Các cuộc đình công của nhà giáo năm 2018 để đòi được tăng lương và tăng ngân sách cho giáo dục đang diễn ra trên nhiều tiểu bang ở Mỹ và được so sánh giống như những cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập đã đưa tới làn sóng dân chủ hoá ở một số quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi năm 2010. Làn sóng đình công này có thể đưa tới những thay đổi quan trọng về chính sách giáo dục của nhiều tiểu bang trong tương lai.

Bắt đầu ở tiểu bang West Virginia, cuộc đình công sau đó lan sang các tiểu bang khác như Oklahoma, Kentucky, Arizona và Colorado. Các nhà giáo của tiểu bang North Carolina cũng đang chuẩn bị cho cuộc đình công vào giữa Tháng 5 này. Kết quả cho đến nay có thể nói là lẫn lộn, nhưng ý nghĩa và nguyên nhân nói chung đưa tới những cuộc đình công này đã gây được sự chú ý không chỉ ở các cấp chính quyền của tiểu bang mà còn được sự ủng hộ của người dân nữa.
Cuộc đình công bắt đầu nổ ra ngày 22 Tháng 2 ở West Virginia. Hai tuần sau đó Thống đốc James C. Justice II thuộc đảng Cộng hoà đã tăng 5% lương cho họ – nâng mức lương trung bình một năm của các giáo viên bậc trung học lên $48,000. Quốc hội của tiểu bang Kentucky cũng chuẩn thuận việc tăng lương sau khi các nhà giáo ở tiểu bang này đình công. Một cuộc đình công khác có nguy cơ nổ ra ở Oklahoma đã thúc đẩy các nhà làm luật của tiểu bang quyết định tăng ngân sách giáo dục và lương cho nhà giáo (mặc dù đạt được kết quả, các nhà giáo Oklahoma vẫn đình công 9 ngày để nói lên nguyện vọng của họ). Tuần lễ cuối Tháng 4, nhà giáo ở hai tiểu bang Colorado và Arizona cũng đã không làm việc để chống lại tình trạng lương thấp và ngân sách giáo dục trì trệ.
Tình trạng mức lương quá thấp của nhà giáo không chỉ ở những tiểu bang nói trên mà còn ở nhiều tiểu bang khác khắp nước Mỹ. Mức lương trung bình của nhà giáo ở Mỹ thấp hơn 23% so với những ngành nghề đòi hỏi có bằng cấp đại học. Tính ra sau khi điều chỉnh tỷ lệ lạm phát, lương của nhà giáo đã sụt giảm 1.6% trong khoảng thời gian hai thập niên qua. Mầm mống của cuộc khủng hoảng trong hệ thống giáo dục công cộng đã manh nha từ cuộc tổng suy trầm năm 2008 làm ảnh hưởng lớn đến những tiểu bang mà ngân sách lệ thuộc nhiều vào thuế bất động sản.

Phần đông những tiểu bang này cắt giảm ngân sách trường học; trong đó có một số tiểu bang cho đến nay ngân sách dành cho giáo dục vẫn chưa trở lại ở mức trước năm 2008. Sau khi điều chỉnh lạm phát, lương của nhà giáo thấp hơn gần 5% so với mức lương một thập niên trước, mặc dù tiền đóng cho quỹ hưu bổng và tiền đóng bảo hiểm y tế đã tăng. Tệ hơn nữa, có một số nhà giáo còn phải tự lấy tiền túi trả cho những dụng cụ lớp học như giấy, bút mà ngân sách của tiểu bang không chu cấp.
Và một số tiểu bang vẫn tiếp tục cắt giảm thuế và các phần chi tiêu cho giáo dục. Theo Michael Hansen thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution, ngân sách giáo dục của tiểu bang Arizona đến nay vẫn duy trì ở mức 35% thấp hơn so với thời kỳ trước tổng suy trầm. Do đó, đề nghị của Doug Ducey, thống đốc Arizona, tăng lương cho nhà giáo lên 20% trong thời gian ba năm bắt đầu vào năm 2020 tính ra cũng không hẳn là tăng lương mà chỉ là bù đắp cho những thất thoát vì mức lương của họ bị giảm trong mười năm qua.
Tiểu bang North Carolina có thể là quân bài domino kế tiếp bị đổ, và các nhà giáo ở đây đang dự trù sẽ biểu tình ở ngay thủ phủ Raleigh ngày 16 Tháng 5 khi quốc hội của tiểu bang nhóm họp trở lại. Cũng như phần lớn những tiểu bang có đình công của nhà giáo, các nghiệp đoàn nhà giáo ở North Carolina không có tiếng nói mạnh trong việc thương lượng về lương bổng. Một số người cho rằng đó là lý do vì sao các nhà giáo ở những tiểu bang này có mức lương thấp, và nếu tiểu bang bị buộc phải thương lượng với nghiệp đoàn của nhà giáo thì họ sẵn sàng trả thêm lương cho họ. Nhưng điều này không có nghĩa là lương nhà giáo được tăng mà chỉ là họ lấy lại những gì đã bị mất trong nhiều năm qua.
Mặc dù kết quả gặt hái được từ những cuộc đình công vừa qua chỉ là tương đối, nhưng một thành công quan trọng cần được ghi nhận là làn sóng đình công đã lan rất nhanh, và rất có thể trong thời gian tới sẽ có những cuộc xuống đường của nhà giáo ở những tiểu bang có mức lương thấp như Mississippi, Alabama, Georgia v.v… Khi chiến thuật đình công đạt được kết quả thì thường nó lan nhanh và được những nơi khác bắt chước theo. Ðiều này đúng với những cuộc xuống đường đòi quyền bình đẳng trong thập niên 1960 và những cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall” (Occupy Wall Street) gây được sự chú ý về những vấn đề xã hội như vấn nạn người vô gia cư trong nhiều cộng đồng đã lan ra khắp nước năm 2011. Hiện tượng vết dầu loang này cũng vẫn đúng với ngày hôm nay. Khi một nhóm tranh đấu vì quyền lợi tìm được một chiến thuật tranh đấu mang lại kết quả, dù là ngắn hạn, thì liền lập tức nó lan rất nhanh ra khắp nước.
Trong trường hợp những vụ đình công của nhà giáo, chọn đúng thời điểm là chiến thuật mấu chốt. Nhiều tiểu bang hiện đang trong giai đoạn hoàn tất ngân sách của họ cho năm tới, điều này có nghĩa là ngay vào lúc này đây các nhà giáo có được nhiều cơ hội nhất để gây ảnh hưởng và tạo tiếng vang nhiều nhất.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các chính trị gia nào cũng đều đồng ý với đòi hỏi tăng lương của nhà giáo, thậm chí có những chính trị gia như 2 nhà làm luật thuộc đảng Cộng hoà của tiểu bang Colorado, trong nỗ lực tìm cách dập tắt mầm mống biểu tình, đã đưa ra dự luật là sẽ phạt $500 một ngày và bỏ tù sáu tháng với những nhà giáo nào xuống đường biểu tình. Dự luật này đang bị ngâm tôm.
Hoặc như Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos trả lời báo chí hôm Thứ Hai tuần qua tại cuộc họp bàn tròn với các nhà giáo dục hàng đầu của nước Mỹ rằng những cuộc biểu tình đã và đang diễn ra mà cái giá phải trả là chính các em học sinh.
Phần đông các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ cũng tỏ ra im hơi lặng tiếng về hiện tượng đình công này.
Tuy nhiên, nói chung trên toàn quốc, đa số người dân Mỹ đồng ý rằng các nhà giáo không được trả lương xứng đáng – và ở những tiểu bang diễn ra những cuộc biểu tình- hầu hết người dân nói rằng các nhà giáo phải được quyền đình công.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của trang mạng Business Insider, chuyên về lãnh vực kinh doanh và tài chánh, cho biết có tới 67% người Mỹ nghĩ rằng các nhà giáo không được trả lương xứng đáng. Trong số đó, có 77% cử tri Dân chủ tin rằng lương của nhà giáo quá thấp, so với 55% cử tri Cộng hoà.
Trong khi đó trang mạng MSN thăm dò trên số độc giả của họ cho thấy có tới 64% người dân Mỹ trên toàn quốc cũng nói rằng các nhà giáo được quyền đình công.
Vậy, quan điểm chung của người Mỹ về lương bổng của nhà giáo có đúng với thực tế ngoài đời không?
Theo số liệu của trang mạng Busines Insider thu thập được, khoảng cách lương bổng giữa các nhà giáo của các trường công lập và các giới chức làm việc cho chính phủ đã tăng ở mức cao nhất vào năm 2015.

Các nhà giáo ở những nước phát triển nhất cũng được trả ở mức lương cao hơn hẳn so với nhà giáo ở Mỹ.
Các giáo viên tiểu học tại Luxembourg, ở đỉnh điểm chức nghiệp của họ, được trả lương $122,000 một năm. Giáo viên tại Thuỵ Sĩ được trả $84,000. Ở Nam Hàn, giáo viên tiểu học có mức lương $79,000 một năm. Mặc dù những quốc gia này có đời sống mắc mỏ hơn ở Mỹ, nhưng tính chung ra, họ vẫn có đời sống tương đối khá hơn các nhà giáo Mỹ.
Trong khi đó, ở mức lương cao nhất của chức nghiệp, giáo viên ở Mỹ chỉ được trả $68,000. Lương trung bình của nhà giáo thuộc hệ thống trường công trên toàn quốc cho niên khoá 2016-17 là $59,850.
Sự ủng hộ dành cho các nhà giáo trên toàn quốc nói chung đã đành, sự ủng hộ ngay tại những tiểu bang xảy ra những cuộc đình công cũng cao không kém. Hơn 75% người dân Arizona và gần 77% người dân Colorado nói rằng lương của nhà giáo quá thấp. Tại Arizona, 67% nói rằng các nhà giáo được quyền đình công, trong khi 70% cũng nói như thế tại Colorado.
Những chính trị gia nào đang có ý định tìm cách chống lại những đòi hỏi công bằng cho nhà giáo thì hãy nên thức thời vì các cuộc biểu tình của nhà giáo hiện vẫn đang được sự ủng hộ của đa số quần chúng Mỹ. Một cuộc thăm dò gần đây cho biết đa số người Mỹ sẵn sàng chịu đóng thêm thuế để bù đắp vào ngân sách giáo dục.
Ðiều này cho thấy hệ thống giáo dục công cộng là một vấn đề quan trọng đối với cử tri – và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng đã gần tới.
Dạy học từ trước tới nay vẫn được xem là một nghề được coi trọng, kể cả ở Mỹ hằng năm vẫn có ngày lễ dành riêng cho nhà giáo cùng các phần thưởng cao quý được trao cho những giáo viên xuất sắc. Nhưng đứng trên phương diện kinh tế, quả thật đây là một nghề khá bạc bẽo nếu như lương bổng của họ không được cải thiện.
VH