Phần 1
Tin [tức] giả không phải là chuyện mới mẻ, xa lạ. Việc chế tạo tin giả để điều khiển dư luận, rù quến người nghe, phủ dụ quân lính… cho mục đích chính trị, quân sự, tài chánh… là chuyện rất xưa, rất cũ. Vua chúa từ đông sang tây, kể cả minh quân lẫn bạo chúa, thầy pháp cũng như thầy lang giỏi và dở cũng đã từng rao truyền các loại tin tức giả. Ðiển hình là truyền thuyết về quân sư Nguyễn Trải từng sai người dùng mật ong viết lên lá cây; khi kiến ăn mật, chữ viết hiện ra… để tác động dân tin theo vua Lê Lợi. Cộng đồng càng lớn, việc chế tạo tin giả càng phổ thông.
Biện minh hay giải thích cho việc làm thiếu minh bạch ấy thường được lồng dưới các mỹ từ như “chiến tranh tâm lý” nếu tin giả được xào nấu từ nhà cầm quyền, như “giảng đạo” nếu phép lạ đến từ thánh thần, hoặc như “tin nóng hổi” truyền tay từ các mạng xã hội như Facebook, Twitter… với mục đích đoạt nhân tâm. Những chuyên gia tung hỏa mù là những nhà [chiến tranh] tâm lý đại tài, sử dụng môi trường truyền thông cho mục đích tranh giành nhân tâm, dù là thương trường hay chiến trường. Họ đặt mục đích ngắn hạn, dài hạn… in hệt các doanh nhân hoạch định chương trình kinh doanh, business plan, một năm, ba năm hoặc năm năm tùy theo loại kỹ nghệ, rồi hàng năm tùy theo kết quả mà xoay chuyển, sửa chữa.
“Tin giả” tạm hiểu là các mẩu tin về câu chuyện không có thật, không hề xảy ra. Tuy nhiên, có những mẩu tin chỉ có một phần sự thật, loại có ít xít ra nhiều cũng bị gom chung vào loại “tin giả”. Khác với những mẩu tin “chó cán xe”, loại tin tức nhàm chán, cháy nhà, tai nạn lưu thông… dù không đáng kể nhưng lại được loan tải rầm rộ với mục đích đánh lạc hướng dư luận.
Dễ phản bác, điều chỉnh nhất là loại tin giả vì dễ kiểm nghiệm nhất, đã xảy ra hoặc không có các mẩu chuyện ấy. Có ít xít ra nhiều, một, hai chi tiết thực nhưng tám chín phần còn lại là không thực, là loại tin dù dễ kiểm nghiệm nhưng rất khó đính chánh để thay đổi ý kiến độc giả. Thí dụ, một tay viết lành nghề đã chuyển đi mẩu tin về Giáo Hoàng khuyên giáo dân bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống 2016 vì “giáo hội không chấp nhận việc phá thai”. Giáo hội La Mã không chấp nhận việc phá thai là phần tin có thật, ai cũng biết điều ấy. Nhưng lời kêu gọi giáo dân bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Cộng Hòa là chuyện giả, hoàn toàn phóng tác và đặt vào tay Ðức Giáo Hoàng.
Tin giả xem ra là chuyện hàng ngày ở huyện nhưng lại trở thành một đề tài được thảo luận khá nhiều trong những ngày gần đây, nhất là sau ngày ông Trump lên làm tổng thống, danh từ “fake news” trở thành câu chuyện đầu môi vì ông tổng thống đã đánh giá nhiều bản tin là “fake news”. Khá nhiều các bản tin không được ông Trump ưa chuộng hay bất lợi cho ông ấy đều bị đánh đồng là “Fake news” dù đã xuất phát từ các công ty truyền thông với các nhà báo lành nghề và uy tín của tờ Washington Post, tờ New York Times… Thế là cuộc khẩu chiến lẫn bút chiến về tin giả/ tin thật bắt đầu. Với những người bận rộn chuyện làm ăn sinh sống, mỗi ngày chỉ có khoảng 20-30 phút để xem qua loa tin tức thì khó lòng nhận biết tin nào thật tin nào giả chưa kể việc bạn [bè] chuyển tá lả các bài viết xuất hiện trên mạng ảo. Khi báo chí loan tải bản tin nào đó, chính Tòa Bạch Ốc lại biểu đó là tin giả, rồi hai bên cãi qua cãi lại thì ta biết… tin ai? Chẳng lẽ lại tìm đọc báo ngoại quốc, xem đài truyền hình xuất phát từ Nhật, từ Anh?
Gần đây, các bản tường trình chi tiết về “tin giả”, những bài viết được xào nấu, chế biến rồi đăng tải từ các trương mục ẩn danh, tài trợ từ ngoại quốc với mục đích dẫn dắt dư luận, khuynh đảo cái nhìn của cư dân Huê Kỳ, nhóm cư dân thường được (bị) người thế giới bĩu môi chê là ít hiểu biết hay “dân trí thấp” (!?). Rồi sếp lớn của trang mạng xã hội Facebook, Twitter đã phải ra điều trần trước quốc hội nhìn nhận rằng họ kiếm ra khá tiền qua các trương mục có gốc gác từ “xứ lạ”. Ngoài việc chế tạo tin giả, chủ các trương mục ẩn danh này còn truyền tay gửi các mẩu tin giả ấy đi khắp nơi, đến cả trăm ngàn trương mục khác. Hết chuyện tin giả tại Huê Kỳ lại đến tin giả tại Ðức, tại Pháp, tại Anh… xuất hiện trước các cuộc bầu cử địa phương quan trọng.
Những chương trình gây hỏa mù dư luận xem ra được hoạch định rõ ràng, xuất hiện theo bài bản, thứ tự. Ðể thực hiện, các chương trình ấy đòi hỏi khá nhiều tiền bạc và nhân lực. Và bá tánh hiểu rằng ngoài các chính phủ [thù nghịch, đối đầu] chẳng có mấy tư nhân chịu bỏ tiền của để đoạt nhân tâm cho mục đích chính trị. Thế là thế giới đồng thanh chỉ tay về phía Moscow khi tìm ra các trương mục Facebook và Twitter được tài trợ từ Nga.
Không biết có bao người đọc các mẩu tin ấy và chẳng hiểu có bao nhiêu cử tri thay đổi ý kiến rồi bỏ phiếu dựa trên các mẩu tin nọ? Riêng tại Huê Kỳ, điều đáng kể là người “xứ lạ” đặt chính sách khuynh đảo dư luận đã đầu tư khá nhiều thời giờ và bạc triệu để sản xuất tin giả hầu ‘điều khiển’ cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Huê Kỳ năm 2016. Ngay cả ông Tổng thống Nga khi trả lời phóng viên trong một chương trình truyền hình, sau khi nhiệt liệt phủ nhận việc Moscow dính dáng đến cuộc bầu cử tại Huê Kỳ, đã bĩu môi biểu rằng ‘Huê Kỳ từng nhiều lần gí mũi vào cuộc bầu cử của các quốc gia khác thì sao, khi bị kẻ khác dòm dỏ khuynh đảo lại thì khó chịu hử?’ Ðại khái, theo ông Putin, là có qua có lại, nhưng việc “có lại” ở đây không ăn nhậu chi đến chính phủ Nga. Riêng người Huê Kỳ thì khó chịu lắm lắm, bị “kẻ lạ” khuynh đảo thì nóng mặt la lối, trong khi chính phủ Huê Kỳ, qua các chính sách ngoại giao âm thầm đã nhúng tay vào không biết bao nhiêu chính trường xứ lạ, tất cả đều dưới danh nghĩa “quyền lợi của Hoa Kỳ”. Thí dụ chuyện bầu cử, đảo chánh… tại nhiều quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ, Việt Nam rồi Iraq và Afghanistan.
Trừ các quốc gia như Hoa Lục, Việt Nam, kiểm duyệt là vi phạm quyền tự do ngôn luận, một tự do căn bản của nhân quyền. Do đó, chính phủ thường để mặc cư dân, người thức giả hiểu biết thẩm định và tự gạn lọc khi theo dõi tin tức. Kẻ cả tin, xuề xòa sao cũng đặng thì ráng chịu. Ở những vùng đất có dân trí cao, tin giả không mấy phổ thông vì người đọc chỉ bị gạt một lần, sau đó là nguồn tin bị đào thải. Tờ báo nào loan tin sai lạc cũng bị bá tánh tẩy chay, một bản tin không chính xác dù chỉ một chi tiết nhỏ nhất cũng bị độc giả góp lời phản đối; người viết và cả ban biên tập liên đới chịu trách nhiệm. Chuyện cù nhầy, chày cối kiểu “alternate fact” không thường xảy ra tại các quốc gia như Thụy Sĩ, và cư dân ở đó phì cười khi ghé xem mấy chương trình truyền hình xuất phát từ Huê Kỳ.
Trước hiện tượng tin giả hoành hành và ảnh hưởng sâu đậm của tin giả, bá tánh còn băn khoăn, mù mờ chưa biết tin ai và chính phủ chưa biết giải quyết ra sao cho ổn thỏa thì xuất hiện ồn ào mục phim giả, Fake Videos. Kỹ thuật điện tử tân tiến, artificial intelligence hay “trí tuệ nhân tạo”, đã giúp mấy tay giỏi cắt xén, lắp ráp hình ảnh mà không để lại dấu vết như việc ghép mặt mũi ông A vào thân hình cử động của ông B.
(còn tiếp)