Ảnh: Lâm Nguyễn
Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tampa Bay
14 giờ chiều ngày 29/4/2018, hơn 200 người thuộc vùng Tampa Bay đã có mặt đông đủ trước giờ khai mạc lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30/4 lần thứ 43 tại Hội trường 5501, 65th Ave Pinellas Park, FL. Như nhiều tiểu bang khác trên khắp Hoa Kỳ có người Việt sinh sống, vào những ngày này cộng đồng người Việt quốc gia tại Thành phố Tampa – Florida cũng có nhiều hoạt động sôi nổi. Và trong buổi lễ chính thức vừa qua, chương trình tập trung vào sự tưởng nhớ những biến cố đau thương, tưởng niệm những anh hùng sĩ tử đã hy sinh để bảo vệ Miền Nam thân yêu, những người đã chết trong lao tù CS và tỏ lòng tiếc thương những đồng bào đã bỏ mình trên đường vượt biên, vượt biển…

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Lộc – Phó Chủ Tịch cho rằng, hơn ba triệu người dân Việt, cả hai miền Nam – Bắc, đã bị hy sinh vì một chủ nghĩa không tưởng. Sự khác biệt về tư duy, cộng thêm sự phân hóa do chủ nghĩa thực dân với chính sách “chia để trị”, đã làm người dân Việt quên rằng họ là đồng bào, là anh em. Sự hy sinh này càng trở nên vô nghĩa, khi người dân miền Bắc tưởng rằng họ đã có công cứu nước, giữ nước…

Ngay sau đó ông cũng nêu rõ thực trạng, so với những nước bị chia đôi vì chiến tranh, có những nước rất giống Việt Nam. Đức, Đại Hàn là hai nước cũng bị phân chia vì khác biệt chủ nghĩa. Đức đã thống nhất mà không phải đổ máu. Đại Hàn cũng trên đường hòa giải, và có thể sống chung hòa bình, dù vẫn khác chế độ… Từ những vấn đề đưa ra, ông Phó Chủ Tịch Cộng Đồng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tại sao miền Nam Việt Nam vẫn bị phân biệt, thù hận mặc dù đã thống nhất trên 40 năm? Sự khác biệt giữa Đức, Đại Hàn và Việt Nam là gì? Sau ngày miền Nam sụp đổ, người dân miền Bắc có dịp nhận thức sự thật, và hiểu rằng họ đã bị lừa dối. Ai là thủ phạm gây ra sự thù hận vô lý này? Với tình hình kinh tế, chính trị thay đổi hằng ngày hiện nay, mỗi người trong chúng ta sẽ làm được gì?” được đông đảo quý đồng hương đã quan tâm và bàn luận.

Đặc biệt, sau sự chia sẻ của diễn giả chính – BS Nguyễn Tiến Cảnh, phần nào giúp cho những người tham dự cũng tự lý giải và tìm ra câu trả lời của mình. Bên cạnh đó, Chủ Tịch Cộng Đồng Vùng Tampa Bay – ông Nguyễn Sĩ Tiến cũng chia sẻ thêm, với xã hội và thời đại công nghệ hiện nay, lịch sử tuy là quá khứ nhưng nó đã hiện hữu và không thể chối bỏ cũng như bưng bít được. Các thế hệ thứ hai, thứ ba và tiếp sau nữa, họ có quyền được biết sự thật về lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa một cách minh bạch nhất. Từ đó các em, các cháu sẽ tự nhận thức, lựa chọn và nhắc nhớ cần phải làm gì để xứng đáng với thế hệ ông cha mình. Và cuối cùng, “Với sự đóng góp của mọi người, bất kể lớn nhỏ, chúng ta có thể tạo thành sức mạnh.” thông điệp chính của buổi lễ cũng được nêu ra.

Gặp chú Nguyễn Trung Nhan, cựu quân nhân Sư đoàn Nhảy dù VNCH (gia đình mũ đỏ vùng Tampa), chú tâm tình ước nguyện của mình:
Ngay từ khi bắt đầu có sự sinh hoạt cộng đồng tôi đã có mặt, gắn bó và cùng các anh em duy trì hội cho đến bây giờ. Mục đích chúng tôi mong muốn quý đồng hương vững niềm tin của người tị nạn quốc gia trên đất nước Hoa Kỳ này. Chúng ta cùng nhau duy trì truyền thống quân đội, đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống và phát triển mạnh mẽ hơn.

Hơn nữa chúng tôi hy vọng sẽ đào tạo được một thế hệ tiếp nối hùng hậu. Để cho hậu duệ biết đến các ông cha của mình đã từng bỏ công, bỏ thân để giữ gìn đất nước. Thế hệ thứ hai, thứ ba phải hiểu rằng, VNCH không phải là quân lực ươn hèn mà do tình thế bắt buộc nên cha anh mình đành phải từ bỏ đất nước. Có một sự thật là cha anh của chúng đã chiến đấu tới phút chót. Cho đến ngày 30/4 ông Dương Văn Minh đầu hàng, tuy buộc yêu cầu phải bỏ súng nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu cho đến những viên đạn cuối cùng nhưng kết quả không được như ý muốn. Chúng ta thật sự hối tiếc cho một chính thể nhân bản, nhân văn…

Còn anh Trần Văn Hùng, một cư dân tại Tampa thì nói:
Đây là lần thứ 3 được mặc bộ quân phục này, chính thức trong đội hình chào cờ, tôi thật sự hãnh diện. Điều này luôn nhắc tôi nhớ những gì mà cha anh mình đã phải trải qua và vì sao mình phải mất nước và vì sao mình có mặt ở đây. Mặc dù thuộc thế hệ thứ hai, nhưng ngay từ nhỏ tôi cũng đã sống trong chế độ lúc bấy giờ (trước 1975) nên hiểu rõ được những gì đã phải trải qua. Bên nội bên ngoại của tôi đều thuộc Binh chủng Nhảy dù nên được mặc bộ quân phục này tôi thấy tự hào lắm. Hồi đó tôi còn nghĩ, nếu chế độ không thay đổi hẳn giờ tôi cũng là lính Nhảy dù rồi. Hiện tại tôi cũng muốn con cái của mình tiếp nối và lưu giữ những giá trị này. Tuy nhiên, bọn chúng sinh ra và lớn lên ở đây nên tôi chỉ biết khuyên răn và chia sẻ còn sự chọn lựa hay hành động thế nào là ở chúng. May mắn là cô con gái lớn của tôi cũng rất tích cực tham gia và giúp đỡ những hoạt động của cộng đồng nên tôi cũng khá yên tâm và đặt nhiều hy vọng.


















