Menu Close

Một (vài) cuộc đời buồn

Bạn thân của tôi có người dì, nhưng nó không gần gũi lắm. Chỉ biết hơn hai năm trước dì bỏ nhà đi. Vậy mà cách đây vài bữa, bạn tôi lại bắt gặp dì ở một bản tin trên mạng xã hội. Bản tin ghi là: Một người phụ nữ vô danh treo cổ chết nay đã gần một tuần, cần tìm người thân của chị!

mot-vai-cuoc-doi-buon4
Con chở thi thể bố cuốn chiếu từ bệnh viện về nhà bằng xe máy TỪ VNexpress

Dĩ nhiên, bản tin được truyền đi khắp họ hàng, cả con gái của dì để xác nhận. Không ai tin được một người mạnh mẽ, “dân tứ xứ” như dì lại tự tử ở một nơi xa xôi như vậy. Theo những người trong khu vực đó, dì lên đây ở với một người đàn ông đã hơn một năm, vì xích mích với con gái của ông ta mà buồn, dẫn tới quyên sinh. Cái chết được dì báo trước với những người bạn xung quanh hai ngày, ai cũng khuyên bảo nhưng chẳng ai tin dì có thể làm điều đó. Như lời em dì – cậu của bạn tôi: “Chết lảng nhách, không chết vì đao kiếm mà chết vì tình!”. Thế là thủ tục cuối cùng của một con người diễn ra, như thường lệ. Tôi về nhà với bạn xem phụ được gì phụ, ngôi nhà vắng vẻ của ngoại bạn bỗng đông hẳn, dường như lâu lâu mới có “dịp” xôm tụ như vầy. Và cũng vì vậy mà từ đây, tôi gặp/chứng kiến được không biết bao nhiêu là chuyện dở khóc dở cười.

Có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, khi nghe tin, bạn tôi, tôi và gia đình thu xếp lên đưa dì về mai táng, ấy thế mà tử chưa chắc tận. Ðâu phải muốn đưa về là dễ. Không như các vị lãnh đạo hay những nhà có của ăn của để khác. Việc sống đã đành nhưng việc chết của một người dân thường càng tốn kém hơn, nhất là khi mất ở xứ lạ quê người. Người thân đến “chuộc” thi thể cũng phải mất số tiền không nhỏ (hơn một triệu một ngày lưu giữ thi thể ở nhà xác bệnh viện), kế đến là tiền vận chuyển, tiền “bồi dưỡng”. Về đến nhà thì là các loại tiền linh tinh khác như tiền hòm, tiền mướn bàn dựng rạp, thiêu thì đỡ tốn kém một chút nhưng nếu mang chôn thì lại thêm tiền đất, tiền xây mộ, tiền xe, tiền nhang đèn, tiền thầy cúng… hơn trăm loại tiền, gần hai trăm triệu đồng đè lên vai người sống. Con của dì còn quá nhỏ, không thể đánh vần hai chữ “gánh vác”. Ngoại (mẹ của dì) thì già và phong kiến, khóc lên khóc xuống náo loạn không chịu mang dì đi thiêu, đòi phải “mồ yên mả đẹp” đàng hoàng, “cho có với người ta”, “cho nó không tủi thân”… Cả nhà cũng náo loạn theo vì số tiền trên không ai muốn gánh, mọi người bàng hoàng vì người thân mất một mà bàng hoàng vì số tiền phải chi tới mười. Gia đình họp tới họp lui hơn chục lần, cãi nhau đến gà bay chó chạy. Cuối cùng, bạn tôi đứng ra “làm gương”: gom hết số tiền nó dành dụm được làm “cọc” chừng trăm mấy chục triệu, còn bao nhiêu mạnh ai nấy bỏ vô người vài triệu nhưng vẫn chưa đủ vì “gấp quá không chạy được”. Thế là, bạn tôi, buồn vì mắc tang sự, phải bỏ dở công việc một nhưng buồn vì mắc nợ “từ trên trời rớt xuống” thì vô số. Chỉ mấy bữa chạy nước rút mà nó giảm hẳn số ký mà nó cố nhịn ăn, tập gym cả năm trời không giảm được. Nhìn nó mà tôi mới thấm thía câu nói của ông chú hồi tôi mười mấy tuổi, lúc đó nản lòng nên nói với ổng rằng đang muốn chết. Ổng nạt ngang: “Mày làm như chết rẻ lắm vậy! Dành đủ trăm triệu đưa đây rồi chết!” Lúc đó tôi uất ức lắm, giận lắm, buồn lắm, giờ thì đỡ nhiều rồi. Ổng nói đúng quá! Có thể đây cũng là một lý do để giải thích việc người nghèo ở VN thường đông con nhưng lại sống rất dai, có thể vì họ sợ chết, chết rất tốn kém! Hàng ngày, đọc không biết bao nhiêu bài báo về việc chồng chôn xác vợ trong nhà, em trai cuốn chiếu chôn xác chị dưới gầm giường, người thân tiễn người thân bằng miếng đất sau vườn, cuốn chiếu chở xác người thân về bằng xe máy mà tôi còn dửng dưng quá, thở dài cái rồi thôi, nay chứng kiến và trải qua mới hiểu… Mà hiểu xong thì cũng chỉ biết thở dài một cái rồi thôi, chứ biết làm gì hơn?

mot-vai-cuoc-doi-buon3
Chị bị ung thư chết, em trai chôn xác dưới gầm giường Từ Báo Mới

Chuyện đời người dì này cũng khá là ly kỳ và khó hiểu. Gia đình dì có nhiều anh em nhưng không thuận, một ngày kia thấy mẹ già nên họ cùng hè nhau chia tài sản. Có hai miếng đất thôi mà chia năm xẻ bảy, bình thường đã không thuận nay thêm cớ để đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Sau khi chia xong thì mạnh ai nấy bán rồi bỏ đi,  để người mẹ già thui thủi một mình. Dì đi vài năm lại đem về một đứa nhỏ, để đứa nhỏ đó ở lại với bà ngoại rồi lại đi tiếp. Mặc kệ nó sống với đòn roi, trút hận của người lớn mỗi đợt “giận cá chém thớt”. Vài năm sau, dì lại mang về một đứa nhỏ nữa. Sau chẳng hiểu sao lại về “gom” hai đứa đi trong lúc chúng đang tuổi ăn tuổi học, rồi lại bỏ chúng bơ vơ đi tìm một bờ vai mới, mặc kệ chúng lỡ dở chuyện học hành. Ngày hay tin dì mất, hai đứa nhỏ ngỡ ngàng, có lẽ buồn một tức đến mười trước bao nhiêu là ánh mắt thương hại của người đời nên chúng không khóc nhiều. Hai lá thư dì để lại, chỉ cho người chồng hờ và con của chồng, không hề nhắc đến hai núm ruột của mình. Không biết dì có nhớ đến chúng không? Có nghĩ về tương lai của hai đứa nhỏ khác cha? Sau này, chính thức mồ côi (dẫu trước đó cũng không khác gì), chúng sẽ sống ra sao? Trong đám tang, bạn tôi cùng nhiều đứa con cháu trong nhà ngồi râm ran thắc mắc. Không hiểu sao một người đàn bà bình thường, có phần thô kệch, thô lỗ, ít học và nghiện bài bạc, nghiện thuốc lá nhưng lại có “ghệ” hoài. Trong khi đàn cháu xinh tươi như bông như hoa thì đứa lại dang dở, đứa ế chỏng gọng.

mot-vai-cuoc-doi-buon1
Dịch vụ mai táng miễn phí nhưng không phải ở đâu cũng có Từ Motthegioi

Ngày thứ hai đám tang dì thì người chồng hiện tại của dì cùng dâu và con trai ông ta xuống viếng. Người con gái đã xích mích với dì trước khi dì quyên sinh không xuống, có lẽ cô ta bận, cũng có lẽ cô ta sợ. Mọi người bên này thắc mắc tại sao ông lại bỏ dì lạnh lẽo vô thừa nhận khi dì mất ngay trong nhà ông? Thì ông bảo là do chính quyền địa phương không cho ông nhận, vì dì không có giấy tờ và cũng giấu biệt ông gốc gác, quê quán, họ hàng. Dì ở với ông, cái tên cũng giả, thân phận cũng giả, những câu chuyện thêu dệt về gia đình cũng giả. Có thể vì dì sợ, cũng có thể vì dì thấy tủi thân, y như người bạn thân tôi tủi thân về gia đình mình. Suốt những năm tháng trưởng thành, nó rất ít khi nói về nơi nó được sanh ra tuy ba má nó mất khi nó còn rất nhỏ, không đủ làm nên “tội” để người lạ “cười chê”. Lời qua tiếng lại vài hiệp rồi thôi, chuyện gì qua cũng qua, chẳng ai buồn truy cứu. Ông ta ở lại hai ngày, con trai và dâu đi về (sau khi chắc chắn an toàn cho ông?) với sự lạnh lùng của cả gia đình và hai đứa con dì, bữa tiễn dì xuống huyệt xong ông mới về nhà, kết thúc một chuyện tình hờ. Ông kể lại với mọi người rằng họ từng rất hạnh phúc, dì nấu cơm rất ngon, rất chịu khó làm lụng. Ông còn kể thêm là trước bữa dì mất, nghĩa là sau khi dì cãi nhau với con gái của ông, dì và ông có mướn khách sạn ngủ và dì đã kể cho ông nghe hết “sự thật”. Nhưng “sự thật” mà ông kể thì lại là những câu chuyện tưởng tượng khác, ai trong gia đình cũng nhìn nhau ngớ ngẩn. Không biết tận lúc quyết định, dì vẫn làm thế để làm gì? Một người bạn chung khác, cũng biết chuyện này, nói: “Ðừng trách. Chuyện dì nói xạo thực ra là điều dì ước muốn. Dì không chấp nhận hiện thực, nên dựng lên một cuộc đời khác, để hợp lý hóa cuộc đời dì!”  Suốt mấy ngày quan sát ông “chồng” của dì, tôi và bạn tôi hỏi nhau:

“Mày thấy ổng có buồn không?”

“Thấy ổng cũng tội!”

“Có khi nào ổng đến để chuộc tội cho con ổng không?”

“Cũng có thể!”

“Mày nghĩ hai đứa nhỏ có buồn không?”

“Có trời mới biết!”

mot-vai-cuoc-doi-buon2
Chở xác em gái 90km về nhà vì không đủ tiền, bị bỏ giữa đường Từ báo mạng

Hai đứa nhỏ thì không biết nhưng chắc chắn người buồn nhất là mẹ của dì, ngoại của bạn tôi. Tuy không phải lần đầu bà làm “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” nhưng bà vật vã, đau đớn lắm. Tôi không chắc, khi bà mất thì các cậu, các dì có buồn đau như vậy không? Vì bạn tôi hay nói, mỗi lần có xích mích thì họ thường “khuyên” bà “đi” cho rảnh nợ!

Khi đang viết dở câu chuyện này, tôi bỗng nhớ mình từng đọc ở đâu đó trên các tờ báo mạng, ấn tượng một bài viết tựa đề “Miễn Phí”, được tác giả Châu Yến dịch từ báo nước ngoài. Bài viết nói rằng ông Trời đã ban rất nhiều thứ miễn phí cho con người, chỉ có điều chúng ta đã coi nó là hiển nhiên và không nhận ra. Những thứ ấy gồm: Ánh sáng mặt trời, không khí, tình yêu, tình thân, tình bạn, ước mơ và tín ngưỡng… “Còn có gió xuân, thì còn có mưa phùn, còn có ánh trăng trong vắt, thì còn có các vì sao lấp lánh trên trời…”  “Vậy nên đừng có than thở với ông Trời nữa, ông Trời không những rất công bằng mà lại còn rất hào phóng. Từ lâu Ngài đã đem mọi thứ quý giá nhất, ban tặng miễn phí cho mỗi người rồi, chỉ có điều là bạn có nhận ra hay không mà thôi”. Lúc mới đọc, tôi thấy bài viết này rất… buồn cười, ru ngủ người đọc trong những “ấm êm” tưởng tượng. Và sau khi trải qua chuyện này thì tôi lại càng khẳng định hơn. Ngoài mấy cái gió xuân, mưa phùn, ánh trăng trong vắt, các vì sao lấp lánh trên trời (mà người thiếu ăn, thiếu mặc không bao giờ để ý tới) và cái không khí (sắp tới cũng có nguy cơ hết miễn phí) ra thì tôi thấy những cái còn lại được liệt kê trong bài viết “Miễn Phí” đều tốn kém, tốn kém rất nhiều là đằng khác. “Mắc” nhất vẫn là các loại tình (tình thân, tình yêu, tình bạn) trong cái thế giới tiền chi phối mọi thứ này. Không chỉ vậy, ngoài tình yêu thương mà cả tình… ghét, tình hận, tình thù…

Xong xuôi mọi việc, tôi và bạn tôi mời hai đứa nhỏ đi ăn. Sau phút giây tỏ lòng biết ơn (theo đúng truyền thống), những dặn dò từ chúng tôi ngày về cúng dì thì chúng tỏ vẻ né tránh khi chúng tôi hỏi chỗ ở. Chúng chỉ đồng ý add facebook, không muốn cho biết đang ở đâu, đang làm công việc gì. Không biết sao lúc đó tôi thấy hình ảnh dì hiện lên trên cuộc đời chúng. Có lẽ dì xa lánh mọi người vì TƯỞNG người ta kỳ vọng quá nhiều, và hai đứa bé này cũng muốn như vậy? Nhìn hai chiếc xe Uber mất hút về hai ngã, tôi cũng thẫn thờ chẳng biết, khi nào chúng tôi gặp lại… Chỉ cầu mong, chúng có cuộc sống “thật” và “tốn kém” hơn dì!

mot-vai-cuoc-doi-buon
ở VN, chỉ có tiền là… mắc Hình từ Google

DU