Menu Close

“Mày đui à?”

Công nhận là tôi đang sống ở một xã hội không mấy văn minh nhưng được cái tôi rất ít bị đối xử không tốt. Thứ nhất là tôi ít khi tiếp xúc với người lạ, cũng rất ít khi cho ai cơ hội đối xử bất công với mình. Nên dầu chấp nhận hiện thực xã hội đến mấy, rất không ít lần tôi bị sốc vì bị đối xử kém văn hóa. Ví dụ như câu nói: “Mày đui à!”, trong tuần qua tôi được/bị nghe trên 3 lần, mỗi lần đều khiến tôi bực muốn phát khóc. Mặc dầu, trong lúc được/bị nghe đó, tôi đang… đui thật! 

may-dui-a

Chuyện là trong lúc tôi đang tung tăng trong “con đường làng dài và hẹp” thì có một (đống) xe máy lướt qua rất nhanh, mặc dầu trong hẻm nhưng họ vẫn chạy hết vận tốc, như lời của bà Năm bán bún mắm: “Tụi nó chạy kiếm ông nội nó hay tìm chết!”. Trong đống xe đó thì có một chiếc đường không chạy mà chạy thẳng vào cột điện, và thật may cho họ, vì tôi đang đi sát cột điện nên họ đã không đụng cột điện mà dụng vào… tôi. Tôi té sấp mặt vào rào cây, hình như chúng có gai sắt nhọn hay gì đó tương tự, nên đã có cái-gì-đó xước qua mắt tôi. Sau khi nhận biết thì tôi chỉ cảm được một cơn đau xé mắt, không thể mở được mắt, nước mắt cứ òng ọc chảy ra, càng chảy càng đau rát. Ai đó nắm lấy tay tôi đỡ lên, một vài người khác hỏi thăm, nhưng tôi quá hoảng loạn nên không trả lời gì mà chỉ ôm mặt. Có người kêu taxi hộ và tống tôi lên xe, thật may cho tôi là gặp được bác tài tốt bụng. Ông tự động chạy tới bệnh viện mắt, bảo vệ không cho chạy xe vào nên ông ta dìu tôi vào cấp cứu sau khi ghi tên, lấy sổ khám dùm tôi. Bác sĩ sau khi khám, soi mắt, kiểm tra các cái thì kết luận tôi bị xước giác mạc (tròng đen mắt), hỏi có muốn ở lại theo dõi không, hay lấy thuốc rồi về, ba ngày sau tái khám? Tuy vẫn còn hoảng loạn, nhưng tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để từ chối nhập viện, nằm trong đây một là tốn nhiều tiền hai là tôi sẽ thêm bệnh khác hoặc phát điên lên mất. Mùi thuốc, mùi cồn, mùi bệnh, tiếng người khóc than la hét và không khí u ám đáng sợ trong bệnh viện luôn là nỗi ám ảnh lớn với tôi, vì từ nhỏ tôi ‘được” ở bệnh viện không ít lần. Trong lúc bác sĩ đang khám thì có người cầm tay tôi và đưa cho tôi một ly nước nóng, khi nhấp thử thì là trà đường và lời giải thích của người tốt bụng: “Uống miếng đi chứ không lát xỉu, gì mà nhìn xanh lè xanh lét vậy trời!” Trong bóng tối, trong hoảng loạn tôi cám ơn vị “ân nhân” không bao giờ biết mặt mà lòng bỗng thấy rất cảm động, người đó cười nhẹ rồi im lặng vỗ vai tôi, biến mất (hay có lẽ họ vẫn đứng đó mà tôi không biết). Sau khi khám xong thì bác sĩ kêu bác tài vô, dặn dò cẩn thận cộng với mắng nhẹ vài câu: sao không cẩn thận này nọ, vì nghĩ ông là người nhà của tôi. Bác tài không giải thích, tôi cũng không giải thích vì còn đau lắm. Bác tài dắt tôi ra ghế đá ngồi, đi mua thuốc theo toa rồi dắt tôi ra xe và chở về nhà. Khi tôi kêu thanh toán tiền thì bác tài nói: “Tiền xe hai trăm hai, tiền thuốc bốn trăm, tiền khám ngoài giờ hai trăm, tổng cộng là tám trăm hai. Tôi lấy tám trăm thôi. Có đủ tiền không? Hay để ba bữa nữa tôi lại đưa đi tái khám lấy một lần luôn?” Tôi cười gượng vì thật sự còn rất đau, nói mình có tiền. Mò vào ngăn trong của bóp lấy ra hai tờ năm trăm ngàn để trả bác tài một triệu (rất may là tôi có thói quen để mọi thứ đều lộn xộn, trừ… tiền), nói còn một ít để bác uống cà phê. Hẹn bác tài ba bữa nữa đến chở mình đi tái khám hộ nếu bác rảnh, không thì thôi, tôi sẽ tự đi xe ngoài. Bác tài đưa tôi vô tận cửa, sau khi lưu số điện thoại của tôi thì lấy thuốc ra nhỏ mắt, tra thuốc mỡ vào mắt cho tôi rồi dặn dò kỹ lưỡng xong mới bịn rịn bước đi, nghe giọng dường như ông không muốn bỏ tôi lại, vì khi nãy nghe tôi nói ở một mình. Tôi thật sự cảm động, thấy mình may mắn, trong lúc hoạn nạn, gặp được người tốt. Nếu không thì không biết bây giờ tôi đang ở đâu, làm gì với bóng tối ngập tràn này. Có những lần sáng mắt tôi còn bị giựt túi, trấn lột tiền nói chi lúc này, người ta muốn làm gì mà không được. Quả tình, xã hội này còn rất rất nhiều người tốt. Cái ly trà đường tôi nắm chặt giờ đã nguội lạnh, hơi nóng của nó chắc bận chạy vào bao quanh trái tim hoảng loạn và yếu ớt của tôi.

may-dui-a6
Những món ăn tôi có thể ăn gần nhà (chụp trước đó)

may-dui-a4

may-dui-a5

Mò lên phòng bằng tất cả những giác quan còn lại, tôi nằm vật ra giường với đôi mắt vẫn đau rát, nước mắt không ngừng ào ra mỗi lần tôi cố mở mắt. Ðành bất lực nhắm nghiền mắt, mò đi rửa mặt rồi tắt hết tất cả các đèn trong phòng vì giờ có chúng hay không cũng chẳng quan trọng. Xong xuôi mọi việc, tôi mò đến tủ thuốc tìm hũ thuốc ngủ, uống luôn hai viên cho chắc ăn vì biết đêm nay sẽ rất dài đối với mình. Rồi tôi lại nằm vật ra giường và bắt đầu bi quan với trí tưởng tượng vốn rất phong phú của mình.

may-dui-a2
Món mà tôi phải lặn lội mua về (Hình minh họa vì quên chụp)

Thật ra đã không ít lần rảnh rỗi tôi ngồi tưởng tượng ra rất nhiều bất hạnh nếu xảy đến với mình thì sẽ ra sao. Nhất là mỗi lần tôi đi thăm hoặc bắt gặp những mảnh đời kém may mắn, bị tật nguyền hay bị khiếm khuyết gì đó, khi về tôi luôn nằm suy nghĩ mình bị như họ thì mình sẽ ra sao. Cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Nhưng chưa bao giờ tôi đặt mình vào trường hợp khi bị mù, mình sẽ thế nào. Vì đó là trường hợp kinh hoàng nhất, tôi sẽ rất khó nuôi sống mình khi bị mất đi ánh sáng cuộc đời. Không nuôi sống được mình thì tôi còn trông chờ gì nữa ở tương lai vốn đã mịt mù? Và hơn bất cứ ai, tôi không muốn mình là gánh nặng của xã hội, mặc dầu tôi cũng hơi… nặng.  Nghĩ đến đây thôi tôi muốn khóc thét lên rồi, nhưng bác sĩ dặn là tôi tránh khóc, tránh sử dụng mắt để giảm tối đa những tác động cho mắt. Nên tôi kìm lại, tiếp tục… bi quan. Nếu bị mù tôi không thể làm việc, không thể viết lách, không thể shopping, không thể makeup, không thể chat, không thể đếm tiền, không thể đi du lịch một mình, không thể nấu ăn, không thể tự lựa đồ đẹp, không thể vẽ, không thể sáng tạo, không thể nhìn tất cả mọi thứ, không nhìn thì không thể bàn luận về nó… Mà không thể bàn luận, suy nghĩ về mọi thứ xung quanh một phút thôi cũng đủ làm tôi phát điên chứ nói chi là mãi mãi… Tôi chợt nhớ, tôi quên hỏi bác sĩ câu hỏi quan trọng nhất “tôi có thể sẽ bị mù không?”, vì lúc nãy quá hoảng loạn! Mà nếu hỏi, bác sĩ nói có thể, thì chắc tôi cũng… có thể lao ra đường tự sát ngay không chừng! Nghĩ tới đây tôi lại muốn khóc, nhưng vừa định khóc lại nhớ lời bác sĩ dặn. Tôi tiếp tục kìm nén và, tiếp tục hành trình bi quan của mình. Tôi nghĩ đến tất cả những gương mặt người quen lẫn lạ, thân lẫn không thân, yêu thương lẫn ghét bỏ. Lôi ra từng người trong trí nhớ, đánh giá họ, nghĩ họ sẽ như thế nào khi biết tôi bị mù, xong lại nghĩ: họ bị mù thì họ sẽ như thế nào và mình sẽ như thế nào khi biết họ bị mù??? Trí tưởng tượng… chu đáo được dịp nhảy múa, tôi quên luôn bi quan, buồn rầu, mà buồn… ngủ. Thiếp đi lúc nào không hay…

may-dui-a3
Đối diện nhà không biết bao nhiêu là đồ ăn, tôi chỉ cần mò xuống cổng, đứng la lên thì người ta mang qua cho mình cũng được

Sau khi ngủ rồi tỉnh dậy, nằm vật vã đau buồn xong ngủ tiếp, rồi lại tỉnh dậy vài hiệp tôi thấy mình bình tĩnh hẳn, bắt đầu đối diện với rủi ro trước mặt. Mắt vẫn đau, nước mắt vẫn òng ọc chảy làm tôi thắc mắc không biết lúc mình ngủ nó có chảy hay không. Mò cái remote tivi bấm bừa để nghe thử là khoảng mấy giờ thì tôi chắc chắn trời đã sáng. Không hề đói bụng, nhưng vì đôi mắt thân yêu, tôi phải mò ra xóm mua đồ ăn để uống thuốc, không quên với cặp kính đen đeo vào bảo vệ và che đi đôi mắt sưng húp, nhắm nghiền của mình. Ít nhất nếu bị đụng xe lần nữa, tôi sẽ không bị cái gì đó đâm vào mắt. Ðường trong xóm nhỏ nhưng tôi nắm trong lòng bàn tay, nên đi cũng không đến nỗi mò mẫm, cứ đi theo lề là tới. Vậy mà cũng trên hai lần tôi đụng đầu vào tường, ba lần đụng vào cây, và hai lần đụng vào người trên đường và đỉnh điểm là tôi bị ai đó đi xe máy gắt gỏng hỏi: “Mày đui à?” Thật ra đây không phải lần đầu tiên tôi ‘được” hỏi câu đó. Từ nhỏ khi được người lớn sai đi lấy đồ, tìm không thấy tôi đã được hỏi rồi. Trong hành trình lớn lên khi làm việc gì đó không đúng, trái ý mà liên can tới chức năng của đôi mắt tôi cũng được hỏi câu đó. Có nhiều lần chạy xe đúng luật, đúng chiều, bị xe khác đụng vào, tôi cũng được hỏi: “Mày đui à?’…. Tuy những lần đó mắt không sao nhưng tôi vẫn cảm thấy bình thường với câu hỏi đó, nhưng lần này mặc dầu đang “bị đui” thật nhưng tôi lại cảm thấy tủi thân và tức giận. Nạt lại: “Không thấy tao đang bị đui à?” Có lẽ người ta không tin, nên bỏ đi mất tiêu với hai chữ: “Con điên, chắc thất tình nên vừa đi vừa khóc”. Không hiểu sao đang rất bực nhưng nghe vậy tôi bỗng thấy mắc cười, con người ta thường chủ quan với cảm xúc người khác. Mắt tôi đau nên không ngừng chảy nước mắt, họ lại cho là thất tình nên khóc? Thế là tôi tiếp tục cuộc hành trình.

may-dui-a1
Ngoài thuốc ra thì phần lớn là được kê thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt

Nghe nói, con người có 5 giác quan: Thị giác dùng để nhìn, thính giác dùng để nghe, khứu giác dùng để phân biệt mùi, vị giác dùng để cảm nhận vị, xúc giác dùng để tiếp xúc, cảm nhận… Ngoài ngũ giác con người còn có giác quan thứ sáu giải thích cho cái gọi là “linh tính” của con người. Thật đáng tiếc, ngoài thị giác đang gặp trục trặc, 4 giác quan còn lại cũng “làm biếng”, thì hình như tôi không có giác quan thứ sáu này? Ðối diện nhà không biết bao nhiêu là đồ ăn, tôi chỉ cần mò xuống cổng, đứng la lên thì người ta mang qua cho mình cũng được, nhưng hôm nay tôi bỗng quên mất! Sau khi vất vả mò ra tuốt đầu hẻm mua ổ bánh mì cá, rồi tiếp tục men theo đường cũ để mò vô và nghe thêm một lần câu hỏi “Mày đui à?” của một tay lái nào đó, tôi mới bắt đầu “nghe” mùi hủ tiếu, bún thịt nướng quen thuộc nhà đối diện. Không biết bao nhiêu là tức giận! Chẳng biết nên tức giận bản thân hay tức giận mấy các mùi đó nữa! Và sau khi vất vả mở cửa vào nhà, tôi lại nhận ra, mình đi… lộn vào một nhà khác trong xóm! Và được bà hàng xóm hỏi câu hỏi “quen thuộc”: “Mày đui à?”…

(còn tiếp)

DU