Trị liệu bằng dược thảo
Cụ Galen được xem như thủy tổ của ngành dược thảo, dùng cây cỏ để chữa bệnh; sách vở của cụ được xem là những tài liệu đầu tiên về dược học.
Thầy lang có mặt từ thủa khai thiên lập địa, là một nghề cha truyền con nối, những bí quyết, kinh nghiệm được giữ kín như của gia bảo nên không được người bàng quan khảo sát kỹ lưỡng. Nền văn hóa nào cũng có những con người dùng suốt cuộc đời để tìm hiểu các bí ẩn trong thiên nhiên và những hiểu biết kia không được lưu truyền rộng rãi như ngày nay. Có thể vì như thế nên dù cây cỏ xuất hiện khắp nơi tự ngàn năm và được con người sử dụng nhưng sự hiểu biết về hiệu nghiệm của cây cỏ trên cơ thể con người vẫn còn giới hạn?
Thầy lang thủa xưa dùng lá, cành và cả rễ cây để chữa bệnh; họ chế biến bằng cách nấu, nướng, phơi khô, tán nhuyễn, pha trộn…nhiều món với nhau. Có thầy lang dùng cả nọc rắn để làm thuốc, và có bài thuốc bao gồm cóc nhái luộc chín dưới ánh trăng rằm vào lúc nửa đêm để thêm phần hiệu nghiệm! Bệnh tật khiến con người tin cậy vào thần linh và những điều bí hiểm chăng?
Ðặc biệt nhất là việc sử dụng cây Mandrake để chữa chứng liệt dương; việc chữa trị sẽ hiệu quả nhất khi dùng tại pháp trường nơi xử tử tội nhân (liên quan đến khái niệm máu huyết thì cường dương?). Cây này còn dùng để chữa chứng hiếm muộn cho cả hai phái nam nữ, người “bệnh” ăn rễ hoặc đeo trên mình.
http://witcher.wikia.com/wiki/Mandrake
Dùng chất ly trích từ cây cỏ để chữa bệnh và các kiến thức về dược tính từ cây cỏ vẫn được áp dụng trong Y học ngày nay trên khắp thế giới; điển hình là digitalis (xuất phát từ cây foxglove) chữa chứng suy tim từ thế kỷ XVIII; reserpine (từ cây rauwolfia) chữa cao huyết áp… Tuy nhiên, việc bào chế dược phẩm Âu Mỹ ngày nay đều theo tiêu chuẩn của luật định và hoàn toàn dưới sự kiểm soát của chính phủ sở tại.
Nhiều loại cây cỏ được ngành Y học hoán đổi (Alternative Medicine) và Y học phụ thuộc (Complementary Medicine) chế biến và sử dụng như thực phẩm hay chất dinh dưỡng phụ (food supplement) vì chưa đủ tiêu chuẩn của dược phẩm. Những món dược thảo được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay bao gồm ginkgo biloba (bạch quả), St. John’s Wort, tỏi và sâm. Tại Hoa Kỳ, kỹ nghệ chế biến và buôn bán chất dinh dưỡng phụ có mãi lực 30 tỷ Mỹ kim theo thống kê năm 2016. Bất kể việc chế biến tự do, 30% cư dân Huê Kỳ vẫn tưởng rằng các món dinh dưỡng phụ chịu sự kiểm soát của cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm & Dược Phẩm (the FDA).
Dược phẩm và các phép lạ
Khái niệm về tài sản trí tuệ hay tác quyền xuất hiện từ thế kỷ XVIII nhưng không có mấy chủ nhân xin chứng nhận tác quyền dược phẩm của mình từ vua chúa hay từ văn phòng tác quyền (hiện diện tại Hoa Kỳ từ năm 1790). Lý do? Khi nộp đơn xin tác quyền chủ nhân sẽ phải ghi rõ cân lượng mỗi món nguyên liệu trong sản phẩm. Ðể bảo vệ quyền lợi, chẳng mấy xưởng bào chế xin tác quyền, họ chỉ cầu chứng thương hiệu (trademark) và sau đó thì mặc tình thay đổi nguyên liệu hay số lượng của nguyên liệu chứa trong sản phẩm mà chẳng cần thông báo hay nói năng chi.
Thế kỷ XVIII – XIX là thời vàng son của những kẻ buôn phép lạ tại Âu Châu và Hoa Kỳ, những xe hàng bán rong mặc tình quảng cáo xưng tụng sản phẩm của họ. Tựa như các gánh Sơn Ðông mãi võ bên ta, các phép lạ, thuốc tiên trừ bá bệnh được rao bán ầm ĩ từ thôn làng này sang thôn làng khác, mỗi nơi, một hai ngày rồi cuốn gói. Trong sách vở, những gánh hàng thuốc men bán rong được gom chung với những gánh xiệc lưu diễn khắp nơi.
Gánh hàng nổi tiếng nhất là the Kickapoo Indian Medicine Company; đủ mặt Tù Trưởng, lính… trên sân khấu với trang phục da đỏ, tù và, trống kèn; đáp ứng đúng thị hiếu của người Huê Kỳ thủa ấy, họ tò mò với những thứ liên quan đến thổ dân da đỏ. Các món hàng được quảng cáo là xuất phát từ bộ lạc Kickapoo với nguồn gốc dựa trên nền văn minh thổ dân, những người thông thái trong việc dùng nguyên liệu thiên nhiên để chữa bệnh. Quảng cáo rầm rộ như thế nhưng thật ra chẳng có thứ gì từ người đến vật trong gánh lưu diễn nọ dính dáng đến bộ lạc Kickapoo! Một sản phẩm tiêu biểu của gánh lưu diễn là món Sagwa chữa chứng táo bón. Ngày nay, lọ thuốc này lại trở thành một món đồ cổ được sưu tầm, gìn giữ:
Ngoài những tấm biển xanh đỏ đề tên sản phẩm gắn hai bên hông xe hàng, chủ nhân còn dùng cả tên người mua, bệnh sử của họ để quảng cáo. Ðược ghi tên trên biểu ngữ xanh đỏ khiến bá tánh hãnh diện và sẵn sàng cho mượn tên tuổi. Ngoài biểu ngữ, có cả những tờ giấy màu kể bệnh tình và khen thuốc tiên được in và rải khắp nơi để quảng cáo trên đường lưu diễn.
Vào thời điểm này, khái niệm “thương hiệu” dành riêng cho dược phẩm bắt đầu khởi sắc; cùng lúc với khái niệm bệnh nhân có thể tự chẩn bệnh, chữa trị và thẩm định kết quả trị liệu.
Việc con người tự thẩm định thể trạng của mình và tự chữa trị là những căn bản bẩm sinh. Nhưng đôi khi cảm giác “lành bệnh” hay “dễ chịu” có thể bị nhầm lẫn với “nghiện ngập”. Món thuốc khiến người dùng “dễ chịu” hơn có thể dẫn đến ghiền. Ðặc biệt, món Laudanum, mệnh danh là “thuốc của người nghèo”, bán như “thuốc” nên giá rẻ vì không chịu thuế má nặng nề như rượu.
https://www.pinterest.com/in/509399407825102001/
Một món phổ thông khác, absinthe, được chế biến thành thuốc uống từ cành và lá cây wormwood. Dược liệu này đã được sử dụng từ thời cổ Hy Lạp, cụ Pythagoras đã dùng wormwood ngâm rượu để giúp sản phụ bớt đau đớn lúc lâm bồn. Tổ sư Hippocrates cũng đã dùng absinthe để chữa viêm khớp xương và vàng da. Trong thế kỷ XVIII, Bác Sĩ Pierre Ordinaire là người đã rao bán món tiên dược chữa bá bệnh này dưới thương hiệu “La Fée Verte”, món absinthe trở nên phổ thông trong giới họa sĩ thủa ấy, Vincent Van Gogh, Edgard Degas, Edouard Manet và cả Pablo Picasso đã là khách hàng thường xuyên.
https://www.pinterest.com/in/572942383817252828/
Việc sử dụng rộng rãi và xưng tụng là tiên dược của Laudanum và absinthe là điều dễ hiểu: rượu và nha phiến trong hai món thuốc này giúp người dùng cảm thấy lâng lâng dễ chịu rồi ghiền nhanh chóng. Nghiện ngập dẫn đến việc sử dụng liên tục và tiền vào đầy túi người bán. Một thầy lang băm đã hạ bút viết rằng “bệnh nhân khỏi bệnh thì ta hết tiền, nên… cứ nuôi bệnh!”.
“Bitter” là một thí dụ điển hình khác của con buôn nhiều sáng kiến, bán rượu dưới hình thức “dược phẩm”. Kỹ nghệ này khởi sắc từ thế kỷ XVII tại Anh, khi thảo mộc được trộn lẫn với nước và bán như “tonic” hay “thuốc bổ”. Khi Vua George II bắt đầu đánh thuế nặng nề các món rượu thì xưởng cất rượu cũng bắt đầu trộn rượu chung với thảo mộc để bán như “thuốc”, và món thức uống này được gọi là “bitter”, tránh được món thuế lớn nên bán khá rẻ. Nồng độ rượu có thể lên đến 75 proof như món “Warner’s Safe Tonic Bitter”.
Rượu hay món gì đó được bán như thuốc đã tệ hại nhưng ngược lại, cũng có những món “thuốc” có tác quyền đàng hoàng lại chẳng chứa một chút xíu nguyên liệu chính nào, và tất nhiên chẳng có tác dụng gì. Món Munyon’s Kidney Cure là một hỗn hợp gồm đường và nước. Dù chẳng chứa một thứ nguyên liệu dễ nghiện nào, bệnh nhân cũng xếp hàng để mua về chữa bệnh.
Văn hào Mark Twain đã kể lại trong một tác phẩm rằng chính mẹ ông ta cũng “mua bất cứ sản phẩm nào có mặt dù cụ có cần thuốc men hay không, và cũng cho rằng mình bị đủ mọi thứ bệnh nếu một bệnh trạng nào đó được nhắc nhở đến”.
Chuyện gần gũi hơn, trong thập niên 80 của thế kỷ trước, là chuyện Laetrile, còn có tên amygdalin hay vitamin B17. Hóa chất này do ông Ernst T. Krebs Jr. đứng tên chế tạo và giữ bản quyền (cầu chứng tại Anh năm 1949). Ðây là một chất chứa cyanide, chế biến từ hột mơ (apricot), và quảng cáo là thuốc chữa ung thư. Chẳng có quốc gia tân tiến nào cho phép bán như dược phẩm nên xưởng chế tạo bán lén lút tại Mexico qua những phòng chữa trị ung thư (dành cho người ngoại quốc). Khá nhiều bệnh nhân tốn tiền để mua chút hy vọng sống sót qua việc dùng Laetrile nhưng không mấy ai để ý cho đến khi tài tử Steve McQeen chết tại nơi chữa trị trong thập niên 80, món hàng kia mới hết thời và đi vào quên lãng.
Có những món thuốc chẳng biết có chữa lành bệnh nào hay không nhưng gây tử vong khá nhiều. Ðây là hậu quả của việc không kiểm soát dược phẩm và thiếu tiêu chuẩn trị liệu của y học. Nghĩa là thuốc men được rao bán tự do không cần thử nghiệm hoặc chứng minh tác dụng. Như món thuốc phổ thông pha trộn lá coca với rượu chát chữa bá bệnh kể cả bệnh phụ nữ “Wine of Cardui”.
Món thuốc rao bán chữa trúng độc thủy ngân lại chứa thủy ngân. Thuốc giảm cân chứa trứng sán lãi, có thể hiệu quả nhờ sán lãi rút hết chất dinh dưỡng nên xuống ký (?). Món Warner’s Safe Kidney and Liver Cure chứa glycerin, nước và dược thảo, cùng potassium nitrite và rượu. Hai nguyên liệu chính, potassium nitrite và rượu, là chất có thể gây hoại thận!
Tất nhiên việc buôn bán dịch vụ trị bệnh không chỉ giới hạn ở thuốc men mà bao gồm nhiều sản phẩm khác như từ trường, điện lực và cả phóng xạ nguyên tử.
(còn tiếp 1 kỳ)