Menu Close

Y học Âu Mỹ: Chuyện cũ chuyện mới

3 kỳ – kỳ 1

Y học là một ngành khoa học thực nghiệm, thay đổi theo sự hiểu biết của người về cơ thể, sức khỏe và bệnh tật. Những cách chữa trị xưa cũ, dựa trên sự hiểu biết thời ấy, dù ngày nay ta không dùng nữa nhưng là những chuyện “thật” được tiền nhân sử dụng với hy vọng chữa lành bệnh tật. Những cách chữa trị xưa cũ được buôn bán dựa trên thị hiếu của người mua được xem là chuyện “giả”, người bán biết không thật nhưng vẫn làm giàu qua việc nói dối, lường gạt.

So với các thứ bệnh tật khác, tính dục, khả năng sinh sản của nam phái là lãnh vực trị liệu được buôn bán nhiều nhất vì chuyện phòng the, chăn gối là chuyện thầm kín riêng tư dù có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống con người nhưng chẳng mấy ai nhìn nhận hoặc mang ra thảo luận và việc trị liệu do đó cũng chỉ âm thầm, che giấu. Chuyện càng âm thầm, càng giấu diếm, lại càng dễ lừa gạt!

Sách vở ghi chép nhiều câu chuyện buôn bán và lừa gạt sản phẩm trị liệu qua nhiều thế kỷ, mỗi ngày cách quảng bá, buôn bán các sản phẩm trị liệu một tinh vi một rộng rãi, dễ dàng qua môi trường truyền thông. Có những cách trị liệu chỉ được áp dụng trong mươi năm rồi chịu đào thải vì khoa học có cách trị liệu mới hơn, hiệu quả hơn. Ðiển hình là việc chữa trị một vài chứng ung thư. Cũng có loại trị liệu đi vào quên lãng vì chỉ “hấp dẫn” bá tánh cấp thời như một thứ thời trang!

Cho đến thế kỷ XIX, Y học mới được chính phủ các quốc gia tân tiến sắp xếp, đặt tiêu chuẩn để kiểm soát từ việc mở trường dạy nghề, khảo sát & cấp giấy phép hành nghề, đến việc thử nghiệm, chứng minh các phương cách trị liệu. Trước đó, thầy lang từa tựa như thầy pháp, chữa trị bệnh tật theo ý kiến riêng, chẳng có nhà cầm quyền nào kiểm soát. Ngành khoa học này được áp dụng dựa trên kinh nghiệm và thói quen của thầy thuốc; các cách trị liệu bao gồm 4 nhóm chính: allopathic (đối chứng, ngành y học Âu Mỹ phổ thông ngày nay), homeopathic (vi lượng đồng căn), botanical (dùng thảo mộc), và hydropathic (dùng nước trị bệnh).

chuyen-cu-chuyen-moi

Người hành nghề phát minh và quảng cáo nhiều cách trị liệu, chữa lành mọi bệnh tật từ đau lưng, xấu xí đến việc cùn ý, tắc chữ của nhà văn, rồi các loại thuốc chữa bá bệnh… Ðây là thời đại mà thầy thuốc tha hồ quảng cáo và người bệnh cứ xem quảng cáo mà mua thuốc tự chữa chẳng cần đến y sĩ, bác sĩ. Thuốc men cũng như mọi sản phẩm được con người sử dụng, khi không bị kiểm soát hay kiểm soát lỏng lẻo là cơ hội cho con buôn tha hồ buôn bán, đôi khi quảng cáo kịch liệt để lừa gạt người cả tin. Nhưng rồi các thầy lang thủa xa xưa dần dần được thay thế bởi những người đã trải qua chương trình huấn luyện như bác sĩ, dược sĩ ngày nay.

Y học dường như là một ngành khoa học xưa cũ nhất, hẳn vì có con người là có bệnh tật & sinh tử? Trải qua nhiều ngàn năm, nhiều thời đại và thay đổi, cổ nhân quan sát, áp dụng kinh nghiệm vào việc chữa bệnh và ghi chép các môn trị liệu ấy. Ðiển hình là một vài cách trị liệu phổ thông thủa ấy: Khái niệm “quân bình” của cơ thể xuất phát từ thời cổ Hy Lạp. Thầy lang, kể cả ông tổ Y học Âu Mỹ Hippocrates, tin rằng sức khỏe dựa trên sự quân bình của bốn thể chất trong cơ thể: máu huyết, đờm rãi, mật đen và mật vàng. Mỗi chất liên quan đến một mùa thời tiết:

– Mật đen liên quan đến đất (lạnh và khô), tương quan với mùa Thu

– Máu huyết liên quan đến không khí (nóng và ẩm), tương quan với mùa Xuân

– Mật vàng liên quan đến lửa (nóng và khô), tương quan với mùa Hạ

– Ðờm rãi liên quan đến nước (lạnh và ẩm), tương quan với mùa Ðông

(Khái niệm kể trên xem ra rất gần gũi với thuyết ngũ hành của Ðông Phương, chỉ thiếu “mộc”, cũng dựa trên hình tượng và vật thể trong thiên nhiên mà con người có thể quan sát chiêm nghiệm và đặt tên?)

Thủa xa xưa, việc chẩn đoán và chữa trị bệnh tật dựa trên khái niệm quân bình này. Thầy lang cho rằng người ủ dột, buồn rầu (melancholic) là do có quá nhiều mật đen; người có quá nhiều mật vàng thì nóng nảy, cáu kỉnh (choleric). Người lên cơn sốt (nóng và khô) là do quá nhiều mật vàng (!)… và để chữa trị, thầy lang dùng đờm rãi (lạnh và ẩm) để lấy lại quân bình cho cơ thể.

Rút máu cũng là một cách phổ thông để lấy lại quân bình giữa các thể chất, và thường do các thầy lang – thợ hớt tóc (surgeon-barber) đảm nhận vì vào thời Trung Cổ tại Âu Châu, trận dịch hạch (Black Death) vĩ đại đã giết hầu hết các bác sĩ huấn luyện từ trường Y khoa và tu sĩ không được nhúng tay vào máu. Cần rút máu để lấy lại quân bình cho cơ thể mà không biết nhờ ai, bá tánh bắt đầu nhờ thợ hớt tóc lấy máu vì đây là những người sử dụng dao kéo thuần thạo. Từ đó thợ hớt tóc thành thầy lang (thang), lithotomist, đi từ làng này sang làng khác để chữa bệnh qua cách cứa mạch máu.

Năm 1540, Vua Henry VIII ban lệnh gom chung các bác sĩ (gọi là “surgeon” vì dùng dao kéo để mổ xẻ, Fellowship of Surgeons) và các thợ hớt tóc (Company of Barbers) thành một nhóm “the Company of Baber-Surgeons” để cùng hành nghề mổ xẻ chữa bệnh. Sự kết hợp giữa bác sĩ và thợ hớt tóc kéo dài suốt 200 năm sau đó.

Rút máu cũng được dùng để chữa trị các cơn sốt khi con bệnh xem ra “nóng và khô”; để “quân bình”, thầy lang rút máu khiến cơ thể giảm nhiệt (mất máu nên con bệnh lạnh run và xanh tái).  Lịch sử ghi chép rằng chính Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington cũng bị rút máu cho đến chết (9 túi máu) để chữa chứng nhiễm trùng cổ họng!

Ngày nay, ta vẫn dùng cách rút máu để trị bệnh, nhưng chỉ chữa một căn bệnh duy nhất là Polycythemia vera, một chứng bệnh do tủy xương chế tạo quá nhiều hồng cầu.

Một cách rút máu khác (thay vì dùng dao kéo cứa mạch máu), cổ nhân dùng đỉa hoặc dùng ống hút (tựa như “giác hơi” bên ta) tạo ra những tụ máu bầm dưới da. Thầy lang Galen đã dùng đỉa hút máu người bệnh để trị thống phong (gout), viêm khớp xương và kinh phong cũng như nhiều căn bệnh khác.

Ngày nay, ta không còn dùng đỉa để hút máu nhưng lại dùng đỉa trong một vài trường hợp: đỉa tiết ra chất nhờn làm đông máu nhanh (tác dụng cầm máu) và kích thích tế bào mô liên kết tăng trưởng nhanh chóng (vết thương chóng lành).

Xem xét nước tiểu để chẩn bệnh (uroscopy)

Khái niệm nước tiểu là biểu hiện tình trạng sức khỏe của cơ thể đã được các thầy lang phương Tây sử dụng từ thời cổ Hy Lạp, hai thầy lang lỗi lạc Hippocrates và Galen cũng đã dùng cách chẩn bệnh này. Trong sách vở, thầy lang Actuarius của hoàng gia Constantinople (năm 1300) viết rằng “chỉ cần thấu hiểu về mạch và nước tiểu là ta nắm vững cách chẩn đoán và chữa trị”. Sau đó ta có cả trăm cuốn sách nói về màu sắc của nước tiểu và sự liên quan đến bệnh tật. Có thể nói việc sử dụng nước tiểu để chẩn bệnh trở nên rất thịnh hành trời Trung Cổ nên đã có các thầy lang (thang) đi qua từng thôn làng, xem xét nước tiểu, trị bệnh rồi đi… luôn. Việc chẩn đoán bệnh tình qua “nước tiểu” tiếp tục phổ thông gần cả ngàn năm. Cuối thời đại, có thầy lang (băm) viết sách kể rõ các mánh khóe làm thế nào để dụ dỗ bá tánh qua việc dùng nước tiểu.

Ngày nay, thử nghiệm nước tiểu (urinalysis) giữ một vai trò khiêm nhường trong việc chẩn đoán bệnh tật.

(còn tiếp)