Tôi yêu Sài Gòn.
Sài Gòn thành phố của tôi.
Cái điệp khúc thân thương mà bi thiết ấy đã được cất lên cả ngàn lần. Và hôm nay, nhắc lại điệp khúc ấy nghe càng như xé ruột. Ôi, chúng ta mất Sài Gòn về tay Cộng Sản đã 43 năm. Ðã 43 năm nhưng Sài Gòn không mất trong trái tim ta.
Ðúng vậy. Nhất là với Nguyễn. Trong những bài tản mạn hay trong thơ, thỉnh thoảng hình ảnh thành phố Sài Gòn lại hiện lên. Với Dung, với bạn bè. Trên từng vỉa hè, góc phố, quán sách, quán cà phê. Chiều xóa thành đô / Thế nhân bàng hoàng / Giọng hát lời ca / Ôi sao nhịp nhàng / Dừng trên hè phố / Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi / Lá rơi bên thềm nhà… (Ca khúc Ðường Chiều – Hồng Duyệt) Ôi đã ngoài 22 năm rồi chưa một lần về lại. Bao nhiêu tang thương biến đổi. Nghe nói nhiều hàng cây đã bị đốn hạ. Nhiều địa điểm bị xóa tên. Vừa rồi Cang & Mỹ Liên về lại Sài Gòn, tính nhờ chụp cho mấy tấm ảnh trước Bưu Ðiện-Nhà Thờ Ðức Bà, trước La Pagode, Givral, khách sạn Continental, Majestic, những hàng cây sao trước trường Võ Trường Toản, Trưng Vương… Không biết còn như xưa không? Và mùa này chim én còn bay đầy trời chiều đường phố Sài Gòn… như trong thơ Thanh Tâm Tuyền?
Nhớ lắm, Sài Gòn. Vâng. Ðúng là như vậy.
Những hình ảnh của Sài Gòn xưa lúc nào cũng nằm trong ký ức không chỉ của những người Việt tị nạn ở đây mà còn của những người Mỹ từng đến Việt Nam trong thời chiến tranh. Một người đàn ông nay ở tuổi 79, hiện sống ở Florida, “từng là một nhân viên tình báo,” thông qua cháu ngoại mình, là anh Aaron Tock, muốn chia sẻ với độc giả những hình ảnh ở Sài Gòn mà ông đã từng chụp trong khoảng thời gian một năm làm việc tại đây.
Anh Aaron Tock, một giáo viên dạy tiếng Anh hiện ở Chicago, cho biết lý do vì sao ông ngoại anh lại muốn chia sẻ những bức hình này: “Tôi và ông nghĩ rằng những bức hình này có ý nghĩa rất lớn đối với những người Việt từng sống ở Sài Gòn nên chúng tôi muốn chia sẻ để họ nhớ lại những ký ức đó.”

Anh Tock cho biết ông ngoại của anh, hiện đang sống ở Florida, vì muốn ẩn danh nên không trực tiếp nói chuyện với phóng viên nhà báo phải liên lạc qua anh Tock. Ông kể qua email: “Tôi có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn vào ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1966. Tôi đón xe taxi để đến khách sạn. Nơi này nhìn ra một con đường nhộn nhịp. Tôi rời khỏi Sài Gòn gần đúng một năm sau đó, vào ngày 12 Tháng Mười Hai năm 1967.”
Nói về vai trò của mình trong quân đội, ngoại của Tock chỉ cho biết ông “là một nhân viên tình báo, đi thu thập thông tin rồi viết báo cáo.” Ông cho biết mình không có quân phục và chưa dùng súng bao giờ.
“Tôi muốn thấy, muốn nghe được phản hồi của những người từng sống ở Sài Gòn và có ký ức sâu đậm về nơi này, sau khi họ thấy được những bức ảnh này,” ông chia sẻ lý do tại sao ông muốn thông qua người cháu của mình, chia sẻ những bức hình này đến những người từng gắn bó với Sài Gòn.

Cũng theo ông, lý do ông chụp những bức hình này khi đó chỉ nhằm mục đích gửi kèm theo thư về Mỹ cho các cháu trai và cháu gái của ông để họ biết Sài Gòn là một nơi yên bình và gia đình không cần phải lo lắng về ông.
Trong một năm ở Sài Gòn, ông ngoại của Tock thường hay đi chụp hình. Nhiều lúc ông chụp hình các em nhỏ, rồi hôm sau quay lại gặp các em để đưa tặng tấm hình đó. Vì sống ở đó một năm, ông trở nên rất quen thuộc với thành phố và rất thích chụp hình. Cũng chính vì thế, ý nghĩa của những bức hình này đối với ông là để ông nhớ lại những khung cảnh đẹp đẽ, yên bình của Sài Gòn trong khoảng thời gian mà ông còn ở đó.
Tock cho biết, những bức hình này đã hơn 50 năm tuổi và anh đang có dự định biến những tấm hình này thành một quyển sách có tên “Sunny Saigon”. Như đã nói ở trên, anh và ông ngoại hy vọng những bức hình này sẽ gợi lên được những ký ức đẹp đẽ về Sài Gòn của những con người đã từng sinh sống ở thành phố này.
Những tấm hình của ông ngoại anh Aaron Tock đã được anh đưa lên trang Facebook của “Sunny Saigon” và trang web http://sunnysaigonbook.com/ ai cũng có thể vào xem. (theo Thiện Lê-nhật báo Người Việt)

Nhìn những tấm hình, nhớ ôi là nhớ. Sài Gòn của chúng ta ngày ấy là vậy. Yên bình và thân thương. Người người sống bên nhau, chia sẻ một bầu trời, ánh nắng, giọt mưa. Phố vui, với những con đường rợp bóng cây. Bước chân ngày ấy còn dội tới bây giờ. Bên em và ai nữa. Những hàng me xanh đường Catinat, những cây sao cây dầu cao vút quanh hồ Con Rùa và trên đường Chu Mạnh Trinh, đường Cường Ðể… Những cây bông sứ, cây ngọc lan và lũ chim. Thuở ấy chim không sợ người, người với người chưa xa cách. Bây giờ đọc báo, xem TV thấy những cảnh xe cộ chen lấn, người che mắt bịt mũi bịt miệng, cảnh chạy xe gắn máy giật túi xách phụ nữ rồi kéo lê nạn nhân tới mươi mét trên đường phố. Cảnh xâm nhập gia cư cướp bóc, hãm hiếp, giết người. Mới đây truyền hình chiếu cảnh một đám đánh nhau giữa Sài Gòn với mã tấu, dao găm, gậy gộc. Ôi, còn đâu Sài Gòn của tôi. Sau đây mời các bạn vào Google đánh mấy chữ Sài Gòn của tôi. Ian Bùi để sống lại ngày xưa.
TN – tổng hợp