2 phần – phần 2
Phim “giả” là những cuốn phim được (bị) “đạo diễn” cắt dán, lồng hình ảnh của “diễn viên” mới thay cho mặt mũi, tay chân của người [cũ] trong phim. Thoạt tiên, phim giả được chế biến để “thử” tài nghệ, tay nghề về kỹ thuật của những người viết thảo chương điện toán. Nhưng rồi kỹ thuật ghép hình ảnh này lại được sử dụng trong việc lồng hình ảnh những người nổi tiếng vào thân thể các diễn viên của phim khiêu dâm, loại phim dành cho ‘người lớn’, cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Ráp nối hình ảnh như thế thường là với mục đích bêu riếu kẻ bị thù ghét hoặc chọc ghẹo mấy người nổi tiếng.
Trước đây loại phim do máy điện toán chế tạo, realistic computer-generated video, là một công trình sáng tạo của những chuyên viên già dặn tay nghề và chỉ có những hãng sản xuất phim ảnh rủng rỉnh tiền bạc mới có thể cáng đáng. Ngày nay, qua các phát minh kỹ thuật mới mẻ, một cộng đồng chuyên viên điện toán đã bắt đầu thí nghiệm vài thảo trình, “app”, có khả năng “cắt dán”, ráp nối thay thế khuôn mặt người trong phim. Nổi tiếng nhất có lẽ là FakeApp do một chuyên viên ẩn danh đã sử dụng các thảo trình xài tự do (open source) của Google để sáng tạo. Dùng FakeApp người quen thuộc với kỹ thuật có thể chế biến, lắp ghép khuôn mặt của diễn viên trong phim mà không để lại dấu vết của việc sửa chữa biến hóa. Từ khi xuất hiện trên Reddit, bá tánh đã tải FakeApp về dùng khoảng 120 ngàn lần. Tất nhiên là với một mục đích nào đó, để đùa nghịch táy máy học mà chơi hoặc để bêu riếu tệ hại kẻ khác.
Từ FakeApp và các “app” tương tự, xuất hiện danh từ “Deepfakes” hay “phim giả” dùng để chỉ việc các cuộn phim chế tạo bằng kỹ thuật số, digital technology, đã được (bị) thay đổi, gán ghép. Chẳng cần một bộ óc tưởng tượng phong phú, ta cũng có thể đoán ra rằng deepfake đã và đang được sử dụng cho các mục đích không đẹp: chế tạo những cuộn phim khiêu dâm bằng khuôn mặt của chính khách, của các tài tử & ca sĩ hoặc chế tạo bằng chứng giả.
Trên mấy trang mạng dễ dãi như Reddit, deepfakes đã được sử dụng để chế tạo phim khiêu dâm ghép mặt mũi của tài tử nổi tiếng. Những cuộn phim [khiêu dâm] giả được chuyền tay nhanh như cháy rừng trước khi chủ trang nhà kịp loại bỏ món đồ giả. Và trương mục của thành viên trong cộng đồng sử dụng deepfake, cả trăm ngàn người, đã bị đóng cửa trên các trang nhà như Pornhub, Twitter. Twitter và Reddit sử dụng quyền “kiểm duyệt” để giữ trang nhà của họ tương đối “sạch sẽ” trong khi Pornhub đóng các trương mục đăng phim giả, deepfake, hẳn chủ nhà e ngại bị thưa kiện lôi thôi vì sử dụng hình ảnh chủ nhân mà không xin phép hoặc sợ vi phạm luật tác quyền?
Chẳng những chế tạo các cuộn phim giả và chuyền tay nhau, các cộng đồng deepfake còn công khai mở “lớp” dạy nhau bí kíp sử dụng các thảo trình làm đồ giả. Các chuyên viên này biểu rằng họ làm như thế với mục đích “nghiên cứu” và truyền bá “học thuật”. Một việc làm có mục đích hữu ích và hợp lệ như thế thì lẽ nào lại bị tẩy chay? Kẻ binh vực thì gật gù đồng ý và tiếp tục mở các trang nhà [khác] để trao đổi “kỹ thuật” và chuyền tay các cuộn phim người lớn [giả] trong khi người chống đối thì cho rằng làm hàng “giả” bất cứ với mục đích gì cũng là việc làm khuất tất, và việc gì không minh bạch là thiếu tử tế, không nên làm.
Ði xa hơn, một đề tài liên quan đến phim giả cũng được bàn tán sôi nổi: Việc mặt mũi cô A bị lồng vào thân mình cử động của cô B (như mặt mũi bà Michelle Obama bị lồng vào thân mình một diễn viên phim khiêu dâm) thì… đã sao? Hình ảnh trên mạng ảo đâu mấy khi là “sự thật” vì chẳng ai sờ mó gì được vào các hình ảnh ấy? Phim ảnh chẳng là chuyện “chế biến”, không “thật” thường nhật hay sao? Ngay cả môi trường liên mạng cũng chỉ là … “ảo”, một “virtual reality”? Hay bá tánh khó chịu chỉ vì phim giả dính dáng đến chuyện cởi truồng, khiêu dâm? Nếu phim giả là một khúc phim hài hước, lồng hình ảnh bạn bè thay cho tài tử [thiệt] để chọc quê thì có bị phản đối rầm rộ hay tẩy chay không?
Bàn cãi thì bá tánh cứ việc bàn cãi, nhưng trên thực tế thì phim giả vẫn được sản xuất mỗi ngày một nhiều dù chỉ chuyền tay trong “bóng tối” của liên mạng.
Ông Kevin Roose, trong một bài báo của tờ New York Times, người đã từng thử làm phim giả bằng cách lắp ghép hình ảnh của chính mình, cho rằng kỹ thuật chế tạo phim giả tuy không dễ như ăn cơm sườn nhưng cũng không khó khăn cho lắm. Với một server thuê trên Google Cloud Platform để sử dụng các thảo trình phức tạp đòi hỏi sức mạnh từ một cỗ máy khá lớn, (computer dùng trong nhà thì chạy chậm rì), một vài “app’ như TensorFlow của Google và với sự giúp đỡ của bạn bè, ông ấy có thể chế tạo một cuộn phim giả tàm tạm sau vài chục lần thử đi thử lại. Nghĩa là ta có thể chế tạo phim giả sau khi quen tay, càng làm nhiều phim giả thì tay nghề càng cao, in hệt như mọi nghề thủ công khác. Ðiều dễ hiểu là càng nhiều người sử dụng thì FakeApp càng hoàn thiện nhanh chóng, mỗi ngày một dễ dùng hơn và sẽ phổ thông hơn!
Chi tiết khiến việc dùng FakeApp hấp dẫn hơn nữa là mục giá cả: cuộn phim giả của ông Roose chỉ tốn khoảng 86 Mỹ kim và 72 tiếng đồng hồ để xào nấu, chế biến!
Tin sốt dẻo dù thật hay giả đều nhanh chóng được truyền tải qua liên mạng, và tin giả thường thu hút nhiều người đọc hơn tin thật. Một mẩu tin giả hấp dẫn thường được chuyền tay trong tích tắc và đến nhiều người. Như mẩu tin “Why We Need to Take Away White People’s Guns Now More Than Ever” do bút danh ‘Richie Horowitz’ đăng tải trên BuzzFeed. Sau khi kiểm chứng, ta biết rằng mẩu tin này là tin giả vì chẳng có bài viết nào có tựa đề ấy và cũng chẳng có con người thật nào mang tên ‘Richie Horowitz’. Nhưng mẩu tin giả ấy lại được những người thích dùng súng truyền tải đến 50 ngàn trương mục Twitter khác trong khi bài đính chính của trang nhà BuzzFeed kể trên chỉ được chuyển đến 200 trương mục!? Hẳn chẳng mấy ai tha thiết đến việc sửa lại lời nói [xàm] hay thu hồi tin vịt do chính mình loan tải? Phim giả cũng có những lợi thế tương tự như tin giả. Bá tánh cũng sẽ “chia sẻ” phim giả khi họ thấy thích ý, vừa lòng với cuộn phim “lạ”, bất kể lợi hại.
Theo ông Hao Li, một giáo sư phụ khảo về khoa học điện toán tại the University of Southern California, ta chẳng có sự lựa chọn nào cả, vì liên mạng là một môi trường truyền thông vô cùng hữu hiệu và bá tánh sẽ tiếp tục sử dụng nó.
Nhìn chung, ích lợi của kỹ thuật là điều không thể chối cãi, nhưng mục đích của việc sử dụng kỹ thuật ấy xem ra là câu hỏi nhức đầu về nhiều phương diện. Sự riêng tư của mỗi con người dễ dàng bị xâm phạm qua một vài thủ thuật trên liên mạng, và thủ phạm dễ dàng chùi sạch dấu tay, dấu chân nhưng nạn nhân khó lòng bôi xóa các mẩu tin giả dối ấy. Ðây có phải là điều đáng quan tâm?
Còn những người dùng liên mạng và kỹ thuật ‘trí tuệ nhân tạo’ để chế tạo và quảng bá tin giả, phim giả thì sao? Họ chẳng có trách nhiệm nào với “đứa con” hay ‘sản phẩm’ của mình?
Và bá tánh? Cứ tha hồ băn khoăn khó chịu về những chuyện không có thật cho đến khi ta có đủ thời giờ và tri thức để phân tích, thẩm định chuyện thật/giả? Thật / giả chi cũng kệ miễn là chuyện [giả] ấy không ăn nhậu chi đến ta theo chủ nghĩa ‘mackeno’? Hoặc giả, bá tánh chỉ cần khôn ngoan hơn những tay chế tạo đồ giả một chút xíu và không nên tin cậy vào những thứ trước mặt? Ta luôn luôn cần áp dụng câu nói quen thuộc “Thấy vậy mà không phải vậy”?!
TLL