Bài: Trân Phương
Ảnh: Cẩm Tú
Gần đến ngày giỗ tưởng niệm Hai bà Trưng mùng 6 tháng 2 Âm Lịch, một người bạn chuyển cho tôi bài viết liên quan đến danh hiệu của hai bà. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến “Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam”. Trong suốt đời học sinh, tôi đã học những bài sử ký ngắn gọn nói về bà Trưng Trắc vì thù chồng bị giết đã cùng em là Trưng Nhị, nổi lên đánh đuổi giặc Tàu ở Mê Linh. Bài viết tôi mới đọc này đã chứng minh sự việc không hẳn như thế. Bài viết đính kèm với bản đồ lãnh thổ của tộc Lạc Việt thời Trưng Đại Đế năm 40 sau Tây Lịch cùng những lý do dẫn chứng rất đáng tin tưởng trích từ các sách sử khác. Tôi xin ghi lại một đoạn như sau:

“Từ năm -111 (trước Công Nguyên) đến năm 30, Lạc Việt bị nhà Hán xâm lăng. Tuy vậy, sự đô hộ chưa toàn diện. Lạc Hầu, Lạc Tướng vẫn là những quan tướng Việt lo việc an dân như thời Hùng Vương, nhà Hán chỉ thâu thuế lúa gạo là chính. Đến năm 30-40, Hán Vũ Đế cho quân trú đóng và đặt ách nô lệ hà khắc ảnh hưởng trực tiếp từ vùng Đồng Đình Dương Tử đến rặng Ngũ Lĩnh (Quảng Đông, Quảng Tây) và vùng sông Hồng; trong đó có việc Tô Định giết Thi Sách, chồng bà Trưng (chị) là Lạc Tướng huyện Châu Diên vùng sông Hồng. Bà Trưng được các thủ lãnh tôn vinh là Đế (vua) để lãnh đạo cuộc kháng chiến dành độc lập của dân tộc Lạc Việt. Bà Trưng (chị) không chỉ vì thù chồng và hận giặc Tô Định tham tàn như sử “Việt-Tàu” viết, mà chí lớn hơn người, đã đứng lên liên kết rộng lớn các vùng Đồng Đình Hồ, vùng Lĩnh Nam (Trung Nguyên ngày nay) và vùng sông Hồng cùng đứng lên giải phóng đất nước thoát khỏi sự thống trị tham tàn của giặc Đông Hán…..

Bảy vạn quân Hán đã bị giết dưới tay các nữ tướng. Trong số 162 Nữ Tướng có bà Trưng (em) là Công chúa Bình Khôi, các công chúa Thánh Thiên, Gia Hưng, Vĩnh Huy, Trinh Thục, Nga Sơn, Nghi Hòa, Phật Nguyệt, bà Lê Chân…Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài từ năm 30 đến năm 40. Thắng trận sau khi chiếm lại 65 thành trì, hai Bà Trưng lên làm Vua, đóng đô ở Mê Linh đến năm 43. Sau đó nhà Hán sai Mã Viện báo thù. Hai Bà và quân dân Lạc Việt thua trận. Nhà Hán tiếp tục đặt ách đô hộ lên dân tộc ta suốt 1 ngàn năm và ngay lập tức chúng đã trả thù man rợ là giết sạch các gia tộc mang giòng họ Trưng, Thi, Đô, Úy. Giặc Tàu cố gắng đồng hóa dân Lạc Việt bằng rất nhiều thủ đoạn như xuyên tạc, viết lại lịch sử, chiếm đoạt văn minh, lãnh thổ, sửa đổi chữ viết, văn hóa Việt. Trong chiều hướng Hán Hóa của giặc Tàu, thời nào cũng vậy, nếu không xóa được các chiến tích Việt thì “Thiên Triều” cũng cố gắng hạ thấp hay chuyển hóa các mục tiêu của các chiến tích. Bây giờ thì ta có thể hiểu tại sao Sử Việt (do Tàu viết) được xử dụng dưới thời 150 năm Triều Nguyễn (Gia Long) lại có những bài sử ngắn gọn như “Hai Bà Trưng”, thực tế là Trưng Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. Hoặc “Bà Triệu Ẩu” (có tính cách nhục mạ), thực tế phải là Nữ Anh Thư Triệu Thị Trinh….”

Bài viết đã làm tôi suy nghĩ. Thật thế, ngày nay, cứ nhìn cách Trung quốc đang xâm lăng Việt Nam bằng mọi mặt đã là một bằng chứng cụ thể để thấy dã tâm của Tàu cộng từ ngàn xưa cho đến nay.

Thế là Thứ Bảy, ngày 24 tháng 3, tôi lái xe lên Orlando tham dự buổi Tưởng Niệm Hai Bà Trưng tại hội trường Sorosis Of Orlando Woman’s Club. Vừa đi vừa nghĩ bụng, tổ chức Lễ Hai Bà Trưng tại hội trường của phụ nữ là đúng quá thôi.

Tìm được chỗ đậu xe để vào bên trong tôi tưởng mình đến trễ 15 phút nhưng thật ra là sớm 15 phút vì đến 11:30 chương trình mới bắt đầu.

Bà Nông Thanh Nhung, người hướng dẫn chương trình tổng quát giới thiệu thành phần quan khách tham dự. Sau đó toán cựu quân nhân rước Quốc Kỳ Việt, Mỹ lên làm Lễ Chào Cờ do Sĩ Quan nghi lễ Nguyễn Lâm Viên phụ trách. Phút Mặc Niệm liền ngay sau Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Người hướng dẫn chương trình, cô Kim Anh bắt đầu buổi tế lễ. Lọng che, khăn phủ, Linh Vị hai Bà được ban tế lễ nữ rước lên bàn thờ. Ba hồi chiêng, trống rền vang. Một màu Vàng toàn diện với lá cờ ba sọc đỏ làm nền trên sân khấu. Bên cạnh là hai lá cờ Việt, Mỹ. Phía dưới là hai giá gắn những lá cờ ngũ sắc. Nhạc cung đình trổi lên trong lúc ban tế lễ dâng phẩm vật lên bàn thờ. Tiểu sử Hai Bà Trưng được bà Thương Cúc tóm lược. Ban tế lễ nữ dâng hương trong tiếng chiêng, trống. “Khói hương nghi ngút tỏa mùi thơm, khấu đầu bái lạy..” giọng trầm ấm của chánh Tế Tuyết Nga khởi tế. Sau Hương là Rượu dâng lên Hai Bà. Bài văn tế cất lên: “Việt nam Cộng Hòa năm lưu vong thứ 43. Nữ giới lưu vong kính dâng Hoa, Quả… Khi kể tội Tàu Cộng đang lăm le thôn tính Việt nam như chúng đã làm dưới thời đại của Hai Bà, chánh tế Tuyết Nga đã không kềm nổi cảm xúc uất hận, nghẹn ngào làm nhiều người cùng rơi lệ. Ban tế lễ nữ hầu hết là những quý bà đứng tuổi. Có vị ngoài 70 mà vẫn hoan hỉ đứng, quỳ, bái, lạy, nghiêm chỉnh hoàn tất những động tác phải có trong nghi thức làm tôi rất kính phục. Góp phần với ban tế lễ nữ; ban tế lễ nam lên bái, lạy bàn thờ Hai Bà. Tứ bái đã kết thúc phần nghi thức tế lễ. Không thua kém ông, bà, cha, mẹ, màn tế Võ do hai anh em Gia Linh, Gia Lam, thuộc võ đường Vovinam của võ sư Vũ Đức Thọ cùng múa kiếm. Đặc biệt hơn cả là hoạt cảnh “Hào Khí Mê Linh” nói về buổi giã biệt của Trưng Trắc và Thi Sách chia tay nhau trước khi lên đường đi Châu Diên giết giặc Tàu để rồi hy sinh ở đó. Trưng Trắc hận giặc tàn ác cộng thêm thù chồng phải trả, đã nổi quân ở Mê Linh. Lệnh xuất quân ban ra. Cờ xí ngợp trời, chiêng trống vang dội với tiếng thét quyết chiến đã chấm dứt màn hoạt cảnh. Tiếng vỗ tay tán thưởng diễn viên Hội An trong vai Trưng Trắc. U sầu khi chia tay chồng, căm phẫn vì giặc tàu tàn ác, uất hận vì chồng chết được cô diễn tả rất xuất sắc. Hai nhạc phẩm Cô gái Việt và Trưng Nữ Vương do các cựu, tân hoa hậu trình bày đã chấm dứt phần văn nghệ của buổi Tưởng Niệm Hai Bà Trưng lúc 1 giờ trưa.

Một phần khác của chương trình hôm nay là lễ bàn giao giữa ông Nguyễn Quốc Hùng, cựu chủ tịch cùng bà Nguyễn Đức Minh Ngọc, Tân chủ tịch CĐVN/TTFL diễn ra nhanh chóng, ngắn gọn, trẻ trung. Đồng thời, các thành viên của Hội Đồng Đại Diện được bầu trong nhiệm kỳ 2018 – 2020 cùng ra mắt 7 người, gồm các ông Nguyễn Thanh Thụy, bà Lê Thị Thu Dzung, Trần Minh Thống, bà Châu Kim Ngọc, Châu Ngọc An, Trịnh Tuấn Anh, và Lê Văn Tình.

Sau khi các nghi thức hoàn tất, người tham dự được mời hưởng lộc Hai Bà qua bữa ăn trưa trong tình đồng hương ấm áp.





















Trân Phương