Menu Close

Để trở thành dược sĩ

Theo thăm dò từ Gallup, theo sau các nghề như Y tá, Sĩ quan Quân đội và Thầy Cô giáo thì Dược sĩ và Bác sĩ nằm trong những nghề nghiệp được dân chúng nể trọng và tin tưởng nhất. Chương trình học không lâu và không chịu nhiều áp lực như theo học chương trình Bác sĩ, nghề Dược được nhiều phụ huynh khuyến khích các con em theo học. Trên số báo hôm nay, chúng tôi mời các bạn cùng theo dõi cuộc trao đổi với Dược sĩ Jennifer Trần Anh-Thư, hiện đang là cấp quản trị (Manager) tại một Dược Phòng Walmart để có thêm đôi thông tin về nghề Dược. 

de-tro-thanh-duoc-si Ðinh Yên Thảo (ÐYT): -Sau một thời gian làm việc, suy nghĩ của Thư về nghề Dược như thế nào? Có điều gì thích hay không thích về công việc của mình.

Dược Sĩ Jennifer Trần Anh-Thư (DS JT) : – Sau 11 năm làm Dược sĩ tại Dược Phòng cộng đồng  (Community Pharmacy), em vẫn thích cái nghề mà mình đã chọn và cố tâm theo học từ khi học lớp 10. Em thích được nói chuyện với bịnh nhân và giúp đỡ họ bằng cách đề nghị, trả lời thắc mắc những loại thuốc nào họ có thể mua không cần toa nếu có thể. Và có những lúc em cũng đề nghị họ đi bác sĩ vì có những bịnh mà thuốc không theo toa (over the counter) cũng không giúp được gì. Em chưa có kinh nghiệm làm tại bịnh viện, nhưng em không thích làm trong đó vì dược sĩ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với bịnh nhân. Em rất thích ngành nghề này nên chẳng thấy có gì không tốt về nó, ngoại trừ là không thể tự viết toa được cho gia đình và phải đi, đứng cả ngày nên dễ bị bịnh ở chân.

ÐYT: – Một học sinh muốn theo đuổi ngành Dược thì chương trình học và huấn luyện từ khi tốt nghiệp trung học là bao lâu và gồm những gì để trở thành một Dược sĩ như thế nào?

DS JT: -Sau khi ra trường trung học, nếu theo học chương trình tiền Dược Khoa (pre-pharmacy) hai năm tại các ÐH cộng đồng thì các em sinh viên phải học ít nhất là 15-18 giờ (credit) mỗi mùa học và mùa Hè cũng học khoảng 9 giờ, rồi mùa Ðông phải học 3 giờ. Nếu học như vậy thì trong hai năm sẽ xong các lớp yêu cầu (pre-requisite), tổng cộng là khoảng 90 giờ là có thể nộp đơn vô trường Dược. Còn không thì theo học Cử Nhân bốn năm rồi mới nộp đơn. Thường thời điểm nhận đơn là vào tháng 8 đến cuối tháng 12, tùy theo mỗi trường nên sau mùa Spring/Summer của năm thứ 2 (gần xong pre-requisites), là các em phải đi thi PCAT (Pharmacy College Admission Test). Ðiểm PCAT và điểm học GPA là hai điều mà trường Dược xem xét để chọn phỏng vấn. Nếu có hai người cùng điểm PCAT và GPA, thì người có bằng Cử Nhân sẽ có nhiều cơ hội để được chọn phỏng vấn hơn. Khi vào phỏng vấn thì họ sẽ xem khả năng ứng xử của mình như thế nào mà quyết định thu nhận mình hay không. Nếu may mắn được nhận, thì mình sẽ theo học chương trình Dược trong ba hoặc bốn năm (tính luôn giờ đi thực tập) tùy theo trường. Khi học xong mình sẽ phải lấy hai kỳ sát hạch. Thứ nhất là NAPLEX để kiểm tra kiến thức về thuốc, căn bịnh mà thuốc chữa trị.  Ðó là kỳ thi quốc gia nên một khi đậu rồi thì không cần phải lấy lại. Thứ hai là MPJE, để kiểm tra kiến thức về luật lệ của pharmacy. Ðây là loại kiểm tra riêng biệt của mỗi tiểu bang, hành nghề ở đâu thì lấy MPJE ở đó. Nếu mọi sự suôn sẻ, một SV có thể học ít nhất là 5 năm (nếu học chương trình Dược 3 năm cộng 2 năm học pre-pharmacy) để có cái bằng Pharm.D (Doctor of Pharmacy). Muốn học cao hơn nữa sau khi ra Dược sĩ thì mình có thể nộp đơn và xin theo nội trú (residency) thêm 1 hay 2 năm nữa, được trả lương, khoảng 35-40 ngàn/năm.

ÐYT: -Tóm lại về lý thuyết thì một SV có thể hoàn tất chương trình Dược trong vòng 5 năm từ sau bậc trung học, nhưng thông thường là khoảng 7, 8 năm phải không. Vấn đề tài chánh để một học sinh hay gia đình lo cho con em mình theo học ngành Dược ra sao? Liệu đây có là điều cản trở những em muốn theo đuổi ngành học này?

DS JT: – Khi em  đi học 15 năm trước thì một năm tiền học phí khoảng $12,000 và tiền ăn ở  là thêm khoảng $12,000 nữa. Tổng cộng 4 năm là $96,000. Ðó chỉ mới là 4 năm trường Dược thôi, chưa tính tiền học trong 2 hay 4 năm pre-pharmacy nữa vì nó phụ thuộc vào việc mình học bao lâu và học tại trường đại học hay đại học cộng đồng. Vấn đề tài chánh còn phụ thuộc vào thu nhập của gia đình, học trường tư hay trường công và có nhận được trợ giúp tiền học từ chính phủ (financial aid) hay không. Khi ra trường em chỉ nợ $80,000 cho tổng cộng 7 năm đại học (3 năm tại ÐH cộng đồng và 4 năm tại ÐH công UT Austin). Nhưng người em chồng không nhận financial aid thì sau 4 năm pre-pharmacy tại trường UT Austin và 4 năm trường Dược tại ÐH tư University of New England tại Maine thì nợ khoảng $240,000.

de-tro-thanh-duoc-si2
DS Jennifer Trần Anh Thư

ÐYT: – Cảm ơn Thư đã chia sẻ thông tin riêng tư nhưng rất thiết thực để độc giả có số liệu rõ ràng hơn về vấn đề tài chánh. Vậy khả năng bị từ chối và không được theo học trường Dược có thể xảy ra giữa chừng không? Lý do tại sao?

DS JT: – Như em đã nói bên trên, ngành Dược là một trong những ngành cần phải được tuyển chọn qua điểm thi PCAT, điểm học GPA và phỏng vấn. Không phải ai học đủ lớp cho pre-pharmacy là được nhận để học tiếp.  Và dù cho có được nhận và học xong chương trình của trường Dược thì cũng chưa chắc sẽ được hành nghề vì phải đậu NAPLEX và MPJE nữa.

ÐYT: – Vấn đề thời gian và tài chánh theo học như vậy, còn cơ hội việc làm và hành nghề sau khi tốt nghiệp ra sao? Người Dược Sĩ có thể làm ở đâu và công việc gì? Khả năng được thu nhận là như thế nào?

DS JT: – Vào thời điểm này thì cơ hội việc làm cũng đã khá hiếm nếu như muốn làm trong khu vực thành phố như Dallas-Fort Worth. Lý do là ở đây có rất nhiều Dược sĩ nên một khi cung mà hơn cầu thì mình sẽ khó kiếm việc hơn. Nếu như mình chịu đi làm xa một chút, như vùng nông thôn hay ngoại ô hay đến các tiểu bang lạnh thì sẽ dễ kiếm việc làm hơn. Khi nắm trong tay cái bằng Pharm.D thì mình có thể làm tại rất nhiều nơi nhưng hai chỗ chính là bịnh viện (hospital pharmacy) và các hệ thống chợ, bán lẻ (community pharmacy). Với thị trường bây giờ thì nếu mình có được huấn luyện thêm residency thì cơ hội được nhận vào bịnh viện sẽ cao hơn. Những chỗ làm khác hiếm hơn như là Nuclear pharmacy, Clinic pharmacy và Remote pharmacy hay có thể đi dạy trong trường Dược nữa.

ÐYT: – Con đường thăng tiến nghề nghiệp mỗi người có khác nhau nhưng với Thư thì bao lâu thì được bổ nhiệm vào cấp quản trị tại pharmacy của Walmart?

DS JT: – Em ra trường năm 2007 nên thời điểm đó vẫn còn cần người, năm cuối là đã được Walmart nhận làm một phụ tá Manager tại Seagoville, TX. Sau khi làm ở đó một năm thì có một vị trí Pharmacy Manager trống tại Dallas, TX, em nộp đơn và được tuyển nên đã làm Manager 10 năm rồi.

de-tro-thanh-duoc-si1
Gia đình DS Jennifer Trần Anh Thư

ÐYT: – Công việc của một Dược sĩ và một Dược sĩ kiêm thêm công việc quản trị và điều hành một Dược phòng có gì khác nhau?

DS JT: – Là một Manager của một Pharmacy thì khác rất nhiều so với một Dược sĩ bình thường. Có rất nhiều trách nhiệm. Trước hết là mình sẽ phải là người Dược sĩ chịu trách nhiệm chính (Pharmacist-in-charge – PIC) nên mọi trách nhiệm về vấn đề luật pháp như giấy phép của pharmacy, của các nhân viên cùng các vấn đề có liên quan đến pháp luật thì người PIC phải chịu trách nhiệm hết.Và chuyện khác như mướn người, huấn luyện người mới, lên lịch làm việc cho các nhân viên, đi họp với cấp trên và dự các cuộc gọi. Khi có người phàn nàn về pharmacy thì Manager là người phải giải quyết vấn đề này.

ÐYT: – Trước khi kết thúc, Thư có lời chia sẻ cá nhân nào đến các em học sinh cùng các phụ huynh có ý định cho con em mình theo học ngành Dược?

DS JT: – Bây giờ ngành Dược đang có rất nhiều người theo học. Thời điểm “hot” của nó đã qua rồi. Nếu như các em cũng như các phụ huynh muốn con em của mình chọn ngành Dược chỉ vì  học ít (6-7 năm) và khi ra trường sẽ làm lương sáu số (trên $100,000) thì hãy coi lại vì một khi cái cung mà cao hơn cái cầu thì sẽ rất khó kiếm việc. Hãy chọn ngành này nếu thật sự mình thích. Làm sao biết được mình thích hay không? Em khuyên là sau khi tốt nghiệp trung học, tự học lấy cái bằng Pharmacy Technician và đi làm trong pharmacy để xem mình có thích cái môi trường đó hay không? Người nào mà không có kỹ năng giao tiếp, làm việc với người khác (people skill) thì không nên làm tại các Dược phòng cộng đồng vì người Dược sĩ phải nói chuyện với bịnh nhân cả ngày. Nếu được thì mình khuyên các em theo học ngành Dược hãy học pre-pharmacy tại trường đại học chứ đừng vì tiết kiệm mà học ở trường ÐH cộng đồng vì tỉ lệ họ nhận SV này rất ít (5-10%), nên hãy học lấy bằng bốn năm luôn rồi nộp đơn thì cơ hội được nhận vào trường Dược sẽ cao hơn.  Khi học pre-pharmacy, đừng bao giờ có điểm C cho các lớp, đừng hủy lớp vì những điều đó sẽ làm cho đơn của mình không được tốt. Khi học đủ các lớp pre-pharmacy rồi thì lo lấy PCAT, lấy nhiều lần để có nhiều cơ hội điểm sẽ cao hơn và hãy nộp đơn nhiều trường, nộp tất cả các trường trong tiểu bang của mình cư ngụ và thêm một vài trường ngoài tiểu bang để mình có thêm cơ hội.  Cuối cùng là hãy chọn ngành nghề nào mình thích chứ đừng chọn chỉ vì tiền.

ÐYT: – Cảm ơn Dược sĩ Jennifer Trần Anh Thư đã cho độc giả biết cặn kẽ và nhiều chi tiết hữu ích về ngành Dược này.

ÐYT thực hiện