Menu Close

Cặp song sinh nhà Tre

Như-Ngọc Nguyễn – Sinh viên UGA

Chị em tôi là thành viên trong một đại gia đình tiếng tăm lẫy lừng. Tổ tiên của chúng tôi đến từ Châu Á, nhưng bây giờ dòng họ tôi đã có mặt ở mọi nơi trên thế giới. Vai trò của gia đình tôi mang tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa của nhân loại. Có một số người nghĩ rằng chúng tôi khá “khó chơi” vì mang lại nhiều thử thách cho họ, nhưng thật ra khi đã quen thì chúng tôi sẽ rất có ích cho bạn. Khi làm việc, mỗi người chúng tôi đều nhất thiết có một người anh chị em song sinh cùng đồng hành với mình. Các bạn đoán ra được chúng tôi là ai chưa?

Chúng tôi chính là đại gia đình đũa! Dòng họ nhà tôi có một lịch sử lâu đời đã kéo dài được hàng ngàn năm. Trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và truyền thống, ngày nay đũa đã trở nên thông dụng trong các bữa ăn của người Châu Á.

Nhờ thân hình thon dài và sự kết hợp ăn ý của những cặp song sinh nhà đũa chúng tôi đã giúp cho việc ăn uống của con người thuận tiện hơn. Vì thế chúng tôi đã trở nên phổ biến và có nhiều cơ hội khám phá những nền văn hóa khác nhau. Ở Nhật, những món thường được ăn với đũa bao gồm sushi và các loại mì sợi. Ðầu của đôi đũa thường được đặt trên một cái gác đũa khi không được sử dụng. Còn ở Hàn Quốc, mọi người sử dụng muỗng để ăn cơm và súp trong khi đũa được dùng để ăn những món ăn kèm (side dishes). Ðũa ở đây thường được làm bằng kim loại, hình dẹt và đặc biệt cần được đặt ở bên phải của chiếc muỗng.

Mỗi nước đều có những quy định và những điều kiêng kỵ khác nhau khi dùng đũa nên chúng tôi đã có những chuyến phiêu lưu rất thú vị và bổ ích. Riêng bản thân tôi và người em song sinh của mình được trải nghiệm nền văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa đã có lịch sử từ nghìn năm.

Ngày xưa, đa số những thành viên định cư tại mảnh đất Việt như chị em tôi được làm từ tre hoặc dừa. Ðây là nguyên liệu làm đũa truyền thống của người Việt. Cũng giống như những đôi đũa Việt truyền thống khác, chị em tôi là một đôi đũa tre, có thân tròn, một đầu to và một đầu nhỏ hơn. Chúng tôi rất “thuần khiết”, không có sơn quét hay trang trí bên ngoài. So với những người bà con họ hàng đang chu du ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, thì đầu của chúng tôi có phần to và tròn hơn. Những điểm đặc trưng này khiến chị em tôi rất tự hào vì là đũa “thuần chủng” của người Việt.

Có vài lần tôi gặp được các bạn muỗng và nĩa trên bàn ăn Việt. Bạn muỗng thì thường được dùng để múc những đồ lỏng, còn bạn nĩa thì ít gặp hơn thường được dùng để ăn trái cây. Tôi cũng có nghe nói là bạn muỗng và bạn nĩa thường được sử dụng rất nhiều ở phương Tây. Còn ở châu Á, cụ thể là Việt Nam, anh chị em nhà đũa tôi hầu như luôn bắt gặp nhau trên bàn ăn. Tôi đã suy nghĩ về điểm khác biệt này và phát hiện ra rằng sự khác nhau xuất phát từ những món ăn ở hai nền văn hóa. Ở những nước phương Tây, họ thường ăn bánh mì, thịt và súp nên dùng dao nĩa để cắt và muỗng để múc. Trong khi đó, một bữa ăn điển hình của người Việt thường bao gồm cơm, canh, rau, thịt hoặc cá. Ðũa có thể dùng để “và” cơm, gắp đồ trong canh, gắp rau, gắp thịt và lóc xương cá. Không những thuận tiện trong việc gắp đồ ăn vào chén cơm, đũa còn được dùng để chấm đồ ăn vào nước chấm. Nước chấm là một món đặc trưng trong món ăn Việt, vì vậy người Việt rất thích dùng món với một chén nước chấm trên bàn. Ðũa được sử dụng cho rất nhiều mục đích trên bàn ăn, nên chị em tôi rất hân hạnh có được cơ hội thể hiện vai trò của mình một cách mạnh mẽ thông qua đôi bàn tay của người Việt.

Nhờ được thường trực trong những bữa ăn Việt Nam, chúng tôi học được nhiều điểm văn hóa trên bàn ăn của họ. Tôi thường nghe người Việt nói với con họ rằng “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ðây là châm ngôn của cha ông Việt Nam dùng để dạy dỗ con cháu. Bài “học ăn” luôn là bài học đầu tiên cho mọi bạn nhỏ Việt. Trong quá trình học ăn, việc học được cách sử dụng đũa là một bước không thể thiếu vì ta không thể thưởng thức một bàn ăn điển hình của người Việt mà không biết cách gắp các món ăn hay lóc xương cá bằng đũa. Trước khi ăn, ta cần so đũa cho bằng nhau, dùng ba ngón cái, trỏ và giữa để cố định đôi đũa, hướng đầu nhỏ hơn về phía thức ăn để gắp. Ðó là cách sử dụng căn bản, sau đó mỗi người sẽ tự điều chỉnh để sử dụng một cách thoải mái nhất.

Tuy mỗi người có cách cầm khác nhau sao cho thuận tiện, nhưng chị em tôi nhận ra được người Việt vẫn có những điểm kiêng kỵ khi sử dụng đũa: không được dùng đũa để chĩa thẳng vào người đối diện, không xới đồ ăn chung tìm món mình thích, không dùng đũa để khuấy nước chấm hay tô canh chung, khi gắp không để rơi đồ ăn, không dùng đũa vọc vào chén, không được ngậm đũa… Những điều này tuy nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng trong việc thể hiện sự lịch sự trên bàn ăn. Vì vậy, trẻ em Việt Nam thường được dạy rất kỹ về những việc không nên làm song song với bài học cầm đũa.

Gia đình đũa tôi tự hào được lấy làm gương cho tinh thần đoàn kết để dạy các bạn nhỏ. Có một câu chuyện về người cha sử dụng bó đũa để dạy những người con của mình về tình đoàn kết. Trong câu chuyện, người cha cho các con của ông thấy rằng một chiếc đũa có thể dễ dàng bị  bẻ gãy, nhưng khi được nắm lại thành bó thì không cách nào có thể bẻ được, từ đó nêu lên sức mạnh của một tập thể khi đoàn kết lại. Tôi nghĩ câu chuyện này rất đúng vì khi chỉ có một mình tôi cảm thấy mình rất mong manh khi mang một thân hình vừa thon vừa dài mà không cẩn thận sẽ gãy ngay. Còn khi song hành cùng người em song sinh của tôi hay cùng một tập thể đũa, tôi cảm thấy ấm áp và tự tin hơn rất nhiều. Tinh thần đoàn kết cũng mang đến ý nghĩa tương tự cho người Việt, vì vậy ta có thể cảm thấy sự ấm áp và che chở lẫn nhau trong mỗi gia đình và mỗi cộng đồng.

Hình ảnh của đũa tôi còn được sử dụng trong những câu ca dao tục ngữ, thành ngữ về những bài học cuộc sống; ví dụ như khi làm việc thì phải làm cho “ra đầu ra đũa”. Ðôi đũa còn được dùng làm hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống bình đẳng của hai vợ chồng trong câu thành ngữ: “Vợ chồng như đũa có đôi”. Dân gian cũng có câu ca dao:

“Ví dầu chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.”

“Thấp” và “cao” trong câu ca dao này không nói về số đo chiều cao chênh lệch, mà là hình ảnh của một cuộc sống không bình đẳng được ví như một đôi đũa lệch sẽ gây bất tiện trong sinh hoạt. Một đôi đũa bằng, đều, đẹp như chị em tôi là một đôi hoàn hảo cho một bữa cơm ngon, tựa như sự êm ấm, hòa hợp của vợ chồng trong gia đình vậy.

Mang trong mình dòng “tre” của người Việt, chị em tôi đã thấm nhuần những điểm đặc trưng của tập quán bàn ăn Việt Nam. Chúng tôi cũng ý thức được tầm quan trọng của mình trong mỗi bữa ăn. Ðây là một trách nhiệm cao cả và cũng là một niềm tự hào của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng những thế hệ con em đũa tre sau này sẽ thừa kế những giá trị văn hóa của dân tộc và mang lại niềm tự hào cho dòng họ đũa Việt.

NNN

Nguồn tham khảo:

https://sites.google.com/site/mynghegiadinh/cac-bai-viet-ve-dhoi-dhua/y-nghia-dhoi-dhua-tre-viet-nam

http://thegioinghieng235.com/vi/tin-tuc/am-thuc-viet/a-1250/dieu-ky-dieu-trong-doi-dua-viet.html

http://trithucvn.net/van-hoa/van-hoa-dung-dua-cua-nguoi-viet.html