Tiếp theo câu chuyện tuần trước, tôi bị tai nạn và bị xước giác mạc. Phải ở trong bóng tối tạm thời và cũng nhờ vậy mà gặp được vô vàn chuyện kỳ thú lẫn kỳ cục… Ấn tượng nhất vẫn là câu hỏi: “Mày đui à?” của người đời dành cho tôi vì họ chưa biết rằng tôi đang bị đui thiệt! Bằng chứng là sau khi biết tôi đang bị thương ở mắt, thái độ của họ khác hẳn…
Phần 2
Ðầu tiên là bà hàng xóm, người đã hốt hoảng hét lên “Mày đui à?’ khi mới sáng sớm thấy tôi mặt ngơ ngẩn, mắt đeo kính đen xông thẳng vào nhà bà (vì tôi đi mua bánh mì ăn sáng và về lộn nhà). Tôi giở kính ra nói:
– Tối qua con bị tai nạn, mắt bị thương rồi nên không có thấy đường. Ði lộn vô nhà cô, cô cho con xin lỗi nha.
Bà cũng xin lỗi tôi rối rít vì không biết tôi bị thương rồi rất ân cần mà dắt tôi về tận cửa nhà mình. Ðời thật lạ, người ta không bao giờ chửi hay hỏi một người đui câu “Mày đui à!” cả, nhưng luôn thích những cái tai nạn đó để nhéo vào lòng tự tôn của người lành lặn khi họ trót làm sai ý. Tôi tự nhủ thầm, sau này sẽ rút kinh nghiệm, không buồn vu vơ những kẻ hay nói tôi ngu, điên, bịnh hoạn, biến thái… vì chắc chắn nếu họ biết tôi ngu, điên, bịnh hoạn, biến thái … thật thì họ sẽ chẳng bao giờ nói tôi như vậy(!) Nhờ vậy mà ổ bánh mì buổi sáng hôm đó tôi ăn bỗng ngon hơn hẳn mặc dầu mắt vẫn còn đau. Tại qua nửa đời người đến hôm nay, số lần người ta chửi tôi đui ít hơn hẳn số lần người ta cho rằng tôi ngu, điên, bịnh hoạn, biến thái, hung dữ… Suy ra tôi đã rất thông minh, xinh đẹp, hiền lành và vô cùng bình thường trong mắt của mọi người!

“Tiếng lành đồn xa”, nhờ bà hàng xóm tốt bụng mà chưa hết buổi sáng cả xóm đã biết tôi “bị đui”, mạnh ai nấy giành giựt nhau thăm hỏi một cách đon đả bất thường mỗi lần thấy tôi lọ mọ ra khỏi nhà với cặp kính đen và dáng đi chậm chạp. Ban đầu tôi khá xúc động vì “tình làng nghĩa xóm” nơi này, ngày thường tôi rất ít giao tiếp với người toàn chọc chó mèo trong xóm là chính, không ngờ “hoạn nạn mới thấy chân tình”. Không kịp xúc động lâu, tôi nhận ra đa số những người tỏ vẻ quan tâm, sốt sắng đều là mấy bà bán hàng ăn uống xung quanh nhà. Hơi hụt hẫng nhưng nhờ vậy mà tôi cũng đỡ vất vả trong hành trình bóng tối. Tuy nhiên mỗi ngày tôi thấy sự đon đả thăm hỏi mỗi ít hơn vì cứ mua của bà này thì bà kia có vẻ không vui, hôm sau chẳng thèm mời chào nữa. Bà không mời, tôi chẳng thấy đường nên “auto” cho là bà không bán, đành ăn của người “thân thiện” hơn. Thế là, tuần đầu tiên bị thương tôi chỉ ăn sáng ở một chỗ, ăn trưa ở một chỗ và ăn chiều ở một chỗ. Cũng “nhờ” vậy mà tôi trở thành đáng ghét trong mắt của những người bán đồ còn lại, bằng chứng là khi đã bắt đầu thấy mờ mờ rồi, đến mua đồ ăn của họ nhận toàn những lời nói hờn nói mát, kiểu như:
– Ủa nay không ăn bên kia nữa hả?
– Mày thấy đường rồi hả?
– Về đi, lát tao kêu em nó giao tận nhà cho, yên tâm, “người ta” bán sao tao bán vậy!
Ðúng là “họa vô đơn chí”, đến mấy con mèo, chó hàng xóm cũng thừa dịp mà ăn hiếp tôi. Chúng thấy tôi từ xa là bu quanh lại cào cắn cấu xé một cách “âu yếm”, giành giựt mọi thứ tôi cầm trên tay, có đứa giỡn nhây nằm ườn ra đất cho tôi vấp té còn la làng lên như tố cáo tôi vừa cố tình đá nó. Vài “bạn trẻ” chạy theo, chui vào tận phòng ngủ của tôi đứng… sủa ầm trời! Ngày tôi nhận ra mình thấy mờ mờ cũng là ngày tôi xém đột tử vì hết hồn, nửa đêm thức dậy trong bóng đen bỗng thấy hai điểm sáng lóe lên ngay cửa sổ làm tôi giựt bắn người, cầm bất cứ thứ gì mò được xung quanh tôi chọi thẳng vào “con ma” kia. Sau tiếng đồ rớt là một tiếng “méo” hét lên, thì ra là một bà mèo đang rình rập, toan trèo vô nhà ăn trộm!

Bình thường, mọi công việc và giao tiếp tôi thường gặp trực tiếp hoặc trao đổi qua tin nhắn, mail, mạng xã hội nên số lần tôi nghe điện thoại trong ngày rất ít. Những cuộc điện thoại reo lên thường là tin tức, thông báo quan trọng, các công ty bảo hiểm tiếp thị làm phiền hoặc những người bạn ở xa về gọi báo tin tôi sắp có quà… Dần dà, có khi cả tuần chẳng ai gọi cho tôi mà tôi cũng chẳng gọi cho ai cũng chẳng có gì lạ. Chưa bao giờ tôi thèm một cuộc gọi từ người thân, bạn bè như lúc này vì tôi không có dịp báo ai biết thông tin ‘động trời”- tôi bị tai nạn cả. Ngay cả những nơi tôi làm việc cũng không hề hay biết. Tôi vừa cảm thấy buồn, cô đơn vừa lo lắng cho những công việc đang cần hoàn thành mà bản thân thì lại mắt bất tòng tâm. Cuộc sống cứ quanh quẩn trong các hoạt động ăn, uống thuốc, nhỏ mắt, nghe đọc truyện dài trên youtube và làm nạn nhân cho bọn chó, mèo trong xóm làm tôi chán ngấy và muốn phát điên. Cuộc gọi đầu tiên tôi nhận được là từ… bác tài xế taxi đã đưa tôi đi cấp cứu hôm tôi bị tai nạn, bác nhắc tôi ngày mai là đến kỳ hẹn tái khám (sau ba ngày). Bảo sẽ đến chở tôi đi tái khám.

Kỳ trước vì quá hoảng loạn và đau mắt tôi không có cảm nhận gì về bác tài tốt bụng, chỉ lo sợ cho đôi mắt của mình. Lần này thì khác, tôi bắt đầu để ý theo bản chất nhiều chuyện của mình. Mắt vẫn chưa thấy gì nhưng qua giọng nói tôi cảm nhận bác tài còn khá trẻ, bác giới thiệu là dân Saigon, tôi nói vậy là đồng hương với tôi rồi. Bác có vẻ rất vui. Không biết có phải do quá vui hay không mà bác bắt đầu tò mò, hỏi nhiều câu hỏi về đời tư của tôi làm tôi thấy không thoải mái. Bác hỏi từ chuyện tuổi tác, tình trạng hôn nhân rồi đến chuyện làm tháng bao nhiêu, đi xe gì… Ðây có lẽ hình như là tật chung của các bác tài ở VN thì phải? Từ xe ôm đến bốn bánh, chỉ cần họ cảm thấy “thân” một chút là bắt đầu muốn “khai thác” đời tư khách hàng một cách rất soi mói. Thấy tôi có vẻ không “hợp tác”, các câu hỏi không có lời đáp nên bác lại quay trở lại than thở chuyện của mình. Bảo rằng do lái taxi nên các cô gái chê nghèo, không chịu yêu, thành ra bác… ế. Bác bảo tôi có bạn thì làm mai cho bác, không cần đẹp, không cần giàu, chỉ cần dễ thương và hiền như… tôi là được. Tôi đã phải nhịn cười, bỏ luôn ý định ban đầu là sẽ không đi xe của bác tài này nữa vì những nhận xét thật lòng của bác về mình. Mặc dầu tôi chẳng có người bạn nào dễ thương và hiền như-tôi cả. Ðến bệnh viện, bác tài kêu tôi ngồi chờ ở ghế bệnh viện, bác đi tìm chỗ đậu xe rồi sẽ dẫn tôi vào khám vì bệnh viện khá đông người mặc dầu đã chọn khám ngoài giờ hành chính. Tôi đang ngồi thì có ai đó lại ngồi cạnh tôi, là một người phụ nữ vì bà ta cất giọng kêu tôi qua ghế khác ngồi vì chỗ này bà ta đang ngồi, “Chỉ mới bỏ đi toilet mà mất chỗ”. Tôi hỏi:
– Sao chị không qua kia ngồi?
Bà ta nạt lại:
– Mày đui à, tao ngồi đây với con tao!
Tôi giơ cuốn sổ khám bệnh lên quơ quơ, nói:
– Thì bệnh viện mắt mà, không thấy đường mới vô đây khám chứ!

Bà ta gầm gừ hai chữ “con điên” rồi đứng dậy, không biết là có qua bên kia hay không, tôi cũng chẳng quan tâm. Lát sau bác tài đã quay lại, lấy sổ khám bệnh của tôi đi đăng ký khám, lấy số rồi dắt tôi vào phòng khám dịch vụ. Bác sĩ có vẻ không vui, tôi nghe thấy giọng ông ta khá cáu gắt với bệnh nhân khác, khiến tôi cũng không vui theo ông ta. Tự nhiên muốn bỏ về không khám nữa vì bỏ tiền ra khám mà không được đối xử tốt thì ai muốn? Bệnh viện nào cũng có nội quy là bác sĩ phải ân cần với bệnh nhân mà. Nhưng vì lo cho đôi mắt, sợ làm phiền bác tài nên tôi cũng vô khám. Sau khi kiểm tra mấy lần, trải qua các thủ tục thì bác sĩ cứ thế mà kê đơn, dặn dò về uống và nhỏ thuốc, ba ngày sau tái khám, ngoài ra chẳng nói cho tôi hay là mắt tôi có tiến triển gì không. Tôi hỏi:
– Bác sĩ cho em hỏi mắt em sao rồi, khi nào em thấy lại bác sĩ?
Ông ta không cáu gắt nhưng giọng lại rất dửng dưng có phần đùa cợt:
– Thì khi nào thấy rõ là nó hết, từ từ chứ có gì đâu mà gấp vậy?
Tôi cảm thấy khó chịu, nhưng vẫn cố nhẹ giọng:
– Sắp hết tiền xài rồi, không gấp sao được!
Ông bác sĩ hào phóng đáp:
– Hết tiền thì ba ngày sau lại khám miễn phí!
Bác tài và cả phòng cười ha hả. Cuối cùng, về đến nhà tôi vẫn không biết tình hình mắt mình đang như thế nào. Lần thứ hai, tức là ba ngày sau đi khám lại, tình hình cũng tương tự như vậy với một ông bác sĩ trực khác, tôi vẫn mơ hồ về tương lai đôi mắt của mình. Làm tôi có cảm giác họ chỉ làm cho xong nhiệm vụ, không hề để tâm vào công việc và bệnh nhân chút nào cả. Bác tài thì cười cười an ủi:
– Chắc cô không sao nên họ không nói đó thôi!
Ðến khi tôi trải qua giai đoạn khó khăn nhất, bắt đầu làm quen với cuộc sống hiện tại thì một người bạn gọi điện hỏi sao mất tích và biết tôi đã bị tai nạn. Một lần nữa “tiếng lành đồn xa”, rất nhiều người quen biết tin. Những cơn lốc thăm hỏi, quà cáp, hoa, thức ăn “tiếp tế” làm tôi vừa vui vừa… sợ. Bên cạnh những quan tâm khiến tôi xúc động là những câu hỏi đầy tò mò và ấu trĩ được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, chẳng biết trả lời ra sao. Ðại loại như:
– Sao đi bộ mà bị xe đụng?
– Sao để nó bỏ chạy không níu lại bắt đền?
– Sao lại bị thương ở mắt?
– Người đụng là trai hay gái?
– Mốt có thấy đường lại không?
Tức cười nhất là câu hỏi “Sao không báo công an?”. Mỗi lần nghe các câu hỏi ấy tôi bỗng thấy mình như Mark Zuckerberg đang đứng trước Quốc hội Mỹ “tư vấn” cách sử dụng Facebook cho các vị thượng nghị sĩ Mỹ vậy. Bạn đã bao giờ phải giải thích với người lớn như ba mẹ, ông bà, nhất là những người không có “cảm tình’ với thế giới mạng về cách sử dụng, cơ chế hoạt động của các món đồ công nghệ, đơn cử như điện thoại thông minh, Facebook, Google hay Internet không? Nó cũng khó y chang như khi phải giải thích sự vô luật pháp, ngang ngược và phi lý giữa xã hội này với những người tin rằng luật pháp, công bằng có ở Việt Nam vậy!

DU