Menu Close

Thành Pleime ngày tháng năm chinh chiến cũ

Pleiku thành phố chiến tranh heo hút ở miền cao, nơi gió lạnh mưa mùa. Ấy vậy mà Pleiku nổi tiếng về văn học. Cũng bởi tại nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã có những năm tháng phục vụ ở đây và có những sáng tác giá trị hình thành trên vùng đất này. Ta có thể kể tên Vũ Hữu Định, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Diên Nghị, Kim Tuấn, Anh Hoa (tức Hoa Văn hiện ở Boston), Đinh Phụng Tiến, Du Tử Lê, Hoàng Khởi Phong, Tô Mặc Giang, Hải Phương, Nguyễn Mạnh Trinh… Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những nhà văn nhà thơ kể trên vẫn chưa quên vùng đất Pleiku. Hải Phương trong một bài thơ viết gần đây đã ghi lại những năm tháng sống với anh em và làm văn làm báo ở thành phố trên cao này. Xin mời các bạn theo dõi.

NGUYỄN & BẠN HỮU

thanh-pleime1
                         Hải Phương

Tặng Dương Diên Nghị, Anh Hoa, Chị Tám Mũ Ðỏ Diệp Mỹ Thanh & Trịnh Tường Vân, Trầm Trọng Tài, Nguyễn Xuân Thiệp, Sử Hồng Xuân, Nguyễn Văn Sơn & Phạm thị Bạch Nga, Thái văn Bé,

Ðinh Phụng Tiến, Nguyễn Hoàng Ðạt, Lê Hữu Thường, Nguyễn Xuân Hùng, Lương Văn Hùng…

là đơn vị trưởng trong quân ngũ

là những người bạn đã từng sống / phục vụ ở Bộ tư lệnh Quân Ðoàn 2 Vùng 2 Chiến Thuật

thành phố trên cao

gió thì bụi mưa thì bùn / quanh năm mưa bùn gió bụi.

Tôi tốt nghiệp khóa 22 đào tạo sĩ quan trừ bị Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức kbc 4100 cuối tháng 11 năm 1966.

Trước tháng rời trường mẹ / rời đồi Tăng Nhơn Phú / rời Chợ Nhỏ / rời Bãi Cây Da / rời hồ Lệ Thủy / rời quán Diệm Song / rời hội quán sinh viên sĩ quan

về trình diện đơn vị đầu đời 2ter đường Thống Nhất Saigon / Bộ Tham Mưu Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị

tôi được biên tập đặc san kỷ niệm lấy tên Dặm Trường *

sinh viên sĩ quan Nguyễn Trần Kiềm viết lời giới thiệu

sinh viên sĩ quan Nguyễn Văn Lương Sơn lo phần quảng cáo

sinh viên sĩ quan Lâm Huỳnh Long / Nguyễn Lâm trình bày bìa và vẽ chân dung chuẩn tướng

Trần Văn Trung chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh Thủ Ðức

tôi trình bày trang trong / sửa bản vỗ tại nhà in Văn Khoa đường Nguyễn Biểu Q.5 Chợ Lớn

thiếu tá Hà Hữu Viên Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn SVSQ ký giấy phép.

Phục vụ đơn vị tham mưu trung ương tại thủ đô hoa lệ vừa tròn năm

tôi được xin đích danh / thuyên chuyển lên vùng cao chiến thuật.

Buổi trưa cuối tháng mười một

lần đầu tiên đến phi trường lạ

cứ mỗi năm phút / mỗi mười phút / một chuyến cất cánh một chuyến hạ cánh

đủ loại chuyên cơ / vận tải / chiến đấu /phản lực / cánh quạt / trực thăng

lên / xuống  ngày đêm không ngớt

ở địa thế trên cao / gió mạnh / khói bụi / âm thanh phản lực xé nát bầu trời 24 /24

đó là phi trường Cù Hanh

rộn rịp nhất Ðông Nam Á.

Tôi đứng trên phi trường Cù Hanh thời chiến nhìn về đông / căn cứ hỏa lực Hàm Rồng ( Quân lực VNCH & Ðồng Minh & Sư Ðoàn 4 Kỵ Binh Hoa Kỳ ) / xa hơn là Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Tuy Hòa, NhaTrang, Phan Rang, Phan Thiết bên bờ biển đông… / xa hơn nữa với / Hoàng Sa – Trường Sa biển đảo tổ quốc / sau lưng tôi  đỉnh cao tây trường sơn / mái nhà tổ quốc – hậu sơn tiền hải / với căn cứ hỏa lực Kontum – Dakto – Daksuk núi rừng trùng điệp.

thanh-pleime

Quá giang xe GMC của quân đội Mỹ chạy về hướng Biển Hồ Pleiku chừng 5 km

bỏ tôi xuống ngay trước cổng thành Pleime

tôi biết và nhớ thành pleime ngày tháng năm chinh chiến cũ từ hồi đó cho đến bây giờ chưa quên

nhớ lắm.

Ðầu năm 1965

Trung tướng Vĩnh Lộc đánh thắng trận Pleime đổi thành Cổ Loa / tên của các tư lệnh tiền nhiệm / là thành Pleime / Bộ tư lịnh Quân Ðoàn 2 Vùng 2 Chiến Thuật

cho biên soạn và ấn hành cuốn” WHY PLEIME?”

như loại sách bỏ túi bằng Anh ngữ, in & trình bày nhiều màu rất đẹp

hoàn chỉnh phi trường chiến lược Phượng Hoàng

xây dựng Trung Tâm Ðào Tạo Cán Bộ Sắc Tộc (Cán Bộ Trường Sơn)

Anh Cả Trường Sơn cỡi voi, phát quà, đọc diễn văn định cư đồng bào Thượng

mở khu dưỡng quân cho quân nhân VNCH & Ðồng Minh (duy nhất trong quân sử VNCH)

khai trương vũ trường Phượng Hoàng (Tiểu Ðoàn 20 CTCT đảm trách dàn nhạc, ca sĩ, vũ nữ & ẩm thực.)

Tôi trình diện tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 20 Chiến Tranh Chánh Trị (CTCT) với đại úy Anh Hoa / làm thơ lục bát

ngủ lại tiểu đoàn một đêm

sáng hôm sau biệt phái ngay

phòng Tâm Lý Chiến / Khối CTCT

trình diện thiếu tá Dương Diên Nghị / tác giả Xác Lá Rừng Thu / người của Ba Biên Giới / tài tử phim  Người Về Từ Ðỉnh Núi

ông hỏi Hải Phương tới rồi hả / uống café cái đã

rồi đâu công việc đó / có sẵn cho toa / anh em cả mà

cứ thong thả

(cái kiểu của Nghị là làm việc gì cũng hăng hái nhưng rất thoải mái.)

Nhân sự phòng TLC lúc bấy giờ (cuối năm 1967)

nhìn qua nhìn lại chỉ có mình Nghị tả xung hữu đột

Nguyễn Xuân Thiệp và một sĩ quan khác biệt phái đài phát thanh Ðàlạt / Hoàng Anh Tuấn quản đốc / thực hiện chương trình Phát Thanh Quân Ðội Quân Ðoàn 2

Ðinh Phụng Tiến, Nguyễn Hoàng Ðạt khóa 16 SQTB giải ngũ

Trưởng phòng Chính Huấn nghỉ phép thường niên

Trầm Trọng Tài chờ về Saigon học anh văn chờ đi Mỹ.

Khối CTCT lại chuẩn bị khai giảng khóa học Quốc Sách Xây Dựng Nông Thôn dành cho tất cả Ðại Ðội Phó Ðịa Phương Quân toàn vùng

– chuẩn bị thực hiện chương trình phát thanh địch vận & phần quà giáng sinh thả dù cho CS trong rừng núi tây nguyên (lần này tôi gặp Nguyễn Xuân Thiệp trở về cùng em gái Dạ Lan công tác tại phòng TLC)

– chuẩn bị tổ chức Noel Tiền Ðồn tại bộ chỉ huy trung đoàn 41 / sư đoàn 22BB tại Tân Cảnh / Kontum / cùng quân đội đồng minh đón tiếp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tham dự

– chuẩn bị lò đúc chì cho thợ in typo do Thượng Sĩ Lân (Thường gọi thân mật anh Ba Lân / chuyên viên lắp ráp & canh bọt nước & điều hành máy in rotative) của Cục TLC công tác giúp đỡ

– chuẩn bị bài vở / hoàn toàn văn nghệ / cho nguyệt san Cao Châu số đặc biệt (số 9) Mùa Xuân Mậu Thân 1968, trong số này tôi viết một truyện ngắn Mùa Xuân Trên Ðỉnh Non Mù.

Tôi dành chút thì giờ buổi trưa buổi tối chạy qua chạy lại máy offset dã chiến bên tiểu đoàn giúp Anh Hoa biên tập, layout bài vở  báo Xuân 1968 Tiểu Ðoàn 20CTCT (Thời đó layout bài có nghĩa là cắt dán. Sau khi làm marquet, chọn corps chữ / corps chữ có nhiều bộ / mỗi bộ có hình quả trám, nhân viên / thường là hạ sĩ quan đã được huấn luyện ở Hoa Kỳ / đánh máy trên carbon đặc biệt, bài vở như đã in xong. Layout là cắt dán theo marquet. Bộ phận khác làm bảng kẽm và chạy máy. Máy offset dã chiến là hai connex cỡ lớn / mỗi tiểu đoàn ctct ở 4 vùng chiến thuật đều có trang bị để in truyền đơn trừ tiểu đoàn 50 ctct)

tôi cũng trình bày, edit, chọn tựa và in bằng giấy tốt, xuất bản tập thơ lục bát Những Bài Âu Ca cho tác giả Anh Hoa năm 1968

bìa báo xuân và bìa thơ lục bát được in màu tại máy in cục Tâm Lý Chiến.

Tôi ở Câu Lạc Bộ Ðộc Thân Thành Pleime

ngôi nhà lầu một tầng đồ sộ hai dãy phòng, có phòng vãng lai, phòng khách, nhà ăn, thường cũng gọi CLB Trung  úy Hưng (quản lý, ngày tôi ở đó)

nhiều lần, buổi trưa tôi ăn cơm ngoài phố / quán Cao Nguyên hay chỗ Bến Xe Mới /

rồi, uống café Dinh Ðiền

có lần, buổi chiều cuối tuần ngồi trước thềm nhà Kim Tuấn  trên đường Phan Bội Châu uống café  chị Hồ Thị Sương pha, nhìn cảnh người / lính tráng qua lại /

(dạo này Kim Tuấn làm thông dịch viên cho một đơn vị Quân Ðội Mỹ, gia đình có depot thuốc tây lớn như pharmacy)

thỉnh thoảng ăn cơm tối ở câu lạc bộ Phượng Hoàng với Anh Hoa

nghe nhạc, nhảy vài ba điệu với giày saut bùn đất đỏ.

Một ngày giáp Tết Mậu Thân 1968 cũng ở câu lạc bộ Phượng Hoàng

bữa ăn cơm tối

Anh Hoa nói cậu sẽ về Tiểu Ðoàn 40 CTCT ở Bình Thủy, Cần Thơ

có sự vụ lệnh hoán chuyển Trung Uý Thành với cậu

ngày mai tôi làm lệnh thuyên chuyển

cho cậu nghỉ phép thường niên và phép nghỉ Tết.

Tôi chưa kịp chào con đường Hoàng Diệu đi lên đi xuống đã trở về chốn cũ như thơ Vũ Hữu Ðịnh

chưa đủ thì giờ lái xe một vòng xa lộ Vĩnh Lộc thăm lại Biển Hồ / cái rốn của Cao Nguyên đất đỏ mà nước trong xanh con sóng vỗ

không còn thì giờ thưởng thức bún bò Dân Y Viện và mì Diệp Kính

nhưng trong sâu thẳm lòng tôi

tôi hẹn ngày trở lại

không phải vì ai ra đi cũng muốn trở về chốn cũ

nhưng tôi

tôi muốn về chốn cũ để thăm lại tôi

người lính bình thường thời tuổi trẻ.

Buổi sáng tinh sương

Sơn ( Nguyễn văn Sơn, Ðại Ðội Trưởng Xe Ủi Tiểu Ðoàn 20 Công Binh) đưa tôi ra phi trường

tôi chưa kịp chào người quân cảnh đứng gác

thì xe đã ra khỏi cổng Thành Pleime

lòng tôi nhìn lại trong mù sương lạnh.

Khi làm manifest về Tân Sơn Nhất

tôi không gặp Thái Văn Bé, Trưởng Trạm Tiếp Liên phi trường Cù Hanh / người bạn cùng lớp với tôi thời Trung học ở Nha trang

để nói một câu gì đó chắc cũng vu vơ thôi

và chào bạn.

Chuyến bay C130 Pleiku – Tân Sơn Nhất hồi ấy đến bây giờ

tôi không muốn biết bao nhiêu năm đã qua

tôi cũng không muốn biết bao nhiêu đổi dời phôi pha bụi cát

cho đến khi viết những dòng này

thì lòng thương nhớ lao lung

ảnh tượng hình như xa lắm

thành phố thời chiến / chiếc xe jeep / cổng thành Pleime / và… những con đường

dặm trường tàn phai đời lính.

Mới đó / 1968 / và bây giờ

những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018

như mới hôm qua hôm kia hôm trước

mà đã quá xa xôi

xa xôi lắm

khi hỏi lòng ngày trở lại thăm Thành Pleime thì lòng đã xa xôi như tiền kiếp

khi hỏi ly café Dinh Ðiền thì giọt đen rơi vào hư vô thành khói

khi hỏi tôi

thì trước hay sau gì tôi cũng chỉ là người lính bình thường

có lần ở trong thành Pleime trong tiền kiếp .

Hải Phương – khi ở SILICON VALLEY tháng hai 2018

*  SVSQ Nguyễn Trần Kiềm đặt tên