Nhiếp ảnh không thể làm thay đổi thế giới, nhưng có thể làm chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và chạm đến trái tim chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi là một người chụp ảnh… để lên tiếng cho những người sống trong im lặng.
Nhiếp Ảnh Gia Omar Havana.
Phóng viên nhiếp ảnh người Tây Ban Nha, Omar Havana, đã dành 7 tháng từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 4 năm 2011 để đến một bãi rác trong vùng ngoại ô Siem Reap (Xiêm Riệp) sinh hoạt và tìm hiểu một cộng đồng khoảng 500 người nghèo khổ đang sống trong bãi rác này để ghi nhận về sinh hoạt của họ.
Bãi rác nằm cách Angkor Wat, một vùng đất lịch sử nổi tiếng chừng 30km, là một thế giới riêng biệt, đáng kinh ngạc mà du khách không bao giờ ngờ được nó có thể hiện diện trên mảnh đất này. Omar Havana đã cho rằng du khách đến viếng Kampuchia phải nên biết đến cộng đồng cư dân đặc biệt này.

Câu hỏi nhà báo này đặt ra là: “Người ta có thể bỏ ra hàng triệu đô la từ Quỹ Toàn Cầu cho việc trùng tu các đền thờ tôn giáo nhưng lại không dành ra một đồng cho những người dân khốn khổ này. Phải chăng chúng ta đang sai lầm trong việc sắp xếp các thứ tự ưu tiên?”

Omar Havana không được phép viếng thăm những người trong bãi rác vì đất nước nào cũng muốn che giấu những mặt tối của họ, cuối cùng ông đã quyết định cứ đi mà không cần được cho phép.
Hầu hết những người sống có miếng ăn nhờ rác đều sống chung với rác nhiều năm, có khi là hai ba thế hệ, họ hít thở, ăn nằm với rác, cũng có những đứa bé thụ thai và ra đời trên bãi rác ấy và lớn lên cùng rác hết cả tuổi thơ.

Những đống rác này đến từ thành phố du lịch Siem Reap của Kampuchia, ở đó khách sạn có giá cho du khách mỗi đêm là 1,500 đô la. 34% dân số Kampuchia chỉ kiếm dưới 1 đô-la một ngày thì những người trong bãi rác cũng còn có thể kiếm được đồ ăn và lều che thân chỉ với 35 cents.

Những bãi rác di chuyển, khi có những bãi rác mới, và cư dân sống theo rác chuyển từ bãi rác này đến bãi rác khác, thường là sau một thời gian khoảng 4 năm. Với mùi hôi thối kinh niên, mạnh đến nỗi nó xộc thẳng vào cổ họng, nhưng những người sống ở đây hầu như đã quen. Cư dân ở đây hầu như miễn dịch trong bầu không khí ô nhiễm này, không thấy các bệnh phổ thông, thông thường, thường chỉ là tiêu chảy, đau bụng hoặc cảm. Trẻ em ở đây đều lội chân trần giữa hàng tấn rác thải, nên thường bị các vết cắt và vết bầm tím ở chân.
Tính lạc quan thường thấy qua những nụ cười của trẻ em ở đây. Một em trai tươi cười vì nhặt được một bịch máu trong rác, em nói đây là món ăn của em ngày hôm nay (?). Những cư dân ở đây xứng đáng được mọi người biết đến và quan tâm. Họ sống hồn nhiên, nhất là trẻ em, không bao giờ thiếu vắng nụ cười. Omar Havana cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được chung đụng với những người người dân nơi bãi rác đó. Nhưng khi Omar Havana trở lại khách sạn nơi ông cư ngụ, nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn ông và những giọt nước mắt sau đó lại chảy trên mắt ông. Bây giờ, chung quanh, đầy dẫy vật chất, nhưng không thấy ai cười.
Ðâu chỉ phải có một bãi rác gần Siem Reap, Kampuchia mà nhà nhiếp ảnh Omar Havana đã nói đến ở đây. Bãi rác Bantar Gebang, nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 20 km, là bãi rác lớn nhất ở Ðông Nam Á, nơi đây có đến 6,000 người sinh sống và cũng có rất nhiều em bé ra đời tại đây. Ở Việt Nam, bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn, là một trong những khu bãi rác lớn nhất Hà Nội, mỗi ngày trung bình có tới cả nghìn tấn rác của thủ đô được mang về đây. Ưu điểm của Nam Sơn là cấm trẻ em dưới 16 tuổi vào bãi rác và tất cả phải rời bãi rác trước 6 giờ sáng.

Hàng trăm người sống bằng nghề nhặt rác đã phải đối đầu với tình trạng vệ sinh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, nhưng tệ nhất là nạn giang hồ bóc lột. Xã hội này lúc nào cũng có đứa bóc lột, từ cấp quốc gia cho đến cấp xã, cho đến một nơi ô uế như bãi rác. Hiện tại để thu nhặt rác một tháng mỗi người phải đóng 250 cho đến 750 nghìn đồng tùy khu, cho dân “dao búa” bất hảo, có mối quan hệ và có thế lực lập nhóm lại với nhau, phân chia các lán theo khu vực nhặt rác. Có khi phải phải bán lại hàng với giá rẻ hơn, muốn mang về thì phải nộp tiền. Hàng nghìn chiếc xe máy cà tàng vứt ngổn ngang trong bãi rác không có người trông giữ cũng bị thu tiền giữ 2,000. Túi ny-lông phải để dành chủ lán, không được lấy riêng cho mình.
Ở Kampuchia, Omar Havana đã đặt câu hỏi “người ta có thể bỏ ra hàng triệu đô la cho việc trùng tu các đền thờ tôn giáo nhưng lại không dành ra một đồng cho những người dân khốn khổ này?” Nhưng ở Việt Nam còn tệ hơn, tượng đài, cổng chào cả trăm tỷ, cấp tỉnh uỷ, giám đốc có biệt phủ nguy nga, nhưng trên bãi rác Nam Sơn, hàng nghìn người nheo nhóc, giành giật nhau từng miếng ny lông, hay nải chuối hư?
Trong bữa rượu thịt của các cán bộ cao cấp, có ai nghĩ đến dân bãi rác Nam Sơn mừng húm khi thấy được xác chó hay mèo. Mèo thối còn có thể dùng xương nấu cao.

Thú vật chưa thối, rửa xà bông sạch rồi thui lên làm thịt cả nhóm cùng đánh chén. Ðó là những niềm vui nho nhỏ trong cuộc đời lầm than.
Không oán trách số phận, nghề cào rác là một nghề mạt hạng nhất trong xã hội, vậy mà bên những bãi rác, hàng nghìn người vẫn an phận, sống qua mỗi ngày, sinh con đẻ cái… không kỳ vọng gì ở tương lai!
HP