Chỉ vài tuần sau khi Thế Vận Hội Mùa Đông tại Nam Hàn bế mạc, fan của bộ môn trượt băng nghệ thuật lại một lần nữa được chiêm ngưỡng các nghệ sĩ trượt băng hàng đầu thi đấu tại giải World Skating Championship (WSC) để tranh giành danh hiệu Quán Quân Thế Giới.

Khác với Thế Vận Hội chỉ xảy ra mỗi bốn năm, giải WSC được tổ chức hàng năm bởi International Skating Union (ISU) và được xem là giải cá nhân lớn nhất của môn thể thao này. Gọi là cá nhân bởi vì các thể tháo gia không đại diện cho nước mình mà chỉ tranh tài với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, họ vẫn phải được Uỷ Ban Trượt Băng của mỗi quốc gia thành viên của ISU chọn lựa và tiến cử.
Ngoài giải World Championship hàng năm, ISU còn bảo trợ một số giải khác như Junior Championship (Thiếu Niên), European Championship (Âu Châu), Four Continents Championship (4CC) gồm bốn đại lục không thuộc Châu Âu: Mỹ châu, Á châu, Phi Châu và Thái Bình Dương. Xưa nay giải Tứ Ðại Lục 4CC luôn bị áp đảo bởi bốn nước: Mỹ, Canada, Nhật và Trung Quốc. Chỉ bốn nước này đã chiếm 236 trên 240 chiếc huy chương. Bốn chiếc huy chương kia thuộc về: Kazakhstan, Uzbekistan, Nam Hàn và Bắc Hàn.

Tổ chức ISU được thành lập năm 1892 để kiểm soát các môn đấu trên băng như trượt đua hay trượt nghệ thuật. Ðến năm 1896 giải trượt băng quốc tế đầu tiên (ISU Championship) được tổ chức tại St Petersburg, Nga, nhưng chỉ dành cho phái Nam mặc dù trong quy định không có điều khoản nào cấm phụ nữ cả. Năm 1902, lúc ấy giải này đã được đổi tên lại thành World Championship, bà Madge Syers người Anh ghi danh tham dự và thắng liền tù tì chiếc huy chương Bạc. Sang năm sau ISU vẫn không chịu sửa đổi quy luật. Cuối cùng đến năm 1905 họ mới quyết định lập ra một giải riêng cho phụ nữ nhưng lại gọi nó là ISU Championship, và người thắng giải cũng không được gọi là World Champion mà chỉ là ISU Champion. Tuy vậy tại giải Nữ đầu tiên năm 1906 tổ chức ở Davos (Thuỵ Sĩ) bà Syers đã đoạt huy chương Vàng dễ dàng.

Ðó là về phái Nữ, còn với cặp đôi thì phải đến 1908 ISU Championship ở St. Petersburg (Nga) mới có bộ môn trượt băng dành riêng cho họ. Thế nhưng không phải nước nào cũng chấp nhận chuyện này vì cho rằng nó xúc phạm “thuần phong mỹ tục”. Tình trạng phân biệt giữa hai giải World Championship và ISU Championship kéo dài như vậy cho tới 1930 mới chấm dứt. Năm đó hai giải được gom lại thành một khi được tổ chức lần đầu tiên ngoài Âu Châu, tại thành phố New York. Khi ấy giải gồm ba bộ môn: Ðơn Nam, Ðơn Nữ, và Cặp Ðôi. Phải đến năm 1952 bộ môn Khiêu Vũ mới được thêm vào, và đó là bốn bộ môn chính của giải cho tới ngày nay.

Vào những năm giải WSC trùng với Thế Vận Hội, số lực sĩ tham dự giải WSC giảm xuống rõ rệt. Thứ nhất vì nhiều người quá mỏi mệt sau TVH, thường chỉ mới xảy ra trước đó vài tuần, nên họ cần nghỉ dưỡng sức. Thứ nhì vì một số lực sĩ lợi dụng thời gian sau TVH, nhất là nếu họ thắng huy chương, để đi tour hay làm PR quảng cáo kiếm tiền. Chẳng hạn như năm nay cặp anh em Shibutani của Mỹ (hai chiếc HC Ðồng tại PyeongChang) hay Adam Rippon cũng của Mỹ (HC Ðồng), đã từ chối tham dự giải WSC. Hoặc là skater người Nhật Yuzuru Hanyu, vừa đạt thành tích hai chiếc huy chương Vàng TVH liên tiếp, cũng không tham dự vì trước đó anh ta vừa bị chấn thương.

Ngược lại, một số lực sĩ sau TVH dù thành công hay không vẫn cố gắng thi đấu trong giải cuối cùng của mùa. Tại giải WSC năm nay ta thấy sự hiện diện của nhiều lực sĩ vừa đoạt huy chương tại PyeongChang như cô bé 15 tuổi Alina Zagitova người Nga (HC Vàng Ðơn Nữ), Shoma Uno người Nhật (HC Bạc Ðơn Nam) cặp Virtue/Moir của Canada (HC Vàng Ðôi) v.v…
Nhưng được nhiều người theo dõi chú ý hơn hết là Nathan Chen của Mỹ—cậu bé thần đồng 18 tuổi đã rớt đài thê thảm tại Bình Xương mặc dù anh ta đã đạt kỳ tích năm cú nhảy Quad (xoay bốn vòng trên không) trong phần Free Skate, nhưng vẫn không đủ điểm để thắng vì trong phần Short Program trước đó cậu bị trợt té ba bốn bận. Về hạng Năm trước sự ngỡ ngàng và thất vọng của mọi người, Nathan Chen thú nhận anh đã bị áp lực tinh thần quá nặng nên chơi không tự nhiên. Anh hứa sẽ vượt qua được thất bại này để chứng minh với bản thân rằng mình dư sức thắng.
Và Nathan Chen đã giữ lời hứa. Anh đã lấy được số điểm cao thứ nhì trong lịch sử WSC để thắng HC Vàng một cách nhẹ nhàng. Không những thế, anh còn lập thêm một thành tích mới là nhảy sáu cú Quad trong phần Free Skate! Một kỷ lục không biết tới bao giờ mới có ai phá nổi. Shoma Uno, người giữ kỷ lục điểm cao nhất WSC cũng phải chịu thua Nathan Chen phen này, mang về chiếc HC Bạc.
Trong khi đó nữ lực sĩ 34 tuổi Aliona Savchenko người Ukraine skate với một anh chàng người Ðức mới 29 tuổi, cả hai vừa thắng HC Vàng tại PyeongChang đại diện cho nước Ðức. Tại Milan cặp bài trùng này đã thừa thắng xông lên lấy thêm một chiếc HC Vàng nữa. Ðây là HC quán quân thế giới thứ 6 của Savchenko, cộng với hai chiếc HC Ðồng tại TVH 2010 & 2014, cô là nhà skater nữ có nhiều huy chương nhất trong lịch sử.
Nếu thể thao có thể mang đến vinh quang thì đồng thời nó cũng mang lại nhiều thất bại ê chề. Ðó là trường hợp của cô bé thần đồng 15 tuổi Alina Zagitova của Nga. Từ đầu mùa tới giờ Zagitova đánh đâu thắng đó, không nhất cũng nhì, chưa bao giờ không được lên bục. Sau khi Zagitova đoạt HC Vàng tại PyeongChang với số điểm cực kỳ cao, ai cũng nghĩ việc cô ta thắng WSC chỉ là vấn đề thủ tục. Sau màn Short Program Zagitova đứng thứ nhì sau Caroline Kostner của Ý, và chỉ cần skate sạch sẽ trong phần Free Skate là ăn chắc. Nào ngờ, giống như Nathan Chen tại Bình Xương, Zagitova bị lung lay tinh thần và té lên té xuống như người mới tập trượt băng. Ðến cả huấn luyện viên của cô cũng phải há hốc mồm vì sốc.
Nhưng đau nhất có lẽ là Caroline Kostner của Ý. Sau khi Zagitova rớt đài, cánh cửa quán quân rộng mở cho Kostner nhưng Caroline đã không nắm bắt được thời cơ. Là người ra skate cuối cùng, trước sự cổ võ nồng nhiệt của khán giả sân nhà, Kostner đã bị khớp và té ạch đụi, lọt xuống hạng tư trong khi Zagitova rơi xuống hạng 5. Thế là Kaetlyn Osmond của Canada (HC Vàng môn Ðồng Ðội tại PyeongChang) cuỗm được giải quán quân ngon ơ. Ðồng thời hai cô người Nhật Wakabi Higuchi và Satoko Mihayara, nhờ giữ được bình tĩnh trong trận cuối, nên đã lấy được HC Bạc và Ðồng trong sự may mắn bất ngờ. Người mình có câu “hay không bằng hên” dùng trong trường hợp này quả không sai.

Người Mỹ thì lại nói: “May mắn là khi sự chuẩn bị gặp được thời cơ”, nghĩ còn đúng hơn nữa. Tại WSC năm nay có một cậu bé người Canada gốc Việt tên Nam Nguyễn, mới 19 tuổi. Từng thắng HC Vàng giải WSC Thiếu Niên tại Sofia (Bulgaria) năm 2014, Nam đã đoạt giải quán quân Gia Nã Ðại năm 2015. Cha anh là thuyền nhân đến Canada năm 1988, sau đó ông bảo lãnh vợ sang năm 1994. Sinh năm 1998, Nam Nguyễn là một câu chuyện thành công của người Việt tị nạn. Rất tiếc tại Milan lần này em đã bị loại ở vòng ngoài, nhưng ta có thể tin rằng, với sự khuyến khích và ủng hộ của gia đình, Nam sẽ tiếp tục rèn luyện để chuẩn bị. Thời cơ có thể đến bất cứ lúc nào, ăn thua ta có sẵn sàng để nắm lấy nó hay không mà thôi.
BB