Với tham vọng đến năm 2030, Sapa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng tầm quốc tế, thu hút khoảng 5.2 triệu lượt du khách, chính quyền tỉnh Lào Cai đã cho xây dựng ồ ạt một loạt công trình, khách sạn, nhà hàng… biến nơi này thành một đại công trình. Sapa không còn yên bình với những tảng mây trôi lững lờ, mà đó là nơi hiện hữu của những tiếng chan chát đinh tai nhức óc văng ra từ các công trường.

Ngay tại quảng trường gần nhà thờ đá ở Sapa, một công trình khổng lồ đang được xây dựng để kinh doanh khách sạn. Tài xế lái taxi nói với chúng tôi:
– Trước đây, chỉ cần đứng từ dưới quảng trường đã có thể thấy được đỉnh núi Phan Xi Păng ở phía trên kia. Nhưng nay ngọn núi đã bị công trình che lấp chẳng thể nhìn thấy được nữa.
Không chỉ vậy, một loạt công trình được xây dựng khắp cả Sapa biến thị trấn nhỏ xíu này thành một đại công trình. Mùa đông, đến Sapa là một cực hình vì khắp nơi đều đầy rẫy những ổ gà, đường sá thì nhớp nhúa. Còn mùa hè đến đây thì bụi bặm. Tất cả các con đường dẫn vào Sapa đều là những công trình đang được xây dựng.

Nhưng việc ô nhiễm, từ âm thanh cho đến khói bụi không làm cho lãnh đạo thị trấn Sapa lo lắng. Vì theo họ, chỉ độ vài năm nữa thôi, khi những công trình đã được xây dựng xong, nơi này sẽ thay da đổi thịt. Vì theo thống kê của chính quyền, cứ mỗi năm lượng du khách đổ về đây càng nhiều so với năm trước. Nếu không cho xây dựng các cơ sở lưu trú sẽ chẳng thể đủ phòng phục vụ cho du khách. Vì theo quy hoạch từ Chính phủ Việt Nam, đến năm 2020 thị trấn nhỏ bé Sapa sẽ đón 3 triệu lượt khách.
Ðó quả là tham vọng lớn lao, vì quả thật với thị trấn nhỏ xíu, chỉ cần 2 giờ đồng hồ ngồi trên xe máy là đã có thể đi hết cả Sapa. Trước tình hình đó, chính quyền cho biết sẽ mở rộng thị trấn, mở thêm các điểm du lịch ra ngoài thị trấn để tăng thêm sức hút đối với du khách. Bên cạnh đó cũng nhằm giảm đi cảm giác nhàm chán khi quanh đi, quẩn lại cũng chỉ những bản làng của người H’mong, Dao quanh thị trấn.

Du lịch Sapa
Thật khó có thể bắt Sapa phải luôn giữ được những khung cảnh xưa nay khi mà áp lực từ lượng khách đổ dồn về đây ngày mỗi nhiều, trong khi quỹ đất của thị trấn có giới hạn. Chính từ đó, việc phá bỏ cảnh quan xưa nay để xây dựng các công trình khách sạn nhằm cung cấp phòng ốc là điều có thể thông cảm được. Tuy nhiên, có những nơi không nhất thiết phải phá vỡ cảnh quan. Từ một nơi với cảnh vật thiên nhiên hài hòa, thì bỗng nhiên con người lại biến nó trở thành một quần thể bê-tông đồ sộ.
Ngày 2/2/2016, chính quyền tỉnh Lào Cai đã vui mừng khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại, nối từ Sapa lên đỉnh núi Phan Xi Păng với chiều dài hơn sáu ngàn mét. Tuyến cáp treo do Tập đoàn Sun Group đầu tư và thu tiền. Kể từ khi có tuyến cáp treo, du khách không cần phải tốn quá nhiều thời gian mới có thể lên được “nóc nhà Ðông Dương”. Mà chỉ cần bỏ ra sáu trăm ngàn (khoảng 27 Mỹ kim) và khoảng độ 20 phút là có thể đứng trên đỉnh núi Phan Xi Păng để tha hồ chụp hình, selfie. Cũng tại Phan Xi Păng, Tập đoàn Sun Group đã cho xây dựng một quần thể tâm linh khổng lồ bao gồm nhiều ngôi chùa, tượng Phật và những hạng mục khác. Với quần thể kiến trúc tâm linh nói trên, rất nhiều du khách sau khi đến nơi này đã ngán ngẩm ta thán:
– Bọn buôn thần bán thánh chẳng từ mọi thủ đoạn để kiếm tiền, kể cả kinh doanh tâm linh.

Trên đỉnh núi Phan Xi Păng trước đây vốn nhiều cây cối, thiên nhiên hài hòa, thì nay, với số tiền mà Tập đoàn Sun Group bỏ ra, đã biến nơi này thành một quần thể bê-tông với nhiều hạng mục nhìn vào thấy… chướng mắt. Bê-tông đã biến thị trấn Sapa nhỏ bé trở nên dị hợm thì nó cũng biến đỉnh Phan Xi Păng trở nên thô thiển như thế. Tuy thế, nơi này vẫn thu hút được một lượng du khách không nhỏ đến, cho dù các chùa chiền chẳng mấy ai vào chiêm bái. Mà nếu có vào cũng chưa chắc đã có thể gặp được vị trụ trì, vì có mấy ai chịu nổi sự khắc nghiệt trên đỉnh Phan Xi Păng mà lưu lại từ ngày này sang tháng nọ. Quần thể tâm linh ở trên đỉnh Phan Xi Păng chỉ được cái dáng vẻ lòe loẹt bên ngoài, nhưng bề sâu bên trong là trống rỗng.
Ði đâu cũng bị thu tiền
Nếu cách đây vài năm, ngoài những bản, như: Cát Cát, Tả Van khi vào trong bản mới bị thu tiền, thì nay từ thị trấn Sapa ngồi trên xe máy chạy đến bất cứ nơi nào cũng phải gặp những chắn barie chặn lại. Tại các chắn ấy, chính quyền cho mọc lên những pốt thu tiền. Cái kiểu thu tiền này chẳng khác gì các trạm BOT rút tiền tài xế trên đường Quốc lộ 1 vậy. Bất chấp du khách mướn xe máy đi nơi này, chỉ cần con đường được chính quyền làm đi ngang bản làng nào của người H’mong, người Dao, người Tày… cũng đều phải đóng tiền.
Tại Sapa, du khách có thể dễ dàng thuê một chiếc xe máy, đi cả ngày chỉ với giá khoảng 100 ngàn đồng. Song, cũng chỉ để đi lòng vòng trong cái thị trấn nhỏ xíu. Ngoài ra, muốn đi bất cứ nơi nào cũng đều phải đóng tiền 35 ngàn/người, ngoại trừ con đường lên Thác Bạc, để rồi từ đấy theo đường Quốc lộ đi qua Lai Châu. Còn lại, tất cả những con đường đến các bản làng của người sắc tộc tại đây cùng đều phải tốn 35 ngàn một cách vô lý. Cái lối tận thu này phổ biến ở ngoài Bắc, rồi dần dà chuyển sang cả trong Nam.

Những con đường đến các bản làng được đổ bê-tông nên đi lại dễ dàng. Trong khi đó, nếu không muốn tốn tiền, nhưng vẫn được đi vào các làng của người H’mong tại đây, du khách chỉ có thể đi theo các con đường mòn nhỏ, gồ ghề và nguy hiểm. Người dân trong làng khá hiền hòa và họ gần như tuyệt đối không thu lợi được bất cứ gì từ việc chính quyền tận thu ở du khách. Có chăng chỉ là con đường bê-tông được chính quyền làm ra để lấy tiền du khách mà thôi.
Không biết đến năm 2020, rồi sau đó đến năm 2030, Sapa có đáp ứng được tham vọng của chính quyền Lào Cai và chính phủ Việt Nam hay không, vì cho đến nay, với những gì đang diễn ra ở thị trấn nhỏ bé này đã khiến cho du khách cảm thấy chán nản. Mong rằng chỉ một, hai năm nữa khi các công trình đã được hoàn thiện, Sapa sẽ bớt đi phần nhếch nhác, nhớp nhúa như nó đang hiện hữu.
NTT