Nhiều bà vợ vẫn than phiền rằng vợ chồng họ vốn có số “khắc khẩu”, không nói chuyện yên lành với nhau được mấy lúc, hễ nói gì là tranh luận hay cãi lộn. Sống chung với một ông chồng ngang bướng và bảo thủ không khỏi khiến nhiều chị em ngán ngẩm. Nhưng mà “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” chẳng mong gì thay đổi tính nết của các đức ông, thế nên các chị em bảo nhau học cách “sống chung với lũ”.
Các cụ ta có câu “một sự nhịn, chín sự lành”, nhiều khi sẽ dễ dàng hơn là tránh một cuộc nói chuyện mà bạn biết chắc chắn rằng sẽ kết thúc “không có hậu”.
Bạn có thể cân nhắc về chủ đề cần phải thảo luận, bàn bạc với chồng vì không phải chuyện nào cũng giống nhau. Cách bạn dẫn dắt và tham gia vào câu chuyện cũng mang lại hiệu ứng khác nhau.
Nhiều bà vẫn khăng khăng quy kết chồng là người ngang bướng, cố chấp nhưng không nhận là: chính cách cư xử của mình cũng là nguyên nhân gây ra điều đó. Trong lúc hai vợ chồng nói chuyện, bàn bạc về một vấn đề nào đó, nếu người vợ lắng nghe mà không phán xét, không ngắt lời, phản bác lại chồng dựa trên những cuộc cãi vã trước kia, hẳn mọi chuyện sẽ dễ dàng và đơn giản hơn. Vì người chồng thấy mình nhận được sự quan tâm, tôn trọng từ bạn đời.
Nếu những điều chồng nói mà bạn còn mơ hồ, chưa hiểu ý thì chẳng việc gì phải “để bụng” mà không đặt ra những câu hỏi để hiểu rõ vấn đề. Ðặt câu hỏi và cho chồng cơ hội để giải thích, bày tỏ quan điểm sẽ cho bạn câu trả lời về những vấn đề khúc mắc, từ đó không dẫn tới việc tranh luận đúng sai giữa cả hai bên.
Khi bàn chuyện, nếu người vợ cũng từ tốn và suy nghĩ thấu đáo, giải thích cho người chồng quan điểm của mình về chủ đề đang bàn tới, không quy kết phán xét dựa trên những điều đã xảy ra trong quá khứ thì cho dù ông chồng có ngang bướng đến mấy hẳn cũng phải “mềm lòng”.
Sẽ thật mệt mỏi khi vợ chồng sống với nhau cứ phải hơn thua trong mọi chuyện. Nếu việc gì không quá quan trọng hay ảnh hưởng tới mình, bạn có thể nhường cho chồng quyền quyết định để giành được quyền quyết định cho những việc có “ảnh hưởng” lớn hơn với bản thân.

SH