Menu Close

Để trở thành nha sĩ

Khoảng 161 ngàn Nha Sĩ hội viên thuộc Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ (American Dental Association – ADA), ngành Nha Hoa Kỳ không chỉ chăm sóc, chữa trị cho các bịnh về răng hàm cho bịnh nhân mà còn đem lại sự thẩm mỹ, tái tạo những khiếm khuyết về răng cho nhiều người. Tiếp tục loạt bài viết hướng nghiệp “Để trở thành …” nhằm cung cấp cho các phụ huynh thêm một số thông tin về các ngành nghề phổ biến tại Mỹ để đồng hành cùng con cái, mời các bạn  cùng chúng tôi gặp gỡ Nha Sĩ Phạm Sỹ Thịnh, một Nha Sĩ chuyên khoa Chỉnh Hình Răng (Orthodontist) – tốt nghiệp Nha Sĩ tại Đại Học Baylor College of Dentistry và chuyên khoa Chỉnh Hình Răng tại St. Louis University trên số báo hôm nay.

de-tro-thanh-nha-si2
nguồn Smile Surfers

Ðinh Yên Thảo (ÐYT):  Thịnh cho biết chương trình học và huấn luyện từ khi tốt nghiệp trung học để trở thành một Nha Sĩ như thế nào?

Nha Sĩ Phạm Sỹ Thịnh (NS PST): – Ðể trở thành nha sĩ gia đình, thông thường thì sau khi tốt nghiệp trung học, các học sinh học lấy bằng Cử Nhân bốn năm trước, sau đó sẽ tiếp tục học thêm bốn năm tại một  trường Nha để  tốt nghiệp Nha Sĩ tổng quát (DDS hay DDM). Những em muốn theo đuổi chuyên khoa thì có thể học tiếp từ hai đến bốn năm nữa tùy theo chuyên ngành chọn lựa.

ÐYT: – Những học sinh có ý hướng theo học ngành Nha thường đòi hỏi những yếu tố gì và khả năng ra sao? Vấn đề tài chánh để theo học cả chương trình như thế nào?

NS PST: – Muốn theo học nha sĩ, các bạn cần có sự cố gắng, bền bỉ và tập trung liên  tục sau khi tốt nghiệp trung học. Ðiều đầu tiên là bạn phải có học lực tốt liên tục trong bốn năm đại học để được xét tuyển. Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu cặn kẽ về nghề Nha mình muốn theo đuổi bằng cách xin làm việc hoặc làm thiện nguyện viên trong một văn phòng Nha Sĩ hay những trung tâm nha khoa phi lợi nhuận (non-profit) để có thêm sự hiểu biết về ngành này. Bạn nào có năng khiếu sử dụng đôi tay thì sẽ càng dễ thành công hơn trong trường Nha và sau khi ra trường vì mỗi một răng có diện tích rất nhỏ, cho nên cần phải có sự khéo léo và chính xác khi làm răng. Về tài chánh, thì bạn có thể mượn tiền học trong thời gian theo học Nha khoa.

de-tro-thanh-nha-si1
Nha Sĩ Phạm Sỹ Thịnh đang thực tập tại Bịnh viện Baylor

ÐYT: – Thịnh có thể chia sẻ vài kinh nghiệm trong quá trình ứng tuyển vào các trường Nha Khoa ra sao?

NS PST: – Ðể nộp đơn vào các trường Nha Khoa tại Mỹ, ngoài điểm học đại học, các sinh viên còn phải thi thêm một bài kiểm tra riêng gọi là DAT (Dental Admission Test).  Bài kiểm tra này bao gồm các môn Toán, Sinh học, Hóa Học, Ðọc và Không Gian Ba Chiều.  Bởi vậy, các bạn phải tập trung học các môn toán, khoa học và đọc tốt trong quá trình học từ trung học lên đại học. Thông thường, các sinh viên dự kỳ thi DAT này gần một năm trước khi vào học trường Nha.  Nghĩa là nếu bạn muốn vào học trường Nha ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bạn phải nộp đơn và thi DAT vào cuối năm thứ ba của đại học. Sau đó, bạn sẽ nộp đơn vào nhiều trường Nha khác nhau trên nước Mỹ.  Bạn nên nộp đơn vào nhiều trường Nha khác nhau, khoảng trên dưới 20 trường để có được nhiều phỏng vấn và hy vọng cơ hội thành công sẽ cao hơn.

ÐYT: Áp lực khi học ra sao? Có bạn đồng học của Thịnh đã bỏ cuộc hay bị loại trong quá trình học không?

NS PST: – Mỗi học kỳ ở trường Nha người SV phải hoàn thành khoảng 40 chứng chỉ so với tại đại học, mỗi học kỳ chỉ cần 12 chứng chỉ là được xem học toàn phần.  Hai năm đầu tiên, bạn sẽ học rất nhiều về lý thuyết.  Hai năm cuối, bạn sẽ thực tập trên bệnh nhân nhiều hơn. Bởi vậy bạn sẽ phải hy sinh nhiều mối quan hệ xã hội hay những việc mình thích làm khác để tập trung vào việc học. Vì quá trình tuyển chọn tốt, nên thường ít có người bỏ cuộc hoặc bị loại. Một lớp 100 người, có khoảng 5 người bị loại hay bỏ cuộc.

de-tro-thanh-nha-si3
NS Phạm Sỹ Thịnh cùng vợ và con trai

ÐYT: Nếu các sinh viên muốn tiếp tục theo đuổi các chuyên khoa sau khi tốt nghiệp Nha Sĩ Tổng Quát như Thịnh thì các hướng đi sẽ như thế nào và bao gồm các chuyên ngành gì?

NS PST: – Cũng như lúc vào trường Nha, để theo đuổi các chuyên ngành, các bạn cần phải có học lực tốt trong quá trình theo học tại trường Nha.  Do đó, bạn phải liên tục cố gắng và tập trung để giữ điểm học cho thật tốt và cơ hội đi học tiếp. Tùy theo sở thích và điểm học, bạn có thể lựa chọn một trong 9 chuyên khoa để học tiếp như nha khoa trẻ em, nội nha, chỉnh hình răng, giải phẫu…  Tùy theo từng chuyên khoa khác nhau, các SV sẽ phải thi một số bài thi bắt buộc, nộp đơn và phỏng vấn để được tuyển chọn vào. Trong lúc theo học nha khoa, bạn nên giúp đỡ các giáo sư nghiên cứu khoa học và có một số bài viết chuyên ngành để xuất bản.  Như vậy sẽ nâng cao cơ hội được chọn vào chuyên ngành mình muốn theo học.

ÐYT: – Thời gian học cũng khá lâu và vất vả, vậy cơ hội việc làm và hành nghề sau khi tốt nghiệp ra sao?

NS PST: – Cơ hội việc làm rất là sáng sủa sau khi tốt nghiệp Nha Sĩ.  Người ta dự đoán tương lai của ngành Nha cũng vẫn tiếp tục phát triển rất tốt trong tương lai.  Theo US News thì trong năm 2017, nha sĩ tổng quát được bình chọn là nghề tốt thứ hai trong 100 ngành nghề chuyên môn khác nhau.

de-tro-thanh-nha-si4
Hãy tham gia hoạt động từ thiện trong xã hội và cộng đồng – nguồn dental floating doctors

de-tro-thanh-nha-si

ÐYT: – Bên cạnh cơ hội nghề nghiệp tốt như vậy, riêng Thịnh thì điều gì đã làm Thịnh hài lòng về quyết định trở thành một Nha Sĩ của mình?

NS PST: –  Thịnh quyết định theo đuổi ngành Nha vì sự hiếu kỳ của cách làm đẹp răng. Như người Việt mình hay nói “Cái răng, cái tóc là góc con người”, Thịnh muốn có thêm sự hiểu biết để giúp người khác có một cái “góc” thật đẹp và thật tự tin hơn. Khi mình giúp tạo được nụ cười đẹp và khoẻ mạnh cho bệnh nhân, đó là công việc kết hợp giữa nhiều yếu tố khác nhau. Những đòi hỏi để hoàn thành một chữa trị thành công bao gồm kiến thức khoa học, kiến thức y học, sự khéo léo của đôi tay, sự thông cảm và am hiểu tâm lý bệnh nhân, cách bày tỏ cảm xúc cũng như lắng nghe bệnh nhân và trình bày cho bệnh nhân hướng điều trị thích hợp nhất. Do đó, mỗi một bệnh nhân là một trường hợp khác nhau và điều này làm cho công việc điều trị không bị nhàm chán.  Nhưng cũng chính vì sự đa dạng trong điều trị bệnh nhân, người nha sĩ giỏi phải luôn có đầu óc cởi mở và cầu tiến để tiếp tục học hỏi và tiến bộ hơn nữa trong nghề nghiệp của mình.

ÐYT: – Nếu có những chia sẻ thêm những điều chưa được hỏi bên trên thì Thịnh sẽ chia sẻ điều gì đến các em học sinh muốn trở thành một Nha Sĩ?

NS PST: – Khi có ý định muốn theo học lãnh vực chăm sóc sức khoẻ nói chung, có nghĩa là các bạn có ý nghĩ muốn giúp đỡ mọi người sống khoẻ mạnh hơn. Như vậy thì từ bây giờ, các bạn hãy dành một ít thời gian của mình để tham gia hoạt động từ thiện trong xã hội và cộng đồng mình đang sống. Nếu các bạn muốn trở thành Nha Sĩ nói riêng, thì các bạn nên tập luyện đôi tay mình khéo léo hơn. Các bạn có thể tham gia học một số nhạc cụ hay hội họa để tập luyện về kỹ năng và tăng sự khéo tay cho mình. Ngoài ra, để các bạn biết nghề Nha Sĩ có thích hợp cho mình không, các bạn nên tình nguyện giúp đỡ một văn phòng Nha Sĩ nào đó để có thể quan sát và hiểu hơn được công việc nha khoa hàng ngày. Xin chúc các bạn thành công.

ÐYT:  – Xin cảm ơn Nha Sĩ Phạm Sỹ Thịnh đã dành cho Chuyên Mục cuộc trò chuyện bổ ích này.

ÐYT thực hiện