Menu Close

Chư Pa

Hồi Ký của Vương mộng Long – k20

Tường thuật trận Charlie với Tiểu đoàn 11 Nhảy dù của cố Trung tá Nguyễn Ðình Bảo trong Mùa Hè Ðỏ Lửa, Phan Nhật Nam viết: “Chiến tranh miền núi là chiến tranh của cao điểm.”

Chưa thật đầy đủ! Thiếu tướng Eduard Dietl, chỉ huy Sư đoàn 3 Sơn Cước (Gebirgs-Division 3) của Lục quân Ðức, sau khi chiếm Narvik phía Bắc Na Uy tháng 4-1940, xác định: “Chiến tranh miền núi là chiến tranh giành những cao điểm khống chế các trục lộ.”

Với cao độ 1485 thước, rừng già cùng dốc đá sát biên giới Việt-Miên, Chư  Pa nhanh chóng thành căn cứ địa của Bắc quân. Lý do: từ Chư Pa, Cộng quân có thể cắt quốc lộ 14, cô lập Kontum cùng các căn cứ Dak-Tô, Dak-Pek, Tân-Cảnh phía Bắc cao nguyên. 

1969 – là năm của những hiểm nguy sau Mậu Thân. Liên đoàn 2 Biệt Ðộng Quân nhận lệnh vào Chư Pa. Thiếu tá Vương Mộng Long mà bạn đọc của tuần san Trẻ đã biết đến qua các hồi ký Ngày Ta Bỏ Núi, Tháng Tư Lại Về, Mậu Thân Hưu Chiến, khi ấy hãy còn là Trung úy Ðại đội trưởng Ðại đội 1 của Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Như luôn luôn, Trung úy Long cáng đáng nhiệm vụ đi đầu.

Chư Pa sẽ hằn ghi ký ức của viên sĩ quan trẻ, để sau này thành một trong những hồi ký đầu tiên mà Thiếu tá Long viết trên đất Hoa Kỳ.

Chư, trong tiếng thượng Jarai là ngọn núi. Chư Pa, là núi Pa. Núi của ký ức.

Chuyện gì đã xảy ra tại “Chư Pa”? Hành quân, chạm địch, đụng độ hay tâm tình của những người lính cao nguyên? Qua “Chư Pa”, chúng ta sẽ xem lại khúc phim của một quân nhân ghi lại lần chạm trán giữa hai đơn vị thiện chiến của hai miền Nam-Bắc. Dân Việt thường nghe nhắc đến “Pháo đài bay B52” nhưng ít người tận mắt chứng kiến cảnh oanh kích. Ðọc “Chư Pa”, hai chữ “oanh tạc” trở nên cụ thể.

Ðọc “Chư Pa”, cũng để hiểu thêm tình đồng đội và những mất mát của những người lính bình thường sau mỗi lần hành quân.  

Bản in lần này đã được Thiếu tá Long xem lại, hiệu đính và sửa chữa tại Seattle năm nay cho chuyên đề 30 tháng 4 của tuần san Trẻ. Một chuyên đề khác với hàng năm, không tưởng nhớ những tù đày, ly tán và nhục nhã. Trần Vũ

chu-pa2
Nguồn OVV – WordPress.com

3 kỳ – Kỳ 1

Sau Tết Mậu-Thân hai tháng, vết thương đã lành, tôi xuất viện trở về đơn vị. Trung úy Phạm Văn Lương trả lại Ðại đội 1/Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân cho tôi. Anh Lương quay về đảm đương cái nghề cũ của anh là ban 3 tiểu đoàn. Thời gian này, Ðại úy Hồ Khắc Ðàm (k16 VB) đã thay thế Thiếu tá Nguyễn Văn Huân giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Trong nửa năm, đơn vị tôi đã tham gia hầu hết những chiến dịch lớn nhỏ của Task Force South quanh Ðà-Lạt, Blao, đặc biệt là những vùng núi non giáp ranh với Quảng-Ðức và Bình-Thuận. Cuối năm Mậu-Thân, Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân được chuyển về Pleiku, hành quân phối hợp với Không-Kỵ Hoa-Kỳ.

Một ngày đầu năm 1969 chúng tôi có lệnh lên đường tham gia chiến dịch Bình-Tây 48. Cuộc hành quân hôm ấy nhằm mục đích săn diệt Trung đoàn E 24 /Mặt trận B3/ Cộng Sản Bắc Việt trong vùng núi Chư Pa giáp ranh sông Pơ-Kô.

Sáng sớm ngày N, xe Quân Vận đưa chúng tôi từ Biển-Hồ (Pleiku) vào sân bay của trại Lực Lượng Ðặc-Biệt Lý Thái Lợi, Plei M‘rong.

Trưởng trại Lý Thái Lợi cũng là một sĩ quan Võ-Bị, đó là Ðại-úy Huỳnh Châu Báo (khóa 17). Niên trưởng Báo đã tiếp đãi chúng tôi rất ân cần trong suốt thời gian chúng tôi nằm chờ trực thăng Mỹ tới bốc vào vùng.

Ngày N, lành lạnh, cuối Ðông. Hôm đó là một ngày mùa khô cao nguyên. Mùa khô ở đây bầu trời mịt mù bụi khói đốt nương, đốt rẫy.

Bãi thả chỉ cách sân bay Plei M‘rong chừng năm cây số. Từ bãi bốc Plei M‘rong chúng tôi thấy gunships Hoa-Kỳ dọn bãi ngay trước mặt, trên triền đồi tranh hướng tây suối Ru Ninh.

Như thường lệ, mỗi khi tới một vùng hành quân lạ, đại đội tôi vẫn là đơn vị “tiên phuông” và theo chân Ðại đội 1/ Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân của tôi vẫn là Ðại đội 3/ Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

chu-pa1
Nguồn pinterest.com

Dưới triều đại Hoàng Mai (danh xưng của Ðại  úy Hồ Khắc Ðàm) đoàn hùng binh Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân luôn luôn được chia làm hai cánh: Cánh A là liên đội 1&3 do tôi (Trung úy Vương Mộng Long) chỉ huy, cánh B là liên đội 2&4 do Trung úy Nguyễn Lạn chỉ huy.

Trái rocket sau cùng vừa nổ, tàu tôi đã “hover” trên ngọn tranh. Miệng hô “go! go!” chúng tôi nhảy đại xuống triền đồi. Cỏ cao quá đầu người. Chúng tôi nhắm mắt lao xuống. Vì phải nhảy từ trên quá cao, chúng tôi mất đà, nện đít xuống đất, thốn lưng, đau muốn chết!

Những trái rocket xịt lửa, làm rừng cỏ tranh bốc cháy. Nấn ná ở chỗ này lâu chắc chắn thành bê thui! Thế là miệng hô, “Nhào lên! Bà con ơi!” chân bước tới, chúng tôi cố gắng xung phong lên bìa rừng xanh trên cao.

Vào tới bìa rừng, tóc gáy tôi bỗng dựng ngược: Rừng già toàn cây cổ thụ; thân cây nào cũng cỡ hai ba người ôm; chân rừng trống trơn, thênh thang, toàn đá đen, lạnh lẽo, trơn trượt. Nếu có vài cây AK Việt-Cộng trụ sau những gốc cây “bành ky” này thì đoàn quân dưới kia chỉ là những cái bia sống ngon lành.

Khi tôi lên tới đỉnh đồi thì Ðại đội 3/11 của Trung úy Phan Ngọc Quí còn ngồi trên HU1D. Lửa bắt đầu lan rộng về hướng triền dốc, bãi đáp đang cháy lớn.Trên đỉnh đồi cũng có một bãi cỏ tranh khá rộng. An ninh xong ngọn đồi mới chiếm cứ, tôi gọi đại úy tiểu đoàn trưởng và đề nghị ông chuyển bãi thả lên đỉnh đồi để cho Ðại đội 3/11 xuống chỗ tôi cho tiện. Hoàng Mai đồng ý ngay. Sau đó bộ chỉ huy tiểu đoàn và liên đội B cũng theo chân Ðại đội 3/11 xuống bãi này. Cuộc đổ bộ tuy ồn ào nhưng trót lọt, an toàn.

Có tiếng Hoàng-Mai gọi: “Thái Sơn đây Hoàng Mai! Sẵn sàng chưa?”

Thái Sơn là danh hiệu truyền tin của tôi.

Tôi trả lời: “Sẵn sàng trăm phần trăm. Ðợi!” 

“Target số 1! Zu lu!”

“Nhận Hoàng Mai 5!”

Chiều rồi, trong rừng bắt đầu âm u, nhưng lệnh lên đường vẫn ra; người nhận được lệnh vẫn thi hành nghiêm chỉnh. Tôi gọi cho Trung úy Quí (Ðại đội trưởng 3/11), báo cho anh nhổ neo theo tôi.Tôi dặn anh nhớ bám sát, vì mặt trời đang lặn, đi trong rừng rất dễ mất dấu người đi trước.

Tiến theo hướng Bắc chừng hai trăm mét, chúng tôi gặp đường voi thồ thênh thang theo hướng Tây Ðông. Chúng tôi bắt đầu quẹo trái để vào mục tiêu 1. Từ cao độ trên một ngàn thước đoàn quân lần lần thả dốc về Tây.

Chúng tôi đang đi với đội hình một hàng dọc. Chợt bên tai tôi có tiếng người hò la trong rừng cùng tiếng chặt cây đốn gỗ. Một toán dò tin tức được gởi đi. Toán trở về báo cáo có một số dân Thượng đang phá rừng làm nương. Tôi cho qua chuyện này.

Ðêm buông màn, nhưng đoàn quân vẫn tiếp tục theo lối mòn đổ dốc. Mỗi người phải giắt sau ba lô một khúc cây rừng mục. Cây rừng mục có lân tinh lấp lánh, làm dấu cho người sau đi theo không bị lạc.

Chúng tôi bước trên đường mà cảm như đang bước chân trên thảm nhung. Lá rừng mục bao đời, lớp này phủ lên lớp khác dày cả gang. Cũng may, rừng vùng này không thấy vắt. Ði trên cao, bên tai gió ào ào, không nghe tiếng muỗi kêu.

Ði được khoảng nửa cây số chúng tôi lại nghe tiếng nói chuyện ngay sát bên tai. Tiếng người lần này giọng Bắc. Trung đội đi đầu của Thiếu úy Ðinh Quang Biện vừa bố trí xong là nổ súng ngay. Thì ra song song với trục đường chúng tôi đang đi, còn nhiều đường voi di chuyển khác. Cả một hệ thống đường thồ trong rừng, che giấu bởi tàn cây cao, phi cơ chụp không ảnh không phát hiện, không có trên bản đồ. Hai khẩu AK báng xếp cùng hai chiếc nón cối và hai cái balô được đem lên cho tôi khám nghiệm. Hai cán binh vừa bị hạ thuộc Ðại đội C17 Trinh sát của Trung đoàn E 24/Mặt Trận B3 (Danh từ Việt-Cộng quy định A là tiểu đội; B là trung đội; C là đại đội; D, H, K là tiểu đoàn; E là trung đoàn; F là sư đoàn).

Ðêm đó tôi cho dừng quân, ngủ ngay trên đường thồ, và hôm sau thức dậy thật sớm.

Sáng N+1 chúng tôi tiếp tục đổ dốc. Vẫn rừng già, trống chân, vẫn dấu chân voi, vẫn những con đường song song theo hướng Tây Ðông, vẫn những đống phân voi to như những cái thúng rải rác dọc đường thồ. Rừng nín thinh, nặng nề, đe dọa. Mỗi lùm cây, tảng đá đều có thể là nơi che giấu sự chết chóc.

Ðại đội 1/11 đội hình nấc thang, từng bước, thận trọng, xuống đồi. Ðường bắt đầu ẩm ướt. Cái yên ngựa, trên bản đồ không ghi có nước. Vậy mà nước rì rào, róc rách. Nơi nào có nước, nơi đó có kẻ thù. Một lối mòn vắt ngang đường voi đi. Lối mòn chạy song song với con đường thông thủy. Lối mòn cũng theo hướng Bắc Nam. Trên lối mòn, vết dép Trường-Sơn còn mới. Thiếu úy Biện vừa báo cáo đặt xong hai nút chặn hai đầu vết mòn thì quân của Chuẩn úy Nguyễn Văn Danh đã kịp thời vượt lên thay vai trò tiên phong.

Trung đội 2 của anh Chuẩn úy lính mới tò te Nguyễn Văn Danh, lần đầu ra trận, vừa qua khỏi ban chỉ huy đại đội, thì điểm chận lối mòn bên trái của Thiếu úy Biện đã có tiếng réo vang của một băng M16. Kế đó, Trung đội 3 của Biện hàng ngang xung phong bên trái nhanh như máy: Lại một khẩu AK 47 báng xếp, một cái nón cối, một balô của C17 Trinh sát/E 24/B3 bị tịch thu.

chu-pa

Tôi tìm thấy, trong balô của tên Việt-Cộng vừa bị  hạ  có vài lá thư viết bằng mực xanh trên giấy học trò kẻ ô vuông, cùng một quyển album cỡ một bàn tay, trong đó chứa những tấm ảnh đen trắng nho nhỏ cạnh cắt răng cưa. Ảnh chụp từ nơi nào đó xa xôi ngoài Bắc: một cô gái quê, một bà mẹ quê, một mái rạ. Thư có những lời thương nhớ người đi B, những lời cầu Trời Phật phù hộ cho người ra trận được bình yên. Nước ảnh còn sáng. Màu giấy thư chưa vàng. Người bộ đội Cộng-Sản mới xâm nhập đã không bao giờ trở về miền Bắc nữa!

Chúng tôi tiến rất chậm. Tất cả những lối mòn cắt ngang trục tiến quân đều phải đặt nút chặn. Tất cả các nút chặn đều phải được bàn giao kỹ càng cho đơn vị theo sau. Kinh nghiệm cách đây khá lâu, một lần hành quân vùng Ðông Lệ-Chí (Pleiku) đã cho thấy sự lợi hại của tao ngộ chiến. Hôm đó, trục tiến quân băng rừng của Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân cũng có con lộ cắt ngang. Một cán binh Việt-Cộng đã đụng đầu Hoàng Mai trên mặt lộ khi ông vừa chui ra khỏi rừng cỏ hôi. Cả ông tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân và tên Việt-Cộng đều giật mình phát hoảng. Cả hai người đều đứng khựng lại trố mắt nhìn nhau. Ông tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân không mang súng dài. Khẩu súng nòng 6.35 ly tí teo, nhỏ như cái hộp quẹt (đeo làm kiểu) của ông còn ở trong bao. Trên tay ông chỉ có cây gậy tre để đi rừng. Trong lúc quýnh quáng, ông tiểu đoàn trưởng đành quơ cây gậy tre vụt vụt loạn xạ trước mặt thằng Việt-Cộng, đồng thời miệng ông hét lớn: “Á!…Á!…Á!…”

Bất ngờ đụng đầu một bộ rằn ri giữa rừng, thằng Việt-Cộng đã trở bộ muốn bỏ chạy thoát thân. Không ngờ tiếng thét của ông làm cho nó nhận ra ông là một kẻ thù không võ trang. Nó hoàn hồn, chĩa khẩu AK 47 ngay ngực ông đại úy. Tay trái nó run run nhích cao họng súng đen ngòm lên ngang trán ông. Nó tính bắn vào đầu ông! Tay chân ông bỗng cứng đơ. Hai mắt ông ngó trân trân vào mặt thằng Việt-Cộng. Mắt nó liếc tránh ra hướng khác. Ông thấy ngón tay trỏ, bàn tay phải của nó đang nằm trước cò súng. Rồi ngón tay đó siết vào cò. Ông hoa hai mắt. “Choác! Choác! Choác!” Ông ù hai tai.

Ðạn tém sát thái dương ông đại úy. Ðạn làm bay cái mũ đi rừng bằng vải đen rộng vành ông đang đội trên đầu. Có lẽ thằng Việt-Cộng run tay, nên ba mươi viên AK đều bay cao, sượt da đầu ông đại úy Biệt Ðộng Quân. Bắn hết băng đạn mà thấy địch thủ còn đứng trơ trơ, thằng Việt-Cộng quay đầu chạy bán sống bán chết.

Vài giây sau, ông đại úy hoàn hồn. Ông rút được khẩu 6.35 ly ra khỏi bao thì thằng Việt-Cộng đã khuất dạng. Lúc đó những Biệt Ðộng Quân cận vệ của ông tiểu đoàn trưởng mới chui ra khỏi rừng, tới đường. Họ ngơ ngác không hiểu tại sao Hoàng Mai tay cầm khẩu 6.35 ly mà tai họ nghe “choác! choác!” tiếng AK liên thanh?

Ông đại úy tiểu đoàn trưởng đứng giữa đường quơ quơ cây gậy về hướng địch: “Nó chạy hướng này! Nó chạy hướng này!”

Lúc đó toán hộ tống mới vỡ lẽ: chỉ chút téo nữa là sếp của họ đã đi đoong! Gỡ sĩ diện, họ reo hò: “Biệt Ðộng! Sát!”- “Biệt Ðộng! Sát! Tiến lên!” Lau lách hai bên đường mòn bị một phen bở vía. Ðạn M16 giòn giã đốn hoa, lá, cành, tre, nứa, ngã rạp tơi bời. Nhưng tên Việt Cộng đã “chạy mẹ nó mất rồi!”

Hôm đó tôi đi đoạn hậu, chỉ nghe văng vẳng tiếng súng đàng trước. Mãi tới khi tôi chuyển quân hoán đổi nhiệm vụ cho liên đội B gặp anh Ðàm, tôi mới được anh chiếu lại chi tiết diễn tiến khúc phim tao ngộ chiến. Ðoạn phim diễn tả cảnh cái họng đen ngòm của khẩu AK47 đang nhắm ngay trán anh, làm tôi ớn lạnh xương sống. Sau khi quay xong đoạn phim đứng tim trên cho tôi nghe, anh Ðàm cười hí hí: “Hôm nay ta hơi quýnh một chút. Chứ đúng lý ra, ta đã bắt sống thằng Việt-Cộng này rồi đó! Nó gầy tong teo à!”

Tôi cũng phụ hoạ theo: “Ðúng là thằng Việt-Cộng này còn hên! Lần sau vô phúc gặp anh, nó tới số!

Từ đó, mỗi lúc ra quân, Hoàng Mai luôn luôn nhắc nhở đàn em việc chặn nút khi gặp lối mòn. Từ đó, cũng đã có vài lần tao ngộ, phần thua lúc nào cũng về phía bên kia.

Cậu thấy chưa? Cứ gặp đường mòn mà chặn nút là có ăn! Ta nói có sai đâu? – Lần nào cũng thế, “có ăn” là anh Ðàm lại dài dòng kể lể công lao “phát minh” ra chiến thuật “chặn nút“.

Hôm nay “nút chặn” của tôi “có ăn” thế nào anh Ðàm cũng vui lắm. Chắc chắn Thiếu úy Trần Lũy, đại đội trưởng đi bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn sẽ tha hồ mà nghe anh Ðàm thuyết giảng chiến thuật.

(còn tiếp 3 kỳ)

VML-k20

Seattle, ngày 06 tháng 06 năm 2006, xem lại và hiệu đính tháng 4-2018.