NFL Draft là một cuộc họp mặt, nơi các đội football chuyên nghiệp chọn cầu thủ từ đại học ra để chơi banh cho National Football League vào mùa tới. Năm nay là lần đầu tiên NFL Draft được tổ chức tại Dallas, trong sân Cowboys Stadium.

Mùa 1934 một cầu thủ bách chiến bách thắng tên Stan Kostka, chơi quarterback cho đại học Minnesota, đã không gia nhập làng banh chuyên nghiệp ngay sau khi ra trường vì anh ta muốn làm giá. Sau một mùa chầu rìa chờ đợi, cuối cùng Kostka cũng được đội Brooklyn ký giao kèo trị giá $5,000. Sang năm sau NFL phản ứng bằng cách lập ra “the draft” – tức kế hoạch tuyển mộ cầu thủ, khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. Cuộc tuyển mộ đầu tiên gồm có 9 vòng, tức mỗi đội banh được chọn 9 lần hay 9 người.
Tên các cầu thủ đại học muốn chơi banh chuyên nghiệp được cho vào một rổ. Các đội banh thay phiên nhau bốc chọn người nào mình muốn, theo thứ tự đội dở nhất đến đội giỏi nhất tính trên thành tích thắng-thua vào mùa trước. Sau khi bốc chọn cầu thủ, đội banh có trách nhiệm điều đình và ký hợp đồng với cầu thủ đó. Nếu vì bất cứ lý do gì hai bên không đạt được thoả thuận, chủ tịch NFL phải đứng ra dàn xếp. Nếu vẫn không xong thì cầu thủ ấy không được phép chơi banh mùa ấy.

Ngày nay thì hầu hết các sinh viên được chọn đều trở thành cầu thủ NFL ngay lập tức, nhưng vào năm 1935 chỉ có 24 trong số 81 người được bốc chịu ký hợp đồng với đội banh chọn mình. Nên nhớ, thuở ban đầu các chủ đội banh không có nhiều thông tin về các cầu thủ, thường chỉ qua các bài báo địa phương hay tin truyền miệng, cho nên việc đánh giá tài năng và khả năng của cầu thủ rất hạn chế. Ðiều này làm cho việc thương lượng khó khăn, xác suất thành công thấp trong khi mức rủi ro lại cao.
Có người bèn nghĩ ra cách đặt mua báo tại những thành phố có các đội banh đại học để theo dõi tin tức football. Người thì đích thân đi tới các trường đại học để xem xét tình hình và tìm hiểu trực tiếp. Sau vài năm lại nảy sinh ra một nghề mới trong football, đó là nghề làm “scout”, tức chuyên viên chiêu mộ tài năng. Chủ các đội banh bắt đầu mướn scout để thám thính các đội banh đại học và báo cáo cho ban quản trị về tiềm năng của các cầu thủ chơi ở những vị trí mà đội banh hiện đang bị yếu kém. Kỷ nguyên này được đánh dấu vào mùa banh 1946, sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt.

1946 cũng là năm đầu tiên một cầu thủ da đen được mướn vào chơi trong NFL. Bảy năm trước đó Kenny Washington đã chơi cho đội banh của trường UCLA (University of California in Los Angeles) và được đánh giá là một cầu thủ football và baseball ngoại hạng. Thậm chí sau khi ra trường Washington còn được đội baseball Brooklyn Dodgers mời ký hợp đồng nhưng anh ta từ chối vì muốn chơi football hơn. Thế nhưng vì bị kỳ thị nên Kenny Washington đã không được cho tên vào NFL Draft năm 1940. Phải đợi gần 10 năm sau, 1949, NFL Draft mới có người da đen đầu tiên được chọn, đó là George Taliaferro tại vòng 13. Nhưng cuối cùng Taliaferro cũng từ chối không chơi cho NFL. Tại vòng thứ 19 cùng năm, Wally Triplet được đội Detroit Lions chọn và ký hợp đồng, trở thành cầu thủ da đen đầu tiên trong lịch sử NFL được NFL Draft bốc chọn. Triplet hiện vẫn còn giữ một số kỷ lục cá nhân trong đội Lions và tên ông đã được đưa vào Football Hall of Fame.
Từ 1946 cho tới 1980, NFL Draft chỉ là công việc nội bộ của NFL (với sự tham gia của American Football League kể từ năm 1960). Ngoài giới báo chí và dân trong nghề ra, không mấy ai để ý lắm đến NFL Draft. Nhưng sau khi đài truyền hình ESPN ra đời năm 1980 thì mọi chuyện thay đổi. Vì là đài truyền hình chuyên chiếu các chương trình thể thao nên ESPN đề nghị với chủ tịch NFL Pete Rozelle cho họ trực tiếp truyền hình NFL Draft. Tuy không tin tưởng mấy việc sẽ có người muốn coi, Pete Rozelle vẫn chấp thuận. Sau vài năm thử nghiệm, ESPN đã thắng lớn khi NFL Draft được dời từ ngày thường sang cuối tuần, và đó chính là công thức hái ra tiền cho NFL và đài truyền hình vào mùa nghỉ, khi dân ghiền football không có gì để coi.

Ngày nay “NFL Draft Weekend” đã trở thành một sự kiện lớn, chiếm nhiều giấy mực cũng như các trang web. Các chuyên gia thể thao của những hãng thông tấn lớn ở Mỹ đều có bài phân tích, phê bình và cho điểm các chủ đội banh sau ba ngày “tuyển mộ”. Không những “NFL Draft” được trực tiếp truyền hình trên TV, nó còn được phát ra trên mạng qua Facebook livestream, Youtube, Instagram, Tweeter v.v. Tại nhà riêng của các cầu thủ sinh viên nằm trong danh sách “Vòng 1” nhiều khi còn có đài TV địa phương đến để quay phim, trong lúc gia đình và bạn bè họ quây quần bên chiếc TV để xem con cháu mình được đội nào bốc, ở vòng chọn thứ mấy… Nói theo tiếng Mỹ là “a big deal”.
Mà “big deal” thật, vì những cầu thủ được chọn ở Vòng 1 đa số sẽ ký hợp đồng vài chục triệu USD chứ không phải chuyện đùa. Chẳng hạn như đội Denver Broncos vừa bốc cầu thủ Bradley Chubb với số tiền gần $5 triệu chỉ cho năm 2018, sau đó họ sẽ phải chi thêm bao nhiêu nữa ta chưa biết. Ðó chỉ là để mua một cầu thủ mới ra trường chưa có chút gì kinh nghiệm trong NFL, đủ biết football là một kỹ nghệ lớn với doanh thu bạc tỉ hàng năm, và NFL draft là một phần hết sức quan trọng, có thể đưa đội banh đến tột đỉnh quang vinh nếu bắt đúng, hoặc thất bại ê chề nếu bắt trật.

Nhưng khác với thời 1946, ngày nay đa số các cầu thủ được chọn bởi NFL Draft là … da đen! Ngồi xem NFL Draft nhiều lúc ta có cảm tưởng như đây là một dạng buôn bán nô lệ tân thời. Các chủ nhân ông (dĩ nhiên toàn là đàn ông, và toàn là da trắng) không những có quyền chọn người mình muốn mướn mà còn có thể đổi chác (trade) cầu thủ hay đổi chác vé chọn với những ông chủ khác, tuỳ theo nhu cầu nhất thời của đội banh mình. Và các cầu thủ cũng hồi hộp, nôn nóng để xem sẽ được ông chủ nào bỏ tiền ra mua. Tất nhiên các cầu thủ giỏi nằm trong Vòng 1 cũng biết trước phần nào số phận của mình, vì những đội được quyền lựa trước đều là những đội dở nhất năm ngoái. Như cầu thủ số 1 vừa thắng Heisman Trophy là quarterback Baker Mayfield của trường Oklahoma University đã được đội ẹ nhất nước là Cleveland Browns rinh về. Chịu đấm ăn xôi thôi, biết nói sao.
Nhưng không những các cầu thủ trẻ mới ra trường phải chịu đấm, đôi khi các cầu thủ già dặn nhiều năm kinh nghiệm cũng phải ngậm miệng ăn tiền. Như năm ngoái khi quarterback Colin Kaepernick khởi động vụ biểu tình trong im lặng để phản đối bạo lực cảnh sát đối với người da đen, nhiều chủ đội banh đã ra lệnh cấm các cầu thủ không được biểu đồng tình nếu không muốn bị đuổi việc. Và mặc dù Kaepernick là một quarterback hạng ưu, từng chơi trong Super Bowl, nhưng năm nay không có đội banh nào chịu ký hợp đồng mướn Kaepernick. Giới quan sát cho rằng đây là một quyết định đến từ cấp cao của NFL với sự cấu kết của các ông chủ, một hình phạt kinh tế cho sự bất tuân của Kaepernick hòng răn đe các cầu thủ da đen khác.
Xét cho cùng, sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi có NFL Draft đầu tiên, nạn kỳ thị trong làng football và giới thể thao nói riêng, cũng như trong mọi khía cạnh của xã hội Hiệp Chủng Quốc này nói chung, vẫn còn là một vấn đề nhức nhối gây nhiều tranh cãi.
BB