Menu Close

Nối kết 3 thế hệ di dân

Ngôn ngữ không những giúp con người diễn đạt ý tưởng và để cảm thông, nó còn phản ảnh văn hóa và lịch sử của cả một dân tộc. Người Việt tha hương hơn bao giờ hết, hiểu tầm quan trọng của tiếng Việt ở xứ người, nên cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới đã cố gắng gìn giữ và dạy dỗ tiếng Việt cho con cháu mình. 

noi-ket-3-the-he-di-dan8
Giáo sư Quyên Di

Khi nghe trường đại học Cal State Long Beach tổ chức một ngày văn hoá cho người Việt và các sinh viên, tôi hân hoan đến dự. Buổi chiều đại học có đông đảo các giáo sư, sinh viên tham gia đã được tổ chức rất chu đáo và tạo nhiều ấn tượng. Ðây là lần thứ hai nhóm văn học nghệ thuật “Nhân Ảnh Tân Văn và Tiếng Thời Gian” hợp tác cùng ban giảng huấn của đại học California State University Long Beach thực hiện một buổi chiều đại học thật long trọng và đầy ý nghĩa.

noi-ket-3-the-he-di-dan7
Ban tổ chức NATV, từ trái qua phải: T.M.Chi, V.Hải, T.Thanh, H.Tước, L.A.Tuấn, L.T.Vinh 

Buổi chiều này, xoay quanh chủ đề tiếng Việt, chính là ngôn ngữ nối kết văn hoá và nghệ thuật qua nhiều thế hệ. Sự hiện diện của nhiều Giáo Sư, Tiến Sĩ, Học Giả, đến từ Nhật và các tiểu bang, đại học khác của Hoa Kỳ cùng ban giảng huấn của Cal State Long Beach đã làm phong phú sự đa dạng của chương trình. Giáo sư (GS) Quyên Di, người giảng dạy tại đại học này đã đứng ra điều hợp chương trình cùng một số các em sinh viên Việt Nam phụ giúp. Ðại học Cal State Long Beach có rất đông các em sinh viên VN theo học. Các diễn giả được mời thuộc các thế hệ và tuổi tác khác nhau cùng lên phát biểu cảm tưởng và trình bày các đề tài liên quan đến tiếng Việt, văn học, lịch sử, ca dao cũng như thơ ca Việt Nam.

noi-ket-3-the-he-di-dan5
TS Barbara Kim

Các diễn giả tiêu biểu cho thế hệ di dân thứ nhất có các Giáo Sư Dương Ngọc Sum, Ðào Ðức Nhuận, TS Trần Huy Bích, Nhà văn Nguyễn Quang, Nhạc sĩ Võ Tá Hân. Thế hệ 1 rưỡi và hai có, GS-TS Nguyễn Lâm Kim Oanh, (Senior Advisor, WHIAAPI (White House Initiative on Asian Americans and Pacific Islanders). GS-TS Barbara Kim(Interim Chair, Dept of Asian & Asian American Studies, CSULB), GS-TS Natalie Tran, (Chair, Dept. of Secondary Education & Director of NRCAL, CSUF), GS-TS Anne Võ, (USC), TS. Kim Trần, (UCLA), TS  Huệ-Tâm Jamme, (USC). Ðặc biệt là sự có mặt của GS-TS Hiroki Tahara (APU University, Japan), đến từ Nhật. Ông nói và viết thông thạo tiếng Việt và dạy tiếng Việt tại Nhật.

noi-ket-3-the-he-di-dan4
TS Nguyễn Lâm Kim Oanh

Nhìn thành phần diễn giả hùng hậu, tôi thắc mắc hỏi GS Quyên Di, có phải buổi chiều nay chỉ tổ chức riêng cho đại học Cal State hay cho toàn cộng đồng VN? Ông trả lời rằng “Không phải là ngày văn hoá riêng cho Cal State Long Beach. Cá nhân tôi là nhân viên giảng huấn ở đây và có chân trong nhóm NATN&TTG (Nhân Ảnh Tân Văn& Tiếng Thời Gian), chúng tôi cùng nhau tổ chức đặt dưới phân khoa nghiên cứu về người Á Châu và người Mỹ gốc Á. Theo truyền thống, đây là lần thứ hai, lại đang thử nghiệm nên chưa dám mở rộng cho cộng đồng VN bên ngoài. Thành phần là các vị học giả, cựu giáo sư, nhà thơ, hoạ, nhạc, ca sĩ và một số trí thức rất trẻ người Việt mà họ giờ là giảng sư đại học USC, UCLA v.v… Ba thế hệ có mặt ở đây hôm nay, thế hệ thứ nhất, một rưỡi, hai và thứ ba sẽ có trong tương lai gần. Ðiển hình của một rưỡi là Nguyễn Lâm Kiều Oanh. Cô là một nhân viên cao cấp của chính phủ liên bang thuộc Toà Bạch Ốc. Chủ đề lần này là “Liên kết các thế hệ bằng ngôn ngữ và văn hoá.” Nhà văn Việt Hải, sáng lập viên của NATV cho biết thêm, “Cách đây 2 năm tôi có nói với GS Quyên Di, cùng NATV&TTG tổ chức một buổi văn học nghệ thuật để các đại học có cơ hội lại gần với nhau. Lần này là thứ hai. NATV&TTG tuy 2 mà 1, chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động văn học, âm nhạc. Trần Mạnh Chi là hội trưởng NATV và TTG có Hồng Tước là hội trưởng.

noi-ket-3-the-he-di-dan3
TS Hiroki Tahara

Cô MC Thụy Vy, là người điều hợp chương trình của nhóm NATV&TTG đã duyên dáng mời các diễn giả lên phát biểu. Hội trưởng nhóm NATV đã lên cảm tạ sự liên kết quý báu giữa nhóm và ban tổ chức của đại học Cal Sate LB. GS Quyên Di đã mời Giáo sư Tiến sĩ ((GS-TS)  Barbara lên diễn đàn để đọc diễn văn chào mừng và nói lên mục đích của buổi hội ngộ. Sau đó là GS-TS Nguyễn Lâm Kim Oanh, cố vấn tối cao của Toà Bạch Ốc về chương trình Người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương, (đến từ Washington DC) lên ngỏ lời cùng quan khách. Bài nói chuyện của bà về các thế hệ di dân gây nhiều ấn tượng đến quan khách. Bà cũng không quên giới thiệu cô Thủy Vân  giáo sư dạy Toán, là phụ tá của bà lên đọc thơ song ngữ bài “Nắng Chiều” của Lê Trọng Nguyễn. Giáo sư Tiến sĩ Natalie Tran đã chứng minh sự nối kết thế hệ bằng bé gái con bà trong câu chuyện bé học tiếng Việt. Các Giáo sư thế hệ thứ nhất như GS-TS Trần Huy Bích đã giới thiệu tác phẩm “Tản mạn về Ca Dao Lịch sử mà GS Ðào Ðức Nhuận là tác giả (có mặt ở hội trường). Trong khi GS Quyên Di giới thiệu tác phẩm “Thần Giao Cách Cảm” của nhà văn Nguyễn Quang (có mặt tại hội trường). GS-TS Hiroki Tahara thì kể mối liên hệ giữa tiếng Việt với những thành viên các thế hệ trong gia đình ông. Bài nói chuyện có nhắc tới tiếng Việt thời VN Cộng Hoà rất dí dỏm và ý nhị của ông.

noi-ket-3-the-he-di-dan2
TS Natalie Tran

Phần triển lãm tranh của các hoạ sĩ thuộc ba thế hệ từ đàn anh đến hiện tại đã bộc lộ được sự khác biệt qua nét cọ của họ về những tư duy, cảm xúc cũng như kỹ thuật tạo hình. Các hoạ sĩ tham dự có, Hoàng Vinh, Ðặng Ngọc Sinh, Trương Ðình Uyên, Ái Lan, Lưu Anh Tuấn, Lê Thúy Vinh.

noi-ket-3-the-he-di-dan6
Các hoạ sĩ, từ trái qua phải: L.T.Vinh, H.Vinh, T.Đ.Uyên, Ái Lan, Đ.N.Sinh, T.Vy, L.A.Tuấn

Hoạ sĩ Lưu Anh Tuấn tỏ ra rất vui và hân hạnh khi được có tranh triển lãm cùng các hoạ sĩ bậc thầy như HS Hoàng Vinh, Ðặng Ngọc Sinh và họa sĩ đàn anh như Trương Ðình Uyên và Ái Lan. Ðối với anh, nó rất có ý nghĩa vì theo đúng tinh thần sum họp của nhiều thế hệ như GS Quyên Di đã chủ trương.

noi-ket-3-the-he-di-dan1
Tranh L.A.Tuấn

Tiếng Việt chính là chiếc cầu nối giữa các thế hệ của chúng ta với nhau. Vì nó chuyên chở văn hoá và nghệ thuật, cùng các tập tục, lịch sử, đạo đức truyền thống tốt đẹp đã được lưu truyền. Nếu các thế hệ trẻ xa rời dần hay không tiếp cận hoặc trân trọng, đó là một mất mát lớn. Những người có mặt trong buổi sinh hoạt này đều có chung sự thao thức như vậy.

noi-ket-3-the-he-di-dan
Cử toạ

TT