Trong những số vừa qua, chúng tôi đã trình-bày sự hình-thành và phát-triển của tình-ca nói riêng và của nền tân-nhạc Việt-Nam nói chung trong thời-kỳ đầu – tức là từ giữa thập-niên 1930 tới 1954. Kỳ này chúng tôi bắt đầu đi vào phần cuối của thời-kỳ nói trên. Đó là giới-thiệu những tình-khúc tiêu-biểu, sáng-tác trước năm 1954 của các nhạc-sĩ miền Bắc sau này di-cư vào Nam, cũng như của các nhạc-sĩ ở miền Trung và ở trong Nam.
Hoài Nam biên soạn
Trần Phương Thảo chuyển văn bản
Nhạc-sĩ đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới là Phạm Duy. Sau khi sáng-tác ba bản “Chinh-Phụ Ca”, “Cây Ðàn Bỏ Quên” và “Khối Tình Trương-Chi” vào năm 1945, ông đi theo kháng-chiến. Một cuộc kháng-chiến mà dưới mắt giới trí-thức, sinh-viên học-sinh thành-phố thời bấy giờ mang đầy tính chất lãng-mạn. Năm 1946, nhân dịp trở về Hà-Nội, Phạm Duy trải qua một cuộc tình ngắn-ngủi với một vũ-nữ, tạo nguồn cảm-hứng cho ông sáng-tác bản “Tình Kỹ-Nữ”, ca-khúc mà Phạm Duy đã gọi là “bản nhạc tình đúng nghĩa đầu tiên” của mình.

Sau đó, Phạm Duy lại bỏ Hà-Nội để đi lên chiến-khu, khởi-sự viết một loạt ca-khúc mà ông gọi là thanh-niên-ca, để đáp ứng nhu-cầu trong giai-đoạn này — như các bản “Khúc Nhạc Tuổi Xanh”, “Về Ðồng Hoang”, “Ðường Về Quê”, “Thanh-Niên-Ca”, “Thanh-Niên Quyết-Tiến” v.v… Thế nhưng, bản-chất con người của Phạm Duy là lãng-mạn, cho dù sáng-tác nhạc kháng-chiến, nhạc thanh-niên hùng-tráng… vẫn chất-chứa những tư-tưởng lãng-mạn. Thành thử cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi vào năm 1947 tại Lào-Cai, giữa vùng biên-giới hoang-vu, ông đã sáng-tác một tình-khúc đầy lãng-mạn, từ nét nhạc tới lời ca. Nhạc là thể-điệu Tango của vũ-trường đèn mờ; lời là nỗi bâng-khuâng khi đứng giữa cây cầu nhìn xuống dòng nước mà liên-tưởng tới dòng đời của mình, đang từ từ trôi…
Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa
Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ
“Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Ðâu đây dáng huyền đền duyên mơ
Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi,
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời …
Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Danube
Những đêm sáng sao
“Bên Cầu Biên-Giới” là bản nhạc tình hiếm-hoi thời bấy giờ nên đã được phổ-biến rộng-rãi và được mọi người yêu chuộng. Nhưng riêng với cấp lãnh-đạo đây là một bản nhạc đầy nét lãng-mạn tiểu-tư-sản, xa cách với không-khí kháng-chiến. Vào thời-điểm mà người ta đang hô-hào nhân-dân ôm bom lao vào chiến-xa địch, đem thân đi lấp chiến-hào, thì những ca-khúc lãng-mạn tiểu-tư-sản ấy dứt khoát không thể chấp-nhận.

Nhưng, nói theo từ-ngữ của cách-mạng, thì Phạm Duy đã không thể dứt khoát với quá-khứ trí-thức tiểu-tư-sản thành-thị. Ông có thể bỏ văn-nghệ kháng-chiến, nhưng không thể bỏ tình-ca. Nhất là vào thời-gian ấy ông đã đem lòng yêu Thái-Hằng, cô bạn kháng-chiến sau này trở thành vợ hiền của ông trong suốt 52 năm trường. Vì thế, bên cạnh những tình-khúc mà ông gọi là vu-vơ, tưởng-tượng, Phạm Duy đã viết riêng cho Thái-Hằng hai bản “Ðêm Xuân” và “Chú Cuội” để thay lời cầu-hôn, trước khi nên duyên vào năm 1948.
Năm 1950, sau khi tham-dự cuộc họp với cấp lãnh-đạo trung-ương, được nghe tận tai chủ-trương của những người cộng-sản núp sau lưng kháng-chiến, Phạm Duy quyết-định trở lại Thanh-Hoá. Từ Thanh-Hoá ông đưa gia-đình về Hà-Nội rồi đi thẳng vào Sài-Gòn năm 1951. Sáng-tác sau cùng của Phạm Duy khi còn ở với kháng-chiến là bản “Cành Hoa Trắng”. Một tình-khúc kể chuyện cổ-tích nàng tiên Giáng-Hương bị đày xuống trần. Nhưng thật ra, như ông đã tâm-sự sau này, đó chính là ẩn-dụ về chuyến rời bỏ kháng-chiến của ông.

Sự rời bỏ kháng-chiến của Phạm Duy được xem là một sự khẳng-định vị-trí của một nhạc-sĩ vốn được sinh ra để viết tình-ca, nay đã dứt khoát với loại nhạc tuyên-truyền, nhạc khẩu-hiệu để trở lại với nhạc tình. Ông đã lạnh-lùng rời bỏ kháng-chiến như người tình lạnh-lùng rời bỏ nhau trong một tình-khúc khác của ông cũng đã từng bị phê-bình là đầy nét lãng-mạn tiểu-tư-sản — đó là bản “Tiếng Ðàn Tôi”.
Ðời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt,
Với bao tiếng tơ xót thương đời.
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu!
Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi
Vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời
Lúc bao nhiêu tiếng cười
Rộn ràng chảy về xuôi.
Mênh mông lả lơi, thuyền về tới bến mơ rồi
Khoan khoan hò ơi, dặt dìu trong tiếng đàn tôi
Mêng mông lả lơi thuyền về bát ngát hương trời
Khoan khoan hò ơi, nhịp sầu xa vắng mà thôi!
Buồm về dội nắng trên khơi
Bao nhiêu hoàng hôn đến cho yên vui người ơi!
Có tiếng hát theo đàn tôi
Như ru như thương linh hồn đắm đuối.
Mêng mông lả lơi, thuyền chờ mong gió lên trời
Mang theo đàn tôi chảy về đậu bến ngày mai.

Sau khi vào Nam, trong khoảng thời-gian từ 1951-1954, Phạm Duy đã sáng-tác thêm một số ca-khúc khác, trong đó có “Tình Hoài-Hương”, “Thuyền Viễn-Xứ”, “Hoa Xuân”, “Dạ Lai Hương” v.v… Tuy nhiên, nếu chỉ nói về nhạc tình đúng nghĩa thì phải đợi tới năm 1957 ông mới sáng-tác trở lại, với những suy-tư mới về tình yêu khác hẳn với tình yêu trong sáng thuở ban đầu. Những tình-khúc ấy chúng tôi sẽ đề-cập đến trong Phần Hai của 70 Năm Tình-Ca Trong Âm-Nhạc Việt-Nam.
HN