Hôm Thứ Sáu 13/4, Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên truyền hình thông báo cùng quốc dân rằng lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh Anh Pháp đã mở những cuộc không kích để đáp trả lại vụ tấn công bằng hơi ngạt của chính quyền Syria đúng một tuần trước đó đã làm ít nhất 43 thường dân bị thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.

Theo cáo buộc của Nickki R. Haley, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ít nhất 50 lần kể từ khi cuộc chiến Syria nổ ra bảy năm trước. Lời cáo buộc này được đưa ra trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào tuần trước.
Theo công ước quốc tế, sử dụng vũ khí hóa học được xem là một tội ác chiến tranh, và chính quyền Syria không hẳn là thủ phạm duy nhất bị cáo buộc đã sử dụng loại vũ khí chết người này, mà còn có nhóm lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo ISIS.
Con số những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Syria – và ai phải chịu trách nhiệm cho những vụ tấn công này – là một trong những vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất tại các diễn đàn quốc tế.
Năm 2015, Hội đồng Bảo an đã cho thành lập một ủy ban có tên gọi là Cơ chế Ðiều tra Chung (Joint Investigate Mechanism) để xác định xem phe phái nào đã thực hiện những cuộc tấn công vũ khí hóa học nói trên. Ủy ban này đã đưa ra bản phúc trình với nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng của Assad đã thực hiện ít nhất bốn lần, vào Tháng Tư 2014, Tháng Ba 2015, Tháng Ba 2016 và Tháng Tư 2017.

Ủy ban này đã bị giải tán vào Tháng 11 năm ngoái sau khi Nga phản đối và chống lại bản phúc trình quy trách nhiệm lên chính quyền Assad của Syria. Cho đến nay, Hội đồng Bảo an vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc lập ra một ủy ban tương tự để thay thế.
Một ủy ban khác có tên gọi khá dài là Ủy ban Quốc tế Ðộc lập Ðiều tra về nước Cộng hòa Ả Rập Syria (The Independent International Commission of Inquiry on the Syrian Arab Republic), được thành lập do Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, xác nhận có ít nhất 34 cuộc tấn công vũ khí hóa học đã được thực hiện cho đến Tháng Giêng vừa qua, bởi nhiều phe phái khác nhau trong cuộc xung đột nội chiến. Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), dựa trên các chứng cớ lấy từ bảy nguồn tin khác nhau, đã đưa ra con số là 85 lần trong khoảng thời gian từ 2013 đến Tháng Hai năm nay.
Trong khi Tổng thống Donald Trump đang còn trên truyền hình hôm tối Thứ Sáu, những hỏa tiễn đầu tiên của đồng minh đã được bắn đi và nhắm vào những mục tiêu quân sự quan trọng của chính quyền Syria.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và tướng Joseph Dunford, chủ tịch hội đồng tham mưu, trong cuộc họp báo ngay sau đó cho biết có hơn 100 hỏa tiễn đã được bắn đi và ba cơ sở đã bị hỏa tiễn đánh trúng: thứ nhất là trung tâm nghiên cứu khoa học nằm trong khu vực thủ đô Damascus; thứ nhì là kho tích trữ vũ khí hóa học nằm ở phía tây của thành phố Homs mà phía Hoa Kỳ đánh giá là địa điểm chính cất giấu loại hơi độc sarin của Syria; và thứ ba là một cơ sở tích trữ dụng cụ vũ khí hóa học khác và cũng là nơi đặt bản doanh chỉ huy của quân đội Syria.

Ðây là lần thứ nhì chính quyền Donald Trump đã dùng không kích để trừng phạt Syria về việc sử dụng vũ khí hóa học. Tháng Tư 2017, Hoa Kỳ đã đánh vào một căn cứ không quân gần thành phố Homs để phản ứng lại vụ tấn công bằng hơi ngạt sarin bởi chế độ Assad lên thị trấn Khan Sheikhoun.
Ý nghĩa của vụ không kích lần này có thể nói cũng không khác vụ không kích một năm trước đây. Nếu có điểm nào khác biệt trong lần này, thì như lời Tổng thống Trump nói trên truyền hình: “Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng duy trì cuộc không kích lần này cho đến khi nào chế độ Syria ngưng sử dụng những loại chất độc hóa học bị cấm đoán.” Và như tướng Dunford đã chỉ ra sau đó, trong khi vụ không kích lần trước chỉ đánh vào một cơ sở thì lần này đánh vào ba. Và trong khi lần trước Hoa Kỳ đơn phương tấn công thì lần này còn có sự hợp tác của Anh và Pháp.
Tổng thống Bashar al-Assad hiện đang thắng thế và nhiều chuyên gia quân sự cho rằng chỉ trong nay mai có thể lấy lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria – tuy nhiên điều đó không có nghĩa là hòa bình đang trở lại với đất nước này. Trên thực tế, cuộc xung đột dường như đang ngày càng leo thang do bởi nhiều thế lực từ bên ngoài đã can dự vào trong cuộc chiến Syria vì những quyền lợi riêng của họ.
Theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu về tình hình Syria và Trung Ðông, giáo sư Christopher Phillips thuộc Ðại học London, nếu nhìn vào tài liệu lịch sử về các cuộc nội chiến thì thường cho thấy là càng có thêm nhiều thế lực ngoại quốc can dự vào thì cuộc nội chiến càng khó có cơ hội kết thúc hơn – là vì hầu hết những thế lực này sẽ không chịu bỏ cuộc cho đến khi thấm mệt hay đạt được mục tiêu của họ.
Cuộc chiến Syria đến nay đã kéo dài hơn bảy năm và cuốn hút nhiều quốc gia khác can dự vào với tham vọng là đẩy cuộc chiến về hướng có lợi cho họ với tất cả mọi nỗ lực yểm trợ, từ đánh bom, gửi tới những đoàn quân đánh thuê và những nhóm lực lượng đặc biệt, đến việc đổ vũ khí và tiền bạc vào trong cuộc chiến. Thời gian càng kéo dài thì cuộc chiến Syria lại càng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn, và tương lai của đất nước Syria nay phần lớn là được quyết định bởi những thế lực từ bên ngoài lãnh thổ.

Trong cuộc không kích Syria một năm trước, Hoa Kỳ đã bắn đi 59 hỏa tiễn tầm xa nhắm vào phi trường quân sự al-Shayrat. Ðây là căn cứ không quân mà Assad đã sử dụng để thực hiện cuộc tấn công lên thị trấn Khan Sheikhoun. Cuộc không kích đã tiêu diệt một số phi cơ và hạ tầng cơ sở; theo lời của một phát ngôn viên Ngũ Giác Ðài lúc đó cho biết vụ không kích đã giảm bớt khả năng vận chuyển vũ khí hóa học và cắt mất khoảng 20 phần trăm sức mạnh quân sự của chính quyền Syria.
Tuy nhiên, nếu lấy cuộc không kích lần trước làm chỉ dấu, thì hành động của Trump lần này nếu chỉ ngưng lại ở cuộc không kích hôm tối Thứ Sáu, thì rốt cuộc cũng sẽ chỉ gây một chút xíu ảnh hưởng lên cuộc chiến ở Syria.
Barack Obama đã từng bị chỉ trích khi đặt ra “lằn ranh đỏ” về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, nhưng đến khi Assad vẫn ngang nhiên sử dụng và bất chấp lời đe dọa từ phía Hoa Kỳ, thì Obama đã không hành động mà đi tìm chiếc phao cấp cứu từ một đề nghị từ phía Nga là cho phép một ủy ban của Liên Hiệp Quốc vào kiểm soát và tiêu diệt kho vũ khí của Assad. Tuy nhiên sau đó Assad đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học, cho thấy trong vụ này Obama đã bị Nga lừa. Donald Trump, ở mặt khác, dường như bị lay chuyển bởi hậu quả khủng khiếp của vũ khí hóa học đổ lên đầu các thường dân vô tội, đặc biệt là trẻ em, và nay đã ra lệnh hai cuộc không kích lên các cơ sở quân sự của Assad. Nhưng điều tối hậu, trong khi Trump và Obama có thể đã có những hành động khác nhau đối với việc sử dụng vũ khí hóa học trên, có thể nói kết quả cũng tương tự nhau: Assad vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học, và nay còn kiểm soát được nhiều phần lãnh thổ Syria hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào Tháng Ba 2011.
Cho dù cuộc không kích lần này có gây thiệt hại đến mức nào lên các cơ sở quân sự của Syria, thì vẫn có thể tu sửa lại bởi các thế lực đồng minh của Assad như Nga và Iran. Assad có thể nói gần như đã đạt được chiến thắng với một tổn thất rất cao: hơn 500,000 thường dân đã bị giết và hơn 5 triệu dân tị nạn loạn ly khắp tứ phương. Nhưng đây là điều Assad không quan tâm, và nếu như Hoa Kỳ và đồng minh không có một chiến lược rõ ràng hoặc mở rộng vai trò quân sự ở Syria – mà điều này có lẽ cũng không được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ – thì Assad không chỉ giữ lại được quyền lực mà còn có khả năng tiếp tục tấn công vào chính những thường dân vô tội Syria như đã làm nhiều lần trong quá khứ trước sự bất lực của thế giới.
VH