Người “trẻ” trong bài viết này là những người của thế hệ “Millennial”, thế hệ trưởng thành trong thế kỷ XXI và người “già” là những người trong thế hệ “boomer” hay những người ra đời trong khoảng 1945-1964. Giữa người “trẻ” và người “già” là những người “sồn sồn” hay “nhỡ nhỡ”, nhóm sồn sồn là một thế hệ xem ra “thầm lặng”, các nhà xã hội, tâm lý không phân tích, ghi chép nhiều về họ so với hai thế hệ già trẻ kể trên.
Tương tự, các chương trình thu góp ý kiến (phần lớn tài trợ bởi kỹ nghệ thương mại, thu góp dữ liệu để làm ăn buôn bán theo nhu cầu thị trường) thường xuyên nhắm đến người “già” và người “trẻ”. Người “già” vì túi rủng rỉnh tiền bạc, chịu tiêu xài trước khi về đất. Người “trẻ” là những người túi chưa đầy tiền nhưng chịu mua sắm vì… chưa lo âu cho lắm về tương lai (!?) hoặc chỉ tiêu xài theo tiêu chuẩn đặc biệt nào đó?
Bắt đầu là những mẩu chuyện thú vị về người “trẻ” dưới con mắt của người không còn trẻ như Dế Mèn đây. Trang nhà LinkedIn, chuyên “nối kết” những người trên thị trường nhân công gồm chủ nhân & công ty thuê mướn người và những người tìm việc, đã tò mò tìm hiểu khách hàng về các thói quen sinh sống và tường trình rằng trên 30% người trẻ đang tiết kiệm một phần tư lương bổng. Con số này xem ra cao hơn so với những người cùng tuổi trong các thế hệ trước đó. Lý do? Có thể họ là những người bị bỏ tên ra khỏi chương trình bảo hiểm của cha mẹ khi đủ 26 tuổi và phải tự lo bảo hiểm sức khỏe nên cần tự lo? Và từ việc xông pha tìm kiếm chương trình bảo hiểm, người trẻ cảm thấy mình bỗng dưng… trưởng thành!
Người trẻ, dù đã đi làm và ra ở riêng hay còn chung sống với cha mẹ, đã bắt đầu các mối liên hệ riêng tư với bạn bè, người tình hoặc nuôi riêng một thú vật. Sinh con đẻ cái dường như là chuyện hơi xa vời và khó khăn nên việc có một con chó, mèo quanh quẩn bên mình để nâng niu quấn quýt là điều tự nhiên? Người trẻ có thể chụp hình chó mèo đủ kiểu, mọi lúc thức ngủ, ăn chơi… để truyền tay giữa bạn bè hoặc chưng hình chó mèo cưng liên tục trên các trang mạng xã hội. Chó mèo cũng dễ yêu dễ nựng như… con nít (?) nhưng không đòi hỏi nhiều sự quan tâm, chăm sóc ngày đêm. Họ có thể để chó mèo ở nhà mình ên khi muốn ra phố uống cà phê tán gẫu với bạn bè mà không sợ cảnh sát đi lùng bắt về tội bỏ phế! Họ có thể chơi đùa với chó mèo để tiêu khiển, bớt thời giờ trống vắng khi rỗng túi, nhất là khi điện thoại di động bất khiển dụng vì …hết tiền trả dịch vụ. Tạm hiểu thú vật là nguồn vui, là mối liên hệ tình cảm và cũng là món… trang sức lúc rủng rỉnh cũng như khi rỗng túi nên không lạ là người trẻ thường chưng hình chụp chung với chó mèo.
Khi nào thì người trẻ cảm thấy đã khôn lớn? Khi ra ở riêng, bạn ạ! Người trẻ nào rủng rỉnh một chút, có chỗ ở riêng thường muốn mời bạn bè đến ăn uống, được làm “gia chủ” tiếp khách là dấu hiệu của sự trưởng thành dù món ăn thức uống không đáng kể. Họ chụp những tấm hình nâng ly toe toét để khoe với những người không tham dự rằng… tui có chỗ ở riêng, làm chủ nhà…
Chuyện tiền bạc như quỹ tiết kiệm, các món nợ nần thì sao? Hẳn khi có một trương mục tiết kiệm khá khá hoặc khi trang trải hết nợ nần thì đã “trưởng thành” vì đã chu toàn phần nào bổn phận với bản thân và xã hội? Với người trẻ, món nợ thường thấy nhất là nợ học phí (student loan), kế đến là nợ mua xe (car loan). Khi được hỏi về món nợ học phí, 60% người trẻ băn khoăn không chắc rằng họ có thể trang trải món nợ ấy trong suốt cuộc đời làm việc. Nợ học phí theo luật pháp Huê Kỳ là món khó có thể … xù dù đã khai khánh tận (bankruptcy), chính phủ có quyền khấu trừ lương bổng nếu đi làm hoặc khấu trừ cả tiền an sinh xã hội khi vào tuổi vàng! Theo bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, món nợ học phí của người trẻ trung bình là 41 ngàn Mỹ kim.
Ðối mặt với các món nợ, người “già” đã chắt bóp, tằn tiện để trả cho hết trước khi… vay mượn tiếp các món nợ khác. Trong khi người trẻ lại chịu vay nợ mua xe dù vẫn còn đang trả nợ học phí. Tạm hiểu là dù lo âu về nợ nần nhưng người trẻ vẫn không tiết giảm chi tiêu vào việc di chuyển, cái xe là đôi chân chăng? Hoặc giả họ tin vào tương lai xán lạn, như chuyện kể rằng ngay cả cựu tông tông Obama cũng chỉ trả hết nợ học phí khi đã 43 tuổi. Nôm na là người trẻ trong tuổi 20 sẽ có sương sương hai chục năm để trả hết nợ nần, lo chi cho sớm mà đời mất vui?
Ðiểm khác biệt lớn nhất giữa người trẻ và người già có lẽ là món… xăm (xâm) mình. Ngày chưa mấy xa xưa, chỉ có mấy tay [chịu] chơi (?) mới xăm mình và họ là thiểu số ít ỏi. Dế Mèn còn nhớ hồi nọ, khi còn thường trú tại một bệnh viện thành phố với khu Cấp Cứu nườm nượp ngày đêm người ra kẻ vào; phe ta gặp một phụ huynh lôi đứa con trai 15 tuổi vào bệnh viện, nhất định đòi bác sĩ phải…lột da đứa trẻ lấy cho hết mẩu xăm hình một phụ nữ trần truồng trên cánh tay. Ông bố nằn nì kể lể… nếu không xóa cho hết tấm hình tội lỗi kia thì bà mẹ không cho đứa nhỏ về nhà! Ôi chao là nhiêu khê, thủa ấy đâu đã có laser như ngày nay? Ðâu bác sĩ nào dám… lột da đứa trẻ dù bị cha mẹ bệnh nhân thúc ép. Cù cưa mãi vẫn không thuyết phục được người cha thì bóng đèn trong đầu bỗng bật sáng. À há! Phe ta đề nghị với ông bố là đưa đứa trẻ đến chỗ xăm để … mặc thêm quần áo đầy đủ cho người đẹp thì chắc bà mẹ sẽ bớt giận dữ. Không biết tấm hình phụ nữ trần truồng trên cánh tay đứa trẻ năm xưa bây giờ ra sao? Ðã biến mất hay trở thành một tấm hình khác? Mẩu vụn của trí nhớ nhắc Dế Mèn phản ứng của xã hội chung quanh về việc xăm mình thủa [không] xưa [cho lắm]. Nhưng ngày nay thì quan niệm ấy dường như đã mất dấu? Bá tánh xăm mình hà rầm, nhìn đâu cũng thấy hình xăm, từ nghệ sĩ trình diễn đến những người loanh quanh trên bãi biển, già trẻ nam nữ chi cũng xăm mình, có người thì cả thân thể từ cổ đến chân đều chi chít hình ảnh.
Theo the Pew Research Center, 36% người trẻ xăm mình, ít nhất là một tấm hình, tỷ lệ xăm mình cao nhất so với các thế hệ trước! Ðây là điều mà cha mẹ họ không thể hiểu được, tại sao lại phải chịu đâm kim vào da thịt cho một hình ảnh mà sau này có thể ân hận, hối tiếc?
Nhưng, nhưng hình như việc xăm mình chỉ là… hình thức (diện)? Người trẻ không khác người già bao nhiêu về việc bày tỏ ý kiến, chưng ra cái tôi [khác biệt] với người chung quanh? Người già bày tỏ “cái tôi” (điểm), khác biệt với cha mẹ, qua việc để tóc dài thậm thượt, râu ria không cắt không cạo, diện mốt quần ống loe theo kiểu hippy trong khi người trẻ vẽ rồng rắn chim cò trên thân thể? Nghĩa là người trẻ cũng như người già, cả hai thế hệ đều ước muốn và hành động từa tựa như nhau trong việc tách rời, ra khỏi khuôn thước của những người đi trước.
Vào kỷ nguyên 2000, bá tánh xem ra ưa chuộng việc pha trộn giữa cái cũ và cái mới hoặc sử dụng những thứ cũ với cái nhìn đương đại. Khái niệm này hiện diện trên nhiều ngành nghệ thuật kể cả xăm mình. Xăm mình là một nghệ thuật cũ rích tuổi tác trên dưới vài ngàn năm, mỗi ngày một… già nhưng xăm mình chẳng hề mất dấu, sống “âm thầm” để thời nay trỗi dậy, phát triển vô cùng rầm rộ. Người trẻ bày tỏ cái tôi rõ ràng, mạnh mẽ và dứt khoát với những hình xăm, chùi không sạch, rửa không phai trong khi người già theo mốt hippy thì vẫn có thể thay quần đổi áo, cắt tóc cạo râu, dễ dàng… hóa thân. Sự khác biệt nhỏ xíu này có thể xuất phát từ đâu? Từ phản ứng của xã hội đương thời? Trong khi kỹ nghệ tài chánh cổ điển vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt cổ cồn cà vạt, biểu tượng của sự nề nếp, bền vững thì người trẻ thường ưa làm ăn, sinh sống trong các môi trường mới mẻ, khuyến khích sự đột phá, mới mẻ, khác biệt như kỹ nghệ truyền thông, điện tử… Thu hút khách hàng với những món không “mới” thì phải… “lạ”, đầu óc tư tưởng có thể chưa “mới” nhưng quần áo, tóc tai bề ngoài chắc chắn phải “lạ”, dễ dàng nhất để “cách tân” là dùng những món thời trang và hình xăm?
Chưa hết, những người trẻ sinh hoạt trong kỹ nghệ dịch vụ và làm việc tại nhà qua dụng cụ máy móc điện toán thì lại càng dễ dãi thoải mái với bề ngoài hơn nữa, áo thun quần ngắn cũng xong, thêm đôi dép lẹt quẹt nữa cho đủ bộ. Và họ phây phây kiếm tiền, đôi khi dễ dàng và nhiều hơn cả lương bổng của cha mẹ.
Vả lại giữa các chương trình truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội và các chương trình ca nhạc xuất hiện đều đều, lúc nào tai mắt con người cũng chịu đựng hàng loạt cả trăm âm thanh hình ảnh, đầu óc nào lưu trữ được các dữ kiện từa tựa như nhau? Tiện nhất là xăm trên mình để khỏi quên một sự kiện đáng ghi nhớ nào đó cho chắc ăn? Vừa trình bày cái tôi đặc biệt vừa dễ nhớ người hay việc, tiện lợi đôi bề?
Ấy là cách suy nghĩ khi còn trẻ nhưng lúc về già thì sao? Khi cuộc sống thay đổi, người trẻ trở thành cha mẹ thì họ sẽ làm gì với hình xăm trên thân thể? Dùng laser để xóa hình xăm như minh tinh điện ảnh tẩy xóa tên tuổi người tình cũ khi lấy chồng mới hay giữ nguyên như thế để nhớ một thời đã qua?
Hẳn ta sẽ có một bài viết khác, 20 năm sau này, tường trình về sinh hoạt của những Millennial không còn trẻ?
(còn tiếp)