Menu Close

Người Việt làm từ thiện trên đất Mỹ

Trong một lần đi kiếm mua áo khoác giá rẻ (mà đẹp, tham dễ sợ á), tôi tình cờ phát giác ra tiệm “Hand to hand thrift shop” ở địa chỉ 14351 Euclid St. Garden Grove, CA 92843 (thuộc khu vực Little Sài Gòn). Sau khi chọn mua được một chiếc áo vừa ý với giá $3, trò chuyện với chị chủ tiệm tên Thanh Hương mới biết tiệm này của nhóm thiện nguyện Hand to Hand của người Việt nhưng làm từ thiện ngay trên đất Mỹ. 

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my5
Thiện nguyện viên phụ trách phát thức ăn

Trong tiệm có trái cây, bánh mì, bánh ngọt, nước ngọt, chai gia vị, đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm, nữ trang (giả), tranh ảnh, tượng các Thánh (Công giáo), ly tách, cốc chén, xoong nồi, quần áo rất phong phú, đa dạng về chủng loại.

Chị Hằng Nguyễn đang làm việc tại tiệm cho biết: “Ở đây chúng tôi liên lạc với các điểm bán nông sản, thực phẩm, đồ dùng đã qua sử dụng để mua lại hoặc xin, nhưng tất cả đều là còn tốt đem về đây. Sau đó bán lại với giá thật rẻ hoặc có thể tặng không nếu người nào đó nói rằng không có tiền mua và muốn xin để dùng.”

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my1

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my

Trong khi ghi hình, chúng tôi nhận thấy những người đàn ông đang mang vác nhiều thùng giấy chất lên xe lớn. Hỏi anh Hoàng Nguyễn, được biết các anh đang chuẩn bị mang trái cây đến tiệm cơm chay thiện nguyện trên đường Bolsa-Trần Hưng Ðạo để chuẩn bị phân phát hơn 400 phần ăn cho những người homeless ở khu vực Santa Ana, quận Cam. Anh Hoàng, chị Hằng mời chúng tôi cùng đi cho biết.

Tôi hỏi người nhận phần ăn là người Việt hay người Mỹ. Chị Hằng nói: “Việt cũng có, Mỹ cũng có, mà Mễ hay gì gì đó cũng đều có, nhưng người Việt rất ít. Ðã thành thông lệ rồi, mỗi tuần phát phần ăn hai lần vào trưa các ngày Thứ Ba, Thứ Năm, nên người vô gia cư họ biết và tập trung đến rất đông. Họ thích nhận phần ăn của chúng tôi phát vì món ăn lạ, lại nấu nhiều món, mùi thơm hấp dẫn và còn nóng sốt.”

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my4
Cho và nhận

Chị Hằng nói thêm: “Tôi mới qua Mỹ sáu năm, tôi vừa đậu quốc tịch nhưng tôi chưa biết lái xe. Hàng tuần hai vợ chồng cứ rảnh là ra tiệm giúp săn sóc cửa tiệm, bán hàng không lương. Riêng thuê chỗ này mỗi tháng trả $3,000; bán cả tháng gom lại được chừng $2,000 là hết mức. Số thâm hụt may nhờ cô chủ tiệm có người cháu làm bác sĩ còn độc thân bao trả hết. Tôi không giàu có, nên đây là cách vợ chồng tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình chúng tôi. Hôm nay chồng tôi đi học, nếu không thì anh ấy cũng đi phát phần ăn”.

Ðúng 10 giờ sáng, chúng tôi “thẳng tiến” đến tiệm cơm chay thiện nguyện. Tiệm cũng đang tấp nập người ra vào mang những khay lớn thức ăn thơm phức, bốc khói từ dưới nhà bếp lên nhà trên. Thỉnh thoảng lại có người ngưng tay để bán hộp cơm chay, hay cho một hộp cơm chay khác cho một người homeless vào tiệm. Sư cô Hoa Liên nói mỗi phần cơm chay bán từ $3 đến $5, tùy theo số lượng món ăn mà khách yêu cầu nhiều hay ít, nhưng nói chung giá bán chỉ bằng một nửa giá bán thông thường.”

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my6
Chuẩn bị phát suất ăn

Rất nhiều hộp đựng thức ăn loại lớn, mỗi hộp chừng 10 lb được chất lên hai xe lớn, chúng tôi tiếp tục lên đường đến khu tập trung người vô gia cư ở Santa Ana. Vừa vào cổng, đã thấy rất nhiều người đang đứng ngoài sân xếp hàng chờ, trông thấy chúng tôi, họ giơ tay chào “Hi” vui vẻ. Nhóm thiện nguyện lập tức chuyển hết thức ăn vào đặt trên những chiếc bàn dài trong lều. Ở đây đã có thêm ba thiện nguyện viên khác: Một người Mỹ trắng, hai người châu Á không biết nói tiếng Việt. Như đã thành nếp, những người homeless lần lượt xếp hàng theo thứ tự: người già, người khuyết tật, người sức khỏe yếu đi trước, người trẻ khỏe hơn đi sau. Mỗi người nhận một cái hộp giấy to, đi ngang qua dãy bàn bày thức ăn gồm: cơm chiên, chả giò, mì xào, bánh mì, rau đậu xào, thịt, cá đã nấu xong (nhiều món đến mức tôi không nhớ hết và không biết hết tên món ăn), cứ muốn ăn món nào thì chỉ, thiện nguyện viên sẽ lấy vô hộp cho. Ði qua hết dãy bàn là chiếc hộp vuông lớn cầm trên tay người homeless thức ăn đầy vun, nặng trĩu. Cuối cùng là lấy một cốc nước ngọt (hoặc chai nước ngọt nhỏ). Trái cây thì ăn bao nhiêu cứ nói, người thiện nguyện viên lấy cho vô túi nilon nhỏ đưa ra.

Chị Hằng nói đúng, hơn 400 chiếc hộp giấy đã phát ra chóng vánh, và cũng phát hết phần ăn vào 400 chiếc hộp rất chóng vánh. Mọi người vui vẻ, cười nói hỉ hả, nhưng lại không hề ồn ào, bát nháo. Cũng không có chuyện chen lấn, xô đẩy, giành giựt chỗ đứng, giành giựt thức ăn.

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my7
Thiện nguyện viên và tác giả

Một công việc rất là hay, mang đầy tính nhân văn, văn hóa của người cho lẫn người nhận khi trên gương mặt ai cũng nở nụ cười vui vẻ, mãn nguyện.

Nếu có tấm lòng, đâu cần phải tìm kiếm đâu xa nửa vòng trái đất, ngay trên đất Mỹ này thôi đã dư chỗ cho bạn làm việc thiện, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Chính phủ, số tiền dư lại được vào an sinh xã hội cho người nộp thuế, để đền ơn nước Mỹ bằng hành động thiết thực. Chớ đừng luôn mồm nói “Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang tôi”, nhưng ôm tiền về nuôi béo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my3
Cho và nhận

nguoi-viet-lam-tu-thien-tren-dat-my2

TPT