Menu Close

Phòng thủ Mỹ Chánh

Mỹ Chánh là chiến thắng của Thủy quân Lục chiến. Để hiểu tầm quan trọng của chiến thắng này cần nhìn thấy rõ nỗ lực của Bắc quân. Đích thân Lê Trọng Tấn,  tay tướng được xem dũng lược nhất của Hà Nội nắm quyền Tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên Xuân-Hè 1972. Cuối tháng 3 Lê Trọng Tấn ném 3 sư đoàn chính quy Bắc-Việt 304, 308, 320B qua sông Bến Hải, tăng cường thêm 2 sư đoàn 324 và 325 sau khi chiếm Quảng Trị. Sư 304 là sư đoàn chuyên đánh đồng bằng. Sư 308 là sư đoàn đầu tiên của Việt Minh thành lập từ 1949 mà bộ chỉ huy Pháp đặt tên Division d’Acier, tức Sư đoàn Thép. Sư 320B thoát thân từ Sư 320 là sư đoàn cũ của Văn Tiến Dũng. Sư 324 “chuyên trị” “Nam-Ngãi-Bình-Phú” và Sư 325 danh hiệu Đại đoàn Bình-Trị-Thiên. Tất cả, nói lên ý chí chiếm Huế của Lê Duẫn.

phong-thu-my-chanh1
      Tổng thống Thiệu cầu nguyện trong nhà thờ La Vang – Quảng Trị. Nguồn: Flickr.com

Cả 5 sư đoàn trên đều dày dạn trận mạc. Nếu 304 và 308 từng đánh Điện Biên thì 3 sư đoàn còn lại am tường địa thế miền Trung. Bên cạnh, 2 trung đoàn chiến xa 202 và 203, rồi  4 trung đoàn Pháo binh gồm 408 đại bác mà 68 khẩu là pháo 130 ly, cộng 93 khẩu 122 ly Sô-Viết cùng 247 khẩu sơn pháo 76 và 85 ly, không tính súng không giật SKZ cũng như súng cối nặng 120 ly của bộ binh. Thêm 2 sư đoàn cao xạ 367, 376 và 2 trung đoàn tên lửa 238, 237 với hỏa tiễn SA-2. Tỉnh đoàn Thừa Thiên cung cấp thêm Trung đoàn Độc lập 559 Chủ lực Miền. Một ưu thế tuyệt đối.

Chính với ưu thế này mà Lê Trọng Tấn đã tự tin đánh dàn trận bằng chiến xa và cũng lần đầu tiên Bắc-Việt sử dụng rộng rãi pháo 130 ly. Chỉ trong ngày đầu tiên của Chiến dịch Bão Táp, đã pháo 11,000 quả đạn đủ loại.

Phía Nam-Việt, đầu tháng 4 gánh nặng trên vai Sư đoàn 3 Bộ binh, là một sư đoàn tân lập đã phải thâu nhận khá đông đào binh, quân phạm từ các trung tâm cải huấn. Không thể xem quân phạm tác chiến kém. Sau cải hối, mỗi người lính là một binh sĩ quốc gia ngang đồng vị trí. Nhưng các sĩ quan cần thời gian để tái huấn luyện, thiết lập kỷ cương. Chính thời gian là điều Chuẩn tướng Vũ Văn Giai không sở hữu, vì chưa đầy 6 tháng sau thành lập với đảm trách nặng nề của vùng hỏa tuyến, đã phải đương đầu với tổng tấn công của Bắc-Việt. Thêm nữa, bội phản của Trung tá Phạm Văn Đính đầu hàng tại Camp Carroll đã tạo ra khoảng trống cạnh sườn phía Tây Quảng Trị. Từ đây, Bắc quân tràn vào như thác. Chuẩn tướng Giai bị Phòng Thanh tra của Bộ Tổng Tham mưu VNCH câu lưu và đưa ra tòa án binh vì đã để mất tỉnh địa đầu. Trung tướng Hoàng Xuân Lãm bị cách chức, thay thế bằng tướng Ngô Quang Trưởng. Các sự kiện trên, nói lên tình hình nguy ngập cùng cực khi TQLC nhận vùng trách nhiệm Mỹ Chánh. Nếu TQLC buông tay, Lê Trọng Tấn sẽ vinh quang vào giải phóng-thảm sát Huế thêm lần nữa. Nhưng chính tại Mỹ Chánh, vào tháng 5-1972, những người lính TQLC đã giữ vững phòng tuyến và cùng lúc giữ vững danh tiếng của binh chủng này. Chính chiến thắng Mỹ Chánh đã cho phép tướng Trưởng củng cố Quân đoàn I và tái chiếm Quảng Trị. Cũng chính Mỹ Chánh, đã giúp Tổng thống Thiệu có thể quỳ xuống giữa giáo đường La Vang về sau. Mỹ Chánh, là một phá lam đã làm gẫy mũi giáo phương Bắc.  [Trần Vũ]

Kỳ 3

6.Gài địch vào vùng tập trung hỏa lực

Cánh quân thứ hai của địch tưởng rằng đã chọc thủng được phòng tuyến rồi nên chúng cố thọc sâu hơn về hướng Nam từ lúc 4 giờ sáng ngày 22-5. Vùng tập trung hỏa lực của LÐ 369 TQLC tại hơn 3 cây số về phía Nam phòng tuyến với Tiểu đoàn 8 TQLC, hai pháo đội của Tiểu đoàn 3 PB/TQLC và một số chiến xa. 5 giờ, phi cơ bắt đầu soi sáng vị trí của Tiểu đoàn 8 TQLC.

Khi trái sáng cuối cùng vừa dứt, tôi nhìn đồng hồ: 5 giờ 55 phút. Mặt trời chưa lên, đó là lúc “bình minh hàng hải” vừa để đủ trông thấy mọi vật một cách lờ mờ. Cánh quân của địch vừa thoát xuống chia làm hai mũi dùi tiến thẳng tới vị trí của Tiểu đoàn 8 và hai pháo đội của Tiểu đoàn 3 PB/TQLC. Lúc bấy giờ mọi người đã sẵn sàng. Xạ trường ở phía trước trống trải toàn là đồng ruộng, xa hơn chừng 500 thước là những lùm cây thấp. Xe tăng địch lù lù tiến đến với tác xạ dữ dội với đủ mọi loại súng đặt trên xe cũng như của quân di chuyển bộ. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 8 TQLC và Tiểu đoàn 3 PB/TQLC vẫn bình tĩnh chờ đợi, không một ai nao núng.

phong-thu-my-chanh2
        Xe tăng T 54 của cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy. Nguồn Photo by Bruno Barbey

Xe tăng địch còn cách 500 thước, 400 thước, 300 thước, 200 thước rồi 150. Tất cả súng M.72 đồng loạt khai hỏa, các khẩu pháo binh 105 ly thì bắn trực xạ. Ngay trong phát đầu tiên, các pháo thủ của pháo đội K do Trung Úy Vũ Quang Vinh chỉ huy đã hạ được một chiếc PT.76 bốc cháy. Rồi lần lượt các chiếc chiến xa khác của địch trên một trận tuyến dài 500 thước đều bị bắn cháy. Tiếng súng hai bên vẫn nổ ròn. Trước mắt tôi chừng 500 thước một chiếc PT.76 bị bắn cháy nhưng vẫn còn chạy được trông không khác gì một con chuột bị người ta tẩm xăng đốt cháy. Chiếc hỏa tiễn TOW, loại vũ khí chống chiến xa mới nhất do Hoa Kỳ cung cấp, đặt từ trong tuyến phòng thủ phóng bồi thêm một quả nữa. Chiếc xe tăng của địch đang chạy bỗng khựng lại, ngọn lửa bùng cháy cao hơn. Lúc bây giờ chung quanh tôi rào rào tiếng vỗ tay reo hò của lính.

Một chiếc T.54 khác thì thê thảm hơn: Bị bắn cháy lật nằm nghiêng, ngọn lửa bùng lên từng chập như có ai đổ dầu thêm. Trong vòng 15 phút đồng hồ, tất cả xe tăng của địch đều bị hạ. Mọi người ai cũng thấy phấn khởi và lên tinh thần. Hai chiếc tăng khác hoảng sợ không dám tiến vào nữa mà ẩn núp sau lùm cây thấp và bị phát giác nhờ chiếc ống nhắm của hỏa tiễn TOW khi thấy hai cái ăng-ten của hai chiếc xe ló lên. Lập tức, hai chiếc phản lực cơ được gọi đến hạ ngay tại chỗ. Lúc này thì trời đã sáng, ánh sáng tạm đủ để nhìn thấy cảnh vật qua lớp sương mờ mờ. Vài chiếc tăng không bị trúng đạn cố gắng tháo chạy về phía Bắc cũng bị phi cơ đuổi theo oanh kích cháy nốt.

phong-thu-my-chanh
                  Xe tăng T 54. Nguồn: picssr.com

Trải dài trước mắt tôi, dọc theo tuyến phòng thủ thành một hình vòng cung là 9 xác xe tăng của địch vừa PT.76 vừa T.54 nằm la liệt, lửa từ trong các xe bốc lên hừng hực. Trận chiến xảy ra như một cảnh trong cinéma. Tôi nghĩ rằng chỉ có trong ciné mới có thể có được những cảnh đó nhưng sự thật đã diễn ra trước mắt tôi và có lúc tôi tưởng rằng đó là cơn mê. Một giờ sau, Trung tá Nguyễn Thế Lương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 TQLC tung quân truy kích địch. Cuộc chạm súng lẻ tẻ trong vòng bán kính 800 thước lại xảy ra. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 8 TQLC của Thiếu tá Nguyễn Văn Phán như say men chiến thắng ào ạt tiến lên tiêu diệt nốt những tên còn sót lại. Thiệt hại về phía TQLC chỉ có 3 chết và 5 bị thương, một số tổn thất coi như không đáng kể. Tôi không nhớ rõ các chiến sĩ Tiểu đoàn 8 TQLC đã tịch thu được bao nhiêu súng cộng đồng và cá nhân nhưng chỉ biết là khá nhiều. Tôi cũng như bao nhiêu người khác lúc đó chỉ khoái chú ý đến những chiếc xe tăng của địch còn bốc khói nghi ngút. Ðặc biệt trong số này có một chiếc PT.85. Thứ này na ná như chiếc M.113 của ta nhưng “đẹp” hơn nhiều. Chiếc xe đó đang được kéo về triển lãm ở Huế.

Tôi cũng không thể hiểu được Cộng quân điều binh theo cái lối nào mà kỳ quặc đến thế: cho xe tăng dàn hàng ngang trước một tuyến hoàn toàn trống trải để đưa lưng mà nhận lãnh đạn. Ðiều đáng ghi trong trận đánh này là sự bình tĩnh vô cùng của các chiến sĩ TQLC. Một chi tiết đáng ghi khác là khi chiếc xe tăng đầu tiên của địch bị hạ, không một quân nhân nào của Tiểu đoàn 8 TQLC còn núp ở trong hầm, tất cả đều đứng thẳng lên, M.72 trên vai ngắm xe tăng mà bóp cò. Có anh bỏ vị trí chạy ra bờ ruộng để bắn gần cho chắc ăn.

Vài giờ đồng hồ sau đó, Chuẩn tướng Tư Lệnh Sư đoàn TQLC đã có mặt tại trận địa bên cạnh những chiếc xe tăng của địch còn cháy nghi ngút để khen thưởng các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 369 TQLC và đồng thời quyết định những kế hoạch kế tiếp.

Với chiếc máy ảnh trên tay, tôi mò ra chỗ những chiếc xe tăng bị hạ. Xác chết của địch nằm la liệt. Chung quanh những chiếc xe tăng, chỗ này 30 xác chết, chỗ khác 11 xác. Rất ít xác còn được nguyên vẹn. Có xác bị cháy đen thân thể co quắp lại như một đứa con nít. Nhìn họ, bỗng tôi nhớ đến buổi nói chuyện với một tù binh Cộng sản, Thượng sĩ viên giữ chức vụ Ðại đội phó thuộc Tiểu đoàn K.2 Trung đoàn 3 CSBV.

Anh nói với tôi “Tôi cũng biết rằng vào đây không có đánh Mỹ nữa vì Mỹ đã rút quân dần ra khỏi miền Nam rồi, nhưng lệnh bảo đi thì đi. Thế thôi, muốn cưỡng lại cũng không được. Rốt cuộc, chỉ chúng ta là những người Việt Nam ở cả hai miền Nam-Bắc bị chết trong cuộc chiến này”. Cũng trong trận đánh trên, TQLC tịch thu được hai khẩu súng SA.7 (còn có tên là STRELLA) đó là loại hỏa tiễn giật tay “dò tìm hơi nóng” để bắn phi cơ. Ðây là lần đầu tiên, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tịch thu được loại vũ khí đó trên chiến trường. Thảm bại của CSBV lần này còn nặng nề hơn ngày 09-04-1972 mà Tiểu đoàn 6 TQLC đã dùng súng M.72 hạ hàng loạt chiến xa địch mở đầu cho chiến dịch thi đua diệt xe tăng Cộng sản Bắc Việt.

Những ngày kế tiếp, suốt dãy tuyến phòng thủ dọc theo Mỹ Chánh từ quốc lộ 1 ra đến biển, ngày nào cũng có xe tăng địch bị hạ, khi thì 2 chiếc, khi thì 3 chiếc. Nếu không bị các đơn vị của Lữ đoàn 258 TQLC quất sụm thì cũng bị Lữ đoàn 369 TQLC đốn ngã hay do phi cơ oanh kích cháy.

Ngày 25-05-1972, Lữ đoàn 147 TQLC lại mở một cuộc tấn công khác sâu hơn vào hậu tuyến địch bằng trực thăng vừa đổ bộ bằng tàu của Ðệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ, tung các Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 4 TQLC vào khu vực 15 cây số Ðông Quảng Trị. Trước đó vài giờ, toàn bộ Ban chỉ huy của Trung đoàn 66 CSBV bị B.52 cày nát. Mặc dù vẫn có giao tranh ác liệt giữa các đơn vị TQLC với Cộng quân khi tiến sâu về phía Bắc nhưng điểm chính yếu ghi nhận được là phần lớn địch đã cố tình né tránh các cuộc tấn công của ta và đã rời bỏ vị trí tháo chạy.

Cuộc hành quân trên đã đạt được một kết quả đáng kể: hơn 5000 dân chúng đã theo các đơn vị TQLC về quận Hương Ðiền an toàn. Ðiều đó một lần nữa chứng tỏ rằng dân chúng không thể nào sống trong vùng Cộng sản kiểm soát.

Ðến nay thì sau những lần mưu toan chọc thủng phòng tuyến Mỹ Chánh để tiến về Huế của địch đã thất bại, thêm vào đó là Cộng quân nơm nớp lo sợ không biết ta tung quân tấn công lúc nào nên khi tôi viết những dòng này chiến trường ở phía Ðông Bắc Mỹ Chánh đã bớt sôi nổi. Mặc dù vậy, địch cũng đang cố hướng mũi dùi về phía Tây, nơi đó Lữ đoàn 258 TQLC đang ngày đêm chặn đánh kẻ thù và mọi cố gắng xâm nhập của địch đều hoàn toàn bị chặn đứng tại đây.

7.Ngày mai trời sẽ sáng

Khác với mọi lời tiên đoán bi quan lúc đầu khi thành phố Quảng Trị bị thất thủ là cố đô Huế bị đe dọa nặng nề và không biết sẽ mất lúc nào, tình hình chung bây giờ đã sáng sủa. Những cố gắng của địch đều bị phá vỡ. Phòng tuyến Mỹ Chánh đã đứng vững. Sự sinh hoạt ở Huế đã trở lại bình thường. Nếu bỏ qua một phần những giải pháp chính trị cho cuộc chiến Việt Nam (…) theo đó sự tái chiếm Quảng Trị chưa cần thiết thì trên bình diện quân sự, việc tái chiếm Quảng Trị và những phần đất đã mất chỉ là vấn đề thời gian. Việc tiếp liệu về lâu về dài cho các đơn vị CSBV trên chiến trường miền Nam đã là một vấn đề nan giải trong cường độ oanh tạc miền Bắc của không lực Hoa Kỳ hiện tại.

phong-thu-my-chanh3
         Xe tăng của cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy. Nguồn: ongvove.wordpress.com

Mặt khác, theo một nguồn tin tình báo Hoa Kỳ thì Cộng quân sẽ đánh mạnh để chiếm Huế trong khoảng thời gian từ 03-06-1972 đến 10-06-1972. Tuy nhiên, dưới con mắt nhìn của các giới quan sát quân sự thì việc đó đối với Cộng quân khó có thể xảy ra trong thắng lợi được vì sự thiệt hại của địch quá lớn lao sau gần 2 tháng xâm lăng, tinh thần cán binh thấp xuống đến mức e ngại mà theo tin tức thì các vị Tư lệnh chiến trường của CSBV đã khuyến cáo Hà Nội cũng nên tìm một giải pháp nào cho chiến cuộc này khác hơn là ở trên chiến trường. Thế nhưng chiến trường nào cũng có thể có những diễn biến bất ngờ và sự bất ngờ đó đối với Hà Nội chỉ có trong trường hợp Tướng Võ Nguyên Giáp có được chiếc đũa thần.

Ðể kết thúc, tôi xin ghi lại ở đây nội dung buổi phỏng vấn Chuẩn tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn TQLC, của phái viên “đầu bạc” Nguyễn Tú của nhật báo Chính Luận ngày 27-05-1972, theo đó vị Tướng Tư lệnh Sư đoàn TQLC cho rằng:

– Vấn đề chống địch, phản công địch, diệt địch không khó. Ðiều quan trọng là nắm vững tình hình địch, điều quân mau lẹ như chính ông (phái viên Chính Luận) đã thấy tại trận địa và nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bạn. Ðiển hình là hành quân Sóng Thần 06-72 tấn công Hải Lăng ngày 25-5-72 đã được thiết kế và quyết định trong 24 tiếng đồng hồ”.

– Còn tương lai?

– Ông không thấy trời rất đẹp sao?

HVP 1972

Trần Vũ đánh máy lại tháng 3-2018 từ “Tuyển tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972”, Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973.

Kỳ sau

 19 ngày với tử thần ở An Lộc