Menu Close

Chư Pa (kỳ 2)

chu-pa2

Hồi Ký của Vương mộng Long – k20    

Xuống bình nguyên là nghe gió ngàn phần phật. Ðất giàu màu mỡ làm lau sậy mọc tràn lan. Toán tiền thám phải dọ dẫm từng bước. Những con lộ chính trong vùng địch kiểm soát chắc chắn không có mìn. Nhưng tình hình an ninh không cho phép ta chỉ đi trên lộ chính. Cái đáy trước của nấc thang phải bao gồm cả hai bên đường, lộ chính và lộ phụ. Ðặc biệt là di chuyển trên lối phụ dưới thung lũng rất dễ vướng bẫy thú của Thượng Cộng. Chỉ cần ta ơ hờ một chút, cái bẫy đã túm ngay một cẳng ta, treo ta lên cây. Ðã có lần tôi chứng kiến một chú heo rừng bị treo lơ lửng giữa không trung. Chú heo rừng nặng cả trăm ký tòn ten đung đưa giữa trời, miệng sùi bọt trắng. Nơi chúng tôi đang đi qua, nhiều bãi sình có dấu heo ủi, cả đàn. Nơi nào có heo rừng, có Thượng Cộng, thế nào cũng có bẫy.

Ðường bắt đầu đi lên. Bi đông chàng nào cũng đầy nước. Núi trước mặt cao cỡ ngàn mốt, ngàn hai. Hai bên yên ngựa là vực sâu. Gió hú ù ù. Trời lạnh lắm. Càng lên cao càng lạnh. Mục tiêu 1 ở trên kia. Trên bản đồ hình thù của nó chỉ như hạt đậu. Thực tế đó là một ngọn đồi, một ngọn đồi có đủ cả các thành phần: chân, triền và đỉnh.

Anh Ðàm có lẽ đã tới con thông thủy. Tôi nghe anh ra lệnh:

Thái Sơn cho lều võng, khói lửa được rồi! Nhớ nhấn tới trước vài vòng (cao độ) cho chắc ăn nghe chưa?”

“Nhận 5!”

Tôi tự nhủ: “Hoàng Mai khôn cách chi! Ổng thì ngủ dưới con thông thủy, vừa ấm áp vừa có nước. Ổng chơi ác! Bắt mình nằm chênh vênh giữa trời, chắc mình biến thành cục nước đá đêm nay mất thôi!”

chu-pa6

Ðêm đó hai Ðại đội 1&3 quây tròn trên mục tiêu 1. Tôi và anh Quí ngồi tâm sự tới khuya mới chia tay về lều. Quí là sĩ quan khóa đặc biệt. Anh về phục vụ tiểu đoàn này đã hơn hai năm. Anh ta gốc AET (Thiếu Sinh Quân) nên căn bản quân sự rất vững. Hai đứa tôi khá thân.

Ðêm đó Quí thổ lộ với tôi rằng, sau Tết Âm Lịch anh ta sẽ cưới vợ. Vị hôn thê của Quí đang học Ðệ Nhị Trung học Bồ-Ðề, Pleiku. Anh say sưa nói về ngày mai, về giấc mộng con con, bình thường. Tôi cảm thấy vui lây cái vui của bạn.

Tôi nghe đâu Thiếu úy Trần Lũy, đại đội trưởng Ðại đội 2/11 sắp cưới con gái ông Thượng sĩ Thường-Vụ của Tiểu đoàn 22 Biệt Ðộng Quân. Còn anh Trung úy Nguyễn Lạn, đại đội trưởng Ðại đội 4/11 thì chuẩn bị neo thuyền trên bến Ðà-Lạt.

Sắp Tết rồi! Ðám cưới! Vui quá đi thôi! Tha hồ mà nhậu! Thời buổi được mùa! Dưới trướng Hoàng Mai, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân đắt đào ghê! Ông tiểu đoàn trưởng Hoàng Mai vừa mới “không vận” được một cô nữ sinh viên từ trường Chính-Trị Kinh-Doanh, Ðà-Lạt về cư xá sĩ quan làm áp trại phu nhân, thì nay đã tới phiên ba ông đại đội trưởng giã từ kiếp sống sê-li-bạt (célibataire).

Như vậy thì, sau Tết Âm Lịch, trong số tứ sơn (Thái Sơn, Kỳ Sơn, Trường Sơn, Lam Sơn) chỉ còn có một mình Thái Sơn là tôi đây, vẫn lênh đênh như “con thuyền vô duyên” của nhạc sĩ  Ðặng Thế Phong. Quả thiệt, về cái chuyện “nớ” thì tôi chậm lụt hơn chúng bạn nhiều.

Thấy tôi có vẻ mắc cỡ, anh Quí an ủi: “Tại mày nhát gan, thấy gái là đỏ mặt, cấm khẩu. Chứ tao thấy mày can đảm chút nữa thì thiếu gì đào!”

Nói đúng ra, trong thời gian qua, tôi cũng có nhiều dịp lọt vào “thị trường” của vài cặp mắt xanh ở thành phố Pleiku này. Nhưng mỗi khi chạm mặt “đối phương tóc dài” thì tôi lại lờ quờ.

Ðôi khi tôi tự an ủi rằng nguyên nhân của sự chậm lụt này cũng do “thời thế” mà ra. Số là, đầu năm 1966, khi tôi làm đại đội trưởng Ðại đội 3/ Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân ở Ðà-Nẵng; vài bà bạn Bắc-Kỳ di cư của mẹ tôi ở Hội-An, đang cố gắng “siết chặt dây thân ái” (trích Võ Bị Hành Khúc) với mẹ tôi, hy vọng sẽ có ngày thành sui gia; thì đùng một cái, ông Ðại úy Nguyễn Thừa Dzu, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân, dẫn quân theo ông Nguyễn Chánh Thi, đảo chánh ông Nguyễn Cao Kỳ. Thời gian này Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân chỉ có ba đại đội 1, 3, 4 đóng quân tại sân vận động Chi-Lăng (Ðà-Nẵng), riêng Ðại đội 2/11 của Trung úy Tôn Thất Trực đang biệt phái cho quận Quế-Sơn.

chu-pa5

Ðảo chánh hụt, ông Thi lên máy bay chạy tuốt. Ông Dzu trở cờ, chui vào phi trường theo ông Kỳ. Ông Kỳ cho ông Dzu lên thiếu tá, làm Cò Cảnh-Sát. Sau khi ông Dzu đi mất, tôi đã chỉ huy tiểu đoàn này tiếp tục chống ông Kỳ. Kết cuộc, Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân bị đổi vào Pleiku; Tiểu đoàn 21 Biệt Ðộng Quân từ Pleiku, được chuyển ra Ðà-Nẵng. Tôi bị “quất” tổng cộng chín chục củ: Ông Lãm (Tư Lệnh Vùng 1) phạt tôi 30 Trọng Cấm; ông Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng) phạt thêm 60 Trọng Cấm. Tôi còn bị đưa ra hội đồng kỷ luật Nha-Trang; bị giáng cấp; bị treo lon. Ðời tôi đi vào khúc quanh “lắc lư con tầu đi”. Thời gian này mẹ tôi buồn lắm. Những bà bạn của mẹ tôi thì, không ngần ngại cắt đứt ngay sợi “dây thân ái” với mẹ tôi.

Ở Liên đoàn 2 Biệt Ðộng Quân (Pleiku) tôi gặp Trung tá Nguyễn Ðức Ninh liên đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm Văn Toán liên đoàn phó, Ðại úy Nguyễn Văn Huân ban 3 và Trung úy Hồ Khắc Ðàm ban 2. Những vị này đã bao bọc tôi sống lất lây cho qua thời mạt rệp.  Anh Huân dạy tôi nhiều thứ lắm, trong đó có món “kén vợ”.

Anh Huân giảng giải: “Con gái nó ghê lắm! Chú mày lớ ngớ không điều tra kỹ, cứ tin cái miệng ngọt xớt của chúng nó là chú mày chết! Chưa tìm hiểu kỹ càng tông đường nhà nó, rước nó về. Vài năm sau nó cưỡi lên cổ chú nó ‘nhong! nhong!’ Rồi nó đẻ cho chú một bầy con. Nó đánh mắng con chú. Ðến lúc chú có cháu, nó đánh cháu chú. Ba đời nhà chú nằm trong tay nó. Hết đường cục cựa!”

Vì ảnh hưởng lời khuyên của huấn luyện viên Nguyễn Văn Huân, gặp cô nào tôi cũng thủ thế, điều tra từ từ. Gặp nhau, tôi cứ quan sát địch thủ mà không ra chiêu nào, thủ khẩu như bình. Các cô thấy tôi ngồi nín khe lắng nghe, các cô cứ líu lo như chim vành khuyên. Các cô phát thanh chán chê rồi ngồi chờ tôi nói. Tôi chỉ toét miệng cười. Gặp nhau vài lần, câu chuyện đổi trao vẫn loanh quanh nắng mưa, mưa nắng. Hình như các cô chỉ chờ tôi nói nhỏ “Je t’aime” là các cô xỏ mũi tôi, lôi ra xe Jeep chở đi học để trình diện với bạn bè. Các cô chờ tôi. Tôi cứ đánh trống lảng. Hai nhân vật ngồi nhìn nhau. Nhìn nhau mãi bắt chán! Thời gian qua đi vèo vèo. Vì thế, tôi ở Pleiku đã ba năm rồi “mà lòng thì chưa hề yêu ai”  (nhạc Trần Thiện Thanh) Trong lều, đôi bạn tâm sự. Ngoài kia, gió rừng rít từng cơn. Ðêm Ðông, trong núi, lạnh kinh hồn.

Sáng N+2 sau khi làm chủ ngọn núi cao trên 1200 mét, tôi bố quân chờ bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mãi gần trưa liên đội B mới hoàn tất việc thay thế vị trí của liên đội A. Ðường tiến sang mục tiêu 2 không có gì khó đi. Nhưng dấu vết địch dẫy đầy, toàn dấu mới. Vừa đổ dốc được vài phút, Trung đội 3 đã chạm địch. Ðịch bắn trước, nhưng may mắn quân bạn không ai trúng đạn. Nửa trung đội đi bên trái lại vớt được một tên Việt Cộng, tịch thu một AK báng xếp. Trung đội 3 của Thiếu úy Biện lại lập chiến công lần nữa! Từ khi Thiếu úy Ðặng Hữu Duyên, trung đội trưởng Trung đội 1 thuyên chuyển khỏi đại đội này cách đây vài tháng, thì anh Thiếu úy trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu Ðinh Quang Biện (khóa 25 TÐ) trở thành sĩ quan trung đội trưởng thâm niên nhất của đại đội tôi. Thiếu úy Biện là trung đội trưởng duy nhất mà tôi dám cho đi “sô lô” một cánh riêng, xa hẳn ban chỉ huy đại đội trong những lần hành quân diều hâu quanh Pleiku.

Anh Biện là một sĩ quan rất can trường và bén nhạy lúc chạm trận. Thêm vào đó, anh là người chỉ huy rất mát tay. Mặc dù mỗi khi hành quân, Trung đội 3 thường chạm địch nhiều hơn các trung đội khác, nhưng cả năm nay chưa có người lính nào dưới quyền anh tử trận. Kỳ này vào trận mới ba ngày, mà Trung đội 3 đã chạm địch ba lần.

Trên ve áo tên cán binh Việt Cộng mới bị giết có cái quân hàm bằng nỉ màu đỏ, hai sao vàng trên một gạch vàng. Giấy tờ trong túi áo y cũng xác nhận rằng y chính là trung úy thủ trưởng C17/Trinh Sát/E24. Tôi báo cáo tin này cho Hoàng Mai, rồi chuyển gấp lên cho ông quyển sổ ghi danh sách toàn bộ Ðại đội C17 Trinh Sát/ E24 để Phòng 2 Quân đoàn II cho người xuống lấy.

chu-pa4

Tới tối, Hoàng Mai cho tôi biết kết quả khai thác tài liệu tịch thu được trưa nay xác nhận rằng, từ ngày vào vùng tới giờ đã có trên mười tên Việt Cộng bị Ðại đội 1/11 loại ra ngoài vòng chiến. Tiếc rằng sau mỗi lần chạm địch, tôi đã không chịu khó mở rộng vòng kiểm soát kết quả; vì vậy tôi tưởng chỉ có bốn tên địch bị giết trong ba lần chạm súng.

Ngày N+3 tôi được lệnh tiến chiếm mục tiêu 3. Mục tiêu 3 nằm về hướng Bắc của chúng tôi. Mục tiêu là cái khoanh tròn bao trùm một đỉnh núi có cao độ 1485 mét. Tên ngọn núi này là Chư Pa. Vì không rõ trên núi có nước hay không, cho chắc ăn, tôi ra lệnh mỗi người đem trên vai hai ngày cơm vắt cùng một bi đông nước dự trữ. Quân tôi lên đường từ khi trời còn mờ sương.

Qua một cái thung lũng rất sâu chúng tôi bắt đầu leo. Ðường dốc đứng, đá xanh, cạnh sắc như dao. Mỗi khi bản đồ ghi một vòng cao độ phình ra thì đó là một ngọn đồi. Ngọn đồi nào cũng vĩ đại. Cây rừng cao lắm, mà tàn lá thì đan nhau che kín ánh nắng mặt trời. Ðịa thế ở đây hoàn toàn không đúng với bản đồ. Ðịa thế khác hẳn những chi tiết ghi trên bản đồ vì bản đồ chỉ là bản sao của không ảnh chụp mặt đất có rừng cây che phủ.

Khi băng ngang những dãy đồi kế tiếp nhau trên cao độ 1200 mét tôi cứ nơm nớp lo sợ bị tập kích bất ngờ. Lối mòn chằng chịt, đầy dấu xe thồ, dấu giầy vải, dấu dép râu. Ðại đội tôi đi đơn độc, vì Ðại đội 3/11 còn nằm lại với bộ chỉ huy tiểu đoàn nơi chúng tôi đóng quân đêm trước. Cánh B đã vào vùng hoạt động riêng của họ hướng Tây Nam.

Tôi báo mọi tin tức thu lượm được về tiểu đoàn. Tôi xin anh Ðàm cho pháo binh Mỹ đánh tập trung trên những hỏa tập dự phòng hướng Tây. Tới trưa thì chúng tôi vượt qua khu nguy hiểm. Chúng tôi lên tới những vòng cao 1300. Lan rừng quệt trên nón sắt. Không thể ngờ rằng trên cao như thế mà trong rừng đầy khe, đầy suối. Ban ngày mà răng chúng tôi đánh bò cạp, lạnh run. Phía trước có ánh sáng trên cao. Sắp tới đỉnh núi! Một mảnh trời xanh xuất hiện từ từ. Chúng tôi chui khỏi rừng già, ra tới một vạt cỏ tranh. Cỏ tranh vây quanh chân một tảng đá xanh. Tảng đá xanh trước mặt tôi là đỉnh Chư Pa cao 1485 mét.  Tôi leo lên tảng đá để dễ bề quan sát địa thế.

chu-pa3

Bố quân xong, tôi dùng cái lưỡi lê M16 của Binh nhất Phạm Công Cường khắc lên mặt đá những dòng chữ sau đây: TA LÀ VUA (dòng đầu), Trung úy VƯƠNG MỘNG LONG (dòng thứ nhì), ÐÐT/ÐÐ1/TÐ11/BÐQ (dòng chót). Thời 1966 mới tới Pleiku, tôi hay lang thang ở sân nhà thờ “nhìn” những con chiên dễ thương của Chúa đi xưng tội sáng Chủ Nhật. Trong sân  nhà thờ có pho tượng Chúa Kito với dòng chữ “TA LÀ VUA” dưới chân ông. Tôi mê dòng chữ đó quá. Từ đấy, trên những cái hộp quẹt ZIPPO của tôi, tôi đều thuê thợ khắc “TA LÀ VUA” ở một mặt. Mặt kia khắc cái đầu cọp và ba chữ tên tôi “VƯƠNG MỘNG LONG”. Nay có dịp khắc tên mình lên đá, tôi cũng lặp lại những dòng chữ trên. Cái đỉnh núi này chưa có ai đặt chân tới. Tôi chinh phục được nó. Tôi xác nhận chủ quyền của tôi đối với nó thì cũng là chuyện hợp lý thôi! Những năm sau, tôi đã nhiều lần bay ngang qua đây, nhiều lần đóng quân trên đỉnh ngọn núi này. Ðầu năm 1971 tôi đã đổ bộ Tiểu đoàn 4 Mike-Force của tôi xuống đỉnh Chư-Pa. Chúng tôi xuống dốc, lục soát men theo bờ đông sông Pơ-Kô tới thác Yaly rồi tiến về trại Lệ-Khánh (Pơlei Kleng). Lần chót, vào tháng 6/1973 tôi nằm trên vị trí này năm ngày để dễ liên lạc truyền tin với toán viễn thám của Binh nhất Mok (Viễn Thám/ Phòng 2/ Bộ Chỉ Huy/ Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2) những dòng chữ tôi khắc trên đá vẫn còn đó.

Chư Pa là một ngọn núi cao sừng sững án ngữ một vùng trời miền Tây Bắc Pleiku. Trên bản đồ tỷ lệ 1 trên 50 nghìn thì Chư Pa nằm cách Plei M’rong hơn một gang tay về bên trái. Ðỉnh núi là một tảng đá hình khối chữ nhật, cao cỡ mười mét, dài và rộng cỡ hai chục mét. Ðứng trên tảng đá đó, tôi có thể húp từng ngụm mây vào đầy phổi; giơ tay tóm, vén từng sợi mây đang dập dềnh trước mặt; rồi có cảm tưởng mình gần với trời hơn là với đất. Dưới chân tôi, hướng Ðông Bắc là thác Yaly, chính Ðông là hồ Ia-Lou và trại Lý Thái Lợi, Plei M’rong, xa hơn là Quốc lộ 14 vòng vèo quanh chân núi. Trong tầm nhìn của tôi, đầu Bắc Quốc lộ 14 là đồi Chư Pao. Bên trái và xa hơn Chư-Pao là thành phố Kontum. Cuối Nam Quốc lộ 14 là đỉnh Dang Rơia (1478 mét). Bên phải rặng núi này là Biển-Hồ (Pleiku), hậu cứ của Liên đoàn 2 Biệt Ðộng Quân. Hướng Tây Chư Pa là dòng Sé-San. Giữa dòng Sé-San có một cồn cát và đá, cây cối xanh rì. Bên kia sông, hướng Tây-Tây-Bắc là hai đỉnh Cư Ki Tem Da và Cư Di Coi. Ðàng sau những rặng núi trùng điệp đó là biên giới tỉnh Ratanakiri, Cambot. Chính hai ngọn Chư Pa (1485 mét) và Cư Ki Tem Da (1528 mét) cao vòi vọi đã ép dòng sông Pơ-Kô vào giữa, khiến nó dồn dòng, chảy qua một khúc quẹo ngặt nghèo, rồi đổ xuống cái thung lũng xanh tươi vùng Tây Plei Djereng. Từ đây con sông Pơ-Kô mang tên mới là sông Sé-San thênh thang. Sé-San là đầu nguồn của sông Tônlé San (một nhánh tạo thành Cửu Long). Mùa Ðông, hai ngọn núi Cư Ki Tem Da và Cư Di Coi mây xây thành trắng xóa. Ðỉnh của hai ngọn núi này đoi, chỉ có cỏ tranh, không có cây xanh. Buổi chiều, nắng chiếu ngược từ hướng Tây, tạo nên một cái nền đỏ rực sau lưng hai ngọn núi, cho ta cái cảm tưởng hai đỉnh núi là hai cục than hồng, hừng hực cháy giữa không trung. Mặt trời trên đường về quê hương Angkor đã để lại sau lưng nó những tia vàng lóng lánh. Mùa khô Tây Nguyên, đứng trên đỉnh Chư Pa vào lúc chớm đêm, thật là khó phân biệt được đâu là trời, đâu là đất. Ánh sáng lấp lánh, lập lòe trước mặt ta có thể là ánh sao trời, nhưng cũng có thể là ánh lửa từ nương rẫy đang cháy. Ðêm không trăng, trước mắt tôi là một không gian bồng bềnh. Tôi lâng lâng trong ảo giác vertigo (chóng mặt). Gió đuổi nhau từng cơn. Trong gió thoang thoảng hương lan rừng. Tiếng thác rì rào có lúc nghe thật gần, có lúc nghe rất xa. Thời gian qua chầm chậm, Chư Pa chìm từ từ xuống biển sương mông mênh.

Sáng N+4 đại đội tôi xuống núi từ khi trời còn tối. Chúng tôi về tới triền Nam của Chư Pa vào lúc ban trưa. Tôi dừng quân trên đoạn yên ngựa án ngữ con đường thồ độc đạo ngay đỉnh một cái dốc của vòng cao 900 mét. Sau khi Hoàng Mai rời Ðại đội 3/11 để theo cánh B thì Ðại đội 3/11 nhổ neo đến với tôi. Tới chiều N+4 thì Ðại đội 3/11 bắt tay được Ðại đội 1/11.Từ ngày mai, Ðại đội 3/11 của Trung úy Quí sẽ giữ nhiệm vụ đi đầu. Tôi báo cho Quí biết sự sai lệch giữa thực địa và bản đồ. Ðể chắc ăn, Quí cho một trung đội của Ðại đội 3/11 vượt qua Ðại đội 1/11 đóng chốt cách tôi khoảng hai trăm mét về hướng Tây. Sáng mai, từ tiền đồn này, quân của Quí tiến vào mục tiêu 4. Mục tiêu 4 nằm dưới vòng cao 500 mét. Theo dự trù, thì những ngày kế tiếp, cánh A sẽ đổ dốc, vòng qua mục tiêu 4 và 5 cho tới sát bờ Pơ-Kô thì quẹo trái để gặp cánh B nơi bờ sông có cái cồn cát lớn giữa dòng.

 (còn tiếp 2 kỳ) 

Seattle, ngày 06 tháng 06 năm 2006, xem lại và hiệu đính tháng 4-2018.