Nguyễn Diệu Anh Trinh
Năm hai mươi lăm tuổi Má tôi rời quê mẹ để theo chồng ra Ðà Nẵng sinh sống và lập nghiệp. Hành trang mang theo ngoài đôi quang gánh với một đầu là ít áo quần, vật dụng; một đầu là tôi; đứa con gái nhỏ mới biết ngồi, đôi mắt tròn xoe ngơ ngác. Tay kia Má dắt thêm một đứa con trai bụ bẫm mới biết đi chập chững là anh Hai tôi. Má một mình xuôi ghe, dọc dòng sông Thu Bồn cập bến Ái Nghĩa rồi bắt xe đò đi Ðà Nẵng vì lúc đó Ba tôi đang làm việc cho Ty Công Chánh Ðà Nẵng, công việc của một Trắc họa viên cầu đường rày đây mai đó.
Sau một vài tháng ở trọ chung nhà bà con bên chồng, Ba Má tôi dành dụm được chút vốn liếng cất căn nhà nho nhỏ. Tôi lớn lên tại khu phố Thuận Thành, là một xóm Phật Giáo nằm bên cạnh xóm đạo Tam Tòa, nổi tiếng với rất nhiều cô gái có nét mặt thánh thiện như Ðức Mẹ. Sau một khoảng thời gian ngắn, bom đạn chiến tranh đã đưa những người thân của gia đình tôi tản cư ra Ðà Nẵng khá nhiều, khu phố chúng tôi ở dần dà có thêm nhiều họ hàng lân cận.
Công việc làm ăn của Ba tôi ngày càng thăng tiến, Má tôi không phải bôn ba lặn lội lo cơm áo gạo tiền cho vất vả, công việc chính là nội trợ, tiếp đãi bà con bên chồng và… tăng gia sản xuất. Dù không phải là dâu trưởng nhưng Má tôi rất đảm đang và phải nói là “Công, dung, ngôn, hạnh” thuộc vào mức độ tuyệt vời. Má tôi biết làm và làm rất khéo tất cả những loại bánh đặc sản Quảng Nam. Vào những dịp Giỗ, Tết… Má tôi thường tự tay làm nhiều loại bánh mứt để cúng ông bà và biếu họ hàng gần xa.

Năm mười tuổi, tôi đã là chị của năm đứa em. Áo quần chúng tôi mặc thường do Má tự may lấy. Mấy đứa con trai cùng kiểu: áo trắng quần xanh, con gái thì áo đầm trên trắng dưới xanh. Trai gái cùng loại vải, vừa là y phục mặc Tết vừa có thể đến trường. Khác hẳn mấy đứa bạn nhỏ cùng lứa được mặc áo bông hoa đủ màu. Mùa đông đến Má đan áo len cùng màu cho con trai, màu khác cho đám con gái. Ðơn giản và tiết kiệm!
Tôi còn nhớ, có bầu đến đứa con thứ tám được chừng bốn tháng, Má tôi cạo mất mái tóc dài đến tận gót chân. Mái tóc đẹp vốn được má cưng chiều, chăm chút, hoàn toàn gội bằng những nồi nước nấu bằng trái bồ kết với lá dứa thơm lừng lựng. Năm đó tôi chừng mười lăm tuổi, tôi thật sự hoảng hốt khi thấy hình ảnh của Má lần đầu tiên trở về tự tiện cắt tóc với cái đầu cạo trọc trắng hếu, sau đó được trùm lại bằng một vuông khăn màu sẫm, nó có vẻ quái đản, kỳ lạ và để lại trong lòng tôi một nỗi thất vọng đến vô cùng. Có người nói Má tôi vì ghen tuông, muốn dằn mặt Ba tôi mà cạo mất đi mái tóc dài yêu quý. Tôi vốn không tin vì tôi chẳng bao giờ nghe Ba Má tôi hục hặc hay cãi vã. Từ hôm đó, lòng tôi cứ thấp thỏm âu lo, tôi lặng lẽ theo dõi Má.
Một buổi tối, như thường lệ, Má tôi hay thắp nhang trước khi đi ngủ, tôi lén nghe Má van vái, lời cầu xin như thế này: “Lạy Ðức Phật từ bi, lạy Ðức Quan Thế Âm, cho con được mẹ tròn con vuông, con đã nguyện xuống mái tóc và xin được ăn chay một tháng cho lời cầu nguyện…” Tôi đứng nép vào cánh cửa, thương Má, nước mắt chảy ròng ròng.

Ngày Má tôi chuyển dạ sanh em, tôi là đứa con gái lớn mười sáu tuổi đi cùng với Má. Hai mẹ con đi xích lô, còn Ba tôi thì chạy xe Vespa Sprint theo bên cạnh, xuống bảo sanh viện Cô Hạnh ở gần sân vận động Chi Lăng Ðà Nẵng. Ba tôi đứng bên ngoài, tôi gắng lại thật gần phòng sanh, nghe tiếng Má tôi rên rỉ đau đớn, sau đó một hồi là tiếng em bé oe…oe…nghe giọng cô Hạnh reo lên: con gái, ba ký sáu. Ba tôi mừng rỡ ra mặt. Như vậy là Ba Má tôi có đủ bốn trai, bốn gái cân đối như mong muốn.
Ðứa em gái tuổi Giáp Dần ra đời, hợp với Ba Má tôi thành tam hợp: Dần, Ngọ, Tuất. Em trông mạnh mẽ, láu lỉnh ngay từ thuở sơ sinh. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, qua năm 1975 thành phố tôi ở có nhiều biến chuyển, những thay đổi từ xã hội làm thay đổi luôn hoàn cảnh sinh sống của gia đình tôi. Ba tôi phải công tác ở những vùng xa thành phố, công việc của một kỹ thuật viên xây dựng cầu đường, hồi phục những mạch giao thông đã bị cắt đứt sau chiến tranh. Má tôi không còn là bà nội trợ nữa mà phải bôn ba ra chợ buôn bán để phụ vào đồng lương ít ỏi cái thời tem phiếu. Em gái không được nuôi bằng sữa mẹ mà phải lớn lên bằng nước gạo nấu nhừ, hoặc khá hơn là bằng sữa bột nhãn hiệu Liên Xô, loại cung cấp cho quân đội ngày xưa, chúng tôi thường đùa là “Sữa Bộ Ðội”.
Những năm tháng sau đó, kinh tế của cả nước rất tồi tệ, đói kém. Ba tôi trong một ngày đang làm việc ở công trường xây dựng Cầu Ðường Huyện Phú Túc – Quảng Nam thì bị bắt tập trung cải tạo, tình nghi tội tham gia phản Cách Mạng. Một bản án có thể gọi là “long trời lở đất”, vì nó hoàn toàn hủy diệt vận mệnh, con đường sống của cả một gia đình. Xe của công an Tỉnh Quảng Nam đưa Ba tôi về nhà lục soát toàn bộ tủ sách, ngăn kéo…tuy không tìm ra chứng cứ gì Ba vẫn bị trói chéo hai tay ra sau lưng và đưa ra xe. Ân huệ cuối cùng là Ba được ngồi xuống đất để đứa em gái út mới lẫm chẫm biết đi tiến đến gần bên, Ba hôn đứa con gái út “Tam Hợp” của mình trước khi bị đẩy lên xe, đi biệt tích…

Sau biến cố đó, Má tôi phải thay Ba làm lụng nuôi đàn con. Tuy không phải là người của thương trường Má tôi cũng gắng bôn ba, chật vật mỗi ngày, cố kiếm cho đủ mấy lon gạo, thức ăn thì bữa có bữa không, khi nào “đẩy” được một món đồ xa xỉ trong nhà như quạt máy, tủ lạnh, cát xét… ra chợ trời thì chúng tôi mới có được một bữa ăn tương đối no. Sau cùng những chiếc áo dài, giày dép của Má cũng lần lượt ra đi. Mái tóc của Má được dưỡng lại sau khi sanh em gái út nay đã bắt đầu lấm tấm những sợi bạc. Má bươn chải qua nhiều nghề vẫn không đủ thiếu gì cho tám miệng ăn. Thế mà Má tôi vẫn cố gắng cho các con đến trường, Má tôi quan niệm thật đơn giản, không làm được ông này, bà nọ thì cũng phải có vài chữ để trên đầu trên cổ, mai sau ra đời khỏi bị người ta ăn hiếp.
Ba tôi sau một khoảng thời gian ngắn bị tạm giam ở lao xá Hội An thì chuyển đi Tiên Lãnh – Tam Kỳ. Má tôi khi biết được tin thì mừng rơi nước mắt. Kể từ ngày ấy, đoạn phim… Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng, tay dắt đàn con… do Má tôi đóng vai chính cũng gian nan, đẫm lệ giống như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam thời hậu chiến. Gia đoạn này, tài sản trong nhà và những đồng tiền hiếm hoi do Má buôn bán, do anh em tôi đi làm thuê làm mướn, buôn gánh bán bưng… ngoài việc lo cơm nước còn phải để dành chút ít để đi thăm nuôi Ba tôi. Ban đầu là ba tháng một kỳ, dần dà sáu tháng một kỳ… và càng về sau thì chỉ mỗi năm một lần; trước những mùa mưa lụt. Chúng tôi thầm hiểu nhau; thăm là chính, nuôi là phụ; thăm để gặp mặt và để biết Ba mình vẫn còn sống. Còn trông chờ ngày sum họp thì thôi… xa lắm người ơi!
Nhiều khi túng bẩn quá, thắp nhang cầu nguyện ông bà, Má tôi còn trách: Ông bà ở trên cao, sao không ngó lại hoàn cảnh mẹ con tôi mà cho tôi được trúng con số độc đắc. Tôi cũng lén nghe, và lần này thì không rơi lệ mà cười ra nước mắt. Vậy mà không biết lời cầu xin trúng giờ linh hiển hay sao, Má tôi trúng số độc đắc thiệt, chỉ từ một đồng bạc rách không sử dụng được gì, Má tôi đem mua vé số; đồng bạc rách đã biến ước mơ trúng số của Má tôi thành sự thật. Sau đó là những lần Má cúng vái tạ ơn ông bà cô bác, rồi dần dà vì không biết làm ăn nên “tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống” mấy mẹ con lại tiếp tục bữa no bữa đói.
Mấy năm sau, chính sách hà khắc và độc đoán của chế độ mới điển hình là chương trình trưng thu nhà cửa của những gia đình có làm việc cho chế độ trước, đã đẩy gia đình tôi ra khỏi căn nhà mà người ta cho rằng được dựng nên bằng “nợ máu” của nhân dân. Không có chồng ở bên cạnh, một thân một mình Má tôi với đàn con nheo nhóc bị dồn vào sống chung một nửa căn nhà của một gia đình đồng cảnh ngộ.

Không thể nào tả hết được những cơ cực mà mẹ con chúng tôi đã phải gánh chịu. Không có vốn liếng để buôn bán nhưng với ước nguyện ở lại thành phố để các con được tiếp tục đến trường, Má tôi từ chối những lời dụ dỗ hoặc đe doạ đủ kiểu của nhà cầm quyền. Má cương quyết không đưa con đi vùng kinh tế mới. Sau này chúng tôi mới biết đó là một quyết định liều lĩnh nhưng sáng suốt của Má. Má tôi chính thức “về quê ngoại xin ăn”. Mỗi tuần hai đợt Má lên xe đò đi về quê ngoại, gặp gì buôn nấy, họ hàng thương tình thì đùm túm cho ít khoai sắn, bắp đậu. Chúng tôi sống ở thành phố mà ăn uống kham khổ, không có được một ngày no, nhưng đói thì không hẳn là đói tới mức phải quỵ ngã.
Mỗi năm đến dịp gần Tết thì Má tôi có thêm nghề đi quanh xóm gói bánh tét thuê, tiền công cho Má là một vài cặp bánh mang về cho các con ăn Tết. Trong đời tôi, đó là những cái Tết buồn tẻ không có mùa xuân. Anh em chúng tôi dĩ nhiên chỉ học đến hếp lớp 12, con đường Ðại học không có lối dành cho những đứa con của gia đình mang lý lịch xấu như chúng tôi. Tám đứa con của Ba Má lớn lên với thời thanh xuân trăm đắng ngàn cay, tương lai mờ mịt.
Ngày Ba tôi từ trại tù nhỏ bước ra trại tù lớn thì Má đã gần sáu mươi tuổi; đàn con của Ba Má đã có 4 đứa lập gia đình với tám cháu nội ngoại, chúng tôi vẫn cam chịu sống trong một nửa căn nhà đã hoàn toàn xuống cấp “mùa mưa dột nát, mùa hè ngàn sao”… Ba phụ với Má chăm lo cho con cháu cho đến ngày Ba đưa một nửa gia đình được phái đoàn của chương trình H.O. chấp thuận cho lên đường đi Mỹ định cư năm 1994. Má ở lại với đứa con dâu có chồng vượt biên đang ở trại cấm Hong Kong. Thật lòng Má cũng muốn ở lại để kiện tụng, xin xỏ lại căn nhà đã bị trưng thu nhiều năm trước. Sau nhiều lần hầu “cửa quan” từ địa phương đến trung ương; tốn kém biết bao nhiêu giấy viết đơn và mồ hôi, nước mắt lẫn tiền bạc Má đành bỏ cuộc.
Mười năm sau khi chúng tôi ổn định cuộc sống ở xứ người thì hồ sơ bảo lãnh mới có kết quả. Má lên đường sum họp với Ba và đàn con năm 2004. Cuộc hôn nhân 60 năm của Ba Má đã mất 20 năm sống trong chia lìa vì vận mệnh của đất nước.

Năm nay Má tôi đã 85 nhưng còn khỏe và minh mẫn so với những bà mẹ cùng tuổi. Má ăn uống rất kỹ càng, siêng năng đi bộ dù trời nóng hay lạnh. Vậy mà vẫn không tránh khỏi những căn bệnh của người già nhất là bệnh chướng, trái nết. Lắm khi đã làm cho những đứa con không còn trẻ lứa tuổi chúng tôi cảm thấy thật căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn luôn hết lòng lo cho Má. Mong sao cho Má tôi luôn minh mẫn, vui vẻ, khỏe mạnh bên các con các cháu, như thi sĩ, nhà văn Trần Trung Ðạo đã viết nên những câu thơ làm xúc động lòng người khi nhớ về mẹ:
“Ví mà tôi đổi thời gian được, đổi cả thiên thu, tiếng mẹ cười…”
Khoa học không thể chứng minh được nhiều chuyện, như không giải thích được vì sao những lời cầu xin của Má đều trở thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng lời cầu nguyện của Má chắc chắn phải có một sức mạnh siêu nhiên. Nếu có thể chứng minh được sức mạnh ấy, chắc má tôi sẽ vô cùng xứng đáng để nhận được giải Nobel khoa học, Nobel hòa bình, Nobel… tùm lum, tà la nào đó. Nhưng tôi biết má tôi không ham, Má tôi, với bao lần cầu nguyện, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu nước mắt từ quê hương cũ cho tới quê hương mới là đất Mỹ ngày nay, với tôi, còn cao cả hơn bất cứ giải Nobel nào.
Bởi tất cả công trình cầu nguyện hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ của Má tôi, đều dành cho các con của mình, như dòng nước mắt cứ chảy xuống.
NDAT