Menu Close

Giác Hải Tự

Người lớn tuổi sinh sống ở vùng Chợ Lớn chắc hẳn còn nhớ một ngôi chùa nhỏ toạ lạc trong con hẻm cuối đường Lục Tỉnh (nay là Hồng Bàng). Ngôi chùa này có tên tiếng Hán là Giác Hải Tự, kiến trúc không cầu kỳ như truyền thống của các chùa chiền mà được xây dựng hoàn toàn theo kiểu phương Tây lạ mắt. Phía mặt hông dùng làm mặt chính, trang trí  hai con rồng hai bên, phía trên có tám hàng chữ Hán tóm lược sự tích Phật Thích Ca, lại có ghi năm dựng chùa Canh Dần (1920).

giac-hai-tu3
Chùa Giác Hải khi xưa có kiến trúc khác hẳn với các ngôi chùa ở Sài Gòn (Ảnh: Tài liệu)

Ðến nay, tôi vẫn còn nhớ một phần hình ảnh của Chùa Giác Hải mặc dầu hình dáng đó sắp dần phôi pha trong ký ức. Thuở những năm cuối thập niên 1960 một lần theo ba tôi đến vùng Phú Lâm thăm người bà con. Ðối với một đứa trẻ, được đi chơi luôn là điều thích thú. Thăm hỏi chuyện vãn xong, người bà con xa bên nội rủ đi ăn mì Cây Gõ rồi tiện thể ghé đến một lò đúc tượng Phật để nhận tượng Phật Bà Quan Âm mang vào Chùa Giác Hải gần bên nhờ sư thầy tụng kinh, làm phép để về nhà thờ cúng.

Gần Chùa Giác Hải thuở đó, có tới hai cơ sở tạc tượng Phật. Tượng làm bằng gỗ mít cũng có nhưng không nhiều, đa số tượng đúc bằng thạch cao. Lần đầu trong mắt một đứa nhỏ, được xem người đời tự tay nắn ra hình thù các loại tượng Phật thật là lạ lẫm. Nhưng lạ lẫm hơn là khi mang tượng đến chùa, hình ảnh ngôi chùa làm tôi ngờ ngợ là một ngôi nhà hơn một ngôi chùa, có bậc tam cấp bước lên cửa chính hình cánh cung. Chung quanh không có cây cối mát mẻ, lại không có một pho tượng Phật ngoài sân. Người bà con của ba tôi nói Chùa Giác Hải, xây theo kiểu Pháp.

giac-hai-tu2
ảnh Hoà thượng Thích Từ Phong người có công trong việc xây dựng Giác Hải Tự (Ảnh: Tải liệu)

Người Pháp đương nhiên là không có thờ Phật nên họ thiết kế bản vẽ chùa theo kiểu nhà thờ chăng? Chuyện này mãi đến bây giờ tôi mới hiểu thêm chút ít nhờ người bạn lớn tuổi hiểu biết nhiều chuyện chùa chiền. Ông cho rằng, kiến trúc Chùa Giác Hải chẳng qua là loại kiến trúc pha trộn Ðông – Tây. Ông đưa ra hình ảnh nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, ngôi giáo đường thờ Chúa cũng mang hình ảnh đậm  nét phương Ðông, mái phương đình lượn cong, cấu trúc bên trong bằng gỗ. Chùa Giác Hải cũng tương tự, thờ Phật nhưng lớp áo kiến trúc rặc Tây. Mái ngói trang trí bông sắt trên đầu hồi, cửa sổ tròn thông gió, mặt hông làm cửa chính, phía trên trang trí giản đơn theo kiểu nhà hát. Hình thể này có thể thấy ở Nhà hát Bình Dương hồi xưa hay vài ngôi nhà làm khách sạn ở tận bên Thượng Hải mà có lần ông đi du lịch ghé thăm. Nói chung đó là kiểu cách của kiến trúc Tây phương.

Kiểu kiến trúc Tây nhưng ngôi chùa này do thợ người Việt mình cho xây dựng trên phần đất rộng hơn 2,500 mét vuông. Phần đất này nguyên trước kia là của bà Trần Thị Liễu ở xóm Chợ Gạo, làng Tân Hoà Ðông, tổng Long Trung, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc quận 6) lập một kiểng chùa để tu tại gia, tu tâm dưỡng tánh, an hưởng tuổi già. Chùa được cất bằng gỗ theo kiểu truyền thống. Ðược một thời gian, bà cúng ngôi chùa cho Hoà thượng Hoằng Ân ở Chùa Giác Lâm và mời Ngài về làm trụ trì và đặt tên ngôi chùa tại gia của bà Liễu thành Giác Sơn Tự. Sau đó, Hoà thượng Hoằng Ân cử Hoà thượng Thích Từ Phong về Giác Sơn Tự để hoằng dương Phật Pháp.

Tôi xin mở rộng vài câu chuyện thú vị về Hoà thượng Thích Từ Phong trong thời gian Ngài về trụ trì Chùa Giác Hải. Khi đến Giác Sơn Tự, Hoà thượng Thích Từ Phong nhận thấy hai chữ Giác Sơn chưa đủ nghĩa, nên Ngài đổi lại là Giác Hải lấy ý trong câu “Giác giả năng độ mê tân / Mê giả tắc trầm khổ hải” (Người giác (ngộ) dễ qua bến mê. Kẻ mê ắt chìm trong bể khổ). Ngài vốn là người uyên bác, nghiên cứu Phật Pháp sâu rộng, lại có tài thuyết giảng luôn thu phục người nghe. Nhiều chùa chiền ở miền Nam dâng cúng để Ngài chấn hưng Phật giáo.

giac-hai-tu1
Các Tháp mộ thờ các vị Hoà thượng phía sau chùa (Ảnh: Giacngoonline)

Trong tập sách Tiểu sử Danh tăng VN thế kỷ XX tập 1 của Thích Ðồng Bổn viết: “Ðạo đức, học vấn và tài hùng biện của Ngài nổi tiếng đến độ có một số người Pháp thường đến chùa tham vấn, tôn Ngài vào bậc thầy, trong đó có ông Lamacs (lúc đó làm thiếu tá hải quân). Ông Doumergue (lúc đó làm Thống đốc Nam kỳ). Hoàng gia Campuchia đã bốn lần thỉnh Ngài sang Phnom Penh thuyết pháp. Mặc dầu hoàng tộc và triều thần thường nghe giáo lý Tiểu thừa nhưng do hai bên đều thành tâm vì đạo pháp nên vẫn được kết quả cao. Một sự kiện khá hy hữu đã xảy ra: vua Norodom cảm phục đạo hạnh cao cả và kiến thức uyên thâm của Ngài đã thỉnh Ngài làm lễ xuống tóc để xuất gia tu học có kỳ hạn theo phong tục nước Cao Miên”.

Trở lại chuyện xây dựng chùa, từ ngôi chùa xây dựng bằng gỗ, Hoà thượng Thích Từ Phong bắt đầu cho xây dựng lại bằng gạch, mái ngói và có kiểu kiến trúc phương Tây. Ðây phải nói là một công trình “chùa lạ” ở Sài Gòn nói chung và miền Nam nói riêng. Không một nơi nào có chùa hình dáng như thế này. Nguyên do tại sao Hoà thượng Thích Từ Phong lại chọn thiết kế chùa theo một phong cách mới thì chưa có tài liệu nào xác thực. Cái mới cũng chỉ là lớp vỏ bên ngoài, bên trong thờ tự thì vẫn theo khuôn phép giáo lý đạo Phật.

Một thời gian sau khi xây dựng chùa xong, nhận thấy chung quanh khuôn viên chùa dân cư các nơi kéo về sinh sống, không còn cảnh thanh tịnh như trước nữa, Hoà thượng Thích Từ Phong bàn giao kế vị Chùa Giác Hải cho Hoà thượng Thích Trí Minh. Ngài về Gò Kén, Tây Ninh, lập ra Thiền Lâm tự cho được u tịnh hơn. Tại đây, Ngài toàn tâm viết ra quyển Phát Bồ Ðề Tâm văn. Ðến năm 1939 quyển sách này được ấn hành và cũng là lúc Ngài viên tịch về cõi Niết Bàn.

Hẳn thời Hoà thượng Thích Từ Phong làm trụ trì Chùa Giác Hải, vùng này còn thưa thớt dân cư, cho đến khi Hoà thượng Thích Trí Minh làm trụ trì thì vùng đất nơi đây trở thành thị tứ do bùng nổ dân số đô thị là chuyện tất yếu. Ðến khi tôi lần đầu nhìn thấy Chùa Giác Hải hồi cuối thập niên 1960 thì chùa đã nằm trong một con hẻm nhỏ. Chung quanh nhà là nhà vách gỗ bao quanh. Nhưng đến thập niên 1980 thì ngôi chùa gần như bị bao kín bởi các ngôi nhà lấn chiếm đất chùa. Ðất chùa thu hẹp còn dưới hai ngàn mét vuông. Và sau này chùa được trùng tu lại mặt tiền, xây thêm hàng hiên che mưa che nắng, cũng như nhiều chi tiết đã làm ngôi chùa xưa gần như không còn nguyên vẹn hình thái ban đầu.

giac-hai-tu
Chùa Giác Hải đã được trùng tu sau này (Ảnh: Kiến Thức)

Thật ra, lối kiến trúc xưa của chùa có nhiều khuyết điểm, mặt tiền không có hiên, cửa sổ lá sách, mưa nắng dễ tạt vào làm hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Vài chi tiết trang trí chùa còn lưu giữ trên mặt tiền như viền trang trí gạch men Tây, đỉnh đầu hồi, hai con rồng đáp nổi và ba chữ Hán Chùa Giác Hải. Phần còn lại đã hoàn toàn mới, ngay cả bên trong nền sàn được thay bằng gạch bông bóng láng, trụ cột được thay bằng cột bê tông.

Mặc dù vậy, phần bàn thờ vẫn được giữ nguyên gồm 9 cái đóng y như bàn thờ Phật ở Chùa Giác Lâm và 11 bức tranh trên tường kể lại sự tích Ðức Phật. Ðặc biệt, Chùa Giác Hải từ khi xây dựng hồi năm 1920, bài trí bên trong không có các câu đối hay hoành phi như thường thấy ở các chùa khác. Phải chăng thuở Hoà thượng Thích Từ Phong đã đưa ra một lối cách tân chùa cả hình thức bên ngoài lẫn bên trong nội thất? Ngoại trừ, ở cuối phòng chỗ bàn thờ giám trai, Phật Di Ðà và Di Lặc có treo tấm hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng đề ba chữ Hán: Giác Hải Tự do bà Trần Thị Thọ cúng năm Tân Sửu (1961) và hai bên cột có đắp hai câu đối: “Ngạn thụ bất di nhân chu hành nhi vụ sậu / Nguyệt thiên vô vận do vân sữ dĩ tương tuỳ” dịch nghĩa: Cây bên sông vẫn đứng, vì đò chạy tưởng chừng cây đuổi / Trăng giữa trời không chuyển, tại mây bay trông ngỡ trăng theo (Giản Chi dịch).

Hiện nay, phía sau chùa vẫn còn bốn Tháp mộ lẩn khuất hồn xưa. Tháp mộ của Chùa Giác Hải xây khá đơn giản, không đẹp bằng các Tháp mộ của Chùa Giác Lâm. Hai Tháp đứng ở phía sau là của Hoà thượng Thích Từ Phong và Hoà thượng Thích Chơn Mỹ, hai Tháp mộ đứng phía trước không phải các sư trụ trì chùa mà là đệ tử của sư Từ Phong, viên tịch ở nơi khác được đưa về nhập Tháp.

TN