu trục hạm có bãi đáp máy bay nhưng không “tàu sân bay” nào có sức mạnh như Hàng không mẫu hạm. Như đã nói, Hàng không mẫu hạm không đơn giản là một con tàu to. Nó là một hệ thống vũ khí hỗn hợp khổng lồ và cực kỳ phức tạp. Và nó ngày càng trở nên phức tạp hơn với Hàng không mẫu hạm thế hệ mới, như lớp Ford thay thế 10 chiếc lớp Nimitz đang hoạt động. USS Gerald Ford, chiếc đầu tiên của lớp Ford, đã hạ thủy. Chiếc thứ hai, USS John F. Kennedy, đang được đóng. Chiếc thứ ba, USS Enterprise, bắt đầu được đóng trong năm nay (2018). Lần lượt, các con tàu lớp Ford sẽ thay tất cả 10 chiếc lớp Nimitz (được đóng từ 1975 đến 2009).

Hàng không mẫu hạm lớp Ford mạnh hơn nhiều so với lớp Nimitz. Hai lò hạt nhân AB1 của nó cung cấp đến 600 megawatts điện (so với 200 megawatts của Nimitz). Ford dùng Hệ thống phóng điện từ (EMALS) để “phóng” máy bay nhanh hơn, thay thế hệ thống đẩy hơi nước kiểu cũ, giúp tăng tỷ lệ cất cánh máy bay 25%/ngày. Ford có hệ thống radar tân tiến nhất hiện nay, kết hợp X-Band AN/SPY-3 Aegis với S-Band Volume Surveillance, gọi là Dual Band Radar (DBR), giúp tăng khả năng tìm kiếm, giám sát, phát hiện… và điều khiển giàn hỏa tiễn Evolved Sea Sparrow Missiles (ESSM) bắn chặn. Dĩ nhiên Ford sẽ có mặt thế hệ tiêm kích cơ hiện đại nhất thế giới F-35C.

Nhờ nhiều kỹ thuật được tự động hóa nên Ford chỉ cần 4,660 người, ít hơn 600 người so với Nimitz. Về sinh hoạt, Ford có thể biến nước biển thành nước ngọt với 400,000 gallon/ngày (hơn 1.5 triệu lít) và phục vụ 15,000 suất ăn mỗi ngày. Nói đến việc này khiến nhớ đến chi tiết rằng, trên “Hàng không mẫu hạm” “Ðô đốc Kuznetsov” của Nga, chỉ có hơn 50 nhà xí và ½ trong số đó được dán bảng “ngưng hoạt động”. Gần 2,000 người với 25 nhà xí là vấn đề chẳng phải chuyện nhỏ… Với Hàng không mẫu hạm, có rất nhiều “chuyện nhỏ” phức tạp, chứ không chỉ là hình ảnh uy lực của một con tàu chiến khổng lồ.

MK