Là đơn vị tổng trừ bị ứng chiến cho Quân Khu III, Liên đoàn 3 Biệt Động Quân đã có mặt tại An Lộc ngay khi mặt trận này bùng nổ. Hiện nay, Liên đoàn 3 BĐQ vẫn còn cố thủ An Lộc cùng các lực lượng bạn. Với nhiệm vụ chính là giải vây áp lực của địch cho các đơn vị bạn bằng bất cứ giá nào, ba tiểu đoàn 31, 36 và 52 của Liên đoàn 3 BĐQ đã tạo được những chiến công thần thánh, mang lại những kết quả thật bất ngờ cho chiến trường Quân khu III. Qua những sự kiện ấy, chúng ta khẳng định rằng: An Lộc giữ vững được cho đến nay, một phần công trạng phải là của Liên đoàn 3 BĐQ.
Để chứng minh cho câu nói trên, Diều Hâu xin giới thiệu với độc giả bài hồi ký của Đại úy Đồng Kim Quan, Đại đội trưởng Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 36 Liên đoàn 3 BĐQ thuật lại (qua sự ghi chép của phóng viên Phan Huy) sau khi đã may mắn được tải thương ra khỏi chiến trường An Lộc. [LTS báo Diều Hâu, 1972]
Phan Huy
Xuất quân.
Ngày N lệnh tăng viện cho Bình Long để giải tỏa áp lực địch loan ra ngay lúc chúng tôi bao tròn những ly bia sủi bọt. Mấy thằng em la lớn:
– Lại có “độ” rồi đại bàng. Mình “ế độ” lâu quá rồi. Lần này cáp vô chắc… “hết phản”.
Sự hả hê tỏa đầy trên những gương mặt chai lì đang bắt đầu chuyển đỏ. Nỗi lo lắng không nhú lên nổi lúc này, ồn ào lại tiếp tục pha lẫn tiếng lách cách của ly thủy tinh chạm.
Giòng tư tưởng vẫn chảy đều, ngụm bia lạnh, những tiếng cười đùa dấy động một vùng không làm tỉnh được sự nghĩ ngợi đang miên man trong óc tôi…
-“Dzô” đại bàng, tới đâu thì tới, xui lắm mới huề!…
Những ly bia vàng ánh lại giơ cao, tụi nhỏ vẫn vô tư hơn bao giờ hết. Dù sao đi nữa chiến trường vùng III cũng đã quen thuộc với tụi nó. Quá lắm là giống như… hành quân vượt biên sang Cam-Bốt chứ gì! Bất chợt, tôi giơ cao ly rượu còn quá nửa…
– Ờ, thì “dzô”…
Giấc ngủ tối đó, tôi vẫn còn đầy mộng mị.
Chạm mặt tử thần
10 giờ sáng hôm sau, Liên đoàn 3 BÐQ từ Tây Ninh đến An Lộc bằng trực thăng HU1B.
12 giờ Tiểu đoàn 36 di chuyển đến Quảng Lợi. Ra khỏi phía đông An Lộc 1 cây số, chúng tôi chạm địch. Theo tin tình báo, lực lượng quân Bắc-Việt là Trung đoàn 272. Tiểu đoàn 30 nhận được lệnh giữ con đường này và án ngữ đường vào An Lộc của Việt Cộng.
Mối lo ngại chính bây giờ là dân chúng. Sinh mạng họ đã không cho phép không quân, phi pháo yểm trợ tối đa. Bọn Việt cộng chắc rõ nhược điểm này nên chúng khai thác triệt để. Mắt tôi dại hẳn khi thấy những người dân liều lĩnh chạy ra khỏi vùng chiến, bị Việt cộng bắn ngã sấp về phía trước.
Thiếu tá Lạc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 36 tức tối:
– Quân dã man, nó lấy dân làm mộc đỡ đạn phía mình đây mà.
Gương mặt ông cau lại, chiến đấu bên cạnh ông nhiều, tôi biết ông sắp sửa có quyết định. Mỗi cấp chỉ huy đều có một lối quyết định riêng. Thiếu tá Lạc luôn luôn có quyết định đúng lúc. Ông quay lại người hạ sĩ quan cầm máy:
– Gọi “Gà tồ” bảo tụi nó gáy đi.
Mặc dù biết trước, tôi vẫn sững người trước quyết định đột ngột này vì hàng ngàn dân vẫn đang còn kẹt trong đó. Tôi ấp úng:
– Thưa Thiếu tá…
Giọng Thiếu tá Lạc lại vang lên thật bình thản:
– Gọi pháo binh nhưng dặn chỉ bắn khói thôi.
Tôi chợt hiểu, biết địch rất sợ pháo, ông cho pháo binh bắn đạn khói, lợi dụng cơ hội địch trốn pháo, dân sẽ thoát ra.
Ðã có tiếng “Départ” rít lên nghe rõ mồn một. Bốn giờ đồng hồ sau, chiến trường nghiêng ngửa rõ rệt. Dân chúng tại Quảng Lợi đã được di tản ra gần hết. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ ở giai đoạn đầu: Giữ vững Quảng Lợi.
Án ngữ đường vào An Lộc của Việt cộng là giai đoạn sau của Tiểu đoàn 36 trong những ngày kế tiếp 7, 8, 9, 10 tháng 4. Quảng Lợi vẫn nguyên vẹn mặc dù 24/24 giờ đều đụng địch. Hình như tử thần lảng vảng đâu đây.
T54 xuất hiện
Ngày 11 tháng 4, sau 5 ngày thất bại, Việt cộng nhất quyết nhổ cái gai Tiểu đoàn 36 bằng chiến thuật biển người đánh vào ba mặt: Bắc, Ðông và Tây. Áp lực rất nặng, phòng tuyến hai bên chỉ cách nhau 30 thước. Ðợt tấn công đầu, chúng lao vào như những con thú điên được chích thêm thuốc kích thích. Những ổ đại liên, trung liên ở tuyến đầu làm việc rất đắc lực làm chúng không tiến được. Thiếu tá Lạc lầu bầu:
– Ðánh nhau với lũ điên này bực cả mình, chắc chúng nó điếc cả rồi, đâu có sợ súng?
Áp lực địch trước mặt vẫn còn nặng. Tôi đưa ý kiến với Thiếu tá Lạc xin điều chỉnh cho pháo binh bắn yểm trợ. Ðây là một mạo hiểm rợn nhất của tôi trong gần mười tuổi lính. Cách nhau 30 thước, chệch một ly ông cụ là… cõng rắn cắn gà nhà. Tim tôi bóp lại khi nghĩ đến điều đó. Thiếu tá Lạc ưng thuận sau một phút nghĩ ngợi. Tôi mím chặt môi, nâng máy lên điều chỉnh… Ầm… Ầm…
Xác địch hất tung lên ngang tầm mắt, tôi ngồi bệt xuống đất, những giọt mồ hôi hai bên trán nhỏ xuống thoải mái. Tiếng Thiếu tá Lạc loáng thoáng:
– Ðẹp lắm…!
Giữa lúc đó, hơn 10 chiếc T54 từ phía Ðông chạy lại. 50 thước, 40 rồi 30… Tiếng hỏa tiễn M72 ở tuyến đầu nổ dội. Một cuộn khói cụm bốc lên cao làm hiện ra hình ảnh chiếc tăng T54 lật ngửa trên mặt đất.
Ðoàn T54 quay đầu bỏ chạy không bắn phá. Chính nhờ điểm này chúng tôi mới biết được rằng bộ binh và thiết kỵ của quân Bắc-Việt không phối hợp với nhau. Nếu có, chỉ là sự lừa gạt, bởi vì sau này điều tra một tù binh bị bắt sống trên một chiếc tăng T54, lạc giữa ranh giới Biệt Ðộng Quân và Sư đoàn 5 Bộ binh của tướng Lê Văn Hưng, nó đã khai:
– Tôi được tin An Lộc đã giải phóng, T54 vào chỉ để yểm trợ mà thôi.
Cũng nhờ sự phối hợp không chặt chẽ này của quân Bắc-Việt, ngày 10 tháng 4 phòng tuyến Tiểu đoàn 36 nới rộng thêm được gần 200 thước.
Gãy cánh
Ngày N+14, Ðại đội 4 được lệnh tiến chiếm lại căn nhà sát phòng tuyến.
Toán xung kích 4 người lọt vào nhà sau khi hạ 9 Việt cộng trong nhà và chung quanh. Hai người của toán xung kích bị thương khi đánh cận chiến trong nhà. Thiếu úy Nam, Ðại đội phó, dẫn người lên tiếp ứng, một quả lựu đạn tung từ nóc nhà xuống, có tiếng hét của Thiếu úy Nam, người hạ sĩ quan truyền tin giữ máy chết tại chỗ.
Nóng lòng bốc lên đến đầu, tôi điều động lực lượng trừ bị của Ðại đội ra cứu Thiếu úy Nam. Ðạn đạo của địch ở hai bên bắn như mưa bấc, chúng tôi bò sát đến căn nhà… một trái lựu đạn nữa nổ tung. Tôi nghiến răng bóp cò, 2 xác Việt cộng đổ vật xuống. Tôi cảm thấy đau nhói ở chân phải, tiếng lũ em lép nhép:
– Ðại bàng! Ðại bàng bị rồi.
Tôi ráng gượng:
– Rẻ quá mà tụi bây…
Nỗi lo sợ lại ào đến, mấy thằng em không ai dẫn dắt biết ra sao?…
Ngày 25-4 được tản thương, trực thăng đáp ở phía Nam An Lộc 1 cây số, vùng đất của lực lượng Dù. Tử thần dường như còn cố với theo tôi một lần nữa, vừa bốc lên, 2 viên AK xuyên vào lưng máy bay nghe ê răng nhưng… may quá!
Chúng tôi đang chờ nhảy vào An Lộc bất cứ lúc nào để tiếp tục chiến đấu cạnh đồng đội, đón nhận những ngày sống với tử thần không suy nghĩ.
PH ghi, 1972
Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2018 từ “Tuyển tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972”, Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973.
Kỳ sau
Một Ngày trong An Lộc của Sao Bắc Đẩu