GIỚI THIỆU: Tháng Tư lại về, trí óc chúng ta lại nghĩ đến Sài Gòn. Mà nói tới Sài Gòn không thể nào không nhắc tới nền báo chí đa sắc và phong phú của vùng đất này, trong đó có tờ Tự Do và vai trò của Như Phong Lê Văn Tiến. Với người giữ mục này và bạn hữu, Tự Do là tờ báo có sức hấp dẫn đặc biệt. Đó là những ngày đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa báo chí còn ít, Nguyễn đang học ở Huế ngày nào cũng đọc báo Tự Do, đọc không sót mục nào kể cả quảng cáo và rao vặt. Những cái tên như Mai Nguyệt, Hiếu Chân, Hà Thượng Nhân, Hi Di với các tiểu thuyết Tị Bái, Luyện Máu… Và đặc biệt Khói Sóng của Lý Thắng tức Như Phong.
Như Phong đặc biệt nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Miền Nam. Hồi ở trại Thanh Chương, nhà thơ Hà Thượng Nhân thường nhắc tới Như Phong như một huyền thoại. Sang Mỹ, Lê Nguyên Phương một bạn trẻ, con của nhà văn Huy Phương, cũng thường ca tụng sự hiểu biết và tài năng của Như Phong. Riêng Nguyễn được một lần hội ngộ với Như Phong nhân một cuộc họp mặt văn nghệ ở nhà Lê Khắc Huyền bên Virginia năm 2000. Hôm ấy Như Phong đi với con gái nuôi là Ánh Chân. Dịp này Như Phong và Nguyễn có bàn chuyện văn nghệ, nhắc tới Hữu Loan tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Hai người đồng quan điểm với nhau là Nguyễn Du xứng đáng với danh hiệu nhà thơ dân tộc.
Cũng liên quan tới Như Phong, sau đây là trích đoạn một bài viết giá trị của nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh.
NGUYỄN & BẠN HỮU

Tiểu sử Như Phong
Như Phong Lê Văn Tiến, không rõ ngày sinh thật nhưng trên căn cước ghi sinh ngày 1 tháng 2 năm 1923 tại Bắc Việt. Tên thật ít ai biết là Nguyễn Tân Tiến, sau do nhu cầu hoạt động cách mạng, đổi tên là Lê Văn Tiến. Từ 1945, Như Phong làm tuần báo Ngày Nay Bộ Mới ở Hà Nội, sau đó làm biên tập cho sở Thông Tin Bắc Việt. Năm 1954, di cư vào Nam, ban đầu làm cho Việt Tấn Xã, sau đó từ 1955 sang làm nhật báo Tự Do xuyên suốt cả hai thời kỳ cho tới 1963 khi Tự Do bị đóng cửa. Ngoài báo chí Việt ngữ, Như Phong còn là cộng tác viên của The China Quarterly, London (1964-1972); các bài viết của ông về giới Trí Thức Miền Bắc, về Phong trào Nhân văn Giai phẩm đã tạo nên tên tuổi ông trên diễn đàn báo chí quốc tế. GS Patrick J. Honey, Giám đốc Ban Việt ngữ BBC luôn là bạn đồng hành của Như Phong trong nhiều thập niên và cũng là người dịch sang tiếng Anh các bài viết của Như Phong.
Sang tới Mỹ, Như Phong còn tham gia viết bài cho The Asian Wall Street Journal, Hong Kong (1994-1996). Từ 1997 Như Phong là cố vấn biên tập cho Ðài Á châu Tự Do / Radio Free Asia.
Sau nhiều năm tù đày cuối cùng Như Phong cũng tới được Hoa Kỳ định cư vào năm 1994, ông mất ngày 18 tháng 12 năm 2001 tại Virginia Hoa Kỳ, thọ 78 tuổi.
Như Phong và nhật báo Tự Do
Ngay sau Hiệp định Genève 1954, với vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam, dẫn tới một cuộc di cư lịch sử của hơn một triệu người từ Bắc vào Nam lánh nạn Cộng sản và đã được báo chí Tây phương mệnh danh là cuộc Hành Trình Tìm Tự Do / Journey to Freedom.
Hội nhập vào cuộc sống thanh bình và trù phú của Miền Nam lúc đó, có thể nói đã có một nền văn nghệ báo chí di cư “trăm hoa đua nở” ở trên vùng đất lành chim đậu, hoà mình vào sinh hoạt báo chí đã có truyền thống lâu đời trong Nam như nhật báo Thần Chung với Nam Ðình, Ðuốc Nhà Nam với Trần Tấn Quốc, Sài Gòn Mới với Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận.
Năm 1955, một năm sau Hiệp định Genève, nhật báo Tự Do ra đời tại Sài Gòn với một ban biên tập gồm toàn những cây bút Bắc kỳ di cư. Nhóm chủ trương báo Tự Do, đều có những trải nghiệm với Cộng sản từ Miền Bắc. Toà soạn ban đầu gồm có: Tam Lang Vũ Ðình Chí, Mặc Ðỗ Nguyễn Quang Bình, Ðinh Hùng bút hiệu Thần Ðăng, Như Phong Lê Văn Tiến và Mặc Thu Lưu Ðức Sinh. Tam Lang đứng tên chủ nhiệm, Mặc Thu làm quản lý và Như Phong, trẻ tuổi nhất làm thư ký tòa soạn. Vũ Khắc Khoan viết cho Tự Do nhưng không chính thức đứng tên. Sau đó nhóm Tự Do mở rộng, có thêm ba người: Nguyễn Hoạt bút hiệu Hiếu Chân, Hi Di Bùi Xuân Uyên và họa sĩ Phạm Tăng.
Theo Như Phong, nhật báo Tự Do giai đoạn đầu khá ngắn ngủi bị đình bản không phải vì lủng củng nội bộ mà vì lý do chính trị. Bên Phủ Tổng thống nhận thấy tờ báo rất có ảnh hưởng được dân Bắc di cư nhiệt tình ủng hộ, lại có những bài chỉ trích chính quyền và thêm yếu tố khá nhạy cảm là trong nhóm chủ trương báo Tự Do không ai có đạo Thiên chúa, cũng không có người gốc Miền Trung.
Chỉ ít lâu sau đó Báo Tự Do được tục bản nhưng với chủ nhiệm mới Phạm Việt Tuyền và quản lý mới là Kiều Văn Lân. Cả hai đều có gốc là nhân viên Phủ Tổng thống và có đạo Thiên chúa. Trước đó, từ 1955 Phạm Việt Tuyền đã từng là chủ biên của một tờ tuần báo Tân Kỷ Nguyên với ban biên tập gồm Lê Xuân Khoa, Lê Thành Trị, Trần Việt Châu và Hồ Nam.
Bước sang giai đoạn nhật báo Tự Do bộ mới, Như Phong vẫn làm thư ký toà soạn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt vẫn phụ trách chuyên mục “Chuyện Hàng Ngày”, sau đó đổi tên là “Nói Hay Ðừng” rất ăn khách vì lối viết châm biếm sắc bén. Cùng với Hiếu Chân còn hai người nữa cũng thay phiên viết cho mục này, là Mai Nguyệt tức nhà văn Tchya Ðái Ðức Tuấn, và Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân, còn thêm bút hiệu Tiểu Nhã. Phải kể tới sự tham dự của cây bút chính luận Mai Xuyên Ðỗ Thúc Vịnh, Trần Việt Sơn và họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Có một sự kiện liên quan tới tự do báo chí thời Ðệ Nhất Cộng Hoà, nay đã thuộc về lịch sử, tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, đó là vụ bìa báo Xuân Tự Do Canh Tý 1960. Vì là năm Tý, theo tập tục bìa báo năm đó có vẽ hình chuột, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã vẽ hình 5 con chuột đang ăn quả dưa hấu đỏ. Do có người ức đoán và diễn dịch là bức tranh ám chỉ năm anh em nhà họ Ngô đang đục khoét đất nước Việt Nam, lời đồn đãi lan truyền tuy không có bằng cớ nhưng số báo vẫn bị tịch thu và gần như cả toà soạn bị bắt, trừ Như Phong và Phạm Việt Tuyền. Nhưng rồi Phạm Việt Tuyền cũng bị mất chức chủ nhiệm, báo Tự Do bị đóng cửa khoảng tháng 8 năm 1963, chỉ 3 tháng trước cuộc binh biến 11-11-1963, với cái chết bi thảm của hai ông Diệm Nhu, chấm dứt nền Ðệ Nhất Cộng Hoà kéo dài được 9 năm.
Nhắc đến nhật báo Tự Do, ở cả hai thời kỳ từ 1955 tới 1963, người ta không thể quên cái “dấu ấn” Như Phong Lê Văn Tiến. Là một thư ký toà soạn, Như Phong hết lòng tận tuỵ lo cho tờ báo, ngoài ra Như Phong còn viết truyện dài feuilleton hàng ngày với bút hiệu Lý Thắng. “Khói Sóng” là một trường thiên tiểu thuyết, đọc rất hấp dẫn, viết về thời kỳ trai trẻ khi Như Phong đi theo chân các bậc đàn anh Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm cách mạng, chống cộng ở các chiến khu Vĩnh Yên, Việt Trì. Cho tới những ngày cuối đời, Như Phong vẫn nhắc tới tác phẩm “Khói Sóng” với ước mong tìm lại được. Nhưng cũng chính tay Như Phong đã đốt tập bản thảo “Khói Sóng” sau 1975 trước khi anh bị bắt.
Ðược biết thư viện Cornell và thư viện Hawaii có thể còn lưu trữ trọn bộ báo Tự Do, trong đó có “Khói Sóng”. Cũng đã hơn 14 năm từ ngày Như Phong mất, khi gặp lại Ánh Chân, con gái nuôi của anh, lại một lần nữa nhắc tới ước nguyện đó của bố.
NTV