Do những tình cờ lịch sử, chúng ta có nhiều nhà văn viết tiếng Mỹ. Có thể kể Ðinh Linh, Monique Trương, Lan Cao, Lại Thanh Hà, Lê Thị Diễm Thúy, Nguyễn Thanh Việt và Ocean Vương. Ocean Vương là trường hợp khá đặc biệt. Vương kể: “Gia đình tôi di cư từ Việt Nam qua Mỹ vào năm 1990, khi tôi được hai tuổi. Chúng tôi, tất cả bảy người, sống trong một căn apartment một phòng ngủ ở Hartford, Connecticut. Năm năm đầu tôi sống bao bọc no nê trong tiếng Việt. Ðến khi vào mẫu giáo, tôi lại di cư một lần nữa, một cách nói cũng đúng thôi, mà lần này là vào lãnh địa tiếng Anh.” Tên Ocean là mẹ đặt cho, do một tình cờ. Tên thật là Vinh Quốc Vương.
Ocean Vương sinh ngày 14 tháng10.1988, được giải thưởng Whiting Award dành cho thơ năm 2016. Tuyển tập thơ đầu tay của Ocean Vương Night Sky With Exit Wounds (Bầu Trời Ðêm với Những Vết Thương) nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và có mặt trong danh sách Top 10 Books do tờ New York Times bình chọn năm 2016.
Dù chưa từng đặt chân lên chiến trường ác liệt của cuộc chiến Việt Nam, những lớp người như Vương ở Mỹ này vẫn còn phải đối mặt với cuộc chiến. Vương lên tiếng nói cho cả một thế hệ người Mỹ gốc Việt sinh ra sau chiến tranh nhưng vẫn bị ký ức tập thể ám ảnh.
Những điều vừa nói phản ảnh trong Night Sky With Exit Wounds. Thơ Vương từ đó có sức nóng của lửa, trong khi ở đâu đó vẫn có màu xanh của ánh trăng. Ðối với Vương, bạo lực – ký ức về nó, sự hiện diện và tiềm năng của nó – để lại dấu ấn trong con người của anh và chuyển hóa anh. Sức mạnh chuyển hóa hay sức mạnh làm biến dạng của bạo lực có lẽ thể hiện rõ nhất trong bài thơ cuối của phần đầu tiên, “Self-Portrait as Exit Wounds.” Qua hai mươi hai cặp câu, nhà thơ đưa người đọc từ “con thuyền đang đắm” đến “chiếc lều gỉ đen” của trại tị nạn, rồi đến Hoa Kỳ nơi “Việt Nam/còn đang nóng bỏng trên truyền hình” và rồi trở lại Việt Nam lần nữa, nơi “bầu trời được thay thế/bởi lửa thiêu” và “kẻ đã lên chức ông ngủ với cô nông dân đang có chửa, trên ghế sau chiếc xe jeep quân đội của ông ta [.]” Ðó là một bài thơ trong đó người nói tự nhìn lại mình và lịch sử đầy bạo lực còn chảy trong mạch máu của anh.
Trong căn apartment một phòng ở Hartford, Connecticut, Ocean Vương kể lại: “Tôi cảm thấy… mình là kẻ nhận thừa kế của chiến tranh. Cuộc sống và thơ của tôi cố gắng điều tra cái giao điểm làm nên ý nghĩa của một người Mỹ sinh ra từ bạo lực, làm nên nghĩa lý từ bạo lực”.
Theo Eric Nguyên nhà viết phê bình, Night Sky With Exit Wounds, tập thơ đầu tay được trông đợi và đang rất được ca ngợi của Ocean Vương, mở đầu thật nhẹ nhàng. Trong bài thơ đầu tiên (“Threshold”) người nói nhìn “qua lỗ khóa/không phải người đàn ông đang tắm, mà là cơn mưa/rơi qua anh [.]” Ðó là một khoảnh khắc bí mật, cũng có thể là cấm kỵ, vì người nói nén “hơi thở nín chặt” đằng sau cánh cửa, quan sát và chờ đợi. Thế nhưng trong giây phút bí mật ấy, anh vẫn thuyết phục được người đọc nán lại cùng anh để thấy dòng nước như “những sợi dây đàn ghi-ta vút lên/trên bờ vai rộng của anh.” Chỉ đến khi giở sang trang chúng ta mới biết rằng, cái giá của việc quan sát đó “là mất đi/lối về” cùng “đôi mắt/mở to.” Bài thơ kết thúc gần như đột ngột, những cặp câu nhường chỗ cho khổ thơ cuối chỉ có một dòng.
Ðó là một lời mở đầu thích hợp cho một tập thơ mà chủ đề chính là đánh mất bản thân trong quá trình quan sát những thảm kịch của con người. Ðiềm tĩnh và thận trọng, bài thơ đầu như hơi thở ngắn để lấy không khí trước khi lặn xuống nước sâu và bắt đầu một hành trình dài hơn. Ðối với Vương, đó là một thế giới đầy bạo lực không mấy dễ chịu, với một bên là chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam và bên kia là những gì chúng ta chứng kiến ngày nay.
Trong bài thơ “Aubade with Burning City,” sự sụp đổ của Sài Gòn được đặt cạnh lời hát ấm áp của bài “White Christmas” của Irving Berlin. Kết quả là những hình ảnh vốn đã rất mãnh liệt trở thành một điều gì như điềm gở. “Cẳng sau” một chú chó “bị đè bẹp dưới nắng chói chang/của một Giáng sinh trắng” (nhấn mạnh trong nguyên bản). “Những ngọn cây lấp lánh và lũ trẻ con lắng nghe” và “ông cảnh sát trưởng” “nằm úp mặt trong bể Coca-Cola./Tấm hình cha ông, cỡ lòng bàn tay, ướt đẫm/rơi bên tai trái.” Chúng ta đều biết bài hát về mùa lễ Giáng Sinh đầy hy vọng này, rồi những hình ảnh gián đoạn được chèn vào làm giai điệu lạc đi, nhấn mạnh thêm khung cảnh buồn và hỗn loạn. Không khí hỗn loạn này còn được thể hiện trên trang sách bằng cách đặt những dòng thơ nằm rải rác, vô thứ tự.
Những bài thơ này không chỉ minh họa những hành vi bạo lực có thật mà cả bạo lực tiềm năng. Trong “Always & Forever,” di sản của một người cha là “khẩu súng lục .45 – im lặng & nặng nề/như cánh tay cụt.” Bài “A Litter Closer to the Edge” nhắc nhở chúng ta về khả năng bạo lực trong bất kỳ đồ vật nào: “Chiếc đồng hồ Rolex nhái của người đàn ông, hàng tuần/sau khi vỡ tan vì đập lên má của người đàn bà, đang mờ dần/như vầng trăng thu nhỏ đằng sau mái tóc cô.”
Tính nhị nguyên giữa bản thân và lịch sử, giữa khoái cảm và bạo lực, thể hiện rõ nhất trong bài thơ “Notebook Fragments,” một bài thơ dài năm trang được trình bày như những suy nghĩ được viết xuống một cách bất chợt và tùy tiện. Trong đó, ký ức về chiến tranh của một thành viên gia đình xen vào: “Bà nói Trong chiến tranh họ túm một em bé, mỗi tên lính một cổ chân, rồi kéo…/Cứ như thế.” (nhấn mạnh trong nguyên bản). Dòng cuối, “Cứ như thế” được sử dụng ngay lại trong một tình huống vô thưởng vô phạt khác: “Cuối cùng mùa xuân đã về! Hoa thủy tiên khắp nơi./Cứ như thế.” Bài thơ cứ luân phiên giữa hiện tại của người nói và quá khứ của gia đình anh ta, và vì vậy, ý nghĩa cũng thay đổi. Ðó là một bài thơ đầy cảm xúc và sự kiện mãnh liệt. Cũng vậy khi Vương viết: Tôi sẽ kể cho bạn nghe rằng chúng ta đã sai lầm đủ để được tha thứ. Rằng một đêm, sau khi vung lưng bàn tay tát mẹ, rồi mang cưa xích ra cưa chân bàn, ba tôi vào quỳ trong nhà tắm cho đến khi chúng tôi nghe tiếng khóc nghẹn của ông bên kia bức tường. & và như vậy tôi hiểu – rằng căng thẳng tột cùng của một người đàn ông là điều gần sự đầu hàng nhất.

Ðọc Night Sky with Exit Wounds, ta thấy rõ ràng Vương có mối quan hệ vừa yêu vừa ghét với nhân loại: anh yêu tính nhân hậu, anh ghét tính bạo lực của nó. Ðó là một điểm căng thẳng xuyên suốt các bài thơ khi Vương khảo sát lịch sử gia đình, lịch sử các đất nước của anh, và cuộc sống của chính anh. Các bài thơ trong tập thơ, mặc dù vậy, vẫn kết hợp thành một tổng thể cân bằng nhờ vào sự tích cực của phần cuối: nếu không phải là anh đã tìm được thuốc chữa lành vết thương, thì ít nhất anh vẫn giữ niềm lạc quan. “Phần đẹp nhất của cơ thể bạn,” anh viết, “là nơi nó đang tiến đến.” Cho tất cả những gì chúng ta đã phá hủy – với chiến tranh, bạo lực gia đình, kỳ thị người đồng tính, kỳ thị chủng tộc, v.v. – Vương vẫn tràn đầy hy vọng; đó chính là lý do tại sao anh là một nhà thơ chúng ta đang cần hơn bao giờ hết. Anh vạch trần lịch sử tàn khốc của chúng ta và tự nhủ, vâng, chúng ta có thể sống tốt hơn thế.
Ở Bầu Trời Ðêm Và Những Vết Thương ta thấy nhũng biểu hiện của bạo lực cùng sự chuyển hóa của nó để đi dần tới cái đẹp và sự hòa giải. Con đường đang đi tới và mở rộng với những đóa hoa nhân sinh nở rộ với Ocean Vương và những bạn người Việt trẻ tuổi khác đầy suy tư và ý hướng sáng tạo trên vùng đất này.
TN theo Eric Nguyên trong Diacritic