Hỏi
Thưa bác sĩ,
Tôi và các bạn già vẫn hay thắc mắc là tại sao ta phải ngủ đủ giấc.
Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Thị Lan
Ðáp
Thưa bà Lan,
Câu thắc mắc của bà rất hợp lý, vì ngủ đầy đủ giúp ta cảm thấy khỏe mạnh tỉnh táo hơn và vì cơ thể cần được nghỉ ngơi để bồi dưỡng sức lực, hàn gắn tổn thương.
Nếu quý vị có khó khăn rơi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, xin áp dụng các gợi ý sau đây:
-Ði ngủ đúng giờ mỗi buổi tối và thức dậy cùng giờ vào buổi sáng. Không nên «ngủ nướng », ngủ thêm.
-Tạo thói quen làm một công việc nào đó vài giờ trước khi đi ngủ, như đọc sách, coi TV… rồi ngủ.
– Tránh rượu, cà phê, thuốc lá;
– Không ăn quá no trước khi đi ngủ;
– Vận động mỗi ngày nhưng tránh tập quá mạnh trước khi đi ngủ;
– Nghe nhạc êm dịu để thư giãn tâm hồn;
– Uống một ly sữa ấm hoặc ăn một ít trái cây, rau xanh trước khi đi ngủ;
– Tắm nước ấm trước khi lên giường.
Và cần đi bác sĩ khám bệnh nếu:
– Khó ngủ vẫn diễn ra mặc dù đã áp dụng các điều kể trên;
– Thức giấc giữa đêm, khó thở;
– Ngáy quá to;
– Ngủ nhiều vào ban ngày…
Ðối phó với té ngã?
Hỏi
Thưa bác sĩ,
Tôi ở trong nhà dưỡng lão. Thường thường tôi thấy nhiều người già cô đơn và lại hay té ngã lúc họ đi một mình. Thấy như vậy thì chúng tôi chẳng biết làm sao để giúp họ. Vậy xin bác sĩ chỉ cho cách chung chung để chúng tôi đề phòng.
Xin cảm ơn bác sĩ.
Lê Thị Năm
Ðáp
Thưa bà Năm,
Chúng tôi thông cảm hoàn cảnh các cụ già ở trong nhà dưỡng lão, nhất là khi các cụ di chuyển. Sau đây là những cách để đối phó với té ngã.
Khi bị té ngã, hãy bình tĩnh đối phó.
Nếu thấy rằng ta có thể bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố ngồi dậy. Bị thương tích ở cột sống mà cử động có thể ảnh hưởng tới não tủy, hậu quả sẽ trầm trọng hơn. Ta nên nằm yên rồi kêu giúp đỡ.
Trái lại, nếu không có đau đớn ở cơ thể, ta có thể cố ngồi dậy theo cách sau đây:
- Nếu té nằm ngửa, hãy chuyển sang thế nằm sấp bằng cách sau: quay mặt về phía định lăn, đầu gối và khuỷu tay hướng về phía đối nghịch, rồi đồng thời chuyển chúng qua thân mình về phía mà mình định lăn
- Khi đã nằm sấp rồi, dùng bàn tay và đầu gối để nhổm người lên, bò tới phía trước một cái ghế ở gần đâu đó.
- Ðặt bàn tay lên mặt ghế, ngả người xuống để thân mình được tay chống đỡ.
- Co đầu gối nào mạnh, dùng bàn chân phía đó đẩy người nhổm lên, đầu gối bên kia chống dưới sàn, quay nhẹ người rồi ngồi xuống ghế. Sau khi nghỉ thở một lúc ta sẽ kêu cấp cứu.
Ðể tránh té ngã, ta nên cho bác sĩ hay những cơn chóng mặt, mất thăng bằng đã xảy ra. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân rồi điều trị; nên đi khám tai khám mắt theo định kỳ để nghe nhìn tinh tường; dùng thuốc theo lời dặn và không dùng chung thuốc với rượu hoặc tiêu thụ quá nhiều rượu.
Dược phẩm
Hỏi
Thưa bác sĩ,
Xin bác sĩ nói qua về công dụng của các dược phẩm, vì chúng tôi thường hay tranh cãi về việc này. Cảm ơn bác sĩ.
Lê Tùng Lâm
Ðáp
Thưa ông Lâm,
Về phương diện trị liệu, sử dụng dược phẩm nhằm vào những mục tiêu chính
- Trị lành bệnh
Khi mắc một bệnh nhiễm trùng, như sưng phổi, ta sẽ có những triệu chứng ho, nóng sốt cao, mệt mỏi, khó thở. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho uống thuốc kháng sinh trong vòng 7-10 ngày. Sau đó nhiệt độ giảm, ta bớt ho và trở lại bình thường. Như vậy thuốc đã tiêu diệt vi khuẩn và ta đã lành bệnh.
2 . Thay thế những yếu tố thiếu trong cơ thể
Một người mắc bệnh thiếu máu, hồng huyết cầu thấp, vì ruột không hấp thụ được sinh tố B12. Bác sĩ cho chích mỗi tháng một liều Vita B12 để thay thế sinh tố thiếu trong cơ thể.
Bệnh nhân bị tiểu đường vì tụy tạng tiết ra rất ít Insulin, sẽ được chích Insulin nhân tạo mỗi ngày để giữ mức đường trong máu bình thường.
Sự thay thế như vậy là cần thiết và đạt được mục tiêu làm cơ thể bình thường vì thiếu những chất kể trên.
- Ngăn ngừa sự phát triển một bệnh
Cũng trong trường hợp bệnh tiểu đường, Insulin còn duy trì bệnh ở tình trạng không gây ra những biến chứng nguy hiểm như hư mắt, hư thận…và nếu ngưng Insulin, bệnh sẽ trầm trọng thêm lên.
Người bị cao huyết áp nếu ngưng uống thuốc trị cao máu, bệnh sẽ nặng hơn và có thể gây tai-biến-mạch-máu-não, kích xúc tim.
Trong các bệnh này, dược phẩm không những có công dụng điều trị mà còn ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
- Thuốc để làm dịu một triệu chứng
Thí dụ như khi ta bị đau nhức mình mẩy vì làm vườn quá sức hay nhức đầu vì uống rượu quá nhiều, thường thường ta uống một viên Tylenol hay Aspirine. Thuốc không làm hết bệnh, mà chỉ làm dịu cảm giác đau, khó chịu. Nhiều khi chẳng cần thuốc, mà chỉ cần nằm nghỉ vài giờ là hết đau. Số lượng thuốc dùng trong mục đích xoa dịu này rất nhiều, đôi khi có sự lạm dụng.
- Phòng ngừa bệnh
Các thuốc này hoặc tạo ra tính miễn dịch hoặc hỗ trợ hệ thống miễn nhiễm của cơ thể. Nhờ sự chủng ngừa này mà nhân loại tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm từng gây tử vong cao ở các thế kỷ trước, như bệnh đậu mùa, dịch hạch…
Trên đây chỉ là ý kiến chung chung. Nếu cần, khi đi khám bệnh, xin ông hỏi lại bác sĩ gia đình để mọi sự được rõ ràng hơn.
NYD