Để tránh kiện cáo lôi thôi, một số công ty Mỹ yêu cầu nhân viên phải ký tờ giao kèo trước khi hò hẹn và tìm hiểu nhau! Cứ giấy trắng mực đen đàng hoàng cho chắc ăn, để khỏi phiền phức và mang lại ảnh hưởng và thậm chí tai tiếng cho công ty sau này…
Christine Barney chẳng biết làm thế nào cho phải. Tất cả những gì cô nhớ là cách đây vài năm, cô cùng anh sếp bô trai Robert Gill tạt vào tiệm ăn khi trên đường cùng đến nhà của một khách hàng. Thế rồi một người trong bọn họ chợt nảy ý muốn nên cùng làm gì đó cho vui ngoài giờ làm việc, xem phim chẳng hạn. Nhưng nào hai người có dám! Bất cứ kẻ xấu mồm nào tọc mạch lên phòng nhân sự cũng có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ, đặc biệt nếu sếp Gill bị quy chụp tội quấy rối tình dục thuộc cấp Barney, cho dù đến thời điểm đó, Barney và Gill vẫn chưa (dám) hôn nhau, cầm tay nhau hoặc thậm chí liếc mắt đưa tình!
Thế rồi hai năm trôi qua, tình cảm Barney và Gill giậm chân tại chỗ, dù Barney không còn ràng buộc hôn nhân bởi đã ly dị. Bực bội, Barney chạy một mạch đến gặp người bạn Bruce Rubin, kể đầu đuôi câu chuyện khó xử của mình. Chuyện tình giữa nhân viên cấp dưới và sếp cấp trên trong các công ty thật ra xảy ra như cơm bữa nhưng trước vô số vụ án quấy rối tình dục nhân viên bị báo chí phanh phui và gây thiệt hại tiền của lẫn uy tín, những giao du kiểu này giờ đây bắt đầu trở nên dè dặt với một mức độ thận trọng cần thiết.
Ðể giúp cô bạn Barney gỡ rối tơ lòng, Bruce Rubin đến gõ cửa luật sư riêng. Vị này giải thích rằng đôi uyên ương kia nên ký một tờ giao kèo, nêu rõ rằng giao du giữa hai người đều xuất phát từ sự tự nguyện hai bên, chẳng ai ép ai và chẳng ai miễn cưỡng cả. Nghe theo cố vấn luật sư, Barney trình bày với (người yêu) Gill rằng trước khi họ thật sự hò hẹn lần đầu, anh ấy cần phải ký một tờ “giao kèo tình yêu” để công ty không chịu bất kỳ ảnh hưởng hoặc tai tiếng nào nếu mai này giao du giữa hai người trở nên xấu đi. Cuối cùng, chàng ký và nàng thở dài nhẹ nhõm!

Bây giờ, hai người đã kết hôn và có cậu con trai 7 tháng tuổi. Họ vẫn làm việc chung tại một công ty mà Barney chứ không phải Gill làm sếp. “Thật tức cười khi nghĩ rằng anh ấy (Gill) ngồi chung bàn họp với tôi và có thể nói với đối tác rằng mình không bị bà sếp quấy rối tình dục!” – Barney nói đùa. Theo Jeff Tanenbaum, chủ tịch công ty luật lao động Nixon Peabody tại San Francisco, tờ giao kèo tình yêu là công cụ để người sử dụng nhân viên có thể ngăn chặn các trường hợp quấy rối tình dục, đặc biệt giữa sếp nam và nhân viên nữ.
Chưa có thống kê chính xác nhưng Dennis Powers, giáo sư luật Ðại học Southern Oregon, cho biết mỗi năm có vài ngàn giao kèo tình yêu như vậy được ký với sự chứng thực của công ty luật. Ðến nay, nhiều công ty Mỹ vẫn cấm chỉ chuyện hò hẹn giữa các nhân viên nhưng ngày càng có nhiều công ty áp dụng hình thức giao kèo tình yêu. Từng giúp soạn hơn 100 giao kèo tình yêu cho nhiều công ty, từ các công ty lớn có tên trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất Mỹ do chuyên san Fortune bình chọn) đến những công ty nhỏ với lèo tèo vài chục nhân viên, Tanenbaum kể thêm rằng hình thức giao kèo tình yêu thật ra không mới. Lần đầu tiên Tanenbaum được nhờ thực hiện một giao kèo tình yêu là cuối thập niên 1980, khi một viên chức điều hành thuộc một công ty kỹ thuật cao nhờ ông ra tay “cứu” chuyện tình giữa mình với một cô nhân viên cấp dưới. Không khỏi phì cười nhưng rồi Tanenbaum cũng soạn tờ giao kèo, ghi rằng chuyện tình hai người đều tự nguyện, rằng cô ấy sẽ gửi đơn tố cáo lên phòng nhân sự nếu thấy mình bị ép buộc trong vụ này… “Cô ấy bật cười và cuối cùng ký vào giao kèo” – Tanenbaum thuật lại.
Luật sư Andrew Marks thuộc hãng luật Littler Mendelson tại New York cho biết thêm, một số viên chức điều hành công ty thậm chí ép nhân viên phải ký giao kèo tình yêu nếu phát hiện họ có “dấu hiệu” và “bằng chứng” hò hẹn! “Chẳng phải là chuyện nhỏ khi án phạt cho một vụ kiện quấy rối tình dục có thể lên đến 250,000 USD hoặc hơn. Nếu yếu tố rủi ro càng cao, biện pháp ngăn chặn cũng phải càng cao” – Andrew Marks nói. Marks từng thụ lý một vụ mà “hai bên” chối biến việc họ hò hẹn ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, với ủng hộ từ ban giám đốc, ông vẫn soạn tờ giao kèo và buộc hai người phải “bút sa gà chết”! Một số công ty còn “chắc ăn” hơn khi buộc nhân viên cùng cấp cũng phải ký giao kèo tình yêu (chứ không chỉ dành cho cấp trên và thuộc cấp).
Với không ít nhân viên, “chính sách giao kèo tình yêu” khiến họ không khỏi bực mình. Chẳng những chuyện tình của họ giờ đây bị công khai trước bàn dân thiên hạ để mọi người một phen xì xào mà còn ở chỗ “công ty và ông chủ chẳng có quyền gì can dự vào chuyện tình cá nhân của tôi cả” – phát biểu của Betty Brette tại Long Island (New York), người có chuyện tình bí mật với một anh phụ tá và thề sẽ “nhổ toẹt” vài cái tờ giao kèo kỳ cục ấy. Phần mình, luật sư Tanenbaum cho rằng tờ giao kèo tình yêu nên được sử dụng như một giải pháp bất khả kháng, đặc biệt khi chuyện tình gây cản trở cho hoạt động công ty và gây làn sóng “thị phi” trong nội bộ công ty.
MK