Menu Close

Chuyến đi Bắc Kinh của Kim Jong-Un

Chuyến viếng thăm Bắc Kinh bằng xe lửa của  Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un (Kim Chính Ân) đầu tuần qua hoàn toàn gây bất ngờ cho cả thế giới, và một lần nữa cho thấy tình hình chính trị ở khu vực Đông Bắc Á nói chung, và trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, thay đổi mỗi ngày và dường như có phần phức tạp hơn. Kết quả tốt hay xấu cho tương lai của toàn khu vực thì đến nay vẫn chưa ai có thể đoán trước được, nhưng chắc chắn một điều là từ đây cho đến giữa năm còn nhiều sự kiện hấp dẫn nữa sẽ xảy ra, trong đó nổi bật nhất là hai cuộc họp thượng đỉnh giữa Nam-Bắc Hàn vào cuối Tháng 4 và Hoa Kỳ-Bắc Hàn vào Tháng 5.

chuyen-di-bac-kinh-cua-kim-jong-un3
Kim Jong-Un tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh – nguồn FT.com

Chuyến đi cũng đánh dấu lần đầu tiên Kim Jong-Un đã đi ra ngoài lãnh thổ Bắc Hàn kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Vì vậy nó được xem là một sự kiện quan trọng trong các bản tin thời sự thế giới, và hơn nữa, mang một sứ mệnh đặc biệt đến nỗi họ Kim đã phải chấp nhận bước chân lên chuyến xe lửa đó để đích thân khởi hành đi từ Bình Nhưỡng sang Bắc Kinh.

Trong suốt mấy tháng vừa qua, Trung Quốc dường như làm một kẻ đứng bên lề trong khi mối quan hệ giữa Nam và Bắc Hàn ngày một tiến triển tốt đẹp hơn. Trong diễn văn thông điệp đầu năm, Kim Jong-Un tán dương việc hoàn tất chương trình vũ khí hạt nhân sau nhiều tháng ra sức khoe khoang, và đồng thời đe doạ thế giới, về thành tích và khả năng hạt nhân của họ. Trong bài diễn văn, Kim cũng bày tỏ muốn Bắc Hàn tham gia vào Thế vận hội Mùa đông. Sự lên tiếng này đã mở ra cánh cửa ngoại giao cho Tổng thống Moon Jae-In (Văn Tại Dần) của Nam Hàn mà ông đang tìm kiếm. Những sự kiện tiếp diễn sau đó: hai phái đoàn lực sĩ Nam và Bắc Hàn cùng diễn hành trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông tại PyeongChang (Bình Xương) dưới lá cờ thống nhất như một biểu tượng hoà giải, để từ đó đặt nền móng cho cuộc họp ngoại giao tại Bình Nhưỡng giữa Kim và phái đoàn Nam Hàn. Cũng phái đoàn này đã mang đến cho Tổng thống Donald Trump một thông điệp của Kim với lời mời muốn có một cuộc họp với Trump, gây không ít ngạc nhiên cho các nhà ngoại giao quốc tế vì chỉ mấy tuần trước đó cả hai bên vẫn có những lời qua tiếng lại đầy thách thức; TT. Trump chấp nhận lời mời ngay tức thì. Những sự kiện ngoại giao dồn dập này cho thấy có vẻ như chính phủ ở Hán Thành (Seoul) đang phần nào nắm được sự kiểm soát vận mệnh tương lai của bán đảo Triều Tiên, trước khi cần đến sự giúp đỡ từ những thế lực ở bên ngoài.

chuyen-di-bac-kinh-cua-kim-jong-un2
Chiếc xe lửa chở Kim Jong-Un trên đường tới Bắc Kinh – nguồn ICE News

Thế rồi hôm Thứ Hai đầu tuần qua, một bản tin ngắn đánh đi từ một cơ quan thông tấn của Nhật Bản cho biết phát hiện một chuyến xe lửa bọc thép từ Bắc Hàn đang trên đường đến Bắc Kinh. Kết quả sau đó, cả hai cơ quan thông tấn nhà nước của Trung Quốc và Bắc Hàn đều xác nhận người khách đi trên chuyến xe lửa bí mật đó không ai khác hơn là Kim Jong-Un. Lần đầu tiên trong sáu năm cầm quyền, cuối cùng Kim cũng đã rời lãnh thổ Bắc Hàn để đi gặp lãnh đạo của một quốc gia khác, hơn nữa lại là một đồng minh lâu năm và duy nhất hiện nay của họ: Trung Quốc. Trong chuyến viếng thăm, được biết Kim đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông ta đã thông báo với phái đoàn ngoại giao Nam Hàn biết là ông sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ về chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Cơ quan thông tấn Tân hoa xã của nhà nước Trung Quốc đã dẫn nguyên lời của Kim: “Chúng tôi vẫn kiên trì cam kết việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo, đúng theo ý nguyện của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố Tổng bí thư Kim Chính Nhật.”

Cuộc gặp gỡ ở Bắc Kinh cho thấy một điều là cho dù kết quả của hai cuộc họp thượng đỉnh sắp tới đây giữa Nam-Bắc Hàn và giữa Hoa Kỳ-Bắc Hàn là thế nào đi nữa thì Bắc Kinh sẽ không chịu đứng yên để làm một kẻ chầu rìa. Trong khi Tập Cận Bình, vừa mới được quốc hội Trung Quốc thay đổi hiến pháp để được quyền làm chủ tịch nước không thời hạn, cũng muốn xác định vị thế cá nhân của mình trong các chính sách ngoại giao quốc tế.

chuyen-di-bac-kinh-cua-kim-jong-un1
Cuộc họp giữa Kim và Tập Cận Bình – nguồn South China Morning Post

Ðây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bị đặt vào thế làm kẻ đứng ở ngoài nhìn vào trong những cuộc ngoại giao khá ngoạn mục gần đây giữa Nam, Bắc Hàn và Washington. Trong thập niên 1970, Bắc Hàn đã không đếm xỉa gì đến Trung Quốc trong khi họ một mình đàm phán với chính phủ Hán Thành để tìm giải pháp có thể đưa đến bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước. Khi Washington và Bình Nhưỡng có những cuộc đàm phán vào đầu thập niên 1990 để ngưng phát triển chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, Trung Quốc cũng không có một vai trò chính thức nào.

Vậy chuyến viếng thăm Bắc Kinh vừa qua của Kim có thể nào là bước đầu để hai quốc gia này hợp tác êm thắm với nhau trong những cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai hay không? Theo ý kiến của Rush Doshi, nhà nghiên cứu về an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có lẽ là không – vì trước hết, chuyến đi của Kim có thể chỉ đơn thuần là một nghi thức ngoại giao khôn ngoan. Nếu như cuộc họp ngoại giao đầu tiên của Kim với một lãnh đạo ngoại quốc là Trump hay Moon Jae-In thì đây có thể được coi là một sự sỉ nhục nghiêm trọng đối với Bắc Kinh, một đồng minh lâu năm của Bắc Hàn mà lúc còn sinh thời Mao Trạch Ðông đã có lần tuyên bố là quan hệ ngoại giao giữa hai nước “thắm thiết như môi và răng.” Tâm lý của người Trung Hoa nói chung, và của lãnh đạo Bắc Kinh nói riêng, thể diện đối với họ là rất quan trọng.

chuyen-di-bac-kinh-cua-kim-jong-un
An ninh thắt chặt tại Bắc Kinh ngày Kim Jong-Un đến- nguồn News ON

Hơn nữa, trên thực tế, Bắc Kinh rất lo sợ phải làm kẻ đứng bên lề trong những cuộc đàm phán sắp tới. Chuyến viếng thăm của Kim Jong-Un là do lời mời của Tập Cập Bình vì Bắc Kinh biết rằng nếu như họ không nắm rõ được tình hình bên trong của các cuộc đàm phán thì cho dù kết quả ra sao cũng là điều không có lợi cho Trung Quốc. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra mà không có phần tham dự của Trung Quốc, uy tín và tham vọng trong vai trò lãnh đạo của khu vực của Bắc kinh sẽ bị thiệt hại. Vì lý do đó, các nhà ngoại giao và hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc đã làm việc không ngưng nghỉ để quảng bá và nhận công lao của họ trong nỗ lực đẩy mạnh tiến trình hoà bình cho khu vực. Ngay sau khi tin tức loan truyền về việc TT. Trump chấp nhận gặp Kim, Ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị đã tuyên bố rằng Trung Quốc “đã tạo điều kiện căn bản cho sự tiến triển” bằng việc đề nghị ngưng các cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn để đổi lại việc ngưng thử nghiệm hoả tiễn của Bắc Hàn.

Thêm một lý do khác nữa, trên quan điểm của Bắc Kinh, là nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng và nếu chiến tranh xảy ra sẽ đẩy hàng trăm ngàn dân tị nạn Bắc Hàn tràn qua biên giới tạo nên sự hỗn loạn về an ninh cho Trung Quốc, và tệ hại hơn hết là một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra. Trung Quốc là nước láng giềng kế bên chắc chắn sẽ không thoát khỏi ảnh hưởng xấu.

Quan hệ ngoại giao giữa Bắc Hàn và Trung Quốc trong nhiều thập niên qua có lúc nóng lúc lạnh chứ không hẳn “thắm thiết môi răng” như lời của Mao, và nhất là thời gian gần đây, kể từ khi Kim Jong-Un lên cầm quyền, thì mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lãnh đạo của cả hai nước đều hiểu rằng họ rất cần sự hợp tác của nhau vào lúc này: Trung Quốc cần Bắc Hàn tiếp tục là đồng minh của họ để làm vùng trái độn cầm chân quân đội Hoa Kỳ ở phía bên kia vĩ tuyến 38, trong khi Bắc Hàn đang cần đồng minh Trung Quốc đứng đằng sau hỗ trợ cho họ trong những cuộc thương thuyết ngoại giao sắp tới.

VH