Hồi Ký của Vương mộng Long – k20
Buổi tối N+4, sau khi bố quân, mấy anh trung đội trưởng đã cạn thuốc lá, mon men tới lều tôi vòi tí khói. Lúc nào trong balô của Binh nhất Trung cũng sẵn hai cây Lucky dự trữ. Tôi lấy thuốc lá ra phân phát cho mỗi chàng trung đội trưởng một bao. Tôi đang chuẩn bị ăn cơm tối, nên tôi mời ba anh trung đội trưởng ăn cơm chung. Sau hai ngày leo dốc cật lực, không khói lửa, chỉ ăn cơm vắt, bốn anh em tôi quất hết một nồi cơm và một chén thịt heo kho mắm ruốc. Ðêm nay ỷ vào vị trí đóng quân cheo leo, đàng sau có Ðại đội 3/11 án ngữ, ba hướng khác đều có tiền đồn, anh em sĩ quan đại đội tôi mới dám tụ họp cùng nhau hơi lâu. Từ sau Mậu-Thân, chiến trường càng ngày càng khốc liệt; những sĩ quan lớn tuổi đã theo nhau rời khỏi đơn vị tác chiến. Hiện thời, chúng tôi là lớp sĩ quan trẻ nhất trong các thế hệ đã đi qua Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân này. Cùng trang lứa, chúng tôi dễ hoà hợp và thông cảm nhau. Chín mươi phần trăm sĩ quan của tiểu đoàn hiện nay còn độc thân. Trong rừng, chúng tôi chiến đấu bên nhau. Về hậu cứ, chúng tôi cũng không rời nhau. Dàn sĩ quan trung đội trưởng của tiểu đoàn, dẫn đầu là những kiện tướng, trưởng thành từ khói lửa Mậu-Thân như Thiếu úy Ðinh Quang Biện (Ðại đội 1/11), Thiếu úy Phan Văn Hải (Ðại đội 2/11), Thiếu úy Trần Cao Chánh (Ðại đội 3/11) và Thiếu úy Trần Ích Châu (Ðại đội 4/11) là những mũi tên đột phá trong thế công, thành đồng trong thế thủ của chúng tôi thời gian này. Trong rừng, chúng tôi là nỗi kinh hoàng của giặc Cộng, nhưng trong thành phố, chúng tôi thường xuyên là người thua trận, mỗi khi “đụng đầu” mấy ông già Napoléon, Hennessy, Martell, hay Johnny Ði Bộ (Walker). Chuyện chúng tôi ngất ngưởng coi trời bằng vung, chuyện Biệt Ðộng Quân say, tỉnh, tỉnh, say, chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, không có gì là lạ. Vì những ai đã từng vỗ ngực tự xưng “Ta là Biệt Ðộng Quân” mà đời chưa từng kinh qua một lần “túy lúy càn khôn” thì đâu xứng danh là Biệt Ðộng?(!) Ở Pleiku, có những cái tên đã thành thân thiết, quen thuộc đối với chúng tôi như “Quán Nhớ”, “Quán Sương”, “Quán Thu Hà”, “Quán Kim Liên”, “Quán Tuyết Trắng”…
Sau năm ngày đi đầu vất vả, ngày N+5 tôi cho thuộc cấp thoải mái, chuẩn bị cơm nước, hong giầy, hong vớ. Tôi dự trù, sau khi Ðại đội 3/11 chiếm xong mục tiêu, tôi mới cho đơn vị từ từ di chuyển lên sau.
Ðại đội 3/11 đã qua mặt đại đội tôi một lúc lâu. Trong lúc anh em đơn vị tôi đang phì phà khói thuốc, nhấm nháp cà phê thì nghe tiếng AK nổ hướng tiến quân của đại đội bạn, phía cuối dốc.
Tôi không nghe tiếng Quí trả lời tôi trên máy tiểu đoàn. Tôi và Thiếu úy Biện dẫn theo hai cái máy truyền tin đi về hướng đuôi Ðại đội 3/11. Tôi gặp Thiếu úy Thung, Trung đội trưởng đoạn hậu của Ðại đội 3/11. Thiếu úy Thung mặt thất sắc, lắp bắp báo cho tôi một tin sét đánh: “Trung úy đại đội trưởng và Thiếu úy đại đội phó chết rồi! Ðại ca ơi!”
Tôi gạt Thung qua một bên. Bốn thầy trò tôi chạy thẳng xuống cuối dốc. Tôi tới ban chỉ huy Ðại đội 3/11 đúng vào lúc toán tản thương đang dìu một người máu me đầy mình đi tới. Vừa thấy tôi, người bị thương đã khóc rống lên: “Thái Sơn ơi! Thầy Quí, thầy Tâm chết rồi!” Người đó là Hạ sĩ nhất Trần Quy. Hạ sĩ Quy là thuộc cấp của tôi khi Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân còn ở Ðà-Nẵng, ngày tôi mới ra trường. Những đồ đệ cũ của tôi đều được Trung úy Quí tin dùng.
Hạ sĩ Quy kể lại rằng, sáng nay trước khi lên đường, Trung úy Phan Ngọc Quí đại đội trưởng và Thiếu úy Nguyễn Hữu Tâm đại đội phó đã ra trước tiền đồn khoảng vài chục thước để quan sát hướng đi và so sánh sự khác biệt giữa bản đồ và thực địa. Trinh sát Việt Cộng đã nằm chờ sẵn nơi cuối dốc. Cả hai sĩ quan và anh lính truyền tin đều bị bắn trúng sọ và ngực ngã xuống. Riêng Hạ sĩ Quy, cận vệ của Trung úy Quí bị bắn gãy tay trái và một viên đạn vào ngực. Quy chạy trối chết về tiền đồn kêu cứu. Khi toán cứu viện ra tới nơi thì hai ông sĩ quan và anh hiệu thính viên đã chết. Cái bản đồ hành quân, cặp lon trung úy của Quí và cái máy truyền tin đã bị địch cướp đi.
Tôi ra lệnh cho Thiếu úy Thung bố trí Ðại đội 3/11 tại chỗ chờ lệnh. Ðược tin báo của tôi, Hoàng Mai ngỡ ngàng, thở dài thườn thượt. Sau khi trực thăng tải xác, tải thương cất cánh, tôi được lệnh hủy bỏ hai mục tiêu còn lại. Liên đội A quay ngược trở về dốc 900. Ðại đội 1/11 nằm lại tại dốc này qua đêm; riêng Ðại đội 3/11 được lệnh di chuyển sang phòng thủ ngọn đồi nhỏ hướng tây nam, dưới chân dốc 900 để chuẩn bị bãi đáp cho bộ chỉ huy liên đoàn vào vùng.
Sáng N+6 Trung tá Trịnh Văn Bé (k11VB) liên đoàn phó và ban truyền tin liên đoàn xuống bãi thả trên đỉnh ngọn đồi cao 740 mét, dưới chân tôi. Trung tá Bé thiết lập bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn ngay trên bãi đáp này. Chiều đó, chúng tôi được tái tiếp tế.
Ðêm N+6, Trung đội 2 của Chuẩn úy Danh trấn giữ tiền đồn dốc 900 trên cao. Ðại đội 3/11 và Ðại đội 1/11 trừ (-) của tôi có nhiệm vụ bảo vệ bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn. Tôi không rõ cánh quân B đang ở nơi nào.
Chính quy Bắc-Việt với tiểu liên Nga Ppsh-41 nhịp bắn 900 viên phút, tầm xa 150 m, đạn 7 ly 62. Nguồn: Nam Magazine.
Sáng N+7, khoảng 7 giờ, tiền đồn trên đỉnh 900 bị địch tấn công. Ðịch nổ súng sau khi quân bạn đã tháo gỡ mìn bẫy phòng thủ. Từ dưới chân đồi, chúng tôi thấy rất rõ khói B40 không ngừng bốc lên từng cụm sau những tiếng nổ “oành! oành!” liên tiếp nhau.
Tôi và hai Trung đội 1 và 3 chạy vội lên đồi để tiếp cứu cho đứa con đang bị đánh. Thiếu úy Biện (Trung đội 3) đánh bọc bên trái, tôi và Thiếu úy Vi (Trung đội 1) đánh bọc bên phải. Vừa ngóc đầu lên khỏi dốc, tiền quân của Vi đã bị thủ pháo Việt Cộng chào đón nồng nhiệt. Khói và bụi làm cho cặp kiếng cận của ông trung đội trưởng mờ mịt. Trên đường, Vi phải ngừng chân lau kiếng nhiều lần.
Thủ pháo của Việt Cộng tới tấp chọi vào khu những mô đá nhô ra bên hướng đông. Thiếu úy Vi cho đàn em trả đũa bằng những quả M26. Lợi dụng gió đang thổi theo chiều Tây- Ðông, Vi “chơi” luôn hai trái lựu đạn khói cay bên hông phải ngọn đồi. Cơn mưa thủ pháo chợt ngừng.
Trong lúc tôi và Trung đội 1 của Thiếu úy Vi đang cố vượt đoạn đường đầy gai mắc cỡ thì đạn B40 liên tục “xè! xè!” từ triền Bắc, bay qua đầu chúng tôi, rơi xuống triền Nam, nổ dưới thung lũng. Quân của Chuẩn úy Danh đang reo hò “Sát! Sát!” trên cao.
Tôi bắt tay được với Trung sĩ nhất Khôi trung đội phó Trung đội 2 nơi đầu dốc. Khẩu M60 của Binh nhất Trần Ðợi đã giòn giã nổ, kiểm soát con đường voi thồ hướng Bắc, dưới chân dốc. Trong lúc tôi bận tiếp tay một tân binh chuyền thùng đạn đại liên M60 cho xạ thủ thì một quả B40 bay sượt đầu thằng Ðợi, trúng tảng đá trên đỉnh. Trái đạn nổ gây một đợt mưa đá bụi trên đầu những người núp quanh chân tảng đá. Phút sau, bên trái tôi có tiếng khóc thút thít: “Trung úy ơi! Em bị thương!” Một Biệt Ðộng Quân đang ôm mông, nằm nghiêng sau bụi dương xỉ, mặt người đó tái mét. Người lính quay về phía tôi chờ đợi.
Uả! Ai mà giống như thằng Hồng, một tân binh? Tôi trườn nhanh tới bên người lính. Ðúng nó rồi! Binh nhì Lê Văn Hồng, mười tám tuổi. Thằng Hồng là em của cô Lê Kim Cương ở Chợ Mới, Pleiku. Cô Lê Kim Cương, nữ sinh trung học Minh-Ðức là bồ của một thằng bạn tôi ở bộ chỉ huy Liên đoàn 2 Biệt Ðộng Quân. Tôi nghĩ có lẽ thằng Hồng bị thương nặng. Phải mất nhiều máu lắm mặt nó mới xanh như vậy. Tội nghiệp thằng bé, mới ra trận lần đầu!
– Ðạn trúng chỗ nào đâu? Ðưa anh coi! Anh băng bó cho chú!
Tôi hỏi.
Thằng Hồng vừa sụt sịt vừa ôm mông,
– Chỗ này! Máu ra ướt đẫm cả quần em! Trung úy ơi! Trung úy cứu em!
Tôi lật mông nó ra coi. Trời ơi! Mông nó ướt đẫm! Nhưng không phải ướt vì máu! Nước chảy từ cái bi đông bị đạn làm cả nửa người bên trái thằng Hồng ướt đẫm!
Tôi mừng quá, đẩy nó sang một bên,
– Ê! Cái đồ chết nhát! Cái bi đông bị thương chứ nhỏ có bị thương đâu! Mắc cỡ! Ðừng nằm vạ nữa! Nhào lên đi!
Thằng Hồng đỏ mặt lồm cồm bò dậy, lủi lên hướng ông Trung sĩ Khôi trung đội phó. Hướng Trung đội 3 đang tiến, đạn nổ rền trời.
Giữa ba tảng đá nơi đỉnh đồi là cái lều của trung đội trưởng. Ông trung đội trưởng bị thương nằm một mình trong lều rên hừ hừ. Anh y tá của trung đội còn đang bận bóp cò M16 chống giặc ngoài hố cá nhân. Tôi thấy Chuẩn úy Danh đang tay trái ôm hạ bộ, tay phải ôm vai trái, mặt mày nhăn nhó vì đau. Áo quần của người sĩ quan trẻ đầy vết máu. Tôi ra dấu cho Trung sĩ Ðức, y tá đại đội vào lều chăm sóc cho Danh. Tôi nhảy ba bước tới triền đồi hướng Bắc. Trên mặt đất đầy những lỗ lõm như bàn tay, cỏ cháy nám đen, đó là dấu thủ pháo vừa để lại sau khi nổ. Trung đội 3 của Thiếu úy Biện đã lập xong tuyến phòng ngự bên trái. Những cái hố cá nhân đang hình thành. “Vừa đánh vừa đào” là phương châm của đại đội tôi. Những trái lựu đạn M26 được thả theo đuôi nhau lăn từ trên dốc xuống triền núi. “Ùm! Ùm!” khói đen cuồn cuộn.
Chợt dưới chân dốc, hai ba hỏa châu phụt lên trời, đấy là những hỏa châu đỏ giựt bằng tay của Việt Cộng. Rồi tiếng súng của địch thưa dần, xa dần về hướng Tây Bắc. Tôi nhận biết ngay rằng hỏa châu đỏ là hiệu lệnh rút lui của chúng! Sau đó, tiếng súng của ta cũng im theo.
Trận đánh nhanh như chớp. Ðây là một cú đột kích rồi rút chạy của địch. Tôi không xin pháo binh. Rừng núi bao la, biết chúng nó rút đi đâu mà gọi pháo binh? Tôi cũng chẳng thèm ra lệnh truy kích. Nếu tôi dẫn quân đi mà để trống cái tiền đồn này thì nguy hiểm lắm. Chỉ cỡ hai đại đội địch chiếm được cao điểm này thì dưới kia, bộ chỉ huy liên đoàn chết tươi!
Trung đội 1 lục soát xa dưới triền dốc chỉ tìm được một khẩu B40 và một số thủ pháo. Vết máu rơi rớt đầy mặt đất nhưng không có xác thằng Việt Cộng nào bị bỏ lại.
Tôi chui vào lều thăm Chuẩn úy Danh. Tôi hỏi y tá Ðức,
– Nặng không?
Anh y tá đại đội nhanh miệng,
– Trình Trung úy, máu me tùm lum nhưng vết thương không nặng lắm đâu! Toàn miểng B 40 không à!
Thấy Danh đang ôm hạ bộ nhăn nhó, tôi hạ giọng,
– Thế cái “của quý” của chú ấy có còn không?
– Dạ còn! Chuẩn úy cứ sợ mảnh đạn hớt “cái đó” mất tiêu, nên ổng bắt em khám “cái đó” trước tiên. Khi nhìn thấy “của quý” còn nguyên vẹn ổng mới yên tâm cho em băng bó chỗ khác.
Tôi mồi cho Danh điếu Lucky và dúi vào tay người đàn em tờ giấy năm trăm,
– Cái này là của anh cho, để cầm hơi khi xa đơn vị. Khi tiêu hết tiền thì nói ông Trung sĩ Em (tiếp liệu) ứng trước cho, cuối tháng trừ vào lương.
Danh cầm tay tôi bịn rịn, rồi chào tôi, lên cáng xuống bãi tản thương. Tôi đi quanh vị trí đóng quân của Trung đội 2, kiểm lại số chiến lợi phẩm khiêm nhường mới thu được. Trung tá Bé đã vào máy theo dõi diễn tiến trận đánh từ phút khởi đầu. Ông liên đoàn phó cho lệnh tôi giữ nguyên Ðại đội 1/11 trấn giữ cao điểm này. Ông căn dặn tôi giăng mìn bẫy phòng thủ cẩn thận vì tin A 2 cho biết địch đang chuẩn bị đánh lớn tối nay.
Mờ sáng N+8 Trung tá liên đoàn phó cho lệnh tôi không cần tháo gỡ mìn bẫy phòng thủ nhưng rút quân thật nhanh xuống với bộ chỉ huy liên đoàn.
Trung tá Bé gọi tôi vào lều của bộ chỉ huy liên đoàn để gặp riêng. Ông nói nhỏ: “Ðúng 8 giờ 6 phút 12 giây, B52 sẽ đánh rất gần đây. Cỡ 8 giờ chú cho anh em ngồi trên miệng hố, xoay lưng về hướng Ðông. Bom nổ, chấn động sẽ tới từ sau lưng. Tránh núp dưới hầm hố. Khi bom nổ áp suất không khí dưới hố sẽ tăng cao, nguy hiểm.”
Tôi nghe lệnh và thi hành thật nghiêm chỉnh. Khoảng hơn 8 giờ sáng hôm đó tôi nghe từ trên trời cao những tiếng chim lạ gọi nhau “ủn! ủn!…ủn! ủn!” âm thanh lạ xé gió dội tới từng đợt nối tiếp. Sau đó là tiếng “bùng! bùng!… bùng! bùng!” ba đợt nổ rền, mỗi đợt cách nhau chừng vài chục giây đồng hồ. Tai tôi bị sức ép không khí làm căng màng nhĩ. Mạch máu đầu tôi như căng lên. Ngực tôi bị ép hơi nghẹt thở. Những cái poncho rung phần phật. Một vài cái lều bị đứt dây. Mấy cái võng không người nằm bị sức bom đẩy chao qua chao lại. Ít phút sau tình hình trở lại bình thường. Trên trời có 3 vệt khói phản lực trắng xóa, 3 cánh B52 sáng như bạc đang quẹo chữ “U” về đông.
B52 vừa đánh xong, chúng tôi lại được lệnh chạy ngược lên ngọn tiền đồn. Dưới thung lũng hướng Ðông- Bắc, khói và bụi đỏ bốc cao. Bụi lùa trong rừng cây. Mưa bụi đỏ phủ trùm một vùng rừng bát ngát. Lều bạt, đá núi, mặt đường đều được phun lên trên một lớp bụi đỏ dầy. Mặt mũi, áo quần chúng tôi cũng đầy bụi đất.
Box B52 nằm ngay dưới chân Chư Pa nhưng tôi chờ hoài không thấy lệnh đi lục soát. Chúng tôi ôm súng ngồi bên hố cá nhân. Người này ngó người kia. Chúng tôi hút thuốc đốt thời giờ. Thời gian qua thật chậm. Chúng tôi ngồi im lặng nghe ngóng. Chỉ có tiếng gió lùa, tiếng cây cọ vào nhau kẽo kẹt. Không có lệnh gì cả. Suốt ngày hôm đó không có lệnh gì cả. Bên cánh B, liên lạc truyền tin cũng im lặng như tờ. Nửa đêm, Trung tá Bé cho tôi biết sáng hôm sau bộ chỉ huy nhẹ của liên đoàn sẽ di chuyển, đại đội tôi được trả lại cho tiểu đoàn.
Ngày N+9, trời vừa tan sương mù, chiếc HU1D Hoa- Kỳ đầu tiên đã loạng quạng chặt vào cây lúc hạ cánh. Chiếc tàu bổ nhào xuống bãi. May mắn tàu không bốc cháy. Phi hành đoàn vô sự. Chiếc tàu thứ nhì được gởi xuống để rescue phi hành đoàn của chiếc tàu vừa rơi, đã không xuống được. Nó đang bay vòng vòng chờ trên trời. Gunships hộ tống rà sát ngọn cây. Những xạ thủ trực thăng võ trang đã nhận ra chúng tôi đang nằm trên núi, họ quơ tay vẫy.
Trung tá Bé cho lệnh một trung đội của Ðại đội 3/11 hè nhau đẩy chiếc HU1D hư xuống triền đồi để dọn bãi trống cho những chiếc khác xuống bốc quân. Ðến gần hai giờ chiều thì bộ chỉ huy liên đoàn ra khỏi vùng. Liên đội A được lệnh di chuyển theo hướng Tây về phía bờ sông. Tôi cho Ðại đội 3/11 đi trước, Ðại đội 1/11 giữ nhiệm vụ đoạn hậu. Chúng tôi đốt chiếc trực thăng hư lúc trung đội chót rời bãi đáp.
Khi chúng tôi còn cách bộ chỉ huy tiểu đoàn chừng hơn một cây số thì Ðại đội 3/11 được lệnh tách ra, nhập với một cánh quân của liên đội B để bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn.
Chiều đó đại đội tôi dừng quân trên một bình nguyên thoai thoải, cách bờ Pơ-Kô chừng bốn cây số. Cánh B nằm về hướng Tây Bắc của tôi, bộ chỉ huy tiểu đoàn và Ðại đội 3/11 nằm về hướng Tây của tôi. Ðêm trôi qua một cách thật yên tĩnh, không có pháo quấy rối, không có hỏa châu, hỏa long.
Sáng N+10 vừng dương vừa lên, hướng bờ sông có tiếng súng nổ. Tiếng mìn, lựu đạn, đại liên, trung liên, súng tay, súng cối, âm vang vách núi dội ra ầm ầm hỗn độn. Ðại bác Hoa- Kỳ từ hướng Ðông và Nam không ngừng bắn yểm trợ cho quân ta. Hai Ðại đội 2&4 đang bị địch tấn công ác liệt. Bộ chỉ huy tiểu đoàn và Ðại đội 3/11 nằm trên một ngọn đồi nhỏ, chừng hai trăm mét về hướng Nam liên đội B, nhưng vẫn còn bình yên.
Hiện thời toàn bộ Tiểu đoàn 11 Biệt Ðộng Quân có mặt trong vùng này. Ðại đội tôi ở xa nhất cũng chỉ cách liên đội B chưa tới hai cây số. Hoàng Mai đang liên lạc với L19. Máy bay Hoa-Kỳ đã có trên vùng và bắt đầu đánh bom trên con suối hướng Bắc cánh B. Tôi cho đơn vị cuốn lều, gọn ghẽ, chuẩn bị chờ lệnh tiểu đoàn trưởng.
Tôi chợt nghe người hiệu thính của Ðại đội 4/11 kêu cứu:
– Tụi nó (Việt Cộng) đang lên ào ào. Thẩm quyền Kỳ Sơn bị thương rồi. Thẩm quyền Lam Sơn nói nếu không có cứu viện thì ổng tự tử!
Thẩm quyền Kỳ Sơn là Thiếu úy Lũy, Thẩm quyền Lam Sơn là Trung úy Lạn. Nhận tin này, tôi bàng hoàng tự nhủ: “Như vậy là liên đội B bể tới nơi rồi! Họ đang chờ cứu viện.”
Trung úy Nguyễn Lạn là bạn cùng khóa 20 Võ-Bị với tôi. Tôi nghĩ thầm, nếu chậm chân, có thể tôi sẽ không bao giờ còn trông thấy người bạn thân của mình nữa.
Không đợi lệnh của tiểu đoàn trưởng, tôi cho đại đội cấp tốc lên đường. Quá nóng lòng vì bạn, tôi cho đại đội hàng một, cắm đầu chạy về hướng súng nổ, bất kể chiến thuật chiến lược gì ráo trọi.
Ðể trấn an quân bạn, tôi chụp cái ống nghe, phát thanh bổng: “Cố lên chút xíu! Có Thái Sơn tới cứu!”
Nghe được tiếng tôi trên máy, người hiệu thính của Ðại đội 4/11 mừng rỡ gọi,
-Thái Sơn lên mau đi! Cứu tụi em với!
Tôi vội trả lời,
– Thái Sơn tới ngay! Sắp tới rồi!
Tôi ra lệnh cho Binh nhì Nguyễn Nhường, hiệu thính viên truyền tin của tôi cứ lặp đi, lặp lại câu: “Ðại đội 1 đây! Ðại đội 1 đây!” suốt thời gian chúng tôi trên đường tìm tới vùng có giao tranh.
Xuống khỏi ngọn đồi đóng quân đêm, chúng tôi vừa chạy, vừa tác xạ hai bên con đường thồ dẫn về hướng liên đội B. Cũng may, trên đường tiến, chúng tôi không gặp lực lượng chặn viện nào của Việt Cộng.
(còn tiếp 1 kỳ)
Seattle, ngày 06 tháng 06 năm 2006, xem lại và hiệu đính tháng 4-2018.
(*) ảnh minh họa, nguồn: Corbis và Nam Magazine.