Thập niên 60 phong trào phản chiến ở Mỹ nở rộ. Nhiều nhạc sĩ Mỹ đã viết nhạc về đề tài Việt Nam, đa số là chống cuộc chiến nhưng cũng có người ủng hộ. Điều này dễ hiểu thôi vì Mỹ là một xã hội đa nguyên với quyền tự do ngôn luận được Hiến Pháp bảo vệ.

Trong số các nhạc sĩ phản chiến nổi tiếng thời ấy có Pete Seeger, một nhà nghiên cứu dân ca thế giới, chuyên giúp đỡ người nghèo và cô thế. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến ông từng bị quy là thân Cộng mặc dù không có chứng cứ gì ông là thành viên của đảng Cộng Sản. Thậm chí vào tháng 8 năm 1955 ông đã bị chất vấn bởi Uỷ Ban “Sinh Hoạt Chống Mỹ” (Committee on Un-American Activities) của Quốc Hội về việc ông đã trình diễn trong một buổi mít-tinh do một chi nhánh của một tổ chức thân Cộng điều hành. Seeger đã nhất quyết không trả lời câu hỏi của Dân Biểu Tavenner rằng có phải ông có cảm tình với đảng CS; ông cho rằng QH không có quyền hạch hỏi tư tưởng hay khuynh hướng chính trị cá nhân, tuy nhiên ông sẵn sàng kể mọi người nghe tất cả những gì mình từng làm trong đời.
Trong bầu không khí “nhìn đâu cũng thấy Cộng Sản” của thời Chiến Tranh Lạnh ấy, Uỷ Ban này đã gán cho Pete Seeger tội danh “khinh miệt Quốc Hội”. Năm 1947 Seeger bị kết án một năm tù, nhưng cù cưa đến năm 1962 thì án này bị hủy bỏ. Tuy nhiên phải đến giữa thập niên 1960 thì giới truyền thông mới rút tên Pete Seeger ra khỏi “sổ đen” của họ, và ông xuất hiện trở lại trên TV với chương trình “Rainbow Quest” nhằm giới thiệu âm nhạc thế giới đến khán giả Mỹ. Năm 1966, trong chương trình thứ 30, Pete Seeger đã mời được nhạc sĩ Phạm Duy.

Số là trước đó ít lâu có hai nhạc sĩ Mỹ tên Steve Addiss và Bill Crofut sang Nam Việt Nam để tìm hiểu về dân nhạc Việt. Họ được Phạm Duy hướng dẫn đi khắp nơi để nghiên cứu và sưu tầm. Riêng Steve Addiss còn học được thêm ngón đàn tranh. Khi trở về Mỹ Addiss và Crofut đã liên lạc với Pete Seeger và vì vậy mà Phạm Duy đã được mời sang để giới thiệu nhạc Việt đến công chúng Mỹ.
Theo lời của Pete Seeger thì ông chỉ gặp Phạm Duy lần đầu trong studio trước khi chương trình bắt đầu nên cũng không biết nhiều lắm về người nhạc sĩ này, và cũng không biết Phạm Duy sẽ hát những bản nào. Phạm Duy bắt đầu với những bài dân ca mà ông đã thâu lượm được trên hành trình xuyên Việt của mình như “Trèo Lên Quán Dốc”, “Qua Cầu Gió Bay”, hay là bài “Hò Cấy Lúa” thật vui nhộn khi được cả ba người cùng đàn và hát. Thật lạ tai khi nghe Addiss và Crofut đồng vang “hò lơ hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ, hò lơ hó lơ…” bằng một giọng Việt lơ lớ cộng với tiếng đệm của cây đàn banjo của Crofut.
Ngoài ra, Steve Addiss còn biểu diễn bài “Lý Con Sáo” bằng đàn tranh, trong khi Pete Seeger thì trố mắt nhìn và lắng tai nghe nhạc khí lạ lùng này lần đầu. Nghe xong ông ta còn sờ cây đàn và đánh thử vài nốt xem cảm giác nó ra sao. Quả là một nhạc sĩ mẫn cảm và tò mò.
Kế tiếp chương trình chuyển sang những nhạc phẩm của Phạm Duy nói về chiến tranh. Thứ nhất là bài “Người Thương Binh” kể câu chuyện người lính đi trận về “nay đã cụt tay…”

“Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù
Một ngày chinh chiến mùa Thu…”
Tiếng Anh của Phạm Duy phải nói là rất tốt. Ông luôn luôn giải thích cặn kẽ ý tưởng trong các bản nhạc trước khi bắt đầu, và đôi khi ông còn hát cả bằng tiếng Anh. Chẳng hạn bài “Nhân Danh” với những thông điệp đanh thép về cái ác của con người trong chiến tranh, đã được ông vừa hát vừa dịch từng câu sang tiếng Anh cho người Mỹ hiểu. Không những vậy sau đó ông còn sửa lời hai ra thành lời ba với một thông điệp nhân bản đầy tình người. Ta hãy thử so sánh:
Vì giữ mình tôi phải giết một người
Xin nhân danh ngồi dưới mặt trời
Vì giữ mình tôi phải giết một người.
Vì gia đình tôi phải giết mười người…
Vì xóm làng tôi phải giết ngàn người…
Vì giống nòi tôi phải giết vạn người…
Vì lý tưởng tôi phải giết triệu người…
Xin nhân danh giải phóng loài người…
Vì nhân loại tôi phải giết trọn loài người
Xin nhân danh đường lối hoà bình
Giết luôn tôi!
For my defense I must save one man…
For my family I must save ten men…
For my village I must save a hundred men…
For my people I must save a thousand men…
For my ideology (if I had one) I must save a million men…
To liberate humanity I must save all men…
On behalf of lasting peace, I must save at first myself!
Và như để nhấn mạnh thông điệp ấy, Phạm Duy cùng với Addiss và Crofut đã hợp xướng bài “Giọt Mưa Trên Lá”, với lời tiếng Anh do Steve Addiss soạn:
“The rain on the leaves is the tears of joy
Of the girl whose boy returns from the war.
The rain on the leaves is the bitter tears
Of the mother who hears her son is no more…”

Pete Seeger tuy mới nghe bản nhạc này lần đầu nhưng cũng lấy đàn banjo của mình đệm theo nhè nhẹ. Tất cả mọi thứ diễn ra trước ống kính một cách tự nhiên thoải mái, không cứng ngắc theo kịch bản như các TV show thời nay.
Chương trình được kết thúc bằng một bài cổ nhạc của người di dân Mỹ, nguồn gốc của nó ngay cả Pete Seeger cũng không rõ từ đâu đến, nhưng nó là một bài nhạc đồng dao quen thuộc và đã được Phạm Duy soạn lời Việt. Ðó là bài “Clementine” mà ngày xưa các thanh thiếu niên miền Nam cũng từng hát ở trường học hoặc trong các buổi lửa trại.
Hơn nửa thế kỷ sau, xem lại những thước phim trắng đen này chạnh nhớ tới những người như Woody Guthrie và Pete Seeger—những nhà tiên phong trong luồng nhạc “topical songs”, tức những bài nhạc liên quan đến chuyện “thời sự xã hội”, mang ít nhiều hơi hướm chính trị. Bill Crofut còn gọi Phạm Duy là “Woody Guthrie của Việt Nam” vì ông cũng đã đi ta bà từ Bắc vô Nam để hát và viết nhạc về đời sống người dân, như Guthrie từng làm trong thập niên 1930.
Thời chiến tranh Việt Nam, ở bên Mỹ cũng xuất hiện một số nhạc sĩ chuyên sáng tác các bản nhạc thời sự kiểu Woody Guthrie — như Steve Ochs, Joan Baez v.v. Nổi danh nhất có lẽ là Bob Dylan với những bài như “Masters of War”, “The Times They Are A-Changin” (mới gần đây được giới trẻ dùng trong cuộc tuần hành chống bạo lực súng đạn). Nhưng quen thuộc với người Việt ta nhất chắc phải là bài “Blowin in the Wind” mà khi Bob Dylan đến Sài Gòn năm 2011 ông ta đã KHÔNG hát, làm biết bao người phải thất vọng—trong đó có người viết bài này. Và cũng vì lý do đó mà người viết đã quyết định soạn lời Việt cho bài “Blowin in the Wind”, như một câu trả lời cho Bob Dylan về cuộc chiến ấy, nhìn từ vị trí của một người Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày Mỹ bỏ rơi đồng minh VNCH, xin chép bài đó ra đây để chia sẻ với bạn đọc. Ai muốn nghe bản nhạc tiếng Việt này có thể vào Youtube link ghi ở phía dưới.

Câu Trả Lời (cho Bob Dylan)
“Blowin in the Wind”
- Bao nhiêu xương trắng đã phơi trên ruộng đồng?
Ôi, bao nhiêu máu đã thành sông?
Bao nhiêu gươm giáo đã ghim sâu trong lòng?
Bao nhiêu người chết trong âm thầm?
Bao nhiêu viên pháo đã mưa trên hố hầm?
Bao nhiêu tiếng thét của đạn bom?
Xin gió cứ đi, đi mãi đến cuối chân trời
Ðể gió cuốn theo câu trả lời …
- Bao nhiêu nước mắt đã khô trong đêm dài?
Bao nhiêu oan khốc chưa hề phai?
Bao nhiêu năm tháng đã trôi đi không còn?
Bao nhiêu bàn chân đã mòn?
Bao nhiêu hưng phế đã theo nhau lên đường?
Bao nhiêu thân xác chôn đại dương?
Xin gió cứ đi, đi mãi đến cuối chân trời
Ðể gió cuốn theo câu trả lời …
- Bao nhiêu Xuân nữa mới thấy ta được làm người
Trong khi thế giới đang đổi thay?
Bao nhiêu Thu nữa nước sẽ quay về nguồn
Cho ta làm những cánh buồm?
Bao nhiêu nhân chứng sẽ đến thăm chốn lao tù
Bao đêm mơ giấc mơ tự do?
Xin gió cứ đi, đi mãi đến cuối chân trời
Ðể gió cuốn theo câu trả lời …
(2011’04’30)
IB